Yeats – The Words upon the Window Pane

Một phòng nhà trọ, ghế bành, trước mặt đặt cái bàn nhỏ, ghế đẩu xếp hai bên. Lò sưởi, cửa sổ. Ấm nước trên bếp, mấy món đồ trà trên bàn nước. Đằng sau, lui về bên phải có một cái cửa. Đằng sau cửa nhìn thấy được sảnh vào. Tiếng gõ cửa. Miss Mackenna đi qua cửa, trở vào, dẫn theo John Corbet, một chàng trai độ 22-23 tuổi, và bác sĩ Trench, một người đàn ông quãng hơn 60.

BÁC SĨ TRENCH (đứng trong sảnh) Xin phép giới thiệu với cô ông John Corbet, thuộc gia đình Corbet ở Ballymoney, tuy hiện tại là một sinh viên Cambridge. Đây là Miss Mackenna, người thư ký rất nhiệt tình của chúng tôi. (Họ đi vào phòng, cùng cởi áo khoác.)

MISS MACKENNA  Tôi nghĩ tốt hơn hết là tự dẫn các ông vào. Đất nước này vẫn còn khá tăm tối trung cổ, coi thông linh học là một chủ đề đưa chuyện đàm tiếu không xứng đáng tí nào. Đưa tôi áo khoác và mũ các ông, tôi sẽ cất trong phòng tôi. Chỉ ở ngay bên kia sảnh thôi. Các ông ngồi xuống đi, chắc đồng hồ các ông chạy nhanh đấy. Bà Henderson đang nằm nghỉ, bao giờ trước khi áp vong bà cũng nằm thế. Phải đợi mười phút nữa mới bắt đầu cơ. (Cô mang áo và mũ đi ra)

BÁC SĨ TRENCH  Miss Mackenna là người làm mọi công việc thực tế của Hiệp hội Thông linh học Dublin. Một mình cô trao đổi thư từ với bà Henderson và thuyết phục bà chủ nhà dành quyền sử dụng cái phòng lớn này với một phòng nhỏ trên gác. Hội chúng tôi nghèo lắm, chẳng hẹn trước được cái gì sất. Bà Henderson đã tự mình lo đi lại từ London đến đây. Bà ấy sinh ra ở Dublin, muốn quảng bá phong trào về đây. Bà ấy sống tằn tiện lắm, cũng chẳng đòi gì nhiều. Chúng tôi đều cho đi trong phạm vi mình có. Một người đàn bà nghèo nhưng lại có tâm hồn giáo sĩ đấy.

JOHN CORBET  Có tổ chức áp vong nhiều chưa?

BÁC SĨ TRENCH  Cho đến giờ thì mới ba buổi.

JOHN CORBET  Tôi hy vọng bà ta không bực vì tính hoài nghi của tôi. Tôi đã ngó qua cuốn “Nhân cách con người” của Myers và một cuốn khá rồ dại của Conan Doyle, nhưng chẳng thấy thuyết phục.

BÁC SĨ TRENCH  Tất cả chúng ta đều phải tự tìm lấy chân lý cho mình. Lord Dunraven, thời ấy còn là Lord Adare, đã giới thiệu cha tôi với David Home danh tiếng. Cha tôi vẫn thường kể đã nhìn thấy David Home lơ lửng giữa trời giữa ban ngày ban mặt, nhưng tôi chẳng tin lấy một mảy. Tôi phải tự mình bỏ công điều tra, mà tôi là kẻ rất khó thuyết phục. Một bà đồng nhập thần Mỹ là bà Piper, tương tự như bà Henderson này, đã thuyết phục tôi.

JOHN CORBET  Rơi vào trạng thái như mộng du và có tiếng nói thoát ra từ miệng bà ta được coi là giọng nói của người chết?

BÁC SĨ TRENCH  Chính thế: đấy là hình thức lên đồng tốt nhất nếu anh muốn xác định nhân thân của vong. Nhưng đừng có mong đợi nhiều quá. Ở đây có một nguồn ảnh hưởng thù địch.

JOHN CORBET  Ý ông là một linh hồn ác?

BÁC SĨ TRENCH  Thi sĩ Blake nói rằng ông chưa từng gặp người xấu nào lại không chứa trong mình nét nào đó cực tốt. Tôi nói là một nguồn ảnh hưởng thù địch, một nguồn ảnh hưởng đã gây rối rất nặng nề trong lần áp vong mới đây. Tôi không thể kể với anh có chuyện gì được, vì tôi chưa từng dự buổi áp vong nào của bà Henderson. Lên đồng nhập thần chẳng còn gì mới mẻ để tôi chứng kiến. Tôi nói với các bạn trẻ bầu tôi làm chủ tịch hội là chắc tôi sẽ ở nhà, tôi đọc Emanuel Swedenborg còn rút ra được nhiều hơn bất kỳ buổi lên đồng nào. (Tiếng gõ cửa) Đấy chắc là ông già Cornelius Patterson đấy, ông ta nghĩ ở thế giới bên kia người ta cũng đua ngựa đua chó, người ta kể với tôi, ông ta lo lắng muốn biết là đúng hay không tới mức lần nào cũng đến đúng giờ. Miss Mackenna sẽ giữ chân ông ta vài phút. Ông ta mách nước cho cô về sân Harold’s Cross.

(Miss Mackenna đi ngang sân khấu đến cửa tiền sảnh, mở cửa cho Cornelius Patterson. Cô đưa ông về phòng mình bên kia sảnh.)

JOHN CORBET  (đi vơ vẩn xung quanh) Phòng này quá đẹp so với các nhà trọ thông thường.

BÁC SĨ TRENCH  Đây từng là dinh thự riêng cho đến khoảng năm mươi năm trước. Hồi ấy không gần thị trấn đến như bây giờ, lại còn nhiều chuồng ngựa lớn ở đằng sau. Khá nhiều danh sĩ đã từng sống ở đây. Grattan sinh ra ở trên gác đấy, không, không phải là Grattan, Curran thì phải – tôi quên mất – nhưng tôi biết chắc là nhà này hồi đầu thế kỷ 18 thuộc về vài người bạn của Jonathan Swift, hay đúng hơn là bạn Stella. Swift có quở trách nàng trong Nhật ký viết cho Stella chuyện vài món tiền nhỏ đã thua bài có khi trong chính phòng này đây. Đấy là trước khi Vanessa bước lên sân khấu. Hồi đó đây là một nhà nghỉ thôn quê xung quanh toàn cây và vườn tược. Ai đó đã khắc vài dòng trong một bài thơ của nàng lên bậu cửa sổ – giai thoại thì kể chính là Stella đấy. (Tiếng gõ cửa) Đây rồi nhưng tối thế này thì khó mà đọc cho ra. (Họ đứng trong ô cửa sổ. Corbet cúi xuống nhìn rõ hơn. Miss Mackenna và Abraham Johnson vào, đứng gần cửa.)

ABRAHAM JOHNSON  Bà Henderson đâu rồi?

MISS MACKENNA  Bà ở trên gác, lúc nào bà cũng nghỉ trước khi bắt đầu.

ABRAHAM JOHNSON  Tôi phải gặp bà ấy trước lúc bắt đầu. Tôi biết chắc phải làm sao đuổi cổ cái nguồn ảnh hưởng ác họa này đi rồi.

MISS MACKENNA  Ông mà lên gặp bà thì chẳng có buổi nào hết đâu. Bà nói chỉ cần nghĩ đến ảnh hưởng ác đã là nguy hiểm, huống chi là đem nói chuyện đó.

ABRAHAM JOHNSON  Thế thì tôi cần nói chuyện với chủ tịch.

MIS MACKENNA  Tốt hơn hết là bàn cho xong chuyện trong phòng tôi trước. Bà Henderson nói cần phải tuyệt đối hòa hợp.

ABRAHAM JOHNSON  Phải làm gì chứ. Buổi cầu hồn vừa rồi đúng là hỏng cả. (Tiếng gõ cửa)

MISS MACKENNA  Có lẽ là bà Mallet đấy, đấy là một người áp vong rất dày dặn kinh nghiệm. Đến phòng tôi đi, ông già Patterson với vài người nữa đã ở đấy rồi. (Cô đưa ông ta sang phòng bên kia và lát sau đi ngang tới cửa để đưa bà Mallet vào).

JOHN CORBET  Tôi biết rõ mấy câu này – đấy là trong bài thơ Stella viết nhân sinh nhật thứ năm tư của Swift. Chỉ có ba bài thơ của bà – với vài câu bà thêm vào một bài của Swift – là còn lại với chúng ta, nhưng cũng đủ để chứng minh bà có tài thơ hơn Swift. Ngay mấy chữ trên cửa sổ này cũng khiến tôi nghĩ đến một nhà thơ thế kỷ mười bảy, hoặc là Donne hoặc là Crashaw. (Anh đọc)

Người dạy tôi kéo dài xuân sắc
Bằng biện phân cái đúng cái sai
Dốc quả tim làm nguồn tiếp sức
Bơm ánh nồng lên mắt mờ phai

Thật lạ làm sao là một học giả kiêng sắc dục, tuổi đời đã cao, lại thu hút được tình yêu của hai người đàn bà như thế. Ông gặp Vanessa ở London giữa đỉnh cao sự nghiệp chính trị của ông. Bà theo ông về Dublin. Bà đã yêu ông chín năm, có thể còn chết vì tình yêu; nhưng Stella yêu ông suốt đời.

BÁC SĨ TRENCH  Tôi đã chỉ dòng chữ này cho vài người mà anh là người đầu tiên nhận ra các câu thơ.

JOHN CORBET  Tôi đang viết bài luận về Swift và Stella lấy bằng đốc tờ ở Cambridge. Tôi tìm cách chứng minh rằng thời Swift là khi giới trí thức đạt đến đỉnh cao quyền lực của mình – đến những vị trí cao nhất họ có thể nắm được trong Xã hội và Nhà nước – và rằng tất cả những gì lớn lao ở Ireland và trong tính cách chúng ta, trong những tàn tích nền kiến trúc của chúng ta, có được là từ thời ấy; và rằng ta còn duy trì được con dấu ấy lâu hơn nước Anh.

BÁC SĨ TRENCH  Một cuộc đời bi kịch biết bao, Ormonde, Harley, Bolingbroke, bao nhiêu Thị thần lớn từng làm bạn của ngài, đều bị đày ải hay gục ngã.

JOHN CORBET  Tôi không nghĩ là có thể giải thích ông bằng cách đó – bi kịch của ông có cơ sở sâu xa hơn nhiều. Trật tự lý tưởng của ông là Nguyên lão viện La Mã, con người lý tưởng của ông là Brutus và Cato; một trật tự như thế và những con người như thế lần nữa lại hình như có thể thành hiện thực trên mặt đất; nhưng phong trào qua đi và ông nhìn thấy cảnh hoang tàn sắp tới, chế độ dân chủ, Rousseau, cách mạng Pháp, chính vì thế mà ông ghét lớp người phàm tục, – “Tôi ghét luật sư, tôi ghét bác sĩ,” ông nói thế, “mặc dù tôi yêu Bác sĩ A và Thẩm phán B,” – đấy là lý do ông viết cuốn Gulliver, đấy là lý do ông hành nát bộ óc mình, đấy là lý do ông cảm thấy saevo indignatio, đấy là lý do ông nằm ngủ dưới tấm bia mộ vĩ đại nhất lịch sử. Ông có nhớ tấm bia ấy không? Nói bằng tiếng Anh còn gần như hay hơn tiếng La tinh: “Ông đã đi về chốn nỗi công phẫn bạo tàn chẳng thể đâm toạc trái tim thêm nữa.”

(Abraham Johnson đi vào, theo sau là bà Mallet và Cornelius Patterson.)

ABRAHAM JOHNSON  Phải làm gì đi chứ, bác sĩ Trench à, phải đuổi cái nguồn ảnh hưởng đã phá hoại mấy buổi áp vong của chúng ta đi. Tuần nào tôi cũng đi đến đây, tốn kém ghê gớm. Tôi đi từ tận Belfast đến. Nghề của tôi là người truyền bá Phúc Âm, tôi hao tâm tổn sức vì người nghèo và kẻ u mê. Tôi làm được kha khá chuyển biến nhờ công việc hát và truyền giảng, nhưng tôi biết là lẽ ra phải chuyển biến nhiều hơn nữa. Tôi chỉ hy vọng có cơ hội thông tiếp được với nhà truyền đạo vĩ đại là Sankey. Tôi muốn nhờ ông đứng bên tôi vô hình mỗi lần tôi nói hay hát, đặt tay lên đầu tôi truyền cho tôi một phần quyền năng của ông để công trình của tôi được phù hộ như công trình của Moody và Sankey.

BÀ MALLET  Những gì ông Johnson nói về ảnh hưởng thù địch kia khá là đúng. Hai buổi áp vong vừa rồi hoàn toàn hỏng bét. Tôi đang suy tính mở một quán trà ở Folkestone. Tôi theo bà Henderson về Dublin để hỏi ý kiến chồng tôi, nhưng có hai vong cứ nói hoài chẳng để vong khác chen vào được một tiếng.

BÁC SĨ TRENCH  Có phải hai vong đó cũng nói cùng một điều và xung đột cùng một chuyện cả hai buổi không?

BÀ MALLET  Phải – cứ như thể là họ là nhân vật trong một thứ vở kịch kinh khủng gì đó ấy.

BÁC SĨ TRENCH  Đấy chính là điều làm tôi lo ngại.

BÀ MALLET  Chồng tôi chết đuối ngoài biển đã mười năm trước nhưng vẫn thường xuyên nói chuyện với tôi qua bà Henderson như là ông còn sống. Ông khuyên bảo tôi mọi chuyện tôi làm, và tôi hoàn toàn lạc lối nếu không hỏi được ông.

CORNELIUS PATTERSON  Tôi chẳng bao giờ thích cái Thiên đàng người ta kể trong nhà thờ, nhưng khi có người bảo tôi chồng bà Mallet ăn uống dạo chơi với con chó cưng của ông thì tôi tự nhủ, “Đây đúng là chỗ cho Cornelius Patterson rồi.” Tôi đến đây để hỏi xem có thật thế không và thề với Chúa tôi chưa nghe được lấy một chữ.

ABRAHAM JOHNSON  Tôi yêu cầu ông, bác sĩ Trench ạ, với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Thông linh học Dublin, cho phép tôi đọc nghi lễ trừ tà thích hợp với những tình huống như thế này. Sau buổi áp vong vừa rồi tôi đã chép ra từ một cuốn sách cũ trong thư viện đại học Belfast. Tôi có mang theo đây. (Ông ta lấy tờ giấy khỏi túi.)

BÁC SĨ TRENCH  Hương linh cũng là người giống như ta, chúng ta coi họ là khách và bảo vệ họ khỏi thái độ vô lễ và hung bạo, còn mọi cử chỉ trừ tà đều là lời nguyền rủa hoặc đe dọa nguyền rủa. Chúng ta không thừa nhận có linh hồn ác. Một vài vong linh chưa dứt khỏi mặt đất – họ tưởng mình vẫn còn sống và diễn đi diễn lại một hành động nào đó trong những kiếp vừa qua, cũng như chúng ta nghĩ đi nghĩ lại một ý nghĩ đau lòng, chỉ có điều ở nơi họ sống thì ý nghĩ là hiện thực. Ví dụ như khi một vong đã chết thảm nhập vào bà đồng lần đầu tiên, nó phải sống lại mọi nỗi đau đớn khi chết.

BÀ MALLET  Khi chồng tôi hiện về lần đầu bà đồng sặc hơi và vùng vẫy cứ như đang chết đuối. Nhìn cảnh đó thật kinh khủng.

BÁC SĨ TRENCH  Đôi lúc vong không sống lại cơn đau khi chết mà sống lại một khoảnh khắc say đắm hay thê thảm trong đời. Swedenborg đã mô tả chuyện này và đưa ra lý do giải thích. Có một vụ như thế trong Odyssey, và rất nhiều vụ trong văn học Đông Âu; kẻ sát nhân thực hiện lại hành vi giết người, kẻ cướp lại đi cướp, người tình nhân cất lời rủ rỉ, người lính lại nghe tiếng kèn đồng. Nếu theo Công giáo tôi đã nói những vong ấy đang ở trong luyện ngục. Chúng ta hoài công viết requiescat in pace trên nấm mộ, bởi họ không thể không vật vã, và đến lượt chúng ta cũng sẽ lại đớn đau đến khi Chúa cho phép bằng an. Những vong ấy thường không đến áp vong trừ khi tổ chức trong nhà nơi họ từng sống, hay nơi sự việc diễn ra. Vong ở đây, luôn nói những lời không ai hiểu, và không trả lời chúng ta nói với nó, là thuộc loại này. Chúng ta càng kiên nhẫn thì nó càng chóng vượt qua xúc cảm và ăn năn của nó.

ABRAHAM JOHNSON  Tôi vẫn tin chắc vong đã quấy phá buổi vừa qua là vong ác. Nếu không được trừ khử nó chắc chắn tôi sẽ cầu nguyện xin bảo vệ.

BÁC SĨ TRENCH  Thần chủ của bà Henderson là Lulu rất am hiểu và từng trải, có thể bảo vệ cả bà đồng lẫn người dự, nhưng ông có thể hỗ trợ Lulu nếu cầu nguyện cho vong linh kia được yên nghỉ.

(Abraham Johnson ngồi xuống im lặng cầu nguyện, môi mấp máy. Bà Henderson vào cùng Miss Mackenna và mọi người còn lại. Miss Mackenna đóng cửa.)

BÁC SĨ TRENCH  Bà Henderson, xin phép giới thiệu với bà đây là ông Corbet, một thanh niên học ở trường Cambridge và là một kẻ hoài nghi, đến đây với hy vọng bà có thể thuyết phục được mình.

BÀ HENDERSON  Chúng ta một thời đều là những kẻ hoài nghi. Ông ta không nên trông đợi quá nhiều từ lần đầu tiên tham dự áp vong. Ông ta cần bền chí. (Bà ngồi vào ghế bành, những người kia lần lượt ngồi xuống. Miss Mackenna đến chỗ John Corbet, cả hai vẫn đứng.)

MISS MACKENNA  Tôi mừng là ông lại hoài nghi.

JOHN CORBET  Tôi tưởng cô cũng theo thuyết thông linh.

MISS MACKENNA  Tôi đã chứng kiến khá nhiều buổi áp vong và đôi lúc tôi nghĩ tất cả chỉ là trùng hợp và chuyển dịch ý nghĩ. (Cô nói thấp giọng.) Rồi đến lúc khác tôi lại nghĩ như bác sĩ Trench, và rồi tôi cảm thấy như Job thấy – ông biết câu ấy đấy – tóc trên đầu tôi dựng lên. Một linh hồn vừa đi qua trước mặt.

BÀ MALLET  Vặn chìa đi, bác sĩ Trench, chúng ta không muốn có ai lại đâm nhầm vào đây. (Bác sĩ Trench khóa cửa) Lại đây ngồi, Miss Mackenna.

MISS MACKENNA  Không, tôi sẽ ngồi cạnh ông Corbet. (Corbet và Miss Mackenna ngồi xuống.)

JOHN CORBET  Hôm nay cô có cảm thấy như Job không?

MISS MACKENNA  Tôi cảm thấy sẽ có chuyện gì đó xảy ra, chính vì thế tôi mừng vì ông hoài nghi.

JOHN CORBET  Cô thấy an toàn hơn à?

MISS MACKENNA  Phải, an toàn hơn.

BÀ HENDERSON  Tôi rất mừng được gặp lại các bạn thân mến và đón chào ông Corbet đến với chúng ta. Vì ông là người lạ tôi phải giải thích là chúng tôi không gọi các vong về; chúng tôi chỉ tạo ra điều kiện thích hợp và họ tự đến. Tôi không biết người sẽ đến là ai; đôi khi có rất đông và linh hồn hướng đạo sẽ lựa chọn trong số họ. Hướng đạo sẽ tìm cách phái tới một người cho mỗi người nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Nếu ông muốn nói chuyện với người bạn thân nào đó đã qua đời, đừng nên nhụt chí. Nếu bạn ông không đến được lần này, rất có thể sẽ tới lần sau. Hồn chủ của tôi là một cô bé đáng yêu tên là Lulu, mất năm cô mới năm hay sáu tuổi. Cô sẽ miêu tả các vong hồn có mặt ở đây và cho ta biết vong nào muốn được nói. Miss Mackenna, xin cô cho một câu thánh ca, cũng câu chúng ta dùng lần trước ấy, và xin tất cả mọi người cùng hát theo. (Họ hát đoạn sau đây từ Sách thánh ca, 564, Đội thánh ca nhà thờ Dublin, điệu Stillorgan).

Vầng dương sáng giữa hồn con,
Người thong dong lại, đêm còn dám đây.
Cầu cho đôi mắt thịt này
Bụi trần chẳng vẩn còn say ngắm Người.

(Bà Henderson từ từ dựa vào ghế và ngủ thiếp.)

MISS MACKENNA  (với John Corbet). Bà lúc nào cũng ngáy như thế khi nhập đồng.

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Lulu vui quá vì lại gặp các bạn.

BÀ MALLET  Chúng tôi cũng rất mừng vì cô đã đến, Lulu ạ.

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Lulu vui quá vì gặp bạn mới.

MISS MACKENNA  (với John Corbet). Cô ấy nói với anh đấy.

JOHN CORBET  Cảm ơn cô Lulu.

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Ông đừng cười vì cách tôi nói đấy.

JOHN CORBET  Tôi không cười đâu, Lulu.

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Không ai được cười đấy. Lulu cố lắm nhưng không nói từ dài khó được. Lulu thấy người cao đứng kia, rất nhiều râu trên mặt (bà Henderson vuốt tay qua má và cằm), không nhiều trên đầu (bà Henderson vuốt tay qua đỉnh đầu), cà vạt đỏ với cái ghim buồn cười quá.

BÀ MALLET  Phải… phải…

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Ghim hình móng ngựa.

BÀ MALLET  Chồng tôi đấy.

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Ông ấy có lời nhắn.

BÀ MALLET  Vâng.

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Lulu không nghe được. Ông ấy xa quá. Ông ấy gần rồi. Lulu nghe được rồi. Ông ấy nói… nói… “Đuổi người kia đi!” Ông ấy chỉ vào ai đấy ở góc, ở góc đằng kia kìa. Ông ấy nói đấy là người xấu làm hỏng mọi chuyện lần trước. Nếu người ta không đuổi ông ta đi, Lulu sẽ hét lên.

MISS MACKENNA  Lại cái vong hồn đáng sợ ấy.

ABARAHAM JOHNSON  Lần trước hắn ta độc chiếm buổi áp vong.

BÀ MALLET  Hắn ta chẳng cho ai nói được ngoài hắn.

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Người ta đuổi ông người xấu đi rồi. Lulu thấy một tiểu thư trẻ.

BÀ MALLET  Chồng tôi không ở đây à?

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Ông có ghim buồn cười đi rồi. Tiểu thư ở đây – Lulu nghĩ cô ấy đi dự tiệc giả trang, ăn mặc buồn cười ghê, tóc xoăn tít lên – cúi gập người trên sàn gần ông già có kính.

BÁC SĨ TRENCH  Không, tôi không nhận ra cô ta.

BÀ HENDERSON  (giọng trẻ con). Ông người xấu kia, ông người xấu già ở trong góc kia, người ta để ông ta quay lại rồi. Lulu sắp hét đây. Ô… Ô… (giọng đàn ông) Sao cô dám viết cho cô ấy? Sao cô dám hỏi chúng tôi đã kết hôn chưa? Sao cô dám chất vấn cô ấy?

BÁC SĨ TRENCH  Một linh hồn tức tưởi – nó chẳng thấy cũng chẳng nghe được ta đâu.

BÀ HENDERSON  (thẳng người, cứng đơ, chỉ có môi cử động, vẫn nói giọng đàn ông). Cô ngồi gập người ở đó. Cô không nghe tôi nói gì ư? Làm sao cô dám chất vấn cô ấy? Tôi bắt được cô còn là một cô gái nhỏ ngu dốt không chút trí tuệ, không chút tham vọng đạo đức. Bao nhiêu lần tôi đã tránh khỏi nhà những đại nhân, bao nhiêu lần gạt bỏ Quan Nội Thị, bao nhiêu lần lơ là công việc Quốc gia để chúng ta có thể cùng nhau đọc Plutarch.

(Abraham Johnson hơi nhổm lên. Bác sĩ Trench ra hiệu cho ông ta ngồi lại.)

BÁC SĨ TRENCH  Trật tự.

ABRAHAM JOHNSON  Nhưng bác sĩ Trench ạ.

BÁC SĨ TRENCH  Yên lặng nào – chúng ta chẳng làm gì được đâu.

BÀ HENDERSON  (vẫn tiếp tục như thế). Tôi đã dạy cô suy nghĩ trong mọi tình huống trong cuộc sống không phải như Hester Vanhomrigh suy nghĩ trong tình huống đó mà như Cato hay Brutus, và bây giờ thì cô cư xử như một ả nhăng nhố thường tình áp tai vào lỗ khóa.

JOHN CORBET  (với Miss Mackenna). Đấy là Swift, Jonathan Swift, nói với cô gái mà ông gọi là Vanessa. Tên rửa tội của cô là Hester Vanhomrigh.

BÀ HENDERSON  (giọng Vanessa). Tôi đã hỏi cô ta, Jonathan ạ, bởi tôi yêu. Tại sao ông lại để tôi ngồi hàng giờ bên ông nếu không muốn tôi yêu ông?  (Giọng Swift). Khi dựng lại thành La Mã trong trí cô, tôi như thể đã được bước trên những con phố đó. (Giọng Vanessa). Tất cả chỉ vậy thôi ư Jonathan? Tôi chẳng là gì ngoài tấm toan thợ vẽ? (Giọng Swift). Trời đất, cô nghĩ là dễ dàng lắm sao? Tôi là một người có xúc cảm mãnh liệt mà tôi đã thề không bao giờ kết hôn. (Giọng Vanessa) Nếu ông và cô ta không phải vợ chồng, tại sao chúng ta không thể lấy nhau như mọi đàn ông đàn bà khác? Tôi đã yêu ông từ giây phút đầu tiên ông bước vào nhà mẹ và bắt đầu dạy dỗ tôi. Tôi nghĩ chỉ cần nhìn lên ông, chỉ nói với ông, nghe tiếng ông nói là đã đủ. Tôi theo ông tới Ireland năm năm về trước và tôi không chịu đựng thêm được nữa. Chỉ nhìn, chỉ nói, chỉ nghe thôi thì không đủ. Jonathan, Jonathan, tôi là một người đàn bà, những đàn bà Brutus và Cato đã yêu cũng không có gì khác cả. (Giọng Swift). Tôi mang trong dòng máu mình một thứ không đứa trẻ nào đáng phải kế thừa. Tôi thường xuyên lên cơn chóng mặt; tôi vờ như đấy là vì ăn quá nhiều hoa quả thời còn bé. Tôi đã bị ở London – có một bác sĩ kỳ tài ở đó, là bác sĩ Arbuthnot, tôi đã kể những cơn choáng váng ấy, tôi đã kể cho ông những điều còn tệ hơn. Chính là ông đã giải thích – có một câu của Dryden… (Giọng Vanessa). Ồ tôi biết – “Trí tuệ thiên tài chắc điên dại gần bên”. Nếu ông sinh con, Jonathan ạ, dòng máu tôi sẽ cho chúng khỏe mạnh. Tôi sẽ nắm tay ông, tôi sẽ đặt nó lên tim tôi – lên dòng máu nhà Vanhomrigh đã khỏe mạnh qua nhiều thế hệ. (Bà Henderson chầm chậm giơ tay trái lên). Đây là lần đầu tiên ông từng chạm vào người tôi, Jonathan. (Bà Henderson đứng lên vẫn cứng đờ. Giọng Swift). Tôi nào quan tâm gì nếu máu đó khỏe mạnh? Tôi nào quan tâm gì nếu nó giúp máu tôi khỏe mạnh? Chẳng lẽ tôi phải bồi thêm dòng giống bất lương lừa đảo khỏe mạnh toàn thế giới? (Giọng Vanessa). Nhìn tôi đây, Jonathan. Trí tuệ ngạo mạn của ông đã chia cắt chúng ta. Đưa tôi cả hai tay ông đây. Tôi sẽ đặt chúng lên ngực tôi. (Bà Henderson đưa tay phải lên ngang tay trái rồi đặt cả hai lên ngực bà.) Ôi nó trắng ngần biết mấy – trắng như viên xúc xắc của tay đổ bác – xúc xắc ngà màu trắng. Hãy nghĩ về những chuyện khó lường. Có thể là một đứa con điên dại – có thể là một kẻ bất lương – có thể là một tay lừa đảo – cũng có thể không, Jonathan. Viên xúc xắc của kẻ trí thức đã được đánh dấu, nhưng còn tôi chỉ là viên xúc xắc ngà tầm thường. (Hai tay bà đưa ra như thể kéo ai đó lại gần.) Không phải tay tôi kéo được ông về. Tay tôi yếu lắm, chẳng thể kéo được ông về nếu ông không yêu đến như tôi yêu. Ông nói ông là người xúc cảm mãnh liệt; quả vậy, Jonathan ạ – chẳng ai trong xứ Ireland lại mãnh liệt như ông. Chính vì thế mà ông cần tôi, chính vì thế ông cần con cái, chẳng ai lại cần hơn ông. Ông đang già đi rồi. Một người đàn ông già không con cái đơn độc lắm. Ngay cả bạn bè ông ta, những đàn ông già ngang ông ta cũng ngoảnh đi, họ ngoảnh về lứa trẻ, con cái họ hay con cái của con cái họ. Họ chẳng đời nào chịu nổi một ông già như mình. (Bà Henderson đi ra khỏi ghế, các cử động càng lúc càng giật cục hơn.) Ông vẫn chưa già không thể gieo xúc xắc, Jonathan ạ, nhưng nếu ông quay đi chỉ vài năm nữa sẽ biến ông thành một lão già không con khốn khổ. (Giọng Swift). Ôi Chúa hãy nghe lời khấn nguyện của Jonathan Swift, kẻ ốm yếu này, khiến cho hắn chẳng để lại gì cho hậu thế ngoài trí tuệ đã được chính Trời ban. (Giọng Vanessa). Trí tuệ ấy có thể giúp ông đối mặt với nỗi cô đơn không, Jonathan? (Bà Henderson đi lại cửa, phát hiện ra cửa khóa.) Xúc xắc, xúc xắc ngà màu trắng. (Giọng Swift). Chúa ơi, tôi bị bỏ lại đây với kẻ thù tôi. Ai khóa cửa, ai khóa cửa nhốt tôi với kẻ thù tôi? (Bà Henderson đập vào cửa, sụp xuống sàn rồi nói bằng giọng Lulu). Ông người xấu già. Đừng để ông ta quay lại. Ông người xấu già không biết ông ta chết rồi. Lulu không tìm được cha, không tìm được mẹ, không tìm được con đã mất. Quyền năng gần hết rồi. (Bà Mallet dẫn bà Henderson có vẻ kiệt sức về lại ghế. Bà vẫn đang ngủ. Bà lại nói bằng giọng Lulu). Một câu thánh ca nữa. Mọi người cùng hát. Thánh ca giúp ảnh hưởng tốt. (Họ hát).

Chẳng may đứa bé lạc đường
Hôm nay gạt bỏ ơn thiêng giọng Người,
Chúa tôi, hãy động máy trời,
Vớt con khỏi tội đời đời nhuốc nhơ.

(Giữa bà ca bà Henderson có lẩm bẩm “Stella” nhưng giọng hát gần như át hết giọng bà. Những người đang hát lưu ý nhau bà đang nói. Tiếng hát dừng lại.)

BÁC SĨ TRENCH  Tôi nghĩ bà ấy vừa nói.

BÀ MALLET  Tôi thấy môi bà chuyển động.

BÁC SĨ TRENCH  Có đệm ngồi thì bà sẽ thoải mái hơn nhưng chúng ta sẽ đánh thức bà mất.

BÀ MALLET  Chẳng có gì đánh thức nổi bà khỏi cơn nhập đồng đâu trừ khi bà tự thức dậy. (Bà mang đệm đến và cùng bác sĩ Trench xếp bà Henderson vào thế ngồi dễ chịu hơn.)

BÀ HENDERSON  (giọng Swift). Stella.

MISS MACKENNA  (với John Corbet). Ông nghe thấy không? Bà ấy vừa nói Stella.

JOHN CORBET  Vanessa đi rồi, Stella đã thế vào đó.

MISS MACKENNA  Ông có nhận thấy thay đổi giữa lúc ta hát không? Có một nguồn ảnh hưởng mới trong phòng?

JOHN CORBET  Tôi nghĩ là có, nhưng chắc hẳn là tưởng tượng.

BÀ MALLET  Suỵt!

BÀ HENDERSON  (giọng Swift). Tôi đã phạm lỗi với em ư, Stella yêu dấu? Em buồn khổ ư? Em không có con, không có tình nhân, em chẳng có chồng. Một lão đang già gắt gỏng làm bạn – chỉ có thế. Nhưng không, đừng trả lời – em đã trả lời trong bài thơ em viết cho sinh nhật tôi vừa qua rồi. Em đã khinh bỉ đến chừng nào khi viết về phận số thông thường của đàn bà “chẳng điểm trang ngoài tấm má hồng—

Gái ba chục ôm thân cô quạnh
Hoặc phòng khuê để lạnh rẫy ruồng.”

Đấy là ý nghĩ của thánh Chrysostom vĩ đại đã viết trong đoạn văn nổi danh rằng đàn bà nào được yêu vì linh hồn, được yêu như chỉ các thánh biết yêu, sẽ giữ được nhan sắc dài lâu, nhận được hạnh phúc đầy đặn hơn những đàn bà được yêu vì xác thịt. Ý nghĩ ấy đã an ủi tôi, nhưng thật kinh khủng biết mấy phải đảm trách hạnh phúc của một kẻ khác. Có những giờ khắc tôi nghi hoặc, tôi nghĩ rằng Chrysostom có thể đã lầm. Nhưng giờ tôi có bài thơ của em để xua tan ngờ vực. Em đã nói với tôi những lời cao quý này:

“Người dạy tôi kéo dài xuân sắc
Bằng biện phân cái đúng cái sai
Dốc quả tim làm nguồn tiếp sức
Bơm ánh nồng lên mắt mờ phai
Mái điểm bạc ấp ôm trí huệ
So đầu xanh càng đẹp muôn phần
Đức hạnh giấu trong lòng tươi đẹp
Sưởi làn da sức sống tràn căng.”

JOHN CORBET  Những chữ trên bậu cửa.

BÀ HENDERSON  (giọng Swift). Thế rồi, bởi em hiểu tôi sợ nỗi cô độc, sợ phải sống lâu hơn các bạn tôi – và bản thân tôi – em đã an ủi tôi trong khổ thơ cuối ấy – em quá lời ca tụng đức hạnh của tôi khi ví nó với tấm áo choàng lộng lẫy, nhưng ôi, những lời miêu tả tình yêu của em mới cảm động làm sao:

Xin rủ vạt áo choàng lộng lẫy
Quanh đầu tôi, mai hậu lìa trần
Cho tôi trụ vững trong sầu khổ
Trọn một ngày, rồi sẽ theo chân.

Phải, em sẽ khép mắt tôi, Stella ạ, nhưng em sẽ còn sống lâu khi tôi mất, Stella yêu quý, bởi em vẫn còn là một thiếu phụ trẻ trung, nhưng em sẽ khép mắt tôi. (Bà Henderson ngồi thụp lại vào ghế nói bằng giọng Lulu). Ông người xấu già đi rồi. Quyền năng dùng hết rồi. Lulu không làm gì được nữa. Tạm biệt các bạn. (Bà Henderson nói bằng giọng mình). Đi đi, đi ngay! (Bà thức dậy). Tôi vừa thấy ông ta một phút trước, ông ta lại phá hỏng buổi áp nữa à?

BÀ MALLET  Phải, bà Henderson ạ, chồng tôi đã đến, nhưng rồi bị đuổi đi.

BÁC SĨ TRENCH  Bà Henderson mệt lắm rồi. Chúng ta phải để bà đi nghỉ. (Với bà Henderson) Bà đã làm hết sức và chẳng ai có thể làm hơn. (Ông lấy tiền ra)

BÀ HENDERSON  Không… Không… Tôi không thể lấy tiền được sau một buổi áp vong như thế này.

BÁC SĨ TRENCH  Tất nhiên là bà phải cầm chứ, bà Henderson. (Ông đặt tiền lên bàn và bà Henderson lén liếc nhìn xem là bao nhiêu. Bà cũng làm thế khi mỗi người dự lần lượt đặt tiền.)

BÀ MALLET  Một buổi áp vong hỏng cũng vẫn tốn sức như một buổi thành công, và bà cần được nhận thù lao.

BÀ HENDERSON  Không… Không đâu… Xin đừng. Nhận tiền cho thất bại như thế là sai trái lắm. (Bà Mallet đặt tiền)

CORNELIUS PATTERSON  Nài ngựa vẫn được trả tiền dù thắng hay thua. (Ông ta đặt tiền)

MISS MACKKENNA  Vong linh ấy làm tôi mê là khác. (Cô đặt tiền)

BÀ HENDERSON  Nếu các vị nài nỉ thì tôi xin nhận vậy.

ABRAHAM JOHNSON  Tôi sẽ cầu nguyện cho bà đêm nay. Tôi sẽ xin Chúa phù hộ và bảo vệ các buổi áp vong của bà. (Ông ta đặt tiền. Tất cả ra trừ John Corbet và bà Henderson)

JOHN CORBET  Tôi biết là bà mệt rồi, bà Henderson ạ, nhưng tôi vẫn phải nói với bà. Tôi đã xúc động sâu sắc trước những gì tôi nghe được. Đây là phần đóng góp của tôi, để tỏ ra tôi rất hài lòng, hết sức hài lòng. (Anh đặt một tờ bạc xuống bàn)

BÀ HENDERSON  Một đồng bảng – chưa bao giờ có ai cho tôi hơn mười shilling, ấy thế mà buổi áp vong thất bại.

JOHN CORBET  (ngồi xuống gần bà Henderson). Khi tôi nói hài lòng ý tôi không phải là tôi đã tin tưởng đây là thể hiện của các vong hồn. Tôi muốn tin bà đã tự mình tạo dựng tất cả, bà là một diễn viên tài ba cũng như một học giả chín chắn. Trong bài luận viết cho trường Cambridge tôi có xét lại tất cả các lối giải thích các nhà tiểu sử từng đưa ra về cuộc sống trinh bạch của ông và chứng minh cách bà lựa chọn là cách duy nhất khả thể. Nhưng có một điều tôi phải hỏi bà. Swift là đại biểu chính của trí tuệ thời đại ông, rốt cuộc đã giải phóng khỏi dị đoan. Ông nhìn thấy trước sự sụp đổ. Ông nhìn thấy nền dân chủ đang đến, ông chắc phải khiếp sợ cái tương lai đó. Có phải ông không chấp nhận kéo dài dòng dõi là vì nỗi sợ ấy không? Có phải Swift mắc chứng điên? Hay chứng điên ấy là của tự thân trí tuệ?

BÀ HENDERSON   Ông đang nói tới ai vậy, thưa ông?

JOHN CORBET  Swift, tất nhiên.

BÀ HENDERSON  Swift? Tôi không biết ai tên là Swift.

JOHN CORBET  Jonathan Swift mà hồn ông dường như đã ở đây đêm nay.

BÀ HENDERSON  Cái gì? Lão già bẩn thỉu ấy ư?

JOHN CORBET  Ông chẳng già cũng không bẩn thỉu cái ngày Stella và Vanessa yêu ông.

BÀ HENDERSON  Tôi nhìn thấy ông ta rất rõ ngay lúc tỉnh dậy. Quần áo ông ta nhơ nhớp, mặt đầy mụn nhọt. Không biết tật bệnh gì làm một mắt ông ta sưng phồng lên, trồi hẳn lên trên mặt y như quả trứng gà.

JOHN CORBET  Ông chỉ trông như thế lúc về già. Lúc ấy Stella đã chết lâu lắm rồi. Đầu óc ông đã điên dại, bạn bè đã bỏ rơi ông cả. Cái kẻ được phân chăm sóc đã đánh ông để ông yên lặng.

BÀ HENDERSON  Lúc thì họ già, lúc thì họ trẻ. Họ thay đổi trong nháy mắt khi ý nghĩ của họ đổi thay. Đôi khi ra ngoài thân xác thật là một điều khủng khiếp, lạy Chúa phù hộ.

BÁC SĨ TRENCH  (bên cửa). Đi thôi Corbet. Bà Henderson mệt lắm rồi.

JOHN CORBET  Tạm biệt bà, bà Henderson. (Anh đi ra cùng bác sĩ Trench. Mọi người dự lễ ngoại trừ Miss Mackenna đã trở về phòng, đi ngang lối đi trên đường ra cửa. Bà Henderson đếm tiền, tìm cái ví để trong lọ hoa trên kệ lò sưởi và bỏ tiền vào ví.)

BÀ HENDERSON  Mệt bã cả người! Được ngụm trà thì quý hóa quá. (Bà tìm ấm trà và đặt lửa đun nước, rồi đang ngồi xuống cạnh bếp thì đột ngột đưa hai tay lên đếm những ngón tay, nói bằng giọng Swift). Năm Thị thần lớn là bạn ta đã qua đời, mười Thị thần lớn là bạn ta đã qua đời. Ta không còn đủ ngón tay mà đếm các thị thần lớn là bạn ta đã qua đời.  (Bà giật mình tỉnh dậy nói bằng giọng mình). Mình để hộp trà đâu rồi nhỉ? À! kia rồi. Chén và đĩa nữa là xong. (Bà tìm thấy đĩa). Thế còn chén đâu? (Bà đi lững thững quanh sân khấu, rồi buông rơi cái đĩa vỡ tan, nói bằng giọng Swift). Trời rủa cái ngày ta sinh ra.


Source: William Butler Yeats, The Words Upon the Window Pane: A Play in One Act, with Notes upon the Play and its Subject, by William Butler Yeats, The Cuala Press, Dublin 1934. Reprinted by the Irish University Press, 1970.

Tags :