Kế hoạch mười bốn ngày lần thứ hai

Tôi là một kẻ mắc bệnh tưởng hơi bị nặng.

Nói vậy không có nghĩa là tôi nghĩ mình là dịch giả số một Việt Nam số hai thế giới chỉ đứng sau Thiên Lương, cũng không có nghĩa là tôi phủi tai trước mọi lời phê bình coi như haters gonna hate hate hate; nếu được vậy, than ôi, đời đã dễ sống hơn rất nhiều. Nói vậy chỉ có nghĩa là tôi có thể đồng cảm quá sức với Woody Allen khi ông tường thuật lại “cái lần tôi [Allen] thức giấc lúc 3 giờ sáng, phát hiện trên cổ một cái nốt mà tôi tin chắc là có đầy đủ dấu hiệu của ung thư da… Ngồi ở phòng cấp cứu vào cái giờ ma hờn quỷ khóc ấy trong lúc vợ bên cạnh cố trấn an, tôi đang lần lần đi qua năm giai đoạn khóc thương và chắc đã đến hoặc ‘chối bỏ’ hoặc ‘mặc cả’ thì một bác sĩ trẻ tới liếc tôi bằng con mắt có phần khinh khỉnh và hạ một câu xanh rờn: ‘Vết hôn của ông lành tính.’ ”

(Quý vị cứ cười; sống vậy khổ lắm đó.)

Như vậy cũng có nghĩa là trong mấy chục nghìn nhân dân cả nước ùa về Đà Nẵng nắng vàng biển xanh mùa hè ấy để rồi cuống cuồng chạy về trong những chuyến bay nửa đêm, tôi thuộc nhóm (chắc là) thiểu số nhìn chiếc nhiệt kế chỉ 38oC rồi ở tịt trong phòng cấm cửa cả bạn bè và tự nhủ “có khi mình đã gặp Cô”. Và trở về từ Đà Nẵng, trong khi bạn bè cùng nhóm check-in vào phòng tum, sân thượng, hoặc khăn gói đến nhà đồng đội cùng cảnh ngộ cho qua hai tuần, thì tôi theo chỉ dẫn của y tế phường phóng thẳng đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Có xếp ít quần áo và nhét mấy cuốn sách cần thiết vào máy đọc sách – tôi có đọc báo mà. Hẳn là sẽ “được” giữ lại hai ba ngày chứ ít.

Đã quá giờ làm việc, nhưng phòng tiếp nhận COVID-19 vẫn mở, chưa kịp khôi phục lại vẻ khẩn trương của những ngày tháng 4-5, nhưng vẫn có hộ lý và rồi bác sĩ tiếp tôi, phỏng vấn một lượt, lấy đủ chỉ số. Cầu được ước thấy, tôi được nhập viện: thêm một lượt phỏng vấn từ một bác sĩ mặc đồ bảo hộ trắng kín mít, ngay tối hôm đó tôi đã được trích máu, vét mũi, chụp phổi, không thiếu thứ gì. Sau một ngày rưỡi sống trong sợ hãi, trả lời tin nhắn úy lạo từ một nửa bạn bè và giả vờ như không có gì xảy ra với một nửa bạn bè còn lại, tôi được bác sĩ gọi ra khỏi phòng thông báo kết quả âm tính.

Cầu voi được Hai Bà Trưng: tôi sẽ chuyển tới bệnh viện dã chiến Củ Chi ở cho hết mười bốn ngày, xuất phát sau một tiếng nữa.

Rõ là tôi đọc báo vẫn còn chưa đủ.

(Bài full ở bên phía Zzz Review. Bài viết trong khuôn khổ số tạp chí mini Những câu chuyện cách ly, là những ghi chép của chúng tôi và bạn bè về trải nghiệm cá nhân của mình trong một năm kinh hoàng chung của đất nước và thế giới.)

“Be a buddy, not a bully” hay là chủ nghĩa ngây thơ tự nguyện

Manto, ngồi bên cửa sổ ngắm cuộc xé đôi Pakistan-Ấn, chép lại vài chuyện hay ho. Ví như ông Hồi giáo đi hôi của về mới phát hiện mình vừa lặc lè cõng bị thịt lợn. Hay là ông không rõ đạo gì lộn cổ xuống giếng khi định giấu tải đường, tổ dân phố nếm thấy ngọt liền suy tôn là thánh. Không rõ có lập thành hoàng như các ông bà trộm Việt Nam không.

Mình ngồi đọc, dịch, cười chuyện nhảm láng giềng đã lâu, cũng chưa tưởng tượng ra cái lúc ngồi bên cửa sổ, nhảy hết tab này đến tab khác ngắm cuộc lộn xộn nhà mình mà cười méo miệng như bây giờ.

Bây giờ là lúc những chuyện láng giềng, nhảm hoặc không nhảm, đều dựng lên làm cái gương. Bây giờ là lúc những lần xem thời sự bĩu môi, đọc blog rồi cười khẩy, lướt facebook ngứa miệng vài câu rồi lượn, cần chắt lọc xem cái gì giữ, cái gì quăng. Bây giờ là lúc cần quyết định làm gì với thực tế, từ những tri nhận tưởng đã sáo mòn về thực tế.

Mình, tuy nhiên, chỉ nghĩ được mỗi một điều rất ích kỷ, đấy là cái cơn bão nhân tạo rồ ga kia đừng có quét qua nhà người thân mình. Với bạn bè mình. Đừng quét qua đâu cả, là tốt nhất, nhưng nếu có quét, thì đừng quét qua nhà người thân mình.

Thực tế đấy. Continue reading ““Be a buddy, not a bully” hay là chủ nghĩa ngây thơ tự nguyện”

Cái nước Việt Nam mình nó thế

Yêu gửi Thuyền Quyên,

Hôm trước nàng có đố tớ, cái gì là cái zeitgeist ở nước Nam ta hiện tại. Tớ hỏi có phải yêu Hoàng Sa yêu Trường Sa em quyết tâm đổi avatar, nàng chau mày. Tớ hỏi có phải bài Trung Quốc sửa hết khai sinh Quyên Thảo Hùng Tuấn thành Dưa Nho Xoài Mít, nàng lắc đầu. Tớ hỏi có phải toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, nàng xòe tay phủ mặt; tớ bảo không hiểu, nàng nói về gúc gờ facepalm. Tớ về ôm gúc gờ ba ngày ba đêm, hôm nay hãnh diện báo lại với nàng kết quả điều nghiên của tớ: tinh thần phổ quát của nước Nam ta hiện nay, chính là cái câu mà nàng vẫn ghét, mà tớ đường hoàng đưa lên tít ở trên kia.

Continue reading “Cái nước Việt Nam mình nó thế”