Kazuo Ishiguro, Tàn ngày để lại (trích)

“Tôi đã yêu biết mấy cái khung cảnh từ các buồng ngủ lầu hai trông xuống thảm cỏ, xa xa là những nếp đồi. Nay có còn như vậy không? Mùa hè, các buổi chiều, khung cảnh ấy có cảm giác hầu như huyền diệu, và giờ tôi thú thực với ông rằng tôi thường bỏ phí nhiều phút quý báu đứng ngây ở cửa sổ trước cảnh tượng mê hồn này.”

Milena Busquets, Điều này rồi cũng qua (trích)

Con vẫn luôn nghĩ những ai mà nói “tao yêu mày nhiều lắm” thì thực ra yêu người kia rất ít, hoặc giả họ thêm chữ “nhiều”, mà ở đây thực ra nghĩa là “ít”, là do thẹn, hoặc do ngại chữ “yêu” quá mạnh khi đứng một mình, dù đấy là cách duy nhất đúng để nói mình yêu. Chữ “nhiều” ấy biến sự “yêu” trở thành một cảnh diễn cho thiên hạ xem, dù trong thực tế hầu như không bao giờ như vậy. Lời ngỏ tình yêu là câu thần chú có thể biến ta thành chó, thành vị chúa, thành kẻ điên, thành cái bóng vật vờ.

Donna Tartt, Con sẻ vàng (phần II chương 5 ix)

Vào giờ ra chơi buổi sáng, tôi đứng vào góc râm mát nhất còn tìm được cùng cuốn sách bìa mềm rẻ tiền và cầm bút chì đỏ vừa đọc vừa gạch chân những câu khiến trái tim tôi thấm thía nhất: “Phần lớn nhân quần sống những đời đầu hàng lặng lẽ.” “Có một nỗi tuyệt vọng đã thành khuôn mẫu nhưng không được ý thức, ẩn mình ngay trong những gì ta quen coi là trò chơi và giải trí của loài người.”

Margaret Atwood, Tay sát thủ mù (trích)

Mỗi khi ngồi một mình cô lại lấy cái phong bì nâu, lôi tấm ảnh ra từ giữa các mảnh báo cắt. Cô đặt trên mặt bàn, nhìn chăm chắm, như đang nhìn vào lòng giếng hay mặt hồ – nhìn qua đằng sau bóng mình tìm kiếm một thứ gì khác, một thứ cô đã nhỡ tay đánh rơi, ngoài tầm với nhưng vẫn còn hiển hiện, lập lòe như viên ngọc lẩn trong cát. Cô xem kỹ từng chi tiết. Mấy ngón tay anh, trắng xóa vì đèn flash hay nắng chói; nếp áo quần hai người; lá trên cây, và những quả tròn nho nhỏ đung đưa trên đó – rốt cuộc là táo hay là không? Lớp cỏ xác xơ ở tiền cảnh. Cỏ vàng úa vì mấy ngày đó trời hanh.