Elias Khoury, Cổng Mặt Trời (trích)

Cổng Mặt Trời, hay Bab al-Shams, 1998, là cuốn tiểu thuyết dài nhất trong sự nghiệp cho tới nay của Elias Khoury, tiểu thuyết gia, nhà báo, trí thức người Lebanon. Là một bản sử thi về số phận của nước Palestine, người Palestine trong nửa thập kỷ từ cuộc Nakbah năm 1948, khi xứ Palestine ngừng tồn tại, những ngôi làng Palestine biến mất trên bản đồ cũng như trên mặt đất, những ngôi nhà bỏ hoang để người Israel mới đến dọn vào, hơn tám mươi phần trăm dân số Palestine trở thành không nhà, vất vưởng trong những trại tỵ nạn đã trở thành nơi sinh ra lớn lên cho bao nhiêu thế hệ mới của họ, Cổng Mặt Trời đã nhận được nhiều lời khen trong đó có cả của Edward Said, và được ví với tác phẩm của Mahmoud Darwish, nhà thơ dân tộc Palestine.

Trong cái khung lời tâm sự của viên bác sĩ trong trại tỵ nạn với một chiến sĩ vì tự do đã thành huyền thoại, cuốn sách tích hợp 200+ “câu chuyện” kể lại bởi 40+ trong tổng số 220+ nhân vật được nêu tên, giống như một cuốn Nghìn lẻ một đêm thời hiện đại. Những câu chuyện xảy ra từ thập niên 1920 đến tận thời hiện tại trong tác phẩm ấy vừa cộng hưởng vừa mâu thuẫn, dệt lại thành một lời chứng chung, một bản sử truyền miệng của một dân tộc chưa hề có sử và thậm chí chưa được công nhận rộng rãi là dân tộc, chỉ có thể gìn giữ ký ức của mình bằng con đường truyền miệng ở những nơi rất xa quê hương tuyệt không còn có thể quay về. Nhưng những câu chuyện ấy, khi ở trại tỵ nạn nghèo và khổ, khi ở hang núi du kích, khi đấu tranh trên trường quốc tế, khi trở về làng cũ gặp những người Israel mới và giật mình nhận ra, “kẻ thù” của mình cũng mang một khuôn mặt con người, không đơn thuần khát máu hay kể khổ; giữa những câu chuyện ấy là những suy tư phức tạp thế nào là ký ức, thế nào là di sản, thế nào là dân tộc, và làm sao để hận thù và chiến đấu trong khi ta vẫn phải sống và yêu.

Tác giả Elias Khoury đã từng tham gia chiến đấu trong PLO thời trẻ trước khi quay lại con đường học thuật và giành tiến sĩ ở Đại học Paris. Ông từng làm chủ bút nhiều tờ báo, viết rất nhiều tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng châu Âu cũng như Hebrew, và giảng dạy ở nhiều trường đại học châu Âu và Mỹ cũng như quê nhà Lebanon. Cổng Mặt Trời được đạo diễn Ai Cập Yousry Nasrallah dựng thành phim năm 2003.

Phần dưới đây dịch từ bản dịch tiếng Anh Gate of the Sun của Humphrey Davies, Archipelago Books 2006. 10 năm trước tôi có gạ NXB Trẻ quyển này, biên tập viên thích nhưng nhà xuất bản ngại không bán được, thôi thì đăng Zzz vậy. (bên phía Zzz Blog)

Kazuo Ishiguro – The Unconsoled (trích)

Thành công thương mại của tiểu thuyết thứ hai, Họa sĩ nơi phù thế (1986), đem lại cho Ishiguro tăm tiếng lớn ở xứ sở của ông – nước Anh – với tư cách là một “nhà văn Nhật”, một cái nhãn dán mà đến bây giờ ông vẫn chưa hoàn toàn rũ được, sau tám cuốn tiểu thuyết, một Booker, một Nobel và một tước hiệu Hiệp sĩ về văn học nghệ thuật của Hoàng gia Anh. Sốt ruột vì luôn bị đối xử như phát ngôn viên của nước Nhật, một nước Nhật ông không còn nhớ, một nước Nhật như một hư cấu dựng nên từ những mảnh ký ức chập chờn và sách vở cóp nhặt, ông chuyển qua lấy bối cảnh nước Anh cho cuốn sách tiếp theo của mình, Tàn ngày để lại (1989). Cuốn sách đã đạt giải Booker và cho đến nay vẫn được ca tụng là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông này đem lại hiệu quả ngược lại: người ta cho Ishiguro đã đem lại một mô tả trọn vẹn về tâm hồn Anh. “Không phải một nhà văn Anh thì không thể viết được cuốn sách này” là tình cảm thường đọc thấy trong nhiều bài điểm sách.

Đối với Ishiguro, một người có thể nói như Alexandre Dumas rằng lịch sử chỉ là cái đinh để ông treo bức tranh của mình về một điểm nào đó trong tâm hồn con người, làm nên tên tuổi với tư cách một tác giả “lịch sử” “hiện thực chủ nghĩa” khiến ông có chút phiền lòng. Vậy là từ cuốn sách tiếp theo, The Unconsoled (1995), ông quyết định đẩy hẳn nhân vật và thế giới khỏi thế giới hiện thực để không ai còn nghi ngờ gì nữa. Thời chúng ta mồ côi (2000) là một cuốn trinh thám pha chút phi lý diễn ra ở Thượng Hải, Mãi đừng xa tôi (2005) và Klara và mặt trời (2021) mang màu sắc khoa học giả tưởng nhưng trong một dòng thời gian thay thế, còn Người khổng lồ ngủ quên (2015) có dáng dấp fantasy nhưng thật ra không ai biết phải gọi nó là cái gì.

The Unconsoled bắt đầu bằng một khung cảnh tương đối bình thường và lại hao hao một cuốn sách mỏng của Milan Kundera: một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới đến thăm và biểu diễn tại một thành phố nhỏ không tên ở châu Âu, nhưng thế giới hiện thực dần dần tan đi để cho “một phẩm tính thuộc về giấc mơ chiếm ưu thế” (Joseph Campbell). Cuốn sách 500 trang này, dày nhất trong sự nghiệp của Ishiguro tính đến nay, là một quả bom tấn gây chia rẽ những độc giả đang hâm mộ ông sau Tàn ngày để lại. Goodreads cho 3.56 sao. James Wood nói cuốn sách “đã đẻ ra một thể loại sách dở mà nó một mình một chiếu”. Nhưng một số người lại nghĩ đây là cuốn sách hay nhất của ông. Ít ra, nó cũng dễ đọc hơn Người khổng lồ.

Dưới đây là chương 1 cuốn sách. (bên phía Zzz Blog.)

Yeats, Cathleen ni Houlihan (1902)

William Butler Yeats (13-6-1865 – 28-1-1939, Nobel 1923) trước khi trở thành ông lớn trong thi ca Anh ngữ và thế giới đã bắt đầu bằng sưu tầm truyện cổ và thi ca dân gian Ireland để xây nên và nuôi dưỡng sáng tác của mình. Được trao giải Nobel vì thơ ca, nhưng ông còn được tôn vinh vì kịch; và các hoạt động sân khấu của nhóm ông tại nhà hát Abbey đã đóng một vai trò lớn trong việc thổi bùng tình cảm dân tộc của những người Ireland lúc ấy còn sống dưới ách cai trị Anh quốc, để khi Ireland giải phóng sau một “cuộc cách mạng của các nhà thi sĩ”, ông cũng giữ một vị trí văn hóa trong chính quyền tự chủ đầu tiên của đất nước thời hiện đại.

Cathleen ni Houlihan, hình tượng Mẹ Ireland trong truyền thuyết, được ông dựa vào để viết vở kịch đơn giản nhưng nhiều ý tứ, ngấm ngầm cổ vũ thanh niên Ireland. Maud Gonne, người đóng vai chính trong đợt công diễn đầu tiên, và là người Yeats si mê suốt nhiều năm ròng, là một nhà hoạt động nổi tiếng trong giới cách mạng thời đó.

Dịch theo văn bản và các dị bản trong The Variorum Edition of the Plays of W. B. Yeats, Russell K. Alspach biên soạn, Macmillan, 1966. Vì không có Phu nhân Gregory giúp đỡ nên lời dịch lời thơ chưa đủ quê kiểng, mong độc giả lượng thứ và góp ý không gạch đá.

(Bản full ở bên phía Zzz Blog.)

Hannah Arendt, Những nguồn gốc của Chủ nghĩa toàn trị (trích)

Phần Một. Chủ nghĩa bài Do Thái.

Đây là một thế kỷ đáng kể, mở đầu bằng Cách mạng Pháp và kết thúc bằng vụ Dreyfus! Có thể hậu thế sẽ gọi đây là thế kỷ giẻ rách. – Roger Martin du Gard

Chương I. Chủ nghĩa bài Do Thái, sự xúc phạm đối với lẽ thường

Vẫn còn nhiều người coi việc ý thức hệ Quốc xã có trọng tâm là chủ trương bài Do Thái, cũng như việc chính sách Quốc xã có mục tiêu truy bức và cuối cùng là tận diệt người Do Thái, một cách thống nhất và triệt để, chỉ là chuyện tình cờ. Chỉ có tấn bi kịch kinh hoàng sau cuối, và hơn thế nữa là tình cảnh không nhà, mất quê của những người sống sót mới làm cho “vấn đề Do Thái” chiếm một vị trí nổi bật như vậy trong đời sống chính trị thường ngày của chúng ta. Còn điều mà phe Quốc xã kêu là khám phá chính yếu của họ – tức vai trò của dân tộc Do Thái trong vận động chính trị thế giới, cũng như mối quan tâm chính yếu của họ – tức truy bức dân Do Thái khắp mọi nơi trên thế giới, thì dư luận nói chung vẫn chỉ liệt vào dạng một cớ để thu hút quần chúng, hay là một công cụ mị dân đáng để ý.

Không coi trọng một điều do chính miệng phe Quốc xã nói ra là một phản ứng dễ hiểu. Khó có điều gì trong lịch sử đương đại lại đáng bực mình hơn và mù mờ khó lý giải hơn là việc, giữa bao nhiêu vấn đề chính trị lớn chưa có lối ra của thế kỷ này, thì chính cái vấn đề Do Thái có vẻ thật nhỏ nhặt không đáng để ý ấy lại có được “vinh dự” khởi động cỗ máy ma quỷ kia. Khoảng chênh lệch giữa nhân và quả ấy là một sự xúc phạm tới tư duy theo lẽ thường của chúng ta, ấy là còn chưa nói đến cảm giác về tính cân bằng và hài hòa của người nghiên cứu sử. Đặt bên những sự kiện đã xảy đến, mọi cách giải thích về thói bài Do Thái đều có vẻ được chế bừa ra vội vã, để chóng lấp đi cái vấn đề đã trở thành mối đe dọa trầm trọng với cảm giác về tỷ lệ và hy vọng giữ được tâm thần tỉnh táo của chúng ta.

Một trong các lối giải thích vội vàng ấy đánh đồng chủ nghĩa bài Do Thái với chủ nghĩa dân tộc thời ấy đang lan tràn với những cơn hận thù bài ngoại chốc lại bùng lên. Bất hạnh thay, thực tế vẫn là thái độ bài Do Thái thời hiện đại tăng lên trong lúc chủ nghĩa dân tộc kiểu truyền thống dần suy giảm, và lên đến đỉnh điểm chính vào lúc hệ thống quốc gia dân tộc châu Âu đổ sập, kéo theo thế cân bằng quyền lực vốn đã mong manh.

Nhiều người đã nhận ra rằng phe Quốc xã không đơn giản là người dân tộc chủ nghĩa. Tuyên truyền mang nội dung dân tộc chủ nghĩa của họ đánh vào bộ phận cảm tình viên, chứ không phải đảng viên trung kiên; các đảng viên Quốc xã thì ngược lại không một phút giây nào được sao nhãng tầm nhìn chính trị trên bình diện siêu dân tộc. “Chủ nghĩa dân tộc” kiểu Quốc xã không chỉ có một điểm chung với những tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa ở Liên Xô gần đây, vốn cũng chỉ đóng vai trò đổ thêm dầu vào những thiên kiến có sẵn của quần chúng. Quốc xã có lòng căm ghét thành thật và không bao giờ đổi ý đối với con mắt hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc, với tính chất địa phương của khái niệm quốc gia dân tộc, và hết lần này đến lần khác họ nhắc lại rằng “phong trào” Quốc xã, một phong trào mang tính quốc tế tương tự phong trào Bolshevik, đối với họ còn quan trọng hơn bất cứ một nhà nước nào, là thứ tất yếu bị trói chặt vào một lãnh thổ cụ thể. Và không chỉ phe Quốc xã mà cả lịch sử năm chục năm bài Do Thái đã minh chứng rằng không thể đồng nhất chủ nghĩa bài Do Thái với chủ nghĩa dân tộc. Những đảng phái bài Do Thái đầu tiên, trong những thập niên cuối thế kỷ mười chín, cũng chính là những tổ chức đầu tiên liên kết với nhau ở tầm quốc tế. Ngay từ khởi thủy, họ đã mở những đại hội quốc tế, thực hiện phối hợp những hoạt động quốc tế hay ít nhất là liên châu Âu.

(Bài full ở bên phía Zzz Blog.)

71CfzmoynuL

Ngũgĩ wa Thiong’o, Những cánh hoa màu máu (trích)

Chục năm nay mùa Nobel nào các nhà cái cũng réo gọi tên Ngũgĩ wa Thiong’o, Times Literary Supplement còn táo bạo đến mức nói rằng “Wa Thiong’o đáng lẽ phải là người được giải vào năm 2016” (xin lỗi, Bob!). Nhưng Ngũgĩ viết gì thì chắc hầu hết độc giả Việt Nam đều chưa đọc (cũng như phần lớn các ứng viên Nobel khác, chắc vậy), thậm chí nếu tôi dám liều đoán, hẳn từ lâu ở phương Tây người ta cũng không đọc ông nữa, ngoại trừ đám điểm sách, phê bình và nghiên cứu vốn không có việc gì khác để làm. Vậy nhân danh chuyên gia thường trực về Ngũgĩ ở Zzz Review, sau đây là một vài lời giới thiệu và một đoạn trích dịch ngắn tiểu thuyết của ông (mà tôi thích nhất, không cam đoan là xuất sắc nhất hay thành tựu nhất).

Ngũgĩ wa Thiong’o (1938) tên khai sinh là James Ngũgĩ, thuộc dân tộc Kikuyu (thường viết trong sách của ông là Gikuyu) giống như tổng thống đầu tiên của Kenya là Kenyatta, người thường trở lại trong tiểu thuyết của ông dưới nhiều lốt nhân vật khác nhau. Con của một gia đình nông dân nghèo, em của một tên thảo khấu Mau Mau/chiến sĩ đấu tranh vì độc lập khỏi ách thực dân Anh, Ngũgĩ là một tấm gương học sinh nghèo vượt khó khi là cậu bé duy nhất của làng được học bổng đi học tiếp cấp 2, rồi cấp 3 ở trường truyền giáo gần thủ đô Nairobi, rồi đại học ở Uganda, và tiếp tục học thạc sĩ ở Leeds (Anh quốc). Năm 1964, tốt nghiệp một năm đang chờ đi Leeds, ông cho ra đời cuốn sách đầu tay Con ơi, đừng khóc, cuốn sách đầu tiên của một nhà văn Đông Phi bằng tiếng Anh đến với một công chúng khi ấy mới chỉ biết đến Achebe và Quê hương tan rã như là đại diện duy nhất của văn học châu Phi. Năm sau đó ông tiếp tục in Dòng sông ngăn giữa (cuốn sách thứ hai nhưng được viết trước), gây xôn xao vì bức tranh về tập tục cắt xẻo âm vật của người Kikuyu. Hai cuốn sách đều nhanh chóng đứng vào hàng bán chạy, với các nhân vật chính dựa trên cuộc đời thực của tác giả, cậu bé ngây thơ ham học hỏi trên nền chiến tranh, giữa văn hóa cổ truyền, thần thoại và đất đai Kikuyu và sứ mệnh giáo dục cùng thế giới quan Thiên Chúa giáo, James Ngũgĩ đã trở thành poster boy của công cuộc sáng hóa Cơ đốc tại một mảnh đất mà mới đây vẫn còn tin phù thủy, xỏ mũi và cởi trần chạy theo thú săn.

… thì, boom! Năm 1967 Một hạt lúa mì ra đời, đầy tinh thần người học trò đích thực của Marx, hay đúng hơn là của Frantz Fanon mà ông đã đọc ở Leeds. Đại học Leeds đã thay đổi đời ông, Ngũgĩ tâm sự, không chỉ vì những sách vở và bạn bè gặp được mà còn vì chứng kiến cảnh sống thợ thuyền ở thành phố đã méo mó vì công nghiệp – “giả sử tôi đến học ở những thành phố xinh đẹp hơn, điền viên hơn ở nước Anh thì hẳn tôi đã khác rất nhiều”, Ngũgĩ nói. Ông bỏ dở luận văn ở Leeds, trở về dạy ở Đại học Nairobi, và hiện trạng đất nước sau Uhuru (độc lập) cùng những giấc mơ tan vỡ đã làm nên nội dung chủ yếu trong Một hạt lúa mì và Những cánh hoa màu máu (1977), có thể nói là đỉnh cao về nghệ thuật tiểu thuyết theo-lối-phương-Tây của ông.

(Bài full ở bên phía Zzz Blog.)

Orwell, Coming up for air [trích]

Trồi lên hớp khí (1939)

Phần III

1

Về đến nhà tối hôm đó, tôi vẫn chưa nghĩ ra dùng mười bảy bảng làm gì.

Hilda nói định đến câu lạc bộ Sách Tả. Thấy bảo có một tay từ London về diễn thuyết, dù khỏi phải nói ả cũng chẳng biết đề tài gì. Tôi bảo để tôi đi cùng. Nói chung tôi không thuộc giống mê diễn thuyết, nhưng những hình ảnh chiến tranh buổi sáng, kể từ thằng tàu bay bụng bom bay qua đầu xe lửa, đã khiến tôi sinh ra tư lự. Sau khi cãi nhau xong như thường lệ, chúng tôi lùa hai đứa nhóc đi ngủ sớm và xuất hành vừa kịp đến giờ diễn thuyết đã định, tức là tám giờ.

Tối hôm ấy sương mù, trong hội trường lạnh còn đèn thì chẳng sáng lắm. Cái phòng nhỏ bằng gỗ lợp mái tôn thuộc về nhóm Nonconformist nào đấy, người ngoài thuê mất mười đồng. Như vẫn thấy những dịp này, đã có chừng mười lăm mười sáu người có mặt. Trước bục phát biểu gắn biển màu vàng thông báo hôm nay nói về “Hiểm họa của chủ nghĩa phát xít”. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Ông Witchett, chuyên môn chủ tọa mấy buổi họp kiểu này còn ngoài đời thực làm trong hãng kiến trúc sư nào đó, đang đưa diễn giả đi một vòng giới thiệu với mọi người, Ông Gì Đó (tôi không nhớ tên), “nhà chống phát xít danh tiếng”, cũng y như người ta vẫn thường giới thiệu “nhà nghệ sĩ dương cầm danh tiếng”. Diễn giả là một tay nhỏ thó trạc bốn mươi, mặc vét tối màu, đầu hói, cố chải mấy cọng tóc lơ thơ che đi nhưng không ăn thua.

Hội họp kiểu này không bao giờ bắt đầu đúng giờ. Lúc nào cũng có một quãng dền dứ, vờ như biết đâu còn thêm vài người nữa xuất hiện. Lúc Witchett gõ gõ lên bàn thi hành nhiệm vụ thì đã tám giờ hai lăm phút. Gã có bộ dạng hiền dịu, cái mặt hồng hồng như mông trẻ lúc nào cũng tươi rói vì cười. Hình như gã là thư ký chi nhánh đảng Tự Do địa phương, ngoài ra còn ngồi hội đồng xã và điều khiển các buổi diễn thuyết có chiếu bóng ở Hội Phụ Nữ. Có thể nói trời cho gã tài làm chủ tọa. Nghe gã nói với cử tọa chúng ta rất vui mừng được tiếp đón ông Gì Đó tới đây hôm nay, có thể thấy rõ gã tin từng lời phát ra. Mỗi lần nhìn gã tôi đều không thể không nghĩ hẳn gã vẫn chưa biết đàn bà. Tay diễn giả nhỏ thó lôi ra một xấp tài liệu, chủ yếu là bài cắt từ báo, đặt cốc nước chặn lên. Rồi hắn liếm nhanh môi và bắt đầu nã pháo.

Anh có bao giờ đi mấy trò diễn thuyết hội họp ấy không?

Mỗi lần tôi đi, thế nào giữa buổi cũng đến một lúc tôi nhận ra ý nghĩ cũ lại chạy qua đầu mình. Chúng ta đang làm cái khỉ gì đây chứ? Cớ nào dân tình lại chui ra đường giữa đêm đông vì món này? Tôi nhìn quanh hội trường. Tôi ngồi hàng ghế cuối. Hình như chưa bao giờ đi hội họp gì mà tôi lại không kiếm cách ngồi hàng cuối nếu được. Hilda cùng đám kia đã chễm chệ trên hàng đầu như mọi khi. Căn phòng nhỏ trông khá u ám. Cái kiểu anh biết đấy. Tường ốp gỗ thông mềm, mái tôn sóng, gió lùa đến mức người ta ước gì không bỏ áo khoác. Một nhúm chúng tôi ngồi dưới ánh đèn quanh bục, sau lưng bày ra thêm khoảng ba chục hàng ghế trống trơn. Mặt ghế nào cũng bẩn bụi. Trên bục sau lưng diễn giả có vật gì đó vuông vuông, chành bành, phủ vải bạt, nhìn như thể một cỗ hòm đại tướng đặt dưới gầm ngựa. Thực ra đấy là cỗ đàn dương cầm.

Đoạn mở đầu tôi không tập trung lắm. Tay diễn giả nhỏ thó có cái mặt khá gian, nhưng nói thì rất tốt. Da trắng, miệng múa máy rất dẻo, cái giọng khoan vào tai thường thấy ở dân chuyên nghiệp. Tất nhiên hắn đang trát shit vào Hitler và đám Quốc xã. Tôi không hẳn hào hứng nghe xem hắn nói gì – từng ấy thì sáng nào chả đầy trên News Chronicle – nhưng giọng hắn vẫn vọng tới tôi từng đợt rì rầm, thỉnh thoảng lại có vài chữ nổi lên lọt vào đầu.

“Tàn bạo khác nào thú vật… Táng tận lương tâm… Dùi cui cao su… Trại tập trung… Sát hại dã man người Do Thái… Trở lại thời kỳ đồ đá… Nền văn minh châu Âu… Hãy hành động trước khi quá muộn… Nhân dân tiến bộ đều căm phẫn… Liên minh các nước dân chủ… Lập trường kiên định… Bảo vệ nền dân chủ… Dân chủ… Phát xít… Dân chủ… Phát xít… Dân chủ…”

Continue reading “Orwell, Coming up for air [trích]”

Evie Wyld, After the Fire, a Still Small Voice [trích]

This is the first two pages of Evie Wyld‘s After the Fire, a Still Small Voice. The novel won a certain number of prizes and Evie Wyld made the Granta BOYB List 2013, which brought her to Vietnam during the European Literature Days in May.

Con đường đất hẹp dưới nắng nướng bốc thành bụi. Bụi cuộn lên từ dưới bánh xe như đợt triều màu cam, phà vào cửa sổ rồi đậu lại trong lớp lông tay Frank Collard. Theo anh nhớ nơi này ngày xưa có vẻ nhiệt đới hơn, đất cũng chắc và ẩm hơn. Những thân mía hai bên đường còm cõi, ẻo lả như sậy, lớp vỏ nâu cùng chỏm lá xanh quặt quẹo trông có vẻ hoang dại. Mía vẫn nguyên từ hai chục năm nay chưa chặt, đu đưa như mặt biển xanh. Giữa biển mía bật lên nhiều thân bạch đàn, mặc kệ dịch chết ngọn. Từng có thời khắp vùng toàn cây thân gỗ. Cái thời ông bà anh ra đây sống, riêng hai người với nhau, hồi xa lộ còn chưa làm, có lẽ thời ấy túp lều đã nằm lọt thỏm giữa rừng.

Continue reading “Evie Wyld, After the Fire, a Still Small Voice [trích]”

Margaret Atwood, The Other Place

Nơi kia

Mất rất lâu tôi chỉ lông bông vô hướng. Cảm giác như là rất lâu. Nhưng lại chẳng có cảm giác lông bông, hoặc ít nhất không phải là vô tư lự: tôi bị dẫn dắt bởi nhu cầu, bởi số phận, như mấy nhân vật trong những tiểu thuyết sướt mướt lả lướt vẫn đọc hồi trung học, lao vọt khỏi nhà giữa trời bão giông rồi tha thẩn trong truông trống. Cũng như họ tôi phải đi tới không ngừng. Tôi không đừng được.

Tôi đã hình dung mình xếch xải lê trên con đường bụi mù, ổ gà ổ voi, hay băng đóng, tay bị tay gậy, như dân dạt vòm vẽ trong truyện tranh. Nhưng như thế thì khôi hài quá. Đúng hơn thì giống một khách lữ hành kỳ bí, kiên định sải bước, tiến vào từng thành phố như mang điềm gở, rồi biến mất không tăm tích khi sứ mệnh đã hoàn thành.

Ngoài thực tế thì tôi chẳng có sứ mệnh gì cả, cũng chẳng bước lê hay bước sải. Tôi đi tàu, hay có lần đi máy bay, quả là xa xỉ hồi bấy giờ.

*

Continue reading “Margaret Atwood, The Other Place”

Ghassan Kanafani, رجال في الشمس

Ghassan Kanafani, born in 1936, exiled from the Nakba 1948, an important figure of the Popular Front for the Liberation of Palestine, was a nationalist and Marxist writer. He was one of the first authors to bring occupied Palestine into his writings and a modernizing force of Palestinian literature. He died in 1972 in Beirut from a car bomb.

Rijāl fīsh-Shams, a novella published in 1963 and set in 1958 amid the Kuwait oil boom, is his most well-known work worldwide. A movie adaptation was made by Egyptian director Tawfiq Saleh in 1973. This translation is based on Hilary Kilpatrick’s version in Men in the Sun and other Palestinian Stories, Three Continents Press 1998.


NGƯỜI ĐI TRONG NẮNG

ABU QAIS

Abu Qais ngồi nghỉ trên nền đất ẩm, và mặt đất bắt đầu đập bên dưới bác, những nhịp đập mệt mỏi, run rẩy thấm qua lớp cát rồi nhập vào từng tế bào trong người bác. Kể từ lần đầu và sau đó cứ mỗi lần vật người áp mình xuống đất, bác đều cảm thấy nhịp đập ấy như trái tim quả đất đã tìm đường từ nhiều tầng địa ngục lên gặp nắng trời. Một lần bác kể vậy với ông hàng xóm, người chung ruộng trên mảnh đất bác đã rời bỏ mười năm trước, và người kia nhạo báng đáp:

“Đấy chỉ là tiếng tim ông đập thôi. Ông nằm áp người xuống đất thì sẽ nghe thấy nó chứ gì.”

Vớ vẩn và độc ác thế đấy! Còn mùi thì sao? Còn cái mùi mỗi hơi thở lại xộc vào đầu bác rồi tràn xuống từng mạch máu. Mỗi lần nằm trên đất hít cái mùi ấy, bác lại tưởng như là mùi tóc vợ khi bác gái vừa tắm xong, khi vừa xả tóc bằng nước lạnh. Đúng cái mùi ấy, mùi người đàn bà vừa tắm nước lạnh và phủ mái tóc ướt còn ẩm lên mặt bác. Đúng nhịp đập ấy, như con chim nhỏ nâng niu ủ ấp trong hai bàn tay.

Mặt đất ẩm chắc hẳn là do mưa hôm qua, bác nghĩ. Không phải, hôm qua đâu có mưa. Bây giờ lấy đâu ra mưa nữa, trời chỉ còn đổ nóng ngột ngạt và bụi mù thôi. Mày quên là mình đang ở đâu rồi hử? Mày quên rồi sao?

Bác lật người nằm ngửa, lấy tay làm gối. Mắt nhìn sững lên trời cao. Nắng lóa mắt, tít trên cao có con chim đen lẻ loi đang lượn vòng, vô phương hướng. Không hiểu sao lòng bác bỗng ngập tràn cay đắng phải làm kẻ lạ nơi này, và thoáng chốc bác nghĩ mình sắp khóc. Không, hôm qua không mưa. Bây giờ đã là tháng tám. Mày quên rồi sao? Hàng dặm đường hối hả qua vực không, cõi vô tận đen hun hút. Mày quên rồi ư? Con chim vẫn lượn vòng một mình như điểm đen giữa nền sáng lóa trải ra bên trên. Đang là tháng tám. Vậy sao mặt đất ẩm ướt thế này? Đấy là dòng Shatt. Mày không thấy nó đang trải ra hút tầm mắt bên mình hay sao?

“Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau, chúng hòa thành sông Shatt al-Arab, chảy từ trên Basra[1] cho đến…”

Ustaz Selim, một ông già gầy gò tóc bạc, đang cất giọng oang oang nhắc lại câu đó cả chục lần cho chú nhỏ đứng cạnh bảng, khi bác đang băng ngang trường làng. Thế là bác đứng lên một tảng đá nghe trộm qua cửa sổ. Ustaz Selim đang đứng trước cậu trò nhỏ, quát tướng lên còn tay thì lắc cây gậy mảnh:

“Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau…”

Cậu bé lo lắng phát run, còn bọn trẻ trong lớp lên tiếng cười rộ. Abu Qais thò tay gõ nhẹ vào đầu một đứa. Thằng bé nhướng mắt nhìn bác đang thập thò ngoài cửa sổ.

“Cái gì đấy?”

Thằng bé cười đáp thì thào:

“Nó là thằng ngốc!”

Bác lùi lại, xuống khỏi hòn đá và đi tiếp, giọng Ustaz Selim vẫn đuổi theo đằng sau: “Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau…”

___

(Phần còn lại đã được dời qua Zzz Blog; font bên ấy đẹp hơn.)

Yeats – The Words upon the Window Pane

Một phòng nhà trọ, ghế bành, trước mặt đặt cái bàn nhỏ, ghế đẩu xếp hai bên. Lò sưởi, cửa sổ. Ấm nước trên bếp, mấy món đồ trà trên bàn nước. Đằng sau, lui về bên phải có một cái cửa. Đằng sau cửa nhìn thấy được sảnh vào. Tiếng gõ cửa. Miss Mackenna đi qua cửa, trở vào, dẫn theo John Corbet, một chàng trai độ 22-23 tuổi, và bác sĩ Trench, một người đàn ông quãng hơn 60.

BÁC SĨ TRENCH (đứng trong sảnh) Xin phép giới thiệu với cô ông John Corbet, thuộc gia đình Corbet ở Ballymoney, tuy hiện tại là một sinh viên Cambridge. Đây là Miss Mackenna, người thư ký rất nhiệt tình của chúng tôi. (Họ đi vào phòng, cùng cởi áo khoác.)

MISS MACKENNA  Tôi nghĩ tốt hơn hết là tự dẫn các ông vào. Đất nước này vẫn còn khá tăm tối trung cổ, coi thông linh học là một chủ đề đưa chuyện đàm tiếu không xứng đáng tí nào. Đưa tôi áo khoác và mũ các ông, tôi sẽ cất trong phòng tôi. Chỉ ở ngay bên kia sảnh thôi. Các ông ngồi xuống đi, chắc đồng hồ các ông chạy nhanh đấy. Bà Henderson đang nằm nghỉ, bao giờ trước khi áp vong bà cũng nằm thế. Phải đợi mười phút nữa mới bắt đầu cơ. (Cô mang áo và mũ đi ra)

Continue reading “Yeats – The Words upon the Window Pane”