Hannah Arendt, Những nguồn gốc của Chủ nghĩa toàn trị (trích)

Phần Một. Chủ nghĩa bài Do Thái.

Đây là một thế kỷ đáng kể, mở đầu bằng Cách mạng Pháp và kết thúc bằng vụ Dreyfus! Có thể hậu thế sẽ gọi đây là thế kỷ giẻ rách. – Roger Martin du Gard

Chương I. Chủ nghĩa bài Do Thái, sự xúc phạm đối với lẽ thường

Vẫn còn nhiều người coi việc ý thức hệ Quốc xã có trọng tâm là chủ trương bài Do Thái, cũng như việc chính sách Quốc xã có mục tiêu truy bức và cuối cùng là tận diệt người Do Thái, một cách thống nhất và triệt để, chỉ là chuyện tình cờ. Chỉ có tấn bi kịch kinh hoàng sau cuối, và hơn thế nữa là tình cảnh không nhà, mất quê của những người sống sót mới làm cho “vấn đề Do Thái” chiếm một vị trí nổi bật như vậy trong đời sống chính trị thường ngày của chúng ta. Còn điều mà phe Quốc xã kêu là khám phá chính yếu của họ – tức vai trò của dân tộc Do Thái trong vận động chính trị thế giới, cũng như mối quan tâm chính yếu của họ – tức truy bức dân Do Thái khắp mọi nơi trên thế giới, thì dư luận nói chung vẫn chỉ liệt vào dạng một cớ để thu hút quần chúng, hay là một công cụ mị dân đáng để ý.

Không coi trọng một điều do chính miệng phe Quốc xã nói ra là một phản ứng dễ hiểu. Khó có điều gì trong lịch sử đương đại lại đáng bực mình hơn và mù mờ khó lý giải hơn là việc, giữa bao nhiêu vấn đề chính trị lớn chưa có lối ra của thế kỷ này, thì chính cái vấn đề Do Thái có vẻ thật nhỏ nhặt không đáng để ý ấy lại có được “vinh dự” khởi động cỗ máy ma quỷ kia. Khoảng chênh lệch giữa nhân và quả ấy là một sự xúc phạm tới tư duy theo lẽ thường của chúng ta, ấy là còn chưa nói đến cảm giác về tính cân bằng và hài hòa của người nghiên cứu sử. Đặt bên những sự kiện đã xảy đến, mọi cách giải thích về thói bài Do Thái đều có vẻ được chế bừa ra vội vã, để chóng lấp đi cái vấn đề đã trở thành mối đe dọa trầm trọng với cảm giác về tỷ lệ và hy vọng giữ được tâm thần tỉnh táo của chúng ta.

Một trong các lối giải thích vội vàng ấy đánh đồng chủ nghĩa bài Do Thái với chủ nghĩa dân tộc thời ấy đang lan tràn với những cơn hận thù bài ngoại chốc lại bùng lên. Bất hạnh thay, thực tế vẫn là thái độ bài Do Thái thời hiện đại tăng lên trong lúc chủ nghĩa dân tộc kiểu truyền thống dần suy giảm, và lên đến đỉnh điểm chính vào lúc hệ thống quốc gia dân tộc châu Âu đổ sập, kéo theo thế cân bằng quyền lực vốn đã mong manh.

Nhiều người đã nhận ra rằng phe Quốc xã không đơn giản là người dân tộc chủ nghĩa. Tuyên truyền mang nội dung dân tộc chủ nghĩa của họ đánh vào bộ phận cảm tình viên, chứ không phải đảng viên trung kiên; các đảng viên Quốc xã thì ngược lại không một phút giây nào được sao nhãng tầm nhìn chính trị trên bình diện siêu dân tộc. “Chủ nghĩa dân tộc” kiểu Quốc xã không chỉ có một điểm chung với những tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa ở Liên Xô gần đây, vốn cũng chỉ đóng vai trò đổ thêm dầu vào những thiên kiến có sẵn của quần chúng. Quốc xã có lòng căm ghét thành thật và không bao giờ đổi ý đối với con mắt hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc, với tính chất địa phương của khái niệm quốc gia dân tộc, và hết lần này đến lần khác họ nhắc lại rằng “phong trào” Quốc xã, một phong trào mang tính quốc tế tương tự phong trào Bolshevik, đối với họ còn quan trọng hơn bất cứ một nhà nước nào, là thứ tất yếu bị trói chặt vào một lãnh thổ cụ thể. Và không chỉ phe Quốc xã mà cả lịch sử năm chục năm bài Do Thái đã minh chứng rằng không thể đồng nhất chủ nghĩa bài Do Thái với chủ nghĩa dân tộc. Những đảng phái bài Do Thái đầu tiên, trong những thập niên cuối thế kỷ mười chín, cũng chính là những tổ chức đầu tiên liên kết với nhau ở tầm quốc tế. Ngay từ khởi thủy, họ đã mở những đại hội quốc tế, thực hiện phối hợp những hoạt động quốc tế hay ít nhất là liên châu Âu.

(Bài full ở bên phía Zzz Blog.)

71CfzmoynuL