Linh thể

Lillie là nhân viên môi giới nhà đất, dù nhìn bà chẳng khớp với hình ảnh ấy tẹo nào. Trông bà không có gì là sắc sảo hay sành điệu hay lanh lợi, và so với những nhân viên nhà đất mà chính bà đã gặp thì người già nhất trong đó cũng phải thua bà đến hai chục mùa xuân. Xe bà đi – trắng, Ford, bốn chỗ, lúc nào cũng sạch như lau như ly – không phải là sê ri mới. Bà lái thận trọng, mắt dòm qua phía trên bánh lái như đang ngồi trong tháp pháo xe tăng.

Bà đang mập ra, chân cũng bắt đầu nhức, hơi khò khè mỗi lần lên xuống cầu thang. Mặc dầu thế, bà vẫn lên và xuống từng cái cầu thang của từng cái nhà bà giới thiệu. “Phì,” bà nói, bước tránh một bên trên đường xuống hầm. “Đừng có nhìn, chỉ là đồ giặt nhà họ thôi. Cái lò sưởi – anh chị có thể thay mới. Anh chị sẽ đi dây lại, chúng ta có thể bớt thêm vài ngàn là ít, chẳng gì thì cũng khô.” Hoặc bà lật bật trèo lên gác xép, dừng lại thở, nhân tiện săm soi những vết rạn trên vữa tường. “Anh chị sẽ xây một giếng trời, anh chị sẽ đập bỏ tường đi, nghe này, sẽ có không gian rộng rãi lắm. Đừng nhìn trong đó, toàn của vất đi thôi. Cái giấy tường này – nó chỉ là giấy dán tường thôi, anh chị hiểu chứ?”

Bà sẽ nói, “Có những người sống thế đấy – cứ như lợn! Họ chẳng phải người đàng hoàng. Nhưng anh chị sẽ làm mới hoàn toàn – một căn nhà khác hẳn, anh chị không nhận ra mà xem!” Bà tin thế – tin chỉ cần một chút công sức và một trời đức tin cái chuồng lợn sẽ biến thành một nơi tuyệt vời, hay ít nhất là một nơi ở được. Một nơi tốt hơn nhiều so với chính nó trước kia.

Sở trường của bà là những nhà nhỏ trên những phố bị bỏ quên, giữa trung tâm – những dãy nhà kiểu Victoria cũ kỹ hay những hộp gạch song lập hẹp và tối, sở hữu chủ là những gia đình Bồ Đào Nha đã cắm thêm lan can sắt uốn vào hiên trước, còn trước đó là người Nga hay Hungary, còn trước nữa ai biết đấy? Những khu dân cư ấy là bến giữa đường – người ta dọn vào ngay khi xuống thuyền, trước khi làm nên và chuyển đi nơi khác. Đấy là chuyện ngày xưa. Bây giờ các đôi vợ chồng son đi tìm những nơi như thế – những nơi rẻ tiền như thế. Dân nghệ sĩ đi tìm những nơi này.

Những người ấy – Lillie nói những ngừi – những người ấy cần có người chỉ bảo, giúp họ mua với một giá phải chăng, bởi họ không có đầu óc thực tế, họ chẳng biết gì về lò sưởi, kẻ bán sẽ lợi dụng họ. Lillie sẽ co kéo giá xuống ngay cả khi phần hoa hồng cho bà bị cắt giảm, bởi tiền có là gì? Khi hợp đồng ký xong bà sẽ đem cho các nghệ sĩ trẻ chút quà mừng, một bát đầy bánh quy tự bà làm lấy – kiểu Âu, cứng, màu be – và rồi bà sẽ dõi theo cuộc thay máu của căn nhà khi những người trẻ tâm hồn nghệ sĩ bắt tay vào việc. Những người ấy tràn đầy năng lượng, những người ấy rất nhiều ý tưởng; thật hoan hỉ được ngắm nhìn họ lột sạch những vách tường ảm đạm và xử lý mốc sương cùng những mùi hay vết bẩn còn lại từ quá khứ và rồi xây dựng một điều mới lạ – một xưởng vẽ, họ lúc nào cũng cần xưởng vẽ, nếu nhà có gara họ sẽ dùng gara – và rồi sơn các bức tường, không phải những màu bà sẽ chọn, thường hơi lạ lùng một tí, nhưng bà có ưu ái riêng một số loại bất ngờ. Những bất ngờ thú vị. “Chẳng bao giờ đoán được,” bà thường nói. Thú vị biết bao.

Dù bà thì sẽ chẳng bao giờ rước về một ngôi nhà như thế. Những nhà này quá chật chội, quá thiếu sáng, quá cổ với bà. Bà có một ngôi nhà hiện đại, đâu đó phía Bắc, với những cửa sổ lớn tràn ánh sáng và một tủ búp bê sứ tí hon màu nhạt, với một đường rộng cho xe vào.

Lillie tham gia thị trường nhà đất khá muộn màng. Có một ngày xưa bà là một cô gái nhỏ, rồi bà kết hôn, một người đàn ông tốt, và có một đứa con; mọi chuyện ấy diễn ra vào một thời khác, ở bên kia bờ đại dương. Nhưng sau đó thì Quốc xã đến, và bà bị đưa vào một trại còn chồng bà vào trại khác, còn đứa bé mất tích và không bao giờ tìm được. Nhưng Lillie đã vượt qua, khác với phần đông, và như một phép màu bà đã định vị được chồng sau chiến tranh, ông cũng đã vượt qua, đấy là một ân huệ; và sau đó họ có thêm hai đứa con nữa, và rồi họ chuyển đến Canada, đến Toronto, nơi người ta không bắt buộc phải nhớ. Thành phố có cái tên thế chứ, Toronto – có âm hưởng Ý, dù đấy chẳng phải là từ Ý, và mùa đông cũng thật dài; nhưng người ta có thể quen, và Lillie cũng quen.

Hai đứa bé lớn lên, những đứa con đáng yêu, chẳng mong được hơn thế, chúng hết sức chiều chuộng bà, rồi người chồng chết. Lillie không kể về ông, nhưng bà giữ bộ com lê của ông trong tủ; bà không nỡ cho chúng đi. Chết với bà không phải một khái niệm tuyệt đối. Có những người chết hơn một số người khác, và rốt cuộc thì ai chết ai sống hoàn toàn là ý kiến chủ quan, nên thôi tốt nhất không nên bàn luận. Cũng như thế bà không nói về cái trại bà đã trải qua, hay về đứa bé mất tích. Nói làm gì? Có khác được gì? Ai sẽ muốn nghe? Dù sao thì bà cũng đã may mắn hơn phần đông. Bà may mắn lắm.

Bà cổ vũ những đôi vợ chồng son của bà, và lắng nghe những lo âu của họ, và động viên họ và nói họ biết cần gọi ai khi phiền muộn vì ống cống bị tắc hay nấm mục khô hay kiến đục đồ gỗ, và che chở họ khỏi đường dây đi ẩu. Bà để ý đến con cái họ, nếu có, và những vụ ly dị, nếu có. Bà giữ liên lạc. Khi đến lúc cần bán và mua một nhà lớn hơn – trên đường thăng tiến, hoặc cần một xưởng to hơn – bà luôn là người họ tìm đến.

Tuy nhiên bà không bao giờ đến dự tiệc tân gia. Bà không chịu nổi tiệc tùng. Tiệc làm bà thấy buồn. Bà sẽ gửi bát bánh quy, với vài câu niềm nở trên giấy in hoa. Họ xứng đáng được ngôi nhà ấy, bà viết thế. Họ là những người tốt. Họ cần yêu quý nó. Bà rất mừng cho họ. Bà chúc mọi sự tốt lành.

*

Khi bắt đầu dự định chuyển từ vùng quê về, Nell và Tig thừa hưởng được Lillie từ một người bạn. Lillie được chuyền tay từ cặp tre trẻ này sang đôi tre trẻ khác. “Bà ấy không tìm cách bán cái gì cậu không đủ tiền mua,” là lời nhắn nhủ. “Cậu cứ nói đích xác với bà cậu cần cái gì. Bà ấy sẽ hiểu.”

Buổi gặp đầu tiên, Nell đã thổ lộ can tràng với Lillie. Đấy là do khuôn mặt hiền hậu của Lillie, cái vẻ trấn an ở bà. Dù cả hai yêu cái trại đến mấy, Nell nói, có hơi vơ đũa, họ cũng cần phải chuyển đi, đã đến lúc rồi, họ đã ở đây quá lâu, mọi thứ đã thay đổi, những gia đình trước đã đi cả, mọi người họ quen. Đến đây Lillie gật đầu. Không chỉ có thế, đã xảy ra quá nhiều vụ đột nhập, một nhà gần như ngay bên kia đường – một ông giáo về hưu – đã bị khoắng sạch sẽ vì hai gã lái xe tải chuyển nhà. Không thể yên ổn sống được.

“Đấy không phải là người đàng hoàng,” Lillie nói.

“Chúng rình nhà mọi người,” Nell nói. “Chúng biết khi nào ai đi vắng.” Mà chưa kể, Nell và Tig có con sắp đến tuổi đến trường sẽ phải ngồi xe buýt hai tiếng một ngày, mà chưa kể ngôi nhà tăm tối sao ấy, dân trong vùng bảo nhà có ma, bản thân Nell thì chưa thấy gì bao giờ nhưng có cái cảm giác, mà chưa kể mùa đông thì lạnh, nhà dựng từ cách đây một trăm năm mươi năm, nhà chưa bao giờ được cách nhiệt tử tế, tuyết chất đống trên đường xe vào.

“Như thế thì quá đáng,” Lillie nói. Bà có người chuyên dọn tuyết trên đường xe vào. Lúc nào đường cũng được giữ sạch. Cần phải sống ở thành phố mới tìm được người dọn tuyết.

Và Tig dạo này không khỏe như mọi khi, Nell nói. Đấy là tại nhà không giữ nhiệt được, anh bị ho, mọi chuyện đổ một lúc xuống Nell, chị không chịu được. “Lũ bò xổng chuồng,” chị nói. “Chúng muốn đến với những con bò khác. Mà nếu Tig không có đây, thì có mình cháu.”

Lillie gật đầu, bà hiểu cả: một người mẹ trẻ bận rộn như Nell không thể lo thêm chuyện bò xổng chuồng. “Cô đừng quá lo,” bà nói, “chúng ta sẽ tìm được như ý,” và Nell lập tức yên tâm. Lillie sẽ định liệu mọi việc.

Thị trường nhà đất đang cơn sốt vào lúc đó nhưng Lillie đã xông pha, và Nell và Tig nhận được một căn nhà dãy rất ổn gần gallery nghệ thuật, ngay rìa khu phố Tàu. Căn nhà đã sửa sang lại, nên nó khá được, còn hơn cả được trong hoàn cảnh này, ấy là hoàn cảnh tiền bạc: căn nhà này là thứ họ có thể lo được. Nhà khá đẹp là khác, ngoại trừ lũ gián dọn vào từ hai nhà bên sườn. Nell rắc vỏ dưa chuột và muối Borax dọc ván chân tường: xông khói cũng không ích gì, vì ngoài chuyện độc hại ra lũ gián sẽ lại quay về khi khói tan.

Sau một vài năm ở nhà đó, Lillie quyết định đã đến lúc Nell và Tig cần chuyển đi lần nữa. “Cô cậu cần nhà to hơn,” bà bảo họ, và bà nghĩ đúng. Bà bán căn nhà rất được giá và chuyển họ về phía Bắc. Lớp thảm xù màu cam còn lại từ thập kỷ bảy mươi, đấy chỉ là thảm thôi, bà nói, khi dẫn họ xem nhà. Họ không nên nhìn vào giá để đĩa bày khắp nơi, cái đó có thể bỏ đi, và đừng quan tâm đến đèn trần. Có ba lò sưởi, lò sưởi không phải là thứ vất đi, tường gạch rất chắc, nhà có cái rộng rãi ối người phải thèm, và đồ gỗ nhiều món là hàng gốc đấy, những chi tiết đó mới là cái đáng kể.

Nell và Tig rất hài lòng: giờ nhà họ có vườn sau, và một tầng hầm đã hoàn tất – ừ thì, đã gần hoàn tất, và cái lớp thảm ngoài trời mốc meo dính chặt vào sàn xi măng có thể bong ra – và cửa sổ khắp các tường: ở căn nhà dãy cũ, cửa sổ chỉ có ở đằng sau và đằng trước. Ngày hợp đồng ký xong, Lillie tặng họ một bát màu xanh pha cam đầy bánh quy nhà làm.

*

Khi Nell nhận ra mình gặp phải vấn đề – một vấn đề bất thường, chị nghĩ – Lillie là người duy nhất chị có thể đem kể. Đấy là vấn đề nhà cửa, nhưng cũng là vấn đề thuộc con người. Đấy không phải một chuyện chị có thể nói với Tig – anh dễ lo lắng, và một phần trong vấn đề con người ở đây là anh. Nhưng Lillie hẳn đã gặp rất nhiều tầng hầm và gác mái và con người trong đời. Bà chắc sẽ hiểu rằng nhà có quyền năng riêng, rằng người ta có thể bị chúng kích động, rằng chúng có thể khơi dậy những cảm xúc người ta không muốn. Những điều Nell kể không gì có thể làm bà bị sốc hay phật lòng: bà đã thấy cả trước đây rồi, tất nhiên. Hoặc điều tương tự thế. Hoặc tệ hơn.

Nell mời Lillie qua dùng trà. Bữa trà gần như là thứ duy nhất trong phạm trù ăn uống có thể làm Lillie xiêu lòng: bà không đời nào qua ăn tối. Nell dọn ra một ít bánh quy cứng không khốc của Lillie – chúng để được gần như vô tận – để tỏ ra rằng mình trân trọng chúng; chị quả có trân trọng chúng, dù không phải – không hẳn – với tư cách bánh quy.

Nell và Lillie dùng trà trong căn bếp mới tậu được của Nell. “Cảnh thế mới là cảnh,” Lillie nói, nhìn ra vườn sau nhà.

Nell đồng tình. Cả hai người họ đều đang nhìn khung cảnh tương lai: hiện tại chưa có gì trong vườn cả ngoài vài cọng cỏ phất phơ, một cái lều mái tôn sóng, vài cái hố trên mặt đất. Những người chủ trước – chủ giá để đĩa và thảm xù – chắc đã nuôi chó. Nhưng Nell có những dự kiến to tát – hoa thủy tiên, thế đấy – khi nào chị có thể bắt tay vào. Một trong đám bạn theo trào lưu Tân Kỷ Nguyên biết phong thủy và xông ngải đã đi một vòng quanh vườn, và căn nhà nữa, quan sát hướng đất và các thực thể tâm linh, và đã tuyên bố nơi này đại cát, nhất là khu vườn, nên Nell không chút nghi ngờ ở đây mọi thứ sẽ sinh sôi nảy nở.

“Cháu nghĩ là ít thủy tiên,” Nell nói.

“Thủy tiên tốt đấy,” Lillie nói.

“Để mở đầu,” Nell nói.

Lillie nhúng bánh vào tách trà. Aha, Nell nghĩ, hóa ra cần phải làm thế. “Thế thì,” Lillie nói, liếc xéo về Nell, mày nhướn lên. Thế nghĩa là: Cô đâu có mời tôi qua để ngắm đồng hoa.

“Oona muốn một căn nhà,” Nell nói.

“Rất nhiều người muốn một căn nhà,” Lillie nói thản nhiên.

“Nhưng đây là Oona.”

“Thì sao?” Lillie nói. Bà biết Oona là ai: đấy là vợ trước của Tig. Vợ trước, vợ sau – chuyện không có gì mới.

“Chị ấy muốn cháu mua nhà, để chị ấy sống trong đó.”

Tách trà của Lillie dừng giữa không trung. “Chị ta nói vậy?” Chuyện này mới đây.

“Không nói ra miệng,” Nell nói. “Không nói với cháu. Nhưng cháu biết.”

Lillie lấy thêm chiếc nữa và nhúng vào tách, rồi ngồi yên lại lắng nghe.

*

Tình hình là Oona đang rã, Nell nói. Lần đầu họ gặp nhau, Oona đầy sức mạnh. Chị ta không chỉ lôi cuốn – rất là suồng sã, Nell nghĩ, một cách không bằng lòng – mà còn có một ý chí thép và những ý kiến chắc nịch và quyết tâm có được mọi điều mình muốn. Hoặc đấy là điều phần đông mọi người được phép thấy. Phải, chị ta có những cơn tuyệt vọng, nhưng những lúc đó chị ta đi ngủ, nên người ta không thấy cô Oona này. Họ chỉ nhìn thấy khuôn mặt tươi tắn, kiên định, có hơi nhạo báng mà chị ta chìa ra. Chị ta nổi tiếng là năng nổ, là chiến thắng thử thách, là việc gì cũng thành. Nghề của chị ta là quản lý. Chị ta được thuê về những cơ sở nhỏ – những tạp chí nhỏ, những đoàn kịch nhỏ – những tạp chí và đoàn kịch nhỏ và đi xuống – và chị ta nắn lại xương cốt họ và nhào nặn cho họ đâu vào đấy.

Khi Tig chuyển ra khỏi nhà, những bạn bè sơ đã rất ngạc nhiên. Mọi thứ trước đó vẫn có vẻ yên bình lắm. Mọi người đều biết rằng hai người đã có ưng thuận ngầm, và rằng nhất là Oona đã đi qua một lượt những bạn bè giai, nhưng tình hình thì vẫn được coi là yên ổn. Cơn giận – cả hai phía đều chính đáng, Nell thêm một cách công bằng, vì tay lẻ không đập nên kêu, phải không? – cơn giận đã bị chôn vùi; nhưng cũng như rất nhiều thứ bị chôn nó không chịu nằm lại dưới mặt đất vĩnh viễn.

Sau khi chia tay, Oona truyền bá khắp nơi ấn tượng về sự hài lòng. Chị ta là người yêu cầu Tig rời đi: như thế có vẻ tốt hơn. Hai đứa con không sao; chúng sẽ đến ở với Tig cuối tuần và các kỳ nghỉ, ở vùng quê. Đấy là tự chị ta cần thêm tự do, bớt cản trở, thêm không gian, thời gian cho chính mình. Nới rộng khoảng cách. Đấy là tuyên ngôn của Oona, suốt năm đầu.

Việc bổ sung Nell một cách lâu dài trong đời Tig được Oona đón nhận bình tĩnh – tại sao không, vì phần nào đấy là thành tích của chị ta? Chị ta chẳng đã giới thiệu Tig và Nell, đã gầy dựng nên cái – nên gọi là gì nhỉ? Cái mối đó. “Tig và hậu cung,” chị ta nói. “Tất nhiên, Nell còn rất trẻ.” Thái độ của chị ta thì nói: trẻ và khờ khạo. Ngụ ý là Nell chỉ nhất thời thôi: Nell sẽ bỏ Tig bởi anh đã quá lụ khụ, hoặc Tig sẽ bỏ Nell vì chị quá nông cạn. Nếu hai người bọn họ muốn mốc meo lên ở cái chòi đi mướn giữa đồng không mông quạnh với căn nhà kho sắp sập và đám cỏ dại – đến đây Oona sẽ cười và nhún vai – thì, chúc may mắn thôi. Phần lớn người khác thì sẽ phát điên, chị ta chẳng hạn. Trước mắt thì, hai đứa trẻ được hưởng không khí vùng quê, thỉnh thoảng, còn Oona có thêm không gian, cái không gian chị ta vẫn muốn.

Chị ta luôn viện đến không gian này vào phút chót. Một chuyện gì đó xảy ra – cơ hội lên đường với bạn giai hiện tại chẳng hạn. Chị ta sẽ gọi cho Nell và ra chỉ thị: cần đón lũ trẻ ở đâu, khi nào thì trả chúng về, cần có gì cho chúng ăn. Giọng chị ta thân mật, thậm chí còn có vẻ vui thích. Nell còn biết nói gì, khi đứng trên sàn dốc trong căn bếp trang trại hút gió, ngoài vâng với dạ?

“Dạ thưa bà, chị ta muốn là muốn thế đấy,” Nell nói với bạn bè. “Chị ta đối xử với tôi như đứa ở.” Đấy là cách nhìn của Nell, dù chị không thể khiến Tig nhìn theo. Cứ khi nào chuyện trở về lũ trẻ, là mắt Tig mờ đi và anh biến thành một thứ người máy. Vì thế cách tốt nhất là – theo lời Nell – cắn răng lại và đừng nói gì cả.

Cũng không phải chị đã luyện tập cách này thật là nghiêm ngặt. Nhưng chị đã cố.

“Làm cha phải thế,” Lillie nói. “Anh ấy muốn điều tốt nhất cho các con.”

“Cháu biết,” Nell nói.

“Đứa con – phải đặt lên đầu,” Lillie nói.

“Cháu biết,” Nell nói. Chị biết thật, quả thế, khi giờ đã có một đứa con. Nhưng chuyện này xảy ra đã vài năm trước.

Thế nên mọi chuyện cứ diễn ra như thế, Nell nói, suốt trong khoảng một năm đầu. Rồi Nell và Tig thôi không thuê nữa và tự mua lấy cái trại của mình, một cái đỡ xập xệ hơn; dù không đỡ được bao nhiêu, bởi lúc ấy họ không có nhiều tiền lắm.

Nhưng Oona thì nghĩ họ có nhiều hơn thực tế rất nhiều, Nell kể với Lillie. Chị ta đòi nhiều hơn từ Tig – cho lũ trẻ – hơn khoản vẫn đang nhận. Nhưng nếu Tig cho chị ta thêm nữa, Nell nói, họ sẽ không còn đủ trả tiền nhà. Như thế này, nửa chi phí ăn ở cũng đã là Nell lo rồi. Hơn một nửa. Không phải là Nell so đo Tig hay gì. Nhưng không thể bắt hai với hai bằng năm.

Số học cũng không làm Oona nghĩ lại. Chị ta bắt đầu kể cho những người quen chung ở thành phố rằng Nell là con người kinh khủng thế nào, và chị cũng đã biến Tig thành con người kinh khủng ra sao. Nell nghe hết những nhận xét đó, như Oona đã định: người ta chẳng bao giờ uốn lưỡi hai lần khi nhắc lại những điều này.

Oona lại đổi luật sư – Tig và Oona lúc này đang thỏa thuận những điều khoản ly dị – và khi luật sư mới không vắt ra được thêm đồng nào từ Tig, chị ta lại đổi luật sư.

“Anh ấy không còn chút tiền nào,” Nell nói. “Anh ấy còn làm được gì đây? Chẳng ai có thể vắt đá ra máu.”

“Nhưng cô thì có,” Lillie nói.

“Không mấy,” Nell nói. “Chị ta viết vài lá thư khá thù hằn cho Tig. Đến lúc này thì chị ta cư xử như chính anh ấy bỏ rơi mình – như một thằng sở khanh thời Victoria nào đấy. Tig thì không nói lấy một điều xấu về chị ta, vì lũ trẻ.”

“Cô ta là mẹ mà,” Lillie nói. “Khi có mẹ và khi có các con trai, chuyện dừng ở đó.”

“Vắn tắt là vậy,” Nell nói. Lillie có vẻ không hiểu, nên chị thêm, “Chính thế.”

*

Tuy vậy, trang trại mới cũng không phải lâu đài, như hai đứa trẻ ngoan ngoãn báo cáo về Oona – ở đó có chuột, là một, và đến mùa xuân sàn đất dưới hầm ngập nước, còn đến mùa đông gió thổi xuyên tường – thế nên dần dần Oona dịu lại một chút. Chị ta đi nghỉ với các bạn giai khác nhau, đến những vùng bán nhiệt đới, nhưng dù Tig hy vọng một trong các bạn giai sẽ thành phụ kiện lâu bền, vẫn chẳng ai ở lại.

Thời gian trôi, và Tig và Nell dọn lại về thành phố – vào căn nhà dãy bên rìa khu phố Tàu, cái nhà có gián, cũng không phải là mối nguy với Oona. Hai đứa trẻ giờ đã lớn rồi, chúng không còn sống với Oona nữa. Tig có thể tự thu xếp với hai con, không phải thông qua Oona. Thế nên mối bất hòa tiềm tàng ấy đã cắt rồi. Nell cảm thấy nhẹ hơn, và bớt nín lặng.

Nhưng rồi có hai chuyện xảy ra. Oona bị buộc phải rời căn hộ lớn, tiện nghi và bắt đầu trôi nổi trong một loạt nhà thuê lại bất như ý, đúng vào lúc chị ta vừa rời chỗ làm cuối cùng; và Tig và Nell dọn vào căn nhà mới, căn nhà mà chị cùng Lillie đang ngồi lúc này đây, đun nước uống trà.

“Chị ta không thể chịu được,” Nell nói. “Chị ta nghĩ chúng cháu đang sống trong lâu đài. Chúng cháu chỉ gặp may thôi, chúng cháu mua và bán được đúng lúc, nhưng chị ta nghĩ chúng cháu đang bơi trong tiền. Chuyện đó làm chị ta phát điên.”

“Có thể hiểu được,” Lillie nói. “Vẫn thường như thế. Nhưng cô ta lớn rồi. Người có tiền, người không.”

“Phải,” Nell nói. “Nhưng còn chuyện chị ấy không khỏe.”

Căn bệnh của Oona đã đeo đẳng chị ta nhiều năm nay. Chị ta đã béo lên khá nhiều, và càng đắp thêm thịt chị ta càng mất chất. Thêm nữa chị ta mất tinh thần. Sự quả quyết vẫn nâng đỡ chị ta đang bốc hơi: chị ta bắt đầu do dự, hay dao động. Chị ta sợ đủ thứ. Chị ta không muốn ra khỏi nhà, không muốn vào một cái gì từa tựa như đường hầm – tàu điện ngầm chẳng hạn.

Oona đã đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác: không ai có thể giải thích được tình trạng của chị ta. Có thể thế này, có thể thế kia. Đôi lúc chị ta xỉu – ngay trên vỉa hè, lần gần đây nhất – và rồi chị ta sẽ được chở đến bệnh viện và kê thêm một tên thuốc vô dụng nữa. Ngay lúc này chị ta sống kề những láng giềng ồn ào chuyên hò hét và tiệc tùng thâu đêm; đến sáng sẽ thấy kim tiêm vứt trên thảm cỏ. Sống ở đó khó khăn và nhếch nhác với Oona, và đáng sợ. Chuyện Oona có thể khiếp sợ thực lòng như thế này là một điều mới lạ với Nell.

Tig nói nếu anh có tiền anh sẽ mua cho Oona một căn nhà để sống, vì lũ trẻ. Anh nói lửng lơ, không nhìn vào Nell. Anh nói lũ trẻ rất lo lắng.

Đến lượt mình Tig lo lắng cho lũ trẻ, chỉ còn Nell phải lo lắng cho Tig.

“Chúng là trẻ ngoan,” Lillie nói, bà đã từng gặp chúng. “Cư xử lễ độ. Chúng muốn giúp mẹ.”

“Cháu biết,” Nell nói. “Oona và lũ trẻ nghĩ chị ta sẽ đỡ hơn nếu có nhà riêng, không phải thuê chung với người khác. Sẽ yên tĩnh hơn. Nhưng chị ta không đủ tiền.”

“Còn Tig – anh ấy nghĩ gì?”

“Tig không muốn bàn chuyện đó.”

Lillie ném cho Nell một cái nhìn tinh quái. “Cô có thể làm gì?” bà hỏi.

Nell biết mình có thể làm gì. Chị có một món bất ngờ, một khoản thừa kế, không nhiều lắm, nhưng cũng đủ. Chị đã cất nó trong nhà băng, trong một quỹ an toàn. Nó ngồi đó như một lời trách móc, và không ai nhắc đến.

*

Lillie giúp Nell kiếm căn nhà. Thị trường nhà đất giờ đang sốt đến xâu xé nhau, bất động sản trao tay nhanh đến chóng mặt người ngoài nhìn vào, Lillie nói, nên không dễ. Giá Oona nghĩ đến căn nhà hồi còn là thị trường của người mua với nhau thì dễ hơn, nhưng đời là thế. Không chỉ thế, Oona còn một lô những tiêu chuẩn: bỏ qua những khu dân nghèo, chị ta đã chết khiếp cảnh nghèo. Không được quá tối. Không quá nhiều cầu thang. Trạm xe điện ở gần. Cửa hàng đủ đi bộ đến. Mảnh vườn.

Ban đầu Lillie chở Oona đi xem, luôn có một đứa con đi kèm, nhưng như bà báo lại với Nell, không ích gì cả. “Cô ta muốn một lâu đài,” bà nói. “Hai đứa nói với cô nhà như thế quá to. Chúng rất đau khổ, hai đứa ấy, chúng muốn mẹ chúng được vui, chúng là con ngoan. Nhưng cô ta muốn thật to. Muốn phải to hơn của cô.”

“Cháu không trả nổi nhiều thế,” Nell nói.

Lillie nhún vai. “Tôi đã bảo. Nhưng cô ta không tin.”

Sau đó Nell là người đi xem nhà, với Lillie, trong xe trắng của bà. Lillie lái xe mình rạp xuống trước, như đang trượt tuyết. Trong vài đường xe vào quá hẹp họ gặp rắc rối; Lillie cán phải một khóm hosta. Nell lo lắng về thị lực bà. Dù sao thì họ cũng tìm được một thứ đạt yêu cầu, gần thế: một nhà song lập hai tầng với một vườn sau nhỏ xíu và sàn ngoài trời, buồng ăn vách kính, ba phòng nhỏ trên lầu.

Người bán, hai anh chàng tre trẻ, ngồi trên sô pha nhìn những người mua dự kiến nện gót trên cầu thang. Họ đã xếp ít cây trước cửa sổ chính – một chậu phong lữ, hai ba chậu thu hải đường ủ dột – nhưng đấy là nhượng bộ duy nhất. Họ cũng không buồn hút bụi. Thị trường như thế này, việc gì mất công?

“Phì,” Lillie nói trong tầng hầm. “Của vất đi này sẽ bỏ. Chẳng thì cũng khô. Nếu người cao thì sẽ có vấn đề, nhưng ai cao ở đây? Để giặt giũ thôi thì cũng không tệ. Trên tầng, cô ta có thể đập bỏ một bức tường, xây một giếng trời, có một người ở thì rộng rãi chán, một chỗ sẽ rất dễ thương, cô hiểu chứ?”

Nell và Lillie chạy ào vào văn phòng nhà đất và đặt mua vừa đúng lúc. Thêm nửa ngày nữa là mất rồi, Lillie nói. Oona sẽ trả tiền thuê: đấy là chị ta muốn thu xếp thế, lũ trẻ nói. Chị ta không muốn Nell nuôi mình. Tiền thuê chẳng đủ để bù lại hết, nhưng Oona không biết.

Nell và Oona không còn nói chuyện với nhau; đã như thế từ lâu rồi. Lũ trẻ vẫn làm chân trung gian.

Lũ trẻ khó chịu đựng chuyện này, Nell biết thế. Chị thấy thương chúng. Chị còn thấy thương cả Oona, dù phải mất ít cố gắng. Chị nhận định mình bản tính không phải một người hào hiệp. Một vài người bạn lập dị – những người mê cầu pha lê và loại đó – chắc sẽ bảo Oona là nghiệp chướng của một việc xấu chị đã làm trong kiếp trước. Họ sẽ nói xử đẹp với Oona là bổn phận đã được giao cho chị. Đấy cũng là một cách nhìn, Nell nghĩ. Một cách khác là chị đang thành cái thảm chùi giày.

Nell ký hợp đồng mà không cho Tig biết. Khi cuối cùng chị báo, anh nói hai điều: Em điên rồi. Cảm ơn em.

“Cô là người tốt,” Lillie nói. Bà gửi đến hai bát bánh quy cứng, và hai mảnh giấy in hoa: một cho Nell và một cho Oona.

***

Trong một thời gian ngắn mọi chuyện đều phẳng lặng. Nell thấy mình cao cả, Oona thấy an toàn hơn và ngừng than vãn về hai người kinh khủng là Nell và Tig, Tig thấy bớt lo lắng, hai đứa trẻ thấy tự do. Nell nói với các bạn mình đã quyết định đúng đắn. Chị khoái chí thấy họ nghi hoặc: sau bao nhiêu điều Oona đã nói về Nell – mà họ biết là Nell biết chị ta đã nói, vì chính họ đã làm người đưa tin – Nell mua cho Oona một căn nhà? Chị nghĩ chị là bậc thánh chắc?

Có nhiều thứ cần sửa: một căn nhà không bao giờ thôi cần sửa chữa, như Lillie nhận xét. Có bậc thềm trước, có máy điều hòa, có lớp sơn – lũ trẻ phụ một tay vào đó. Còn cả mái nhà nữa; không thể làm lại mái nhà mà không mất gì. Nhưng Oona có khiếu thẩm mỹ tuyệt vời, chị ta vẫn có trước giờ, và đấy là một trong những sức mạnh vẫn chưa rời bỏ chị ta. Một khi chị ta đã bày biện đồ gỗ xong, sẽ không nhận ra nơi đó được nữa. “Cô ta đã làm mới hoàn toàn,” Lillie thuật lại cho Nell; bởi, cũng như mọi người khác, Oona đã mê mẩn Lillie, và đã mời bà qua dùng trà.

Nhưng tình trạng thanh bình không kéo dài. Sức khỏe Oona ban đầu đã cải thiện, nhưng bây giờ lại đang xuống dốc. Chân chị ta run rẩy; chị ta khó khăn mới lên xuống được cầu thang; chị ta không còn nghĩ mình đi bộ được tới cửa hàng góc đường nữa. Những chậu cây lớn đặt trên sàn ngoài trời trở thành gánh nặng khi cần tưới nước. Chị ta nghe thấy tiếng động lạ trong đêm – nhiều phần có lẽ chỉ là chồn racoon, mặc dù, như Lillie nói, tiếng động là thứ không bao giờ biết chắc được – và hoảng sợ. Hai đứa con lắp hệ thống báo động, nhưng một lần nó bật không đúng lúc và làm Oona còn khiếp sợ hơn nữa, nên chúng lại tháo ra.

Có thể những sợ hãi này chỉ là do thuốc men, lũ trẻ nói. Chị ta đang uống loại thuốc mới, hay là hai, hay là ba loại. Chị ta không muốn uống thuốc ấy, nghĩ chúng chỉ làm bệnh chị nặng hơn. Thêm nữa, chị ta tin chắc rằng mình rồi sẽ thành một phế nhân dật dờ ngoài đường – rằng chị ta sẽ tiêu hết khoản dành dụm, rằng chị ta sẽ cạn tiền, và rằng Nell – về thực tế là chủ căn nhà – sẽ đuổi chị ta đi.

“Cháu không bao giờ làm thế,” Nell nói. Nhưng Oona cho rằng chị sẽ làm.

Đằng sau những lời than thở sợ hãi của Oona là mong muốn Nell sẽ giảm hoặc miễn tiền thuê của chị ta. Một trong hai đứa con đã nói bóng về chuyện đó. Nhưng Nell đang nai lưng hết cỡ, về mặt tiền nong. Thêm nữa chị cảm thấy mình đang bị dồn quá mức. Mình đã nhún nhiều lắm rồi, chị nghĩ. Nhún thêm nữa mình sẽ nổ mất.

Lũ trẻ muốn Oona dời vào một căn hộ – căn hộ nào vừa giá tiền, có thang máy. Oona mãi không quyết được; chị ta không muốn leo cầu thang, nhưng mặt khác thang máy thì bí bức quá, như đường hầm ấy. Chị ta đang hành hạ đầu óc mình, lũ trẻ bảo. Chị ta phàn nàn mất ngủ. Nhưng sau khi khai thác hết vài hãng nhà đất và theo đuổi rất nhiều mối chẳng đi đến đâu, cuối cùng chúng cũng tìm được một nơi phù hợp. Đấy là một căn hộ một buồng ngủ, nhỏ nhưng vừa phải; nơi này sẽ an toàn hơn, không mất sức Oona quá. Oona miễn cưỡng gật đầu. Chị ta không muốn chuyển nhà, nhưng cũng không muốn ở lại nơi đang ở.

*

Nell gọi Lillie tới bàn chuyện bán nhà.

“Có đồ đạc thì bao giờ cũng tốt hơn,” Lillie nói. “Người ta có thể nhìn ra tương lai. Mà đồ đạc ở đây rất dễ thương.” Bà muốn tổ chức một buổi tham quan nhà, và Oona cuối cùng cũng đồng ý. Một trong hai đứa con sẽ phụ giúp; đứa kia sẽ đưa chị ta đi chơi cả ngày để khỏi phải đối mặt với đám người mua bậu xậu. Lillie sẽ đương đầu với họ.

Còn Nell và Tig, cả hai lên đường đi châu Âu – Venice. Họ chưa bao giờ đến đó, họ đã mong đến từ lâu. Với số tiền sắp được giải tỏa từ việc bán nhà – nhà của Oona, như bây giờ tất cả đều gọi – họ đã đủ tiền đi một chuyến.

Đã đến lúc cần chuyến đi này, Nell nghĩ. Hai người cần phải gỡ mình khỏi vũng xoáy xám chầm chậm tỏa quanh Oona.

*

Lillie đánh chiếc xe trắng vào vườn nhà, đỗ lại, đu mình ra. Bà lên thềm trước, từng bậc một: chân bà dạo này càng lúc càng nhức. Bà ấn chuông cửa. Oona lẽ ra phải ở đó mở cửa cho bà vào kiểm tra mọi thứ, sẵn sàng cho buổi tham quan, nhưng không ai trả lời.

Khi Lillie còn đang đứng trên hiên nghĩ xem phải làm gì thì xe hai đứa con trai đến. Chúng cũng ấn chuông cửa. Rồi một đứa – thằng anh – leo qua rào và trèo xuống chỗ những chậu cây, nhìn qua khung cửa sổ cao bằng tường trong buồng ăn vách kính. Oona đang nằm trên sàn.

Thằng con đá vỡ cửa kính, làm đứt mạch máu ở chân. Oona đã chết. Bác sĩ đến sau nói chị ta chết vài tiếng đồng hồ rồi. Lên cơn đột quỵ. Tách trà vẫn còn để trên bàn bếp. Thằng con, tay giữ chân và máu chảy ròng ròng đằng sau, nhảy lò cò đến cửa mở cho mọi người vào. Xe cứu thương gọi đến; thằng anh nằm trên sàn giơ chân lên trời và thằng em cố buộc cầm máu bằng khăn uống trà. Lillie ngồi trên ghế bành trong phòng khách, mặt trắng bệch run cầm cập. “Tôi chưa từng thấy cảnh gì ghê rợn như thế,” bà nhắc đi nhắc lại.

Đấy là dấu hiệu đầu tiên, với Nell, khi mọi chuyện được thuật lại với chị sau này, cho thấy có một điều gì đó cực kỳ không ổn với Lillie, bởi đây làm sao là cảnh ghê rợn nhất Lillie từng thấy được. Không hề.

Buổi tham quan nhà bị hủy, dĩ nhiên. Không thể bán một căn nhà đầy máu me trên sàn. Nhưng sau này – hàng tuần sau, một khi đồ đạc đã dọn hết – Lillie có thử lại. Nhưng tâm trí bà không ở đó, Nell nhận ra. Bà không còn nỗi hào hứng trước, niềm tin đinh ninh rằng còn có thể tìm ra điều tốt trong điều xấu. Không chỉ thế, bà còn sợ hãi chính cái nhà.

“Cái nhà tối quá,” bà nói với Nell. “Chẳng ai muốn sống trong cảnh tối tăm thế.” Bà đề nghị tỉa gọn các bụi cây.

Nell và Tig đến xem nhà. Nhà không hề tối. Ngược lại, nó hơi sáng quá là khác – sáng nghĩa là sẽ nóng, khi hè đến. Tuy nhiên họ cũng chặt bớt vài cái cành.

“Hầm ấy – ngập đầy nước,” Lillie nói qua điện thoại. Bà có vẻ buồn bực. Tig đánh xe qua liền. “Hầm khô như rang,” anh bảo Nell.

Nell mời Lillie qua dùng trà. Thủy tiên đang nở rộ; Lillie trố mắt nhìn chúng qua cửa sổ. “Hoa kia gọi là gì?” bà hỏi.

“Lillie à,” Nell nói, “bà không phải lo bán cái nhà đâu. Để người khác làm cũng được.”

“Tôi muốn làm việc đó, cho cô,” Lillie nói. “Cô đã gặp nhiều chuyện rồi.”

“Bà nghĩ cái nhà tối,” Nell nói.

“Tôi chưa hề thấy cảnh gì kinh khủng như thế,” Lillie nói. “Kinh khủng. Máu ơi là máu.”

“Không phải máu của Oona,” Nell nói.

“Vẫn là máu,” Lillie nói.

“Bà nghĩ Oona vẫn còn ở đó,” Nell nói.

“Cái gì cô cũng hiểu,” Lillie nói.

“Cháu có thể lo chuyện này,” Nell nói. “Cháu có quen người làm việc đó.”

“Cô thật là người tốt,” Lillie nói, và Nell nhận ra rằng Lillie đang bỏ cuộc, bà đang buông tay. Bà không còn muốn là người cái gì cũng hiểu, người có thể lo mọi chuyện. Nell bây giờ sẽ phải làm việc đó, vì Lillie.

Nell gọi cho người bạn mê phong thủy, người này tìm giúp cô một chuyên gia cầu pha lê và trục vong. Có tính phí, trả tiền mặt là tốt nhất, người bạn nói. “Được thôi,” Nell nói. “Đừng kể gì với cô ta về Oona hay người chết. Tôi muốn cô ta chẩn đoán từ đầu.” Có phải Oona vẫn còn ở trong nhà? Có phải chị ta ngăn cản việc bán nhà vì thù hận? Nell không nghĩ thế. Chị không thể hình dung Oona lại làm một trò tiểu nhân như thế. Nhưng mặt khác, cả hai bọn họ đều đã phạm phải rất nhiều cú tiểu nhân ngang nhau. Vợ trước, vợ sau – họ có thể nâng thành điển hình cũng được.

Tig đưa Nell đến căn nhà, nhưng ngồi lại trong xe. Anh không muốn dính dáng gì đến chuyện này. Nell tự lấy chìa khóa mở cửa vào nhà, rồi lại mở cửa cho cô phù thủy, tên là Susan. Susan không có vẻ lả lướt tí nào; ngược lại chị ta có dáng thể thao, sự vụ, thực tế. Chị ta cầm phong bì tiền công nhét vào ví.

“Chúng ta sẽ bắt đầu từ tầng trên cùng,” chị nói.

Susan đi một vòng nhà – vào từng phòng một, xuống tận hầm, ra ngoài sàn trời. Ở khu nào chị ta cũng đứng yên, đầu ngả sang bên. Cuối cùng chị ta vào đến bếp.

“Bây giờ thì trong nhà không có ai,” chị ta nói, “nhưng ngay chỗ này có một kênh cho các linh thể đến và đi.” Chị ta chỉ vào buồng ăn.

“Kênh à?” Nell hỏi.

“Gần như một đường hầm ấy. Một cầu nối,” Susan kiên nhẫn nói. “Họ đi vào thế giới của ta rồi lại đi ra, ngay ở đây.”

“Đây là chỗ có người đã chết,” Nell nói.

“Nếu như thế thì người ấy chủ động đến đây vì muốn chuyển tiếp được nhanh gọn,” Susan nói.

Nell suy nghĩ. “Các linh thể lành hay dữ?” chị hỏi.

“Có thể là cả hai,” Susan nói. “Có đủ loại linh thể.”

“Nếu trong nhà có linh thể dữ thì phải làm gì?”

“Chiếu ánh sáng quanh họ,” Susan nói.

Nell không hỏi xem người ta cần phải thực hiện thế nào. “Chị có nghĩ các linh thể sẽ phật lòng nếu chúng ta đóng kênh lại hoặc dời nó đi nơi khác không?” chị hỏi. Cứ như trò chơi trẻ con với những bạn bè tưởng tượng. Miễn là được việc, chị tự nhủ.

“Để tôi hỏi xem,” Susan nói. Chị ta đứng lặng yên, lắng nghe. “Họ nói cũng được, nhưng muốn kênh dời ra ngay sân thôi. Họ không muốn dời đi xa quá. Họ thích khu này.”

“Đồng ý,” Nell nói. Ngay các linh thể cũng kén chọn nhà đất ra trò, xem ra thế. “Thế bây giờ phải làm gì?”

Bây giờ họ phải làm một thứ điệu múa vòng tròn, kèm thêm cả chuông leng keng; Susan cất sẵn chuông trong ví. “Rồi đấy,” chị ta nói. “Kênh đóng rồi. Nhưng để cho chắc…” Chị ta lấy ra mấy túm ngải đặt vào ngăn kéo bếp. “Như thế sẽ khiến họ tránh xa một thời gian,” chị ta nói.

“Cám ơn chị,” Nell nói.

*

“Mọi thứ ổn rồi,” Nell bảo Lillie.

“Cô tốt quá,” Lillie nói.

Nhưng vẫn chưa phải ổn. Lillie vẫn còn sợ căn nhà. Trong đó có một thứ gì đó không phải Oona. Có một thứ gì xưa hơn, đen tối hơn, khủng khiếp hơn. Có một thứ gì đã bị khuấy động; đã bị đánh thức, đã trồi lên bề mặt. Trong đó có máu.

Sau này, Nell sẽ kể với mọi người đây chắc hẳn là giai đoạn đầu của chứng Alzheimer, hoặc là chứng gì đó chẳng mấy chốc đã bắt Lillie đi mất, đi khỏi thế giới này như bà từng biết trước đây. Dầu vậy bà đã tới một nơi tốt đẹp hơn; một nơi không còn quá khứ, hoặc ít nhất là một vài mảng quá khứ. Ở nơi ấy, một số người bà quen biết từ lâu vẫn còn đang sống. Chồng bà vẫn còn đang sống. Ông đang chờ bà về nhà, bà bảo. Ông không muốn bà ra đường một mình, ông muốn bà ở đây trong phòng khách, giữa những món đồ sứ trang trí quen thuộc, nhất là sau khi chiều xuống.

Các con đã trưởng thành của Lillie bắt tay sắp xếp. Họ kiếm một người chăm sóc để Lillie có thể ở yên trong nhà bà. Như thế với bà sẽ bình yên hơn, họ nghĩ. Bà bắt đầu học vẽ màu nước, một việc bà chưa từng làm trước đây. Những tranh bà vẽ đều tươi sáng rạng rỡ, đầy ánh nắng; chủ yếu là các bức vẽ hoa. Mỗi lúc Nell ghé thăm, bà đều cười vui sướng. “Tôi làm bánh quy đấy, dành riêng cho cô thôi,” bà nói. Nhưng bà không làm gì cả.

*

Nhà của Oona đã được hai anh chàng gay mua – hai chàng gay nghệ sĩ, bạn của Nell và, như họ phát hiện, cựu khách hàng của Lillie – vì thích ánh sáng chiếu vào trên tầng hai đằng sau nhà. Họ đã dựng một xưởng vẽ ở đó. Họ đập bỏ vài bức tường, dựng thêm vài bức, xây một giếng trời, và trang trí lại. Họ có một chế độ lạ đời cho con mèo nhà – một cái hộp cát trượt ra rồi lại trượt vào trong tường khi con mèo khởi động bộ cảm ứng. Con mèo cư xử rất kỳ quặc khi đi vào buồng ăn vách kính, họ kể với Nell: nó cứ ngồi nhìn trừng trừng ra cửa như quan sát cái gì đấy.

“Nó đang nhìn các linh thể,” Nell nói, khi qua đó dùng trà và ngắm nghía căn nhà làm lại. “Chúng mình đã dời họ ra sân. Đấy là vì họ muốn đặt kênh ở đó.”

“Cái gì cơ?” hai chàng gay nói. “Các bà cô à? Đừng có nói là nhà này bị các bà cô chiếm cứ!” Họ cười lớn.

“Không phải, các linh thể,” Nell nói.

Rồi Nell kể cho họ chuyện về Oona, và Tig, và chính mình, và cô phù thủy Susan – họ rất khoái mục Nell nhảy vòng tròn với chuông leng keng – và cả chuyện về Lillie nữa. Chị có thay đổi một chút câu chuyện, tất nhiên. Chị biến nó thành buồn cười hơn lúc nó xảy ra. Hơn nữa, mỗi người trong chuyện đều có vẻ tốt hơn thực tế. Ngoại trừ Lillie; Lillie không cần tô điểm gì nữa.

Hai chàng gay rất khoái câu chuyện: chuyện hết sức quái dị, và họ thích những điều quái dị. Hơn nữa đấy cũng là câu chuyện về chính họ, vì là câu chuyện về ngôi nhà của họ. Một chốn ở sẽ có thêm chút tính cách khi có câu chuyện đi kèm. “Chúng mình có linh thể trong nhà!” họ nói. “Biết đâu đấy? Nếu có bao giờ bán nhà chúng mình sẽ đưa vào tin rao. Xưởng vẽ xinh xắn. Thùng cát mèo gắn sẵn. Kèm linh thể.”

Nhưng mình còn biết làm gì với chúng? Nell nghĩ, khi vòng vèo trên đường về nhà. Bao nhiêu phiền muộn và cáu giận, những hảo ý đáng ngờ, những số phận vướng vít, rồi máu nữa. Mình có thể kể ra hoặc có thể chôn đi. Rốt cuộc, tất cả chúng ta đều trở thành chuyện kể. Hoặc có khi đều trở thành linh thể. Có thể cũng đều như nhau.


Source: Margaret Atwood, Moral Disorder and other stories, Emblem, 2009.

Tags :