Saadat Hasan Manto – fragments and sketches

“Khol do”

(assembled from various translations and fragments and analyses; liberties extravagantly taken)

Chuyến tàu đặc biệt rời Amritsar lúc hai giờ chiều và đến Mughalpura tám tiếng sau. Trên đường nhiều người đã bị giết, nhiều người bị thương và vô số người mất tích.

Mười giờ sáng hôm sau thì Sirajuddin tỉnh lại. Bác đang nằm trên nền đất, xung quanh là những đàn ông, đàn bà, trẻ con đang la thét. Vô cùng hỗn độn.

Bác nằm yên nhìn lên bầu trời vẩn đục. Bác hình như không nhìn, không nghe thấy cảnh náo loạn chung quanh. Người khác nhìn vào có thể tưởng ông già này đang chìm đắm trong suy nghĩ, nhưng không phải: bác đang còn trong cơn choáng, lơ lửng trên một hố sâu không đáy.

Rồi ánh nắng rọi trúng vào mắt bác, giật bác về thế giới thực. Một chuỗi hình ảnh chạy rầm rập qua đầu bác. Tấn công.. lửa cháy.. chạy trốn.. nhà ga.. đêm tối.. Sakina. Bác chồm dậy và chạy bổ đi lùng giữa đám đông bát nháo.

Bác tìm kiếm hết giờ này sang giờ khác, miệng hét tên con gái: “Sakina! Sakina!” nhưng không thấy cô bé đâu.

Khung cảnh trong trại cực kỳ hỗn loạn, ai nấy đều đang kiếm tìm người thân mất tích – con trai, con gái, mẹ, vợ. Cuối cùng Sirajuddin bỏ cuộc. Bác ngồi  thụp xuống một chỗ vắng, cố gắng suy nghĩ rành mạch xem lần cuối còn ở với Sakina và mẹ nó là khi nào. Rồi bác thình lình nhớ lại – thi thể người vợ cứng đờ, bụng rạch toang – hình ảnh ấy đã đến không chịu rời đi nữa.

Mẹ Sakina chết rồi, điều này thì chắc. Vợ bác chết ngay trước mặt bác. Bác còn nghe thấy giọng vợ: “Cứ mặc tôi. Mình đem con chạy đi.”

Hai bố con đã chạy. Sakina đánh rơi chiếc dupatta và bác cúi xuống nhặt lên còn cô bé nói, “Mặc nó, bố ơi.”

Có vật gì phồng lên trong túi bác. Đấy là một mảnh khăn – cái dupatta của Sakina, nhưng nó ở đâu?

Ngoài ra bác không nhớ gì khác. Bác có đưa nó đến được nhà ga không? Nó có lên tàu với bác không? Khi quân nổi loạn chặn tàu lại, chúng có đem con bé đi không?

Toàn là câu hỏi, không có trả lời. Bác muốn khóc, nhưng nước mắt không chịu chảy. Bác cần có người giúp đỡ.

Mấy ngày sau bình tĩnh lại, bác gặp một nhóm thanh niên. Họ có tám người, đều có súng. Có cả xe tải. Họ sẽ giúp bác. Bác tả lại con gái mình cho họ. “Da nó trắng, rất xinh. Không, nó không giống tôi, giống mẹ nó. Khoảng mười bảy. Mắt to, tóc đen, trên má phải có nốt ruồi. Hãy mang con gái về cho ta. Chúa phù hộ các con.”

Họ đã nói với ông già đáng thương: “Nếu con gái bác còn sống, nhất định chúng tôi sẽ tìm được.”

Nhóm thanh niên không quản công sức. Họ liều mạng trở lại Amritsar, cứu được rất nhiều đàn bà và trẻ em về trại, nhưng vẫn chưa tìm thấy Sakina.

Lần sau đến Amritsar, họ bắt gặp một cô gái bên vệ đường gần Cherat. Cô bỏ chạy khi nghe tiếng xe tải. Họ dừng xe, nhảy ra chạy đuổi theo cô, cuối cùng cũng bắt kịp cô giữa cánh đồng. Cô gái rất xinh và có một nốt ruồi trên má phải. Một người hỏi: “Cô có phải Sakina không?” Mặt cô tái nhợt đi, nhưng họ nói rõ họ là ai, và cô nhận mình đúng là Sakina, con gái của Sirajuddin.

Nhóm thanh niên đối xử tử tế với cô, cho cô ăn, uống sữa và cho cô vào ở trong xe tải. Một người còn cho cô áo khoác để che thân, vì rõ ràng là cô lúng túng khi không có dupatta, hai cánh tay loay hoay tìm cách che ngực.

Nhiều ngày trôi qua mà Sirajuddin vẫn chưa có tin gì. Ngày nào bác cũng chạy từ trại này sang trại khác hỏi han, đêm đến lại cầu nguyện cho nhóm thanh niên. Tai bác vẫn đinh ninh lời họ: “Nếu con gái bác còn sống, nhất định chúng tôi sẽ tìm được.”

Rồi một hôm bác nhìn thấy họ ở trong trại, đang sắp lái đi. “Các con ơi,” bác gọi với theo, “con đã tìm được Sakina, con gái ta chưa?”

“Sắp rồi, sắp rồi,” họ đồng thanh đáp.

Bác lại cầu nguyện cho họ, và cảm thấy được an ủi.

Tối hôm đó trong trại bỗng dưng ồn ào. Bác nhìn thấy bốn người đang khiêng vật gì vào. Một cô gái nằm bất tỉnh gần đường ray. Họ mang cô đến bệnh viện trại, bác đi theo họ.

Bác đứng bên ngoài bệnh viện một lúc, rồi đi vào. Trong phòng tối, chỉ có một chiếc cáng trên đặt một  người. Bác chầm chậm bước lại.

Đèn bật lên. Đấy là một cô gái trẻ có nốt ruồi trên má phải. “Sakina,” Sirajuddin rú lên.

Viên bác sĩ vừa bật đèn ngoảnh nhìn Sirajuddin.

“Tôi là cha nó,” bác lắp bắp. Viên bác sĩ nhìn cái thân người thõng thượt rồi đưa tay dò mạch. Ông ta gạt tay bảo bác: “Dang ra.”

Cái thi thể trên cáng nhúc nhích. Bàn tay không sự sống lần dải rút salwar, rồi cởi dây và tuột chiếc quần xuống.

“Nó còn sống. Con gái tôi còn sống!” Sirajuddin mừng rỡ hét lên.

Viên bác sĩ đổ mồ hôi lạnh.

Nhiệm vụ

(I found out critics are not really fond of this particular little story. So, from Khalid Hasan’s supposedly flawed translation, for lack of any better.)

Cái việc mở đầu bằng vài vụ đâm chém lẻ tẻ giờ đã bùng lên thành bạo động tôn giáo quy mô lớn, không gì cản nổi. Cả bom tự chế cũng thấy mang ra dùng.

Tư tưởng chung ở Amritsar là bạo động tôn giáo khó mà kéo dài được. Người ta coi đấy chỉ là biểu hiện quá khích của kích động chính trị nhất thời, rồi sẽ phải lắng xuống. Suy cho cùng thì thành phố này còn lạ gì với bạo động tôn giáo nữa. Trước kia cũng đã xảy ra quá nhiều lần, không bao giờ kéo dài. Nó sẽ đi theo quỹ đạo quen thuộc, khoảng hai tuần bất ổn rồi việc làm ăn tại tiếp tục như cũ. Như thế, dựa trên kinh nghiệm, dân chúng hoàn toàn có lý khi tin rằng cảnh náo loạn hiện thời rồi sẽ đi theo đường cũ sau vài ngày. Nhưng thực tế không phải thế. Tình hình không chỉ cứ tiếp diễn, mà còn trầm trọng hơn.

Người Hồi sống trong các khu dân cư Hindu bắt đầu dời đến những nơi an toàn hơn, và người Hindu trong các vùng dân Hồi chiếm số đông cũng vậy. Tuy thế, ai cũng chỉ coi đấy là dàn xếp tạm thời. Họ tự nhủ cơn điên khùng này rồi sẽ phải sớm tắt.

Thẩm phán về hưu Mian Abdul Hai tin tưởng tuyệt đối rằng mọi việc rồi sẽ chóng trở lại như thường, vì thế ngài không có vẻ gì lo ngại. Ngài thẩm phán có hai con, một trai mười một, một gái mười bảy. Trong nhà còn có một người làm giờ đã giáp bảy chục. Một gia đình be bé. Khi bạo động nổ ra, Mian sahib vốn lo xa đã tích trữ lương thực… phòng trường hợp xấu nhất thôi. Thế nên ít nhất về mặt này cũng không phải lo ngại.

Cô con gái Sughra thì kém yên tâm hơn. Gia đình họ ở trong một ngôi nhà ba tầng nhìn được gần như toàn bộ thành phố, và Sughra không thể không để ý mỗi lần leo lên mái nhà, cô thấy lửa lan tràn khắp các ngả. Hồi đầu, cô còn nghe xe cứu hỏa ầm ầm chạy qua, chuông kêu leng keng, nhưng giờ không còn nữa. Cháy nhà ở quá nhiều nơi.

Đêm đến là lúc kinh hoàng nhất. Trời lúc nào cũng sáng rừng rực như có gã khổng lồ đang khạc lửa. Rồi lại những khẩu hiệu chốc chốc lại dội vào tai đến rợn người – Allaho Akbar, Har Har Mahadev.

Sughra không bao giờ kể nỗi sợ của mình cho cha vì ngài thẩm phán đã tuyên bố rằng không có gì phải lo lắng. Mọi thứ rồi sẽ ổn. Vì nói chung ông vẫn thường đúng, nên ban đầu Sughra đã bình tâm.

Nhưng rồi khi điện nước bỗng bị cắt không báo trước, và cô bày tỏ lo ngại với cha, và bối rối đề nghị có lẽ, ít nhất trong vài ngày, họ nên tạm rời đến Sharifpura, nơi nhiều hàng xóm Hồi cũng đã chuyển đến, Mian sahib bướng bỉnh đáp: ‘Con chỉ giỏi tưởng tượng. Mọi việc sẽ trở lại bình thường chóng thôi.’

Ngài thẩm phán nhầm. Tình hình càng lúc càng tệ hơn. Chẳng mấy lúc không còn lấy một gia đình Hồi giáo trong quận nhà Mian Abdul Hai sống. Rồi một hôm Mian sahib lên cơn đột quỵ và nằm liệt giường. Basharat, cậu con trai, vốn cả ngày tha thẩn chơi đủ trò thì giờ ngồi tịt bên giường cha.

Mọi cửa hàng trong vùng đã đóng ván kín cửa. Hiệu thuốc của bác sĩ Ghulam Hussian đã đóng cửa hàng tuần lễ và một hôm Sughra đứng trên mái nhận ra phòng khám gần đó của bác sĩ Goranditta Mall cũng đóng theo. Tình trạng Mian sahib mỗi ngày một xấu. Sughra tâm trí rối bời. Một hôm cô kéo cậu em ra nói: ‘Em phải làm gì đi. Chị biết ra ngoài lúc này nguy hiểm, nhưng chúng mình phải tìm người đến giúp. Cha ốm lắm rồi.’

Cậu bé đi, nhưng quay lại trong phút chốc, mặt trắng bệch vì sợ. Cậu vừa nhìn thấy một thây người đẫm máu nằm trên phố và một đám người xác xơ cướp phá các cửa hiệu. Sughra ôm lấy thằng bé chết khiếp và thầm cầu một câu kinh, cảm ơn Allah đã cho nó về được nhà. Nhưng cô cũng không chịu được khi thấy cha đau yếu. Nửa người trái của ông giờ đã bất động, nói năng khó khăn và chủ yếu trao đổi bằng cử chỉ, để nhắc Sughra rằng mọi việc rồi sẽ chóng yên ổn.

Đã đến tháng Ramadan và chỉ còn hai ngày là lễ Eid. Mian sahib hoàn toàn tin tưởng đến ngày lễ thì bạo động đã hết. Lần này nữa ông cũng nhầm. Lửa cháy khắp nơi phủ một màn khói lên toàn thành phố, đêm yên tĩnh chốc chốc lại bị xé toạc bởi tiếng nổ tung trời. Sughra và Basharat đã nhiều ngày nay không chợp mắt.

Dù không thế thì Sughra cũng không ngủ được vì sức khỏe mỗi ngày một giảm của cha. Tuyệt vọng, cô hết nhìn cha lại nhìn cậu em hoảng sợ rồi ông lão Akbar bảy chục, không được tích sự gì trong hoàn cảnh này. Cả ngày ông lão chỉ ngồi trong giường, vừa ho vừa chống cự cơn hen. Một hôm Sughra gắt lão: ‘Lão làm được việc gì? Lão có thấy Mian sahib đang ốm thế nào không? Có lẽ lão quá lười không muốn giúp đỡ nên mới giả đò hen suyễn. Ngày xưa thì đầy tớ hy sinh cả mạng sống cho chủ mình.’

Sau rồi Sughra cảm thấy rất hối hận. Cô đã quá nóng nảy với ông già. Buổi chiều khi cô mang thức ăn vào phòng người ở, ông già đã biến mất. Basharat đi tìm khắp nhà nhưng không thấy ông đâu. Cửa trước không chốt. Ông lão đã đi mất, có lẽ đi tìm người giúp Mian sahib. Sughra cầu cho ông lão chóng về, nhưng hai ngày qua vẫn không thấy ông.

Đã tối rồi và lễ Eid chỉ ngày nữa là tới [hửm?]. Cô nhớ lại cảnh phấn khích bao trùm lấy cả nhà mỗi lần đến dịp này. Cô nhớ mình đứng trên mái, giương mắt nhìn trời, tìm xem trăng ngày Eid ở đâu và cầu nguyện cho mây chóng tan. Khác với bây giờ biết mấy. Khói che phủ bầu trời và trên những mái nhà đằng xa có thể thấy người đứng nhìn lên. Họ đang cố gắng tìm trăng, cô tự hỏi, hay đang nhìn lửa cháy?

Cô nhìn lên trời thấy vệt trăng non mảnh khảnh ló ra trên một góc trời quang. Cô giơ hai cánh tay cầu nguyện, xin Allah cho cha khỏe lại. Basharat thì khá buồn bực vì năm nay sẽ không có lễ Eid.

Đêm vẫn chưa tới hẳn. Sughra đã chuyển giường cha trong nhà ra hàng hiên. Cô vẩy nước lên sàn cho mát. Mian sahib đang nằm đó đưa đôi mắt trống rỗng lặng lẽ nhìn trời nơi vừa thấy trăng. Sughra tới ngồi cạnh ông. Ông làm hiệu cho cô đến gần hơn, rồi chầm chậm nhấc tay lên đặt lên đầu cô. Sughra trào nước mắt. Cả Mian sahib trông cũng xúc động. Rồi khó khăn ông cử động miệng nói với cô: ‘Allah rất nhân từ. Mọi việc sẽ ổn.’

Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Tim Sughra đập mạnh. Cô nhìn sang Basharat, mặt đã trắng bệch như giấy. Tiếng gõ cửa tiếp tục. Mian sahib làm hiệu Sughra ra mở. Chắc là già Akbar quay về, cô nghĩ. Cô bảo Basharat: ‘Ra mở đi. Chị nghĩ chắc là Akbar.’ Cha cô lắc đầu, tỏ ý phản đối.

‘Không thì là ai?’ Sughra hỏi.

Mian Abdul Hai cố trả lời, nhưng ông chưa kịp nói thì Basharat đã chạy ù vào. Cậu bé thở dốc, kéo Sughra ra thì thầm: ‘Có một người Sikh.’

Sughra thét lên: ‘Người Sikh! Hắn ta muốn gì?’

‘Hắn muốn em mở cửa.’

Sughra ôm chầm lấy Basharat và tới ngồi trên giường cha, nhìn ông tuyệt vọng.

Trên đôi môi nhợt nhạt của Mian Abdul Hai, một nụ cười thoáng hiện. ‘Mở cửa đi, chỉ là Gurmukh Singh thôi.’

‘Không phải, là một người khác,’ Basharat nói.

Mian sahib quay sang Sughra. ‘Mở cửa đi. Là ông ấy đấy.’

Sughra đứng dậy. Cô biết Gurmukh Singh là ai. Cha cô có lần giúp người này. Ông ta có lần bị lôi vào vụ kiện cáo và Mian sahib đã xử ông trắng án. Việc đó đã lâu lắm rồi, nhưng năm nào đến lễ Eid ông cũng lần từ tận làng mình đến đây với một bao mì nhà làm. Mian đã mấy lần bảo ông ta, ‘Sardar sahib, ông tốt với chúng tôi quá. Ông không nên năm nào cũng làm khổ mình thế.’ và Gurmukh Singh luôn trả lời, ‘Mian sahib, Allah đã ban cho ngài đầy đủ rồi. Đây chỉ là món quà hèn mọn của tôi để cảm tạ ơn lớn của với cho tôi. Đến một trăm đời nữa thì dòng họ tôi cũng không trả hết ơn này. Cầu Allah ban phước cho ngài.’

Sughra lấy làm yên tâm. Sao cô không nghĩ đến từ trước? Nhưng sao Basharat lại nói là người khác? Suy cho cùng nó cũng biết mặt Gurmukh Singh từ mọi năm.

Sughra ra đến cửa. Lại có tiếng gõ. Cô nín thở một lúc. ‘Ai đấy?’ cô run rẩy hỏi.

Basharat thì thào bảo cô nhìn qua cái lỗ trên cửa.

Đấy không phải là Gurmukh Singh vốn là một ông già. Đây là một người còn trẻ. Anh ta lại gõ. Anh ta xách một cái bao trong tay, giống như mọi khi Gurmukh Singh vẫn mang.

‘Anh là ai thế?’ cô hỏi, giờ đã tin tưởng hơn.

‘Tôi là Santokh, con trai Sardar Gurmukh Singh.’

Sughra không thấy sợ nữa. ‘Vì cớ gì mà anh đến đây?’ cô lễ độ hỏi.

‘Ngài thẩm phán đâu rồi?’ anh ta hỏi.

‘Cha tôi không được khỏe,’ Sughra đáp.

‘Rất tiếc,’ Santokh Singh nói. Rồi anh ta chuyển cái bao từ tay này sang tay kia. ‘Đây là mì nhà tôi tự làm.’ Rồi ngưng một lúc. ‘Sardarji đã mất rồi.’

‘Mất rồi!’

‘Vâng, mất một tháng rồi, nhưng một trong những điều cuối cùng ông nói với tôi là, “Suốt mười năm rồi, vào lễ Eid, cha đã mang món quà nhỏ của mình đến cho ngài thẩm phán. Sau khi cha chết, đấy là trách nhiệm của con.” Tôi đã hứa với ông sẽ không phụ lòng ông. Hôm nay tôi đến đây để hoàn thành lời hứa với cha mình trước khi ông mất.’

Sughra cảm động đến nỗi nước mắt trào ra. Cô mở hé cửa. Anh kia đẩy cái bao về phía cô. ‘Cầu Allah cho ông an nghỉ,’ cô nói.

‘Ngài thẩm phán không được khỏe à?’ anh ta hỏi.

‘Vâng.’

‘Có chuyện gì thế?’

‘Cha tôi bị đột quỵ.’

‘Giá cha tôi biết được, ông sẽ đau buồn lắm. Ông không quên ơn ngài thẩm phán đến tận hơi thở cuối cùng. Ông vẫn thường nói, “Ngài không phải là người mà là bậc thánh.” Cầu Allah cho ông được bằng an. Xin chuyển cho ông lòng kính trọng của tôi.’

Anh ta đi mất trước khi Sughra kịp quyết định có nhờ anh ta gọi bác sĩ hay không.

Khi Santokh Singh đi qua chỗ rẽ, có bốn người trùm turban kín mặt đến gần anh. Hai người cầm đuốc tẩm dầu đang cháy, hai người kia xách mấy can dầu hỏa và thuốc nổ. Một người hỏi Santokh, ‘Sardarji, anh đã hoàn thành nhiệm vụ của anh chưa?’

Anh ta gật đầu.

‘Vậy đến lượt chúng tôi chứ?’ người này tiếp.

‘Tùy thôi,’ anh đáp lại và bước đi.


Allaho Akbar: Islamic exclamation of faith; Har Har Mahadev: battle cry of Shiva worshippers

Sorry

Con dao
thọc vào bụng
rạch thẳng xuống cắt đứt sợi dây quần.
Người cầm dao
nhìn xuống
thình lình
khiếp đảm thốt lên:
Chi, chi, chi… nhầm mẹ nó rồi!”


A lengthy discussion about the story and Khalid Hasan’s translation by Alok Bhalla can be found here. And here are two other random translations. Have fun.

Loại bỏ sai lầm

“Mày đạo gì?”

“Thế các anh đạo gì?”

“Har Har Mahadev, Har Har Mahadev!”

“Har Har Mahadev!”

“Mày có chứng cớ gì mà tự nhận như thế?”

“Chứng cớ à? Tôi tên là Dharam Chand.”

“Đấy không phải chứng cớ.”

“Thế thì, tôi thuộc lòng toàn bộ kinh Veda, các anh cứ kiểm tra.”

“Chúng tao không nhớ Veda. Chúng tao muốn bằng chứng.”

“Bằng chứng thế nào?”

“Tụt quần ra.”

Khi quần người kia bỏ xuống, xung quanh rộ lên nhao nhao: “Giết nó đi, giết nó đi.”

“Không, chờ đã… Tôi là anh em thật mà… Tôi thề có Bhagwan rằng tôi là anh em.”

“Vậy sao lại cắt da quy đầu?”

“Tôi thường phải đi qua vùng bọn chúng kiểm soát, nên buộc phải làm cách này… chỉ để giữ mạng thôi.. đấy là sai lầm duy nhất của tôi, toàn bộ những phần còn lại đều đúng chỗ.”

“Loại bỏ sai lầm ấy đi.”

Sai lầm được loại bỏ… cùng với đời ông Dharam Chand.

Rủi

“Rủi đến thế cơ chứ! Tôi chỉ giật được có mỗi cái bị ghẻ này… và cậu nghĩ xem ở trong có gì? Thịt lợn!”

Sạch sẽ

Tàu dừng hẳn.

Ba người cầm súng xuất hiện trên sân ga. “Có con gà tây nào trong đây không?” họ hỏi khách trên tàu.

“Không có,” khách đáp. Một người định nói gì đó nhưng đổi ý.

Vài phút trôi qua. Bỗng nhiên bốn người cầm giáo ló đầu vào cửa toa. “Có con gà tây nào không?” họ hỏi.

Người ban nãy yên lặng giờ lên tiếng: “Tôi không biết. Có lẽ các anh ngó trong nhà xí thử xem.”

Bốn người kia bước vào, đập cửa nhà xí và lôi ra một “con gà tây”.

“Cắt cổ nó đi,” một trong số đó đề nghị.

“Mày điên à!” đồng bọn cắt lời. “Định làm bẩn cái toa hiếu khách này hay sao chứ? Lôi nó xuống sân ga.”

Khiêm nhường

Quân nổi loạn dừng tàu lại. Những người thuộc tôn giáo bên kia lần lượt bị nhặt ra và giết sạch. Sau khi xong, những người còn lại được mời sữa, hoa quả tươi và bánh ngọt.

Trước khi cho tàu chạy tiếp, người cầm đầu băng nói câu giã từ: “Hỡi các anh chị em, vì không nắm vững giờ tàu đến, chúng tôi chỉ có ít quà mọn này để khoản đãi anh chị em. Lần sau chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn thế.”

Thánh

Cảnh sát đi ruồng các nhà lấy lại của cải đã mất trong các vụ cướp phá.

Sợ hãi, mọi người bắt đầu quẳng hết “chiến lợi phẩm” qua cửa sổ khi đêm xuống. Có nhiều người sốt sắng đến nỗi vứt đi cả đồ đạc của bản thân.

Một người gặp phải chút rắc rối. Ông ta có hai bao tải đường to, ôm về hôm cửa hàng tạp hóa gần nhà bị cướp. Một đêm, ông ta lần lôi được hai bao tải tới giếng gần nhà. Bao thứ nhất quẳng xuống giếng dễ dàng, nhưng bao thứ hai kéo ông ta cùng lộn cổ xuống.

Tiếng gào thét đánh thức cả khu. Người ta dòng dây xuống nhưng không được. Cuối cùng hai thanh niên trèo xuống mang được lên, nhưng vài giờ sau ông ta đã chết.

Sáng hôm sau khi kéo nước lên, người ta thấy nước giếng đã chuyển thành ngọt lịm.

Tối hôm đó, nhang thắp đầy quanh mồ ông thánh.

Biện pháp cần thiết

Khi bạo động nổ ra, nhóm thiểu số trong vùng bị giết vài người, số còn lại chạy thoát. Còn lại một đôi vợ chồng nấp trong tầng hầm trong nhà.

Họ nằm đấy mất hai đêm, lúc nào cũng cảm thấy sắp bị phát hiện.

Lại hai đêm nữa, nỗi sợ chết đã thay bằng cơn đói dày vò.

Thêm bốn đêm, họ không còn quan tâm sống chết nữa. Họ ra khỏi chỗ nấp.

Giọng thều thào gần như không ra tiếng, người chồng nói với chủ mới của căn nhà: “Chúng tôi đầu hàng. Xin giết chúng tôi đi.”

“Đạo của chúng tôi cấm sát sinh,” những người mới đến trả lời.

Sau khi đôi bên thỏa thuận, đôi vợ chồng được giao cho láng giềng không theo đạo Jaina để thực hiện những “biện pháp cần thiết”.

Quả đắng

Khi bước qua cổng, Qasim chỉ cảm thấy cái đau buốt óc trên đùi nơi viên đạn cắm vào. Nhưng khi thấy thi thể đẫm máu của vợ trên sân, bác quên cả đau. Bác chỉ muốn chộp lấy rìu chạy bổ khỏi nhà, giết chết bất cứ ai đi ngang, đập nát bất cứ gì bắt gặp. Rồi bác nhớ ra cô con gái Sharifan.

“Sharifan! Sharifan!” bác thét.

Hai căn phòng trong nhà đều đóng kín cửa, bác nghĩ liệu có phải nó nấp trong đó không. “Sharifan! Sharifan! Bố đây!” bác kêu lớn. Không có tiếng đáp. Bác đẩy cánh cửa đầu tiên. Cảnh tượng kinh khủng đến nỗi bác suýt ngất.

Trên sàn thân thể cô bé gần như trần trụi nằm ngửa, bộ ngực nhỏ và nhọn chĩa lên trần. Bác muốn hét lên nhưng không nổi, chỉ quay đi thì thầm đau xót: “Sharifan.” Rồi bác nhặt mấy mảnh quần áo trên sàn ném lên người cô, không để ý chúng đều bay xa cả thước.

Bác lao ra khỏi nhà, rìu trong tay, không còn nghĩ đến viên đạn trong đùi hay thi thể người vợ, mà chỉ nghĩ đến Sharifan, Sharifan đang nằm trần trụi trên sàn, không còn sự sống.

Bác lao đi như nham thạch chảy trên đường phố vắng ngắt. Bác nhìn thấy một người Sikh ở quảng trường trung tâm; một người to lớn, nhưng Qasim nhào đến bất ngờ và dữ tợn đến mức người kia sập xuống như cây bị tróc rễ, máu phun ra từ cái cổ cắt rời.

Qasim cũng thấy máu trào lên trong mình, như dầu sôi bị nước bắn vào. Bác thấy một toán năm sáu người ở đầu đường kia và vọt đến như tên bắn. “Har Har Mahadev,” chúng hô, tưởng nhầm là một người anh em. “Chết mẹ mày đi,” bác thét lên và bổ đến, rìu vung điên dại.

Chỉ tích tắc, ba người đã đổ xuống đất thành một chồng đẫm máu, hai người còn lại bỏ chạy. Điên cuồng, bác tiếp tục giáng xuống đến khi chính mình cũng ngã lăn lên chồng xác người. Bác không biết mình tự ngã hay bị đánh ngã. Bác nằm nhắm mắt chờ cú đánh, nhưng không thấy gì, mới từ từ mở mắt. Xung quanh không có ai, chỉ có ba xác chết nằm quanh.

Bác gần như buồn phiền vì mình vẫn chưa bị giết, nhưng rồi nhớ lại thi thể trần trụi của Sharifan, mắt bác mờ đi như dội chì lỏng. Bác nhặt rìu và lại lao đi trên đường phố, miệng chửi văng mạng.

Thành phố trống không. Bác ngoặt bừa vào một con hẻm nhỏ, nhưng lại trở ra khi nhận ra là một khu Hồi. Sau khi chửi chán chê mẹ và chị của kẻ thù, bây giờ bác chửi đến con gái chúng.

Bác dừng đột ngột trước một căn nhà nhỏ. Trên cánh cửa gỗ là tấm biển tiếng Hindi. Qasam vung rìu, phút chốc cánh cửa đã thành gỗ vụn. “Ra đây, đồ bẩn thỉu, ra đây!” bác rống lên và bước vào.

Một cánh cửa phòng kêu cót két và chầm chậm mở, một đứa con gái bước ra. “Mày đạo gì?” bác hỏi. “Hindu,” nó đáp, đưa lưỡi liếm cặp môi khô. Nó chắc không quá mười bốn hay mười lăm tuổi.

Qasim ném rìu đi và nhảy bổ đến như một con thú dữ, vật nó xuống sàn. Bác xé toạc quần áo nó và điên cuồng hành hạ nó suốt nửa giờ đồng hồ. Không có chống cự gì: con bé đã ngất xỉu.

Khi đã xong, bác nhận ra mình đang nắm cổ nó bằng cả hai tay, mười móng tay cắm sâu vào làn da mịn. Bác giật tay ném nó xuống sàn.

Bác nhắm mắt và lại nhìn thấy con gái mình nằm chết trên sàn, bộ ngực nhỏ chĩa thẳng lên trời, và đổ mồ hôi lạnh.

Qua cánh cửa chính đã nát vụn, một người chạy xổ vào nhà, kiếm cầm tay. Người đó thấy Qasim ngồi xổm trên sàn, kéo tấm chăn cố che kín thân người nằm đó.

“Mày là ai?” người lạ mặt gầm lên.

Qasim ngoảnh lại.

“Qasim?” người kia kêu lên kinh ngạc.

Qasim hấp háy mắt, nét mặt vô cảm. Bác không nhìn ra ai.

“Anh làm gì trong nhà tôi thế?” người kia hét lên.

Qasim đưa ngón tay run rẩy chỉ tấm chăn trên sàn. “Sharifan,” bác nói  giọng trống rỗng.

Người kia kéo tấm chăn ra. Thanh kiếm rơi xuống, anh ta lảo đảo bước ra khỏi nhà hú lên, “Bimla con ơi, Bimla.”

Tags :