Nơi kia

Mất rất lâu tôi chỉ lông bông vô hướng. Cảm giác như là rất lâu. Nhưng lại chẳng có cảm giác lông bông, hoặc ít nhất không phải là vô tư lự: tôi bị dẫn dắt bởi nhu cầu, bởi số phận, như mấy nhân vật trong những tiểu thuyết sướt mướt lả lướt vẫn đọc hồi trung học, lao vọt khỏi nhà giữa trời bão giông rồi tha thẩn trong truông trống. Cũng như họ tôi phải đi tới không ngừng. Tôi không đừng được.

Tôi đã hình dung mình xếch xải lê trên con đường bụi mù, ổ gà ổ voi, hay băng đóng, tay bị tay gậy, như dân dạt vòm vẽ trong truyện tranh. Nhưng như thế thì khôi hài quá. Đúng hơn thì giống một khách lữ hành kỳ bí, kiên định sải bước, tiến vào từng thành phố như mang điềm gở, rồi biến mất không tăm tích khi sứ mệnh đã hoàn thành.

Ngoài thực tế thì tôi chẳng có sứ mệnh gì cả, cũng chẳng bước lê hay bước sải. Tôi đi tàu, hay có lần đi máy bay, quả là xa xỉ hồi bấy giờ.

*

Mỗi chuyến nhổ rễ đều được tôi chào đón, đồ đạc ít ỏi được dỡ khỏi vali một cách hăm hở và thậm chí mừng rỡ là khác, rồi ra đường khám phá khu nhà mới hay quận mới hay thành phố mới, tìm hiểu đường sá; nhưng chẳng mấy chốc tôi lại bắt đầu tưởng tượng nếu cứ sống đây vĩnh viễn thì rồi mình sẽ ra sao. Ở chỗ này, tôi sẽ thành một bà trí thức tóc xơ cứng, mặt bợt bạt, chẳng biết đùa, tư duy tăm tối; ở góc kia thì thành ra một mẹ già tự mãn, suốt ngày quanh quẩn trong nhà như sống trong lồng, đến khi nhận ra đời sống trong lồng thì đã muộn.

Thế nào là muộn? Là không thể thoát ra, không thể đi tiếp. Ấy nhưng cùng lúc đó tôi cũng lại mong được an cư. Chuyện với đàn ông cũng vậy. Mỗi người đều mở ra một con đường mà lại nhanh chóng trở thành ngõ cụt. Ngay khi thấy hai bàn chải – không, ngay khi tôi chỉ cần hình dung có hai bàn chải đặt song song trên kệ nhà tắm, lông mềm rũ trong tình gắn bó tù hãm, ứ đọng – là tôi phải đi. Sách của tôi sẽ xếp vào hộp các tông để gửi xe buýt, một phần sẽ lạc trên đường; quần áo và khăn tắm – tôi cũng có khăn tắm đấy – thì vào cái rương thiếc nhỏ. Tôi vừa xếp đồ vừa ư ử hát. Thế nhưng mỗi lần bắt tay dọn đồ, tôi lại cảm giác mình đang bỏ nhà đi: tiếng hát mấy lần ngắt quãng vì nghẹn ngào nhớ nhung cái chốn tôi đang đứng dọn đồ, dù thậm chí tôi còn chưa rời bỏ.

Còn về nhà thật của tôi, cái nhà sống bé đến lớn, tôi chẳng mấy khi nghĩ lại, hay là nghĩ lại hẳn hoi. Tôi hơi hơi hiểu mình làm cha mẹ lo âu, nhưng tôi ghét thấy họ lo âu. Tôi đang sống ổn. Tôi tự nuôi được mình. Thảng hoặc sẽ thấy bật tung cánh cửa sổ nào đó trong lòng hé cho tôi thấy cha mẹ ở rất xa, rất nhỏ, hối hả lao qua những hoạt động thường ngày như trong phim tua nhanh: rửa bát đĩa giữa loang loáng tay dính bọt và dao nĩa, xắn tay áo làm vườn như cuồng như dại, ngồi xe tới nhà nghỉ mùa hè, bay vun vút như lắp hỏa tiễn sau đuôi, rồi rửa bát đĩa ở nhà nghỉ, rồi hộc tốc làm vườn ở đó, rồi trở về nhà, rồi vào giường, rồi tỉnh giấc bình minh, ngày này qua ngày khác. Họ ngập lút đầu trong những việc tầm thường, họ chẳng trăn trở vì chân lý cao siêu nào cả. Nghĩ tới họ tôi sẽ thấy mình thượng đẳng. Rồi tôi sẽ thấy nhớ nhà. Rồi tôi thấy mình là một đứa cô nhi, một đứa mồ côi chân không giữa đêm đông buốt giá, trộm nhìn cảnh gia đình người ta đoàn tụ trong lúc bới một hai củ khoai sân sau. Tôi sẽ đem những kịch bản bi thương như thế ra đày đọa mình, rồi lại vội vàng đóng cửa sổ.

Tôi chẳng mồ côi, tôi nhắc đi nhắc lại; tôi chẳng được côi cút đủ. Tôi cần phải côi cút hơn nữa, mới có thể ăn những đồ hại cho sức khỏe, có thể thức thâu đêm, mặc quần áo xấu hỉn, đánh bạn với bầy đàn bất hảo, mà chẳng kích hoạt bài ca cẩm chạy giần giật trong đầu. Sao mày sống trong ổ lợn thế này cũng chịu được? Mày lại phí phạm thời gian nữa à? Sao mày lại chơi với cái thằng quỷ đó? Sao mày chẳng bao giờ làm nổi việc gì? Ngủ đủ giấc đi! Cái đó chỉ tổ hại sức khỏe thôi! Đừng mặc đen như quạ nữa!

Cha mẹ tôi chẳng đời nào nói ra miệng câu nào trong số đó – họ là người khôn ngoan – nhưng tôi tin có bức xạ ý nghĩ. Bức xạ phát ra từ hộp sọ cha mẹ tôi, chiếu thẳng vào sọ tôi. Cũng như sóng truyền thanh ấy. Tôi càng đi xa nhà thì tia bức xạ họ vẫn thầm lặng phát nhằm tôi càng yếu. Thế nên tôi phải tránh đi thật xa.

Đối lập với ước vọng sống bất cần trong tôi là một ước vọng trái chiều, đáng xấu hổ hơn nữa. Tôi chưa bao giờ gột bỏ nổi bài học vần năm lớp 2, kể chuyện bố đi làm hàng ngày bằng xe hơi, mẹ mặc tạp dề nướng bánh, hai con – một trai một gái – cùng chó và mèo, tất cả sống trong ngôi nhà quét vôi trắng, rèm cửa sổ diềm xếp nếp. Tất cả những nhà tôi từng sống chẳng đâu có loại rèm ấy, nhưng những rèm này hình như là định mệnh. Đấy không phải là mục đích, không phải là thứ tôi cần đấu tranh mà có: những rèm ấy rồi sẽ tự khắc hiện hình trong đời tôi, bởi đã định phận ở sách trời. Tương lai tôi sẽ không trọn vẹn – không phải, sẽ chẳng bình thường – nếu chưa có những rèm cửa sổ loại ấy, cùng mọi thứ kèm theo. Hình ảnh ấy được nhét vào góc va li, như một món phục trang cấp cứu: một thứ tôi không hề muốn mặc lúc này, nhưng trong tình thế bức bí nhất là có thể rút ra, rũ cho phẳng nếp và khoác lên mình.

Tôi không thể tiếp tục lối sống phù du này mãi. Tôi sẽ phải dừng chân ở một ai đó, một thời điểm, một nơi nào đó. Phải không?

Nhưng nếu tôi đã nhỡ mất góc quanh đâu đó – nhỡ mất tương lai của chính mình thì sao? Đấy là một khả năng dễ dàng đến sợ. Tôi chỉ cần ngần ngừ quá một lần hay lỡ bước lố một lần, rồi sẽ chẳng còn lựa chọn nào chờ tôi nữa; tôi sẽ đứng trơ trọi như mẩu pho mát trong bài đồng dao về bác nông dân có vợ. Tính tính tang tình tình, pho mát có mỗi một mình, lũ trẻ hát về mẩu pho mát đó, rồi tất cả vỗ tay trên đầu nó mà chế nhạo.

Ngay cả tôi cũng từng cười nhạo khúc pho mát lẻ loi trong trò chơi. Còn bây giờ tôi thấy xấu hổ vì mình. Vì sao có mỗi một mình, nội chuyện có một mình, lại đáng chê cười đến thế? Nhưng mà vậy đấy. Bọn cô độc – bọn lạc loài – là những kẻ chẳng đáng tin. Chúng đều khác đời, méo mó. Rất có khả năng là tội phạm tâm thần. Có thể còn giấu vài xác chết trong tủ đá. Chúng chẳng yêu ai, và cũng chẳng ai yêu chúng.

Trong những giờ khắc quật khởi tôi chất vấn mình, sao phải lo chuyện bị đứng ngoài con tàu Noah chở các loại lứa đôi – về thực chất đấy chỉ là một thứ vườn thú sơn son thiếp vàng, chốt có khóa, đồ ăn cấp phát theo giờ cố định. Tôi sẽ chẳng đầu hàng cám dỗ; tôi sẽ giữ khoảng cách; tôi sẽ gầy và ranh như sói, sẽ lách thoát mọi mép vực. Tôi sẽ sống về đêm, mặc áo khoác đào hào, cổ áo bẻ lên, rảo bước giữa hai dãy đèn đường, gót giày gõ tiếng đanh gọn rền vang, đổ bóng dài đằng trước, suy ngẫm nghiêm nghị về những đề tài quan thiết.

Thế nhưng tôi vẫn ám ảnh một bài thơ đọc hồi hai mươi tuổi, của một nhà thơ nổi tiếng, già hơn tôi nhiều. Bài thơ tố cáo đàn bà trí thức ai cũng đều mọc mụn ở mông. Đấy là vơ đũa cả nắm, cái đó tôi nhận thức được, nhưng không vì thế mà bớt phiền não. Những rèm xếp nếp số mệnh dành cho tôi và cái mông mụn nhọt sớm muộn gì cũng có chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Thế nhưng cho đến giờ cả hai đều chưa thấy đâu.

*

Trong lúc đó tôi phải kiếm miếng ăn. Cái thời ấy người ta còn có thể nhận một việc làm, làm một thời gian, bỏ việc làm đó, nhận một việc khác ở một nơi nào khác. Lao động thiếu, hay là thiếu cái loại lao động như tôi, loại không có một cái tên rõ rệt. Tôi coi mình là một bộ não lưu động – tương đương với tay diễn kịch rong thời Elizabeth, hay là gã ca sĩ lang thang, cuộn bằng đại học nắm chặt trong tay như ống sáo rẻ tiền. Thêm nữa tôi còn dính – ít nhất theo tôi cảm thấy – thứ tiếng xấu nhất thiết đi kèm với nghề nghiệp loại đó. Trong các bữa tiệc – tiệc khoa, những thời kỳ tôi kiếm được việc ở trường sở, hay tiệc công ty, khi tôi rao bán tài năng trong ngành khác – tôi thường bắt chợt các bà vợ giáo viên hay bà vợ nhân viên, tia tôi như tia một kẻ đầu có chấy. Có thể họ nghĩ tôi đang âm mưu quăng lưới chồng họ, dù lẽ ra họ chẳng cần băn khoăn.

Các ông chồng lại đẻ ra vấn đề khác. Bất kỳ mụ đàn bà nào thiếu nhẫn cưới, dù ăn mặc nhà tu đến đâu, theo vở của họ đều đáng gặm thử một miếng. Tại sao tôi chẳng bao giờ lường trước được? Nhưng mà thế đấy, tôi chẳng bao giờ lách đi kịp lúc, và rồi thế nào cũng có giằng co, trong nhà bếp chẳng hạn khi tôi đang tốt bụng giúp dọn dẹp một tay, hay trong phòng ngủ chất đầy áo khoác, và tiếp đó phẫn nộ và tổn thương nổ ra, ở tất cả các bên, có vẻ thế. Các ông chồng nổi giận vì tôi đi lu loa về bàn tay mò mẫm lén lút dò ý của họ, các bà vợ tức vì tôi đã bật đèn xanh cho các ông chồng. Còn tôi, tôi giận dữ thì ít mà sửng sốt thì nhiều. Làm sao những lão già lùn xủn bốc mùi kia lại dám nghĩ người mình có tí mê hoặc nào? (Sửng sốt kiểu này là một đặc tính của tuổi trẻ. Về sau tôi đã vượt qua.)

Những tỵ nạnh, những đụng độ kiểu này trở thành thông lệ trong những năm lang bạt đầu đời. Nhưng rồi cũng thay đổi dần. Cái thời điểm tôi bước ra đời, mọi đàn bà đều mong lấy được chồng, và phần lớn bạn bè tôi đã kịp xong nhiệm vụ. Nhưng đến cuối giai đoạn ấy – cũng chỉ là tám năm chứ mấy, không nhiều – đã có một làn sóng quét qua, khiến khung cảnh thay đổi hẳn. Váy ngắn và quần ống loe đã lên ngôi phút chốc rồi mất chỗ ngay cho xăng đan và áo phông nhà nhuộm. Râu mọc lên, hợp tác xã cũng mọc lên, các cô gái khẳng kheo tóc dài thẳng không nón ngực xuất hiện khắp nơi. Ghen tuông tình ái là miệng hôi sữa, hôn nhân là trò cười, những kẻ đã trót vào tròng đứng nhìn cuộc hôn phối một thời vững chãi nay sụp đổ như lâu đài cát dưới sóng. Cần phải thong thả, cần tích lũy kinh nghiệm, tự do tự tại như thú hoang.

Chẳng phải đấy là điều tôi vẫn làm hàng năm trước khi râu ria và kẹp cần sa lây lan rộng rãi? Nhưng tôi nhận ra mình quá già, hay có lẽ là quá ủ ê, không thể đi bên những chuỗi cườm tình yêu và bầy đàn hút cỏ. Họ chân không chạm đất. Họ muốn sống trong khoảnh khắc hiện tại, nhưng họ sống như ếch chứ không phải như sói. Họ muốn ngồi giữa nắng chớp mắt. Nhưng tôi được nuôi dạy trong thời buổi cần lao. Thảnh thơi chỉ khiến tôi chán. Tôi nghĩ mình đáng phải dọn đường tiến lên trong đời, dù là đường nào. Tôi nghĩ mình đáng phải trên đường đến nơi nào đó – và trong trường hợp này, cũng như hầu hết mọi lần, đến nơi nào đó khác.

Giai đoạn ấy tôi sống trong các nhà trọ, hay căn hộ thuê chung, hay buồng thuê lại. Tôi chẳng có đồ đạc gì lâu dài: như thế chỉ kìm chân. Tôi mua đồ dùng tạm ở các shop từ thiện mỗi nơi chuyển đến và bán lại khi chuyển đi. Tôi chẳng có bộ đồ chén đĩa nào. Đôi lúc tôi chiều mình mua một thứ nhố nhăng – một cái bình lòe loẹt thô thiển nào đấy, một món lưu niệm chợ trời. Tôi kiếm được một bàn tay chạm gỗ bưng cái chén gì đấy trên có chữ Kỷ niệm đảo Pitcairn. Tôi quăng tiền vì một chai nước hoa từ những năm ba mươi, thiếu nút.

Những món tôi chọn toàn để chứa đựng, nhưng tôi chẳng cho gì vào trong. Chúng cứ đứng đấy rỗng không. Chúng là những ngôi đền tượng trưng tí hon thờ thần khát. Tôi biết toàn là những thứ vô dụng chật chỗ, nhưng mỗi lần tôi lại xếp đồ thì chúng lại tìm được chỗ trong rương.

*

Có một năm tôi được bổ dạy ngữ pháp cho tân sinh viên đại học, nghĩa là tôi có thể vung vinh cả một căn hộ cho mình mình. Chỗ dạy thì ở Vancouver; căn hộ ở trên tầng thượng bungalow, nhà này đã trồng thêm lên nóc, định sẵn để cho thuê. Căn hộ có cầu thang riêng, khá dốc và không trang trí, trải thảm cao su, chẳng có thanh tay vịn cũng chẳng có cửa sổ – giống đường hầm thẳng đứng thì hơn là cầu thang. Thậm chí còn có ít đồ đạc, những thứ gia đình nhà dưới không dùng đến nữa. Chẳng hạn như cái giường, trải thứ xa tanh xanh lá rờ rỡ trơn tuột, chắc từng được coi là sang hết cỡ độ chừng hai chục năm trước. Hoặc bàn phấn kiểu dáng từa tựa thập niên ba mươi. Hoặc cái gương khung vàng đại tướng. Đồ gỗ thuê kèm không có ở phòng nào khác ngoài phòng ngủ, nhìn giống như trường quay bỏ không hay bìa cuốn trinh thám sát nhân ba xu dăm ba năm trước. Khăn trải giường xa tanh là đặc điểm nhận dạng của các sách này. Sẽ có một xác đàn bà phơi mình bên trên, lớp xa tanh bao quanh cô ta được xô lệch nhăn nhúm rất mỹ thuật, như một viên kẹo thịt bự đặt trong hộp cao cấp. Trong mặt gương khung vàng là bóng phản chiếu một người đàn ông – một phần người thôi, lưng quay lại, đang rời khỏi hiện trường phạm tội.

Căn hộ có một phòng khách với phần lồi để kê bàn ăn, thêm một phòng nữa cho tôi đặt cái bàn Đội quân cứu tế cùng ghế tựa và máy đánh chữ. Trong phòng khách tôi xếp bàn đánh bài đi mượn, tăng cường làm bàn ăn khi nào chẳng may có khách. Những dịp đó tôi dùng cả đĩa và dao nĩa, cũng đi mượn luôn.

Tôi còn có bức tranh, mua của bạn của bạn tôi khi nhân vật đó cần hăm lăm đô gấp. Tranh trừu tượng, tất cả có vài cục tròn và nhát quệt đo đỏ. Khi đã vào vài ly tôi sẽ đọc ra nội dung gì đó, nhưng không có chất xúc tác ấy thì trông chỉ như mảng giấy dán tường ướt vì bị nước gì thấm qua. Tôi treo trên lò sưởi, lò không cháy được.

Chính ở đây, khi rốt cuộc cũng rũ được các con mắt cùng phòng dòm ngó, tránh xa các bức xạ ý nghĩ cha mẹ phát ra, là nơi tôi luân chuyển qua những trời cao vực sâu nhất giữa ra và vào, gật và lắc, ở và đi, cao và thấp, cô đơn và bầu bạn, hân hứng và rời rã. Hôm trước tôi còn bay vút trên mây, óc lảo đảo vì những viễn vọng trời mây, hôm sau đã chìm ngập cổ trong bùn, è xuống vì những hiển hiện trĩu nặng của cái trước mắt. Tôi đi đi lại lại qua các phòng không mảnh vải trên người; tôi hành mình đến nhọc qua từng đêm muộn đọc sách rồi ngủ đến trưa, tỉnh dậy giữa tấm xa tanh xanh bóng mắc quanh người, chẳng biết mình đang ở đâu. Tôi nói chuyện một mình; tôi hát thật lớn, những bài ngô nghê, nổi loạn học ở sân chơi cách đây lâu lẩu lầu lâu rồi. Tính tính tang tình tình, tôi hát. Pho mát có mỗi một mình! Sang nơi kia vậy, sang nơi kia vậy, sang nơi kia đêm qua. Một cái lỗ nằm tít dưới tận đáy đại dương, một cái lỗ nằm tít dưới tận đáy đại dương… Chẳng quan tâm đến ai, tôi chẳng quan tâm, và không ai quan tâm đến tôi! Hay khi tất cả lời lẽ, hát hò và cả cử động đã biến mất, tôi nhận ra mình đang nằm úp mặt xuống lớp thảm trải kín hành lang, qua đó không thể xua đuổi tiếng cười giễu cợt trên ti vi từ tổ ấm bên dưới. Giả thử tôi chết đói, ngay đây, trên thảm, chỉ đơn thuần vì không bò nổi đến tủ lạnh lấy đồ ăn? Lúc đó những kẻ hoan lạc om sòm trên ti vi sẽ biết thế nào là hối hận.

Tối đến, nếu không phấn khởi líu lưỡi hay nằm dài trên sàn, tôi thường ra đường cuốc bộ những chuyến dài suy tưởng. Khi lên đường tôi bước quả quyết, lao sầm sầm tới trước như đã định sẵn đích đến. Tôi rất đề phòng bị nhìn thấy qua cửa sổ tầng dưới, đôi vợ chồng chủ căn hộ – ông chồng húi cua đẩy máy xén cỏ, bà vợ mặc tạp dề đầy đầu ống lô. Dù tôi đã ăn mặc khổ hạnh hết cỡ, toàn nâu thẫm với xám với đen thùng thình, họ vẫn lo ngại không muốn cho thuê tới khi tôi chứng minh mình có thu nhập tháng. Họ sướng nhất là được tin tôi là đứa sa đọa về mặt nào đấy, hoặc ít ra tôi nghĩ thế. Đúng là tôi cũng có một hai anh nhân tình vào độ đó – nhân tình tạm, đồ đi mượn thôi – và chắc họ phải nghe thấy, vài dịp, không chỉ một tiếng chân đi lên lầu.

Nhưng những đêm đi dạo tôi chỉ có một mình. Về khoản đó tôi dứt khoát. Ngay khi đã thoát tầm quan sát của cặp nhà dưới, tôi sẽ đi chậm lại rồi rẽ lung tung vô hướng, tránh dẫm phải lũ sên đen xám to đùng chỉ đợi hoàng hôn là bò đầy hè. Những con quái này ăn mọi thứ, chả cái gì dám ăn chúng nó. Bề ngoài xấu xí cũng có lợi điểm.

Nhưng cũng không phải tôi thiếu vốn xã hội. Tôi không lột bỏ đồ đứng hát giữa phố – tôi cư xử phải phép. Tôi mỉm cười, gật đầu, bắt chuyện bắt trò, đại loại thế. Tôi hoàn toàn nhập được vai một phụ nữ trẻ đứng đắn. Tôi có một vài người bạn và người quen sơ, cả nam lẫn nữ, loại bạn có thể tích tụ được sau một cuộc đời bông lông cỡ tôi. Họ thỉnh thoảng ghé ăn, ngồi quanh bàn đánh bài, uống từng chai rượu vang sản xuất trong vùng, chỉ khi tôi nghĩ đến chuyện dọn dẹp mới phát hiện khăn bàn nhuộm đỏ. Tôi học làm mì lasagna, một thứ tốn kém ít mà giữ được dài. Tôi còn đãi một món tên là ốc và vít, là vài loại ngũ cốc khô trộn lạc đổ nước mắm Worcester rồi bỏ lò nướng. Đấy là món khai vị chứ không phải tráng miệng. Thời ấy tôi còn chưa học làm bánh nên tráng miệng chỉ có kem, mua ngay quầy góc phố, pha nhiều tảo biển đến mức không chảy thành kem lỏng mà thành một thứ thạch lổn nhổn vẫn giữ nguyên hình khối và rất khó xả trong bồn rửa.

*

Trong số người quen chuyên đến ngồi chầu rìa bàn đánh bài có một người đàn ông tên Owen. Tôi không biết mấy về anh ta. Anh ta hay bấm chuông không hẹn trước – tôi cũng có chuông cửa đấy – rồi tôi xuống cầu thang dốc mà mở cửa cho anh lên. Có khi tôi dọn ra ít lasagna thừa, nếu có, hoặc không thì ít ốc vít. Rồi anh ta ngồi lại thật lâu, chả nói gì cả, trong lúc cả hai nhìn hoàng hôn mùa hè nấn ná phía Tây Bắc đổi từ hồng phớt sang hồng đào sang hồng thẫm sang màu đỏ sẫm phát sáng như đầu que diêm đang tàn.

Owen không phải nhân tình mà cũng không xếp hàng đợi làm nhân tình: chẳng hề có chuyện đó. Anh ta chỉ ghé chân tạm thời ở thành phố, cũng như tôi, và bị ấn vào tay tôi nhờ một mối quen chung ưa làm phước (vì lo lắng, như giờ tôi đoán, về tình trạng thần kinh của anh). Anh ta cô độc, còn cô độc hơn – tôi cũng nhận ra – hơn cả tôi những lúc cô độc nhất. Anh ta toát ra vẻ hắt hiu mà tôi không lý giải nổi: ngồi bên bàn đánh bài nhà tôi lúc hoàng hôn là cảnh bạn bầu gần gũi nhất anh có được.

Sao anh ta cứ ghé lại làm gì? Sự có mặt của anh ta là một ẩn số. Rõ ràng anh ta chẳng có ý đong đưa. Anh ta cũng chẳng định kết bạn. Anh ta không đòi hỏi tôi cái gì, nhưng lại cũng chẳng muốn trao tặng cái gì. Nếu sở hữu trí tưởng tượng bệnh hoạn hơn – hoặc đúng hơn nếu trí tưởng tượng bệnh hoạn của tôi thuộc loại gắn tí gì với cõi đời thực – có khi tôi đã thấy sợ anh ta. Có lẽ tôi đã gán cho anh ta một tương lai cắt cổ. Nhưng tôi chẳng bao giờ suy luận theo hướng này.

Dù các tối ấy đều vô vị tuyệt đối, rất khó bẩy Owen về. Anh ta sẽ ngồi hoài ngồi hủy, gần như không động đậy, người thừ ra, như một bọc vải, dù trên cùng cắm một cái đầu dẫu sao cũng còn sống, vì mắt còn đưa đi đưa lại. Cứ như anh ta đã liệt sau một tai nạn gớm ghiếc nào đấy không để lại sẹo trông thấy. Cái câm lặng của anh ta còn mệt hơn bất kỳ cuộc đối thoại nào.

Tôi không muốn nói “Tôi mệt rồi, tôi đi ngủ đây.” Như thế thì thiếu ý tứ quá. Những phát biểu tế nhị hơn đều nước đổ lá khoai, nhưng anh ta không thuộc loại người sẵng giọng được. Tôi không thể bảo thẳng “Về nhà đi”, như người ta đuổi chó. Không hiểu sao tôi thấy làm thế là bất nhẫn. (Mà nhà anh ta ở đâu? Anh ta có cái gì gọi là nhà không?) Rốt cuộc, khi đồng hồ hẹn giờ sinh học bên trong nào đấy đã đổ chuông, anh ta đứng dậy, vụng về cảm ơn món lasagna, và luỵch huỵch xuống lầu.

Cuối cùng một tối anh ta kể cho tôi nghe ba người anh trai đã tìm cách giết anh hồi cả bốn còn bé. Vờ như chỉ là trò chơi, bọn chúng đã nhốt anh trong một hộp ướp đá vứt đi rồi chạy mất. May là mẹ anh nhận ra anh mất tích, đã tìm đến nơi và thả anh ra, vừa đúng lúc: anh đã bắt đầu ngáp khí và mặt đã tím tái rồi. Dễ là các ông anh không thật tâm định giết anh đâu, anh nói. Chắc hẳn chúng không hiểu rõ mình đang làm gì.

Owen kể lại sự vụ này bằng giọng đều đều, không nhìn tôi mà nhìn ra cửa sổ sắc đỏ hoàng hôn đang mờ dần. Tôi kinh ngạc choáng váng đến nỗi không nghĩ ngay ra được câu gì đáp lại. Như vậy anh ta có ra thế này thì cũng có gì lạ, tôi nghĩ: chuyện như thế sẽ ảnh hưởng lên đời người ta đến mức nào? Từ tuổi nhỏ đã thấy mình ở trong một vũ trụ bộ dạng thù địch đến mức đó, chỉ tổ khiến người ta nguội lạnh. Không chỉ là nguội lạnh: tan nát. Liệu có phải Owen đang mấp mé bên ngưỡng vực tự sát? Anh ta chẳng nhắc gì về chuyện đó, nhưng không phải ai cũng nói, ít ra là tôi nghe bảo vậy.

Tôi cảm thấy mình cần phải đáp lại cách nào đó cho thấy đồng cảm, bày tỏ quan điểm dứt khoát, chìa một bàn tay nâng đỡ. Khi rốt cuộc cũng lầm rầm “Kinh khủng quá”, tôi thấy mình trượt xa cả thước. Tệ hơn nữa: tôi thèm cười lớn, thật đáng xấu hổ, bởi chuyện đó kinh dị một cách lố bịch quá, cũng như phần lớn bi kịch suýt xảy ra. Rõ ràng là tôi thiếu tính đồng cảm, thậm chí lòng tốt thông thường.

Owen chắc cũng cảm thấy thế, vì sau tối hôm đó anh ta không trở lại nữa. Hoặc có khi anh ta đã làm xong điều vẫn định làm: thả gánh khổ đau trên vai, bỏ vào tay tôi như một gói đồ, nhầm lẫn mà tin tưởng rằng tôi sẽ biết phải làm gì với nó.

Hình ảnh ấy – một đứa trẻ bị làm chết ngạt, hay gần làm chết ngạt, dưới tay những đứa trẻ khác coi tất cả chỉ là trò chơi – nhòa tan vào những con sên đêm lẩn lút, cùng những bước chân một mình ca hát của tôi, cùng cầu thang riêng ngột ngạt, cùng bức trừu tượng vô duyên, cùng tấm gương khung vàng, cùng khăn trải giường xa tanh xanh trơn tuột, và gắn lấy chúng không tách rời. Một tổng thể chẳng lấy gì làm tươi vui. Trong ký ức, nó giống một bờ sông mù sương hơn một đồng cỏ nắng trải.

Thế mà tôi vẫn nghĩ về độ ấy như một quãng thời gian vui sướng trong đời.

Vui sướng không phải là từ đúng. Quan trọng.

*

Những chuyện đó đã lâu lắm rồi. Tôi chỉ nhìn lại bằng hồi tưởng, khi rảnh rỗi, từ vị trí tôi đã đạt đến đây. Nhưng nếu không thì còn cách nào khác? Ta chẳng thể thực sự du hành về quá khứ, dù cố gắng đến đâu. Nếu được đi nữa, ta cũng chỉ là du khách.

Tôi chuyển khỏi thành phố đó, rồi vào một thành phố khác, rồi lại một thành phố khác. Vẫn còn rất nhiều lần đổi nhà trước mắt. Nhưng rốt cuộc thì mọi sự cũng êm xuôi. Tôi gặp Tig, rồi tiếp theo là lũ mèo và chó và tụi trẻ, và nướng bánh, và thậm chí cả rèm cửa sổ trắng diềm xếp nếp, dù cuối cùng chúng cũng đến lượt biến mất: những rèm ấy dễ bẩn quá, như sau tôi phát hiện, lại rất khó tháo xuống rồi mắc lại lên.

Tôi chẳng thành thứ gì trong những thứ tôi đã sợ. Tôi không dính cái mông mụn nhọt đã tự đem dọa mình, mà cũng chẳng thành đứa mồ côi lang thang chả ai thèm nhận. Tôi đã định cư ở ngôi nhà này được mấy thập kỷ rồi.

Nhưng cái tôi trong mơ không chịu nghe an ủi. Nó vẫn lang thang, vô định, vô gia cư, vô bầu bạn. Nó chẳng chịu tin đã được an toàn bất kể mọi bằng chứng trong cuộc đời lúc thức. Tôi biết vì tôi cứ mơ đi mơ lại mãi một giấc mơ.

Tôi ở nơi kia, một nơi có vẻ cực kỳ quen thuộc, dù tôi chưa sống ở đó hay cả nhìn thấy nó bao giờ ngoại trừ giấc mơ này. Các chi tiết có thay đổi – có nhiều phòng khác nhau, hầu hết đều trống trơn không đồ đạc, nhiều cái chỉ độc ván lót dưới – nhưng đều có cái cầu thang hẹp và dốc từ cái căn hộ xa xưa đó. Đâu đó bên trong, tôi biết – trong khi mở hết cửa này rồi cửa kia, qua hết hành lang này tới nơi khác – tôi sẽ bắt gặp cái gương khung vàng, và cả tấm khăn giường xa tanh xanh, bây giờ có hồn riêng và có thể biến hình thành nệm ghế, hay sô pha, hay ghế bành, hay cả – một lần – thành võng.

Lúc nào cũng nhá nhem, ở nơi ấy; lúc nào cũng là buổi tối mùa hè lạnh ẩm. Tôi rồi sẽ phải đến sống ở đây, trong mơ tôi nghĩ. Tôi sẽ phải ở một mình, vĩnh viễn. Tôi đã nhỡ mất cuộc đời lẽ ra là đời tôi. Tôi đã đóng cửa nhốt mình khỏi nó. Tôi không yêu ai. Đâu đó, trong phòng nào tôi vẫn chưa vào, có đứa trẻ nhỏ bị cầm tù. Nó không khóc hay rên rỉ, nó im như thóc, nhưng tôi vẫn cảm thấy nó gần đây.

Rồi tôi tỉnh dậy, lần lại các bước đường trong mơ, và tìm cách rũ bỏ nỗi buồn bã còn lại trong mình. Ồ đấy, nơi kia, tôi tự nhủ. Lại lần nữa. Cũng khá rộng rãi đấy chứ, lần này. Không đến nỗi tệ quá.

Tôi biết khăn trải giường xanh chẳng hẳn là khăn trải: tôi biết đấy là một mặt nào đó của tôi, một nỗi bất an hay hãi sợ xa xưa nào đấy. Tôi biết đứa bé giấu mặt trong mơ chẳng phải anh người quen suýt bị giết của tôi, mà chỉ là một mảnh vỡ tâm lý, một mẩu vụn cái tôi thơ ấu từ đời nảo đời nào. Những kiến thức ban ngày như thế này đều hay cả. Nhưng sao tôi vẫn mơ mãi giấc này? Có thể ngày xưa nó có mục đích nào đó, nhưng bây giờ tôi đã phải thanh lý xong rồi mới phải.

Rồi tôi trở dậy, hỏi Tig anh ngủ ngon không, rồi chúng tôi ăn bánh mì nướng, uống cà phê bên nhau, và bắt tay làm những việc tầm thường cần thiết đang chờ đợi.

Nhưng giấc mơ làm tôi sợ. Nó mang theo một nỗi khiếp sợ mơ hồ. Giả sử đấy không phải chuyện quá khứ, cái nơi kia ấy? Giả sử nó vẫn đợi ở tương lai? Sau mọi chuyện?


Source: Margaret Atwood, Moral Disorder and other stories, Emblem 2009.

Note: Nhan đề truyện lấy từ lyric bài đồng dao “Found A Peanut”, hát theo điệu “Oh my darling Clementine“.

Tags :