Chục năm nay mùa Nobel nào các nhà cái cũng réo gọi tên Ngũgĩ wa Thiong’o, Times Literary Supplement còn táo bạo đến mức nói rằng “Wa Thiong’o đáng lẽ phải là người được giải vào năm 2016” (xin lỗi, Bob!). Nhưng Ngũgĩ viết gì thì chắc hầu hết độc giả Việt Nam đều chưa đọc (cũng như phần lớn các ứng viên Nobel khác, chắc vậy), thậm chí nếu tôi dám liều đoán, hẳn từ lâu ở phương Tây người ta cũng không đọc ông nữa, ngoại trừ đám điểm sách, phê bình và nghiên cứu vốn không có việc gì khác để làm. Vậy nhân danh chuyên gia thường trực về Ngũgĩ ở Zzz Review, sau đây là một vài lời giới thiệu và một đoạn trích dịch ngắn tiểu thuyết của ông (mà tôi thích nhất, không cam đoan là xuất sắc nhất hay thành tựu nhất).
Ngũgĩ wa Thiong’o (1938) tên khai sinh là James Ngũgĩ, thuộc dân tộc Kikuyu (thường viết trong sách của ông là Gikuyu) giống như tổng thống đầu tiên của Kenya là Kenyatta, người thường trở lại trong tiểu thuyết của ông dưới nhiều lốt nhân vật khác nhau. Con của một gia đình nông dân nghèo, em của một tên thảo khấu Mau Mau/chiến sĩ đấu tranh vì độc lập khỏi ách thực dân Anh, Ngũgĩ là một tấm gương học sinh nghèo vượt khó khi là cậu bé duy nhất của làng được học bổng đi học tiếp cấp 2, rồi cấp 3 ở trường truyền giáo gần thủ đô Nairobi, rồi đại học ở Uganda, và tiếp tục học thạc sĩ ở Leeds (Anh quốc). Năm 1964, tốt nghiệp một năm đang chờ đi Leeds, ông cho ra đời cuốn sách đầu tay Con ơi, đừng khóc, cuốn sách đầu tiên của một nhà văn Đông Phi bằng tiếng Anh đến với một công chúng khi ấy mới chỉ biết đến Achebe và Quê hương tan rã như là đại diện duy nhất của văn học châu Phi. Năm sau đó ông tiếp tục in Dòng sông ngăn giữa (cuốn sách thứ hai nhưng được viết trước), gây xôn xao vì bức tranh về tập tục cắt xẻo âm vật của người Kikuyu. Hai cuốn sách đều nhanh chóng đứng vào hàng bán chạy, với các nhân vật chính dựa trên cuộc đời thực của tác giả, cậu bé ngây thơ ham học hỏi trên nền chiến tranh, giữa văn hóa cổ truyền, thần thoại và đất đai Kikuyu và sứ mệnh giáo dục cùng thế giới quan Thiên Chúa giáo, James Ngũgĩ đã trở thành poster boy của công cuộc sáng hóa Cơ đốc tại một mảnh đất mà mới đây vẫn còn tin phù thủy, xỏ mũi và cởi trần chạy theo thú săn.
… thì, boom! Năm 1967 Một hạt lúa mì ra đời, đầy tinh thần người học trò đích thực của Marx, hay đúng hơn là của Frantz Fanon mà ông đã đọc ở Leeds. Đại học Leeds đã thay đổi đời ông, Ngũgĩ tâm sự, không chỉ vì những sách vở và bạn bè gặp được mà còn vì chứng kiến cảnh sống thợ thuyền ở thành phố đã méo mó vì công nghiệp – “giả sử tôi đến học ở những thành phố xinh đẹp hơn, điền viên hơn ở nước Anh thì hẳn tôi đã khác rất nhiều”, Ngũgĩ nói. Ông bỏ dở luận văn ở Leeds, trở về dạy ở Đại học Nairobi, và hiện trạng đất nước sau Uhuru (độc lập) cùng những giấc mơ tan vỡ đã làm nên nội dung chủ yếu trong Một hạt lúa mì và Những cánh hoa màu máu (1977), có thể nói là đỉnh cao về nghệ thuật tiểu thuyết theo-lối-phương-Tây của ông.