Thành công thương mại của tiểu thuyết thứ hai, Họa sĩ nơi phù thế (1986), đem lại cho Ishiguro tăm tiếng lớn ở xứ sở của ông – nước Anh – với tư cách là một “nhà văn Nhật”, một cái nhãn dán mà đến bây giờ ông vẫn chưa hoàn toàn rũ được, sau tám cuốn tiểu thuyết, một Booker, một Nobel và một tước hiệu Hiệp sĩ về văn học nghệ thuật của Hoàng gia Anh. Sốt ruột vì luôn bị đối xử như phát ngôn viên của nước Nhật, một nước Nhật ông không còn nhớ, một nước Nhật như một hư cấu dựng nên từ những mảnh ký ức chập chờn và sách vở cóp nhặt, ông chuyển qua lấy bối cảnh nước Anh cho cuốn sách tiếp theo của mình, Tàn ngày để lại (1989). Cuốn sách đã đạt giải Booker và cho đến nay vẫn được ca tụng là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông này đem lại hiệu quả ngược lại: người ta cho Ishiguro đã đem lại một mô tả trọn vẹn về tâm hồn Anh. “Không phải một nhà văn Anh thì không thể viết được cuốn sách này” là tình cảm thường đọc thấy trong nhiều bài điểm sách.
Đối với Ishiguro, một người có thể nói như Alexandre Dumas rằng lịch sử chỉ là cái đinh để ông treo bức tranh của mình về một điểm nào đó trong tâm hồn con người, làm nên tên tuổi với tư cách một tác giả “lịch sử” “hiện thực chủ nghĩa” khiến ông có chút phiền lòng. Vậy là từ cuốn sách tiếp theo, The Unconsoled (1995), ông quyết định đẩy hẳn nhân vật và thế giới khỏi thế giới hiện thực để không ai còn nghi ngờ gì nữa. Thời chúng ta mồ côi (2000) là một cuốn trinh thám pha chút phi lý diễn ra ở Thượng Hải, Mãi đừng xa tôi (2005) và Klara và mặt trời (2021) mang màu sắc khoa học giả tưởng nhưng trong một dòng thời gian thay thế, còn Người khổng lồ ngủ quên (2015) có dáng dấp fantasy nhưng thật ra không ai biết phải gọi nó là cái gì.
The Unconsoled bắt đầu bằng một khung cảnh tương đối bình thường và lại hao hao một cuốn sách mỏng của Milan Kundera: một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới đến thăm và biểu diễn tại một thành phố nhỏ không tên ở châu Âu, nhưng thế giới hiện thực dần dần tan đi để cho “một phẩm tính thuộc về giấc mơ chiếm ưu thế” (Joseph Campbell). Cuốn sách 500 trang này, dày nhất trong sự nghiệp của Ishiguro tính đến nay, là một quả bom tấn gây chia rẽ những độc giả đang hâm mộ ông sau Tàn ngày để lại. Goodreads cho 3.56 sao. James Wood nói cuốn sách “đã đẻ ra một thể loại sách dở mà nó một mình một chiếu”. Nhưng một số người lại nghĩ đây là cuốn sách hay nhất của ông. Ít ra, nó cũng dễ đọc hơn Người khổng lồ.
Dưới đây là chương 1 cuốn sách. (bên phía Zzz Blog.)