Yêu gửi Thuyền Quyên,
Hôm trước nàng có đố tớ, cái gì là cái zeitgeist ở nước Nam ta hiện tại. Tớ hỏi có phải yêu Hoàng Sa yêu Trường Sa em quyết tâm đổi avatar, nàng chau mày. Tớ hỏi có phải bài Trung Quốc sửa hết khai sinh Quyên Thảo Hùng Tuấn thành Dưa Nho Xoài Mít, nàng lắc đầu. Tớ hỏi có phải toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, nàng xòe tay phủ mặt; tớ bảo không hiểu, nàng nói về gúc gờ facepalm. Tớ về ôm gúc gờ ba ngày ba đêm, hôm nay hãnh diện báo lại với nàng kết quả điều nghiên của tớ: tinh thần phổ quát của nước Nam ta hiện nay, chính là cái câu mà nàng vẫn ghét, mà tớ đường hoàng đưa lên tít ở trên kia.
Tớ đồng ý là về mặt số liệu thì đáp án của tớ không thuyết phục lắm (gúc gờ báo có nhõn 8 hit; mà cộng cả các variant “Việt Nam mình nó thế” – 92.200 hoặc chính xác hơn thì 92.192, “nước Việt mình nó thế” – 63.200, “nước mình nó thế” – 274.000, thì vẫn còn kém xa, ví dụ, “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” – 4.530.000 chưa tính variant); nhưng trong thời buổi đến counter số view còn có thể làm giả, chữ ký kiến nghị còn có thể của nhân vật ma này, nói chung các số liệu chỉ nên coi là mang tính minh họa. Ít ra tớ có thể kể tên vài chục người trong flist của tớ chưa một lần cảm thấy nhu cầu đổi avatar vì lính đảo, chứ còn cái câu “nước mình nó thế”, có thể không literal nhưng cái sentiment trong đó, thì mỗi người tớ gặp đều đã ít nhất một lần trong đời thốt lên (có nhiều người ít nhất một lần mỗi tháng, hoặc mỗi ngày, nhưng thôi không nên đua tranh với họ – có nhiều người mỗi ngày còn viết hai ba entry blog đấy thôi). Kể cả nàng cũng có lần thốt lên câu ấy; chính tớ cũng khối lần thốt lên câu ấy, như thế cũng là cái may vì tớ sẽ không phải vừa viết thư này vừa thanh minh, mặc dù tôi không đứng trong giày ấy nhưng bằng quyền năng to lớn của phép empathy tôi.
Tớ nghĩ nét quyến rũ không cưỡng nổi của câu này là ở chỗ nó đã tập trung mọi nét đẹp sâu xa trong tiếng Việt, vì thế dễ dàng đi vào lòng tất cả mọi người dùng tiếng Việt mẹ đẻ dù ý thức hay không ý thức. Nó vang lên một cách tự nhiên, trôi chảy, không gượng gạo, nó đậm đà tính khẩu ngữ mà vẫn mang nặng tính khái quát triết lý, nó không dùng một chữ gốc Hán nào ngoài chữ “Việt Nam” đã đi vào từ vựng quốc tế có mặt trong mọi từ điển trên thế giới, nó giản dị đến đứa trẻ con cũng hiểu nổi, ấy vậy mà đến tận khi răng long đầu bạc người ta vẫn có thể ngẫm lại và gật gù thấm thía, ngữ pháp của nó tận dụng tối đa quy tắc liên tưởng, quy tắc khoảng trống và quy tắc vị trí trong tiếng Việt tinh thuần, không hề bị lai căng trong thời buổi nói tiếng Việt như tiếng Anh hiện nay (hãy so sánh “cái nước Việt Nam CỦA chúng ta LÀ như thế” – ewwwww!), nó trầm bổng bằng trắc tuyệt vời cứ như trích thẳng ra từ một bài thơ thất ngôn hay ngũ tứ ngôn, khả năng sinh sản thơ ca của nó là gần như vô tận: “Không nói thì tức – Nói ra có sao – Làm gì được nào – Nước mình nó thế!”, đấy có phải nghĩ năm phút là ra được thơ nghe cứ như Thái Bá Tân hay Trần Mạnh Hảo không nào! Thỏa mãn cả chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ, và quan trọng hơn nữa là ngắn đủ làm một cái hashtag, nó vượt xa những tác phẩm nhớn lằng nhằng khụng khiệng cần đến ba nghìn cái chú thích mà vẫn chưa chắc đã hiểu nổi. Vậy nên câu châm ngôn yêu nước đầu thế kỷ 20 “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn” (© Phạm Quỳnh 1924) thì đầu thế kỷ 21 nên update thành “nước ta còn, chừng nào người Việt còn kêu nước mình nó thế”.
~ ~
Chính vì thế mà câu châm ngôn giàu nhạc tính này đã trở thành điểm đồng quy cho toàn dân Việt Nam, không phân biệt đàn ông đàn bà, người già người trẻ, tôn giáo đảng phái sắc tộc nghề nghiệp địa vị lương thưởng, không phân biệt ngồi đáy giếng như tớ hay võng ngọn tre như nàng. Nàng thử nghĩ xem có tình huống nào mà không áp dụng nổi cái câu universal ấy không? Không quen biết không lót tay thì không xin việc được? Cái nước mình nó thế! Yên trí vượt đèn đỏ ai ngờ bị công an nấp sau cây? Cái nước mình nó thế! Ra siêu thị mua thịt gà Hàn Quốc ai ngờ trúng thịt gà thải? Cái nước mình nó thế! Bênh thần tượng nói xấu “kẻ thù”? Cái nước mình nó thế! Không tìm được vợ vì đời (allegedly) không còn gái công dung ngôn hạnh? Cái nước mình nó thế! Đàn ông kém cỏi khiến đàn bà giỏi không có ai kén rể? Cái nước mình nó thế! (Mấy cái này tớ lôi từ Oép trẻ con ra, chứ không âm mưu giết người bằng cách cho nàng sặc nước bọt đâu nhé.) Chuyện nhỏ đã thế, chuyện to thì đã có các bác Mỹ-dùng-tiếng-Việt tổng kết thay rồi đây:
Đường xá càng lúc càng xuống cấp, ở đâu và lúc nào cũng kẹt xe, tai nạn giao thông thuộc loại đứng đầu thế giới ư? – Cái nước mình nó thế! Giáo dục càng lúc càng suy đồi, học trò đạo văn; thầy cô giáo cũng đạo văn; thi cử thì đầy gian lận, bằng cấp giả tràn lan ở mọi cấp ư? – Ừ, thì cái nước mình nó thế! Kinh tế càng lúc càng suy thoái, hết đại công ty này phá sản đến tập đoàn quốc doanh kia phá sản, nợ nần quốc gia cứ chồng chất ư? – Ừ, thì cái nước mình nó thế! Chính trị sa lầy trong bế tắc, đối với dân thì độc tài và tàn bạo; với nước ngoài thì hèn yếu và xu nịnh ư? – Ừ, thì cái nước mình nó thế!
Bài viết trên của bác Hưng Quốc Nguyễn chê câu tinh thần thời đại của tớ ở hai cái implication: định mệnh chủ nghĩa, làm như “nó” (whatever the case of “nó”) nằm trong bản chất người Việt Nam; đầu hàng chủ nghĩa, chặn đường đấu tranh thay đổi. Hai cái implication này thì tớ đồng ý nhất trí, nhưng ban đầu băn khoăn sao không dùng một cái ism khác – essentialism/bản chất luận – có phải là tóm được cả chì lẫn chài không. Nhưng xong đọc xuống dưới bác đề nghị Ctrl H hết bằng “chế độ mình nó thế”, tớ mới ngộ ra bác cũng chẳng phản đối essentialism gì lắm. Tớ lại băn khoăn tiếp, thế ra “chế độ mình nó thế” thì không định mệnh chủ nghĩa và nhứt là đầu hàng chủ nghĩa, chặn đường đấu tranh thay đổi ư. Rồi sau đó suy nghĩ thêm ba giờ ba phút (chắc đọc đến đây nàng đã ngáp dài, nhưng nàng biết cái đầu tớ vốn chậm chạp), tớ lại ngộ tiếp ra rằng ý bác “chế độ mình nó thế” thì chẳng cần đấu tranh thay đổi chi cho mệt, cứ thay quách là xong. Nghe có vẻ dễ lẫn hỉ, tớ ví von cho rõ nhá. Cái thay quách là xong là cái vật ngoại thân, như là áo rách khỏi vá mua áo mới, máy tính virus khỏi quét mua Mac mới, vợ hư khỏi dạy mua vợ mới. Cái không thay đổi được là cái thân xác đựng (linh hồn? đầu óc?… tùy nàng) có ung thư di căn lung tung cũng phải tìm cách tống thuốc chứ chẳng đổi sang Avatar hay cyborg được, là cái trái đất có ô nhiễm thiên tai cũng phải tìm cách vá víu chứ chẳng lên tàu vũ trụ bỏ chạy sang colony được, là cái dòng họ có nảy toàn nghiện ngập giết người chém gió … you know what I mean. Ý bác Quốc thì chế độ là cái áo rách, còn đất nước là cái thân cô tiên, đừng ai nghĩ là cô ấy xấu, phủ Prada lên là cô ấy lại đẹp vì lụa tức thì.
Tớ biết rồi, bỏ cái bút đỏ đang lăm lăm vạch chữ “lạc đề” xuống đi, dù nàng biết thừa thói quen của tớ là nhảy vào cái link đầu tiên gúc thấy rồi đấu khẩu với những nhân vật không liên quan. Nhưng mà vấn đề thú vị đấy chứ? Ngoài chuyện chế độ có phải là cái áo hay không (ngoài chuyện thực ra “chế độ” là cái gì?), thì chuyện đất nước có phải là cái thân hay không (mà thực ra “đất nước” là cái gì?) cũng đáng nghĩ ngợi xem lắm chứ? Mà với đà tiến bộ khoa học hiện nay, đến mặt còn thay được, thì chẳng mấy chốc Avatar với cyborg khó gì, hỉ? Nàng nói với tớ dạo này suốt ngày phải làm 1080 miễn phí đề tài “Quy trình kết hôn nhập quốc tịch ra sao?” cho các bạn thậm chí chẳng đủ tiếng Anh để gúc gờ hướng dẫn làm thị thực; chắc nàng cũng có thể cho tớ vài câu nhận xét về chuyện màu hộ chiếu có dễ thay quách cho xong không? Mà đừng có bảo tớ đi gúc gờ civic nationalism vs. ethnic nationalism nữa, nếu vậy thì tớ đi học làm tiến sĩ cho nhanh, chứ ngồi đây viết thư cho nàng làm gì.
~ ~
Nhưng bác Hưng Quốc Nguyễn bỏ quên mất cái implication hay ho nhất trong câu châm ngôn thời đại rồi. Đấy là, cái điều ai cũng hiểu nhưng chỉ lờ mờ không phát ngôn thành lời, nó đã được code sẵn trong chữ nghĩa câu đó thế này:
Cái nước Việt Nam, MÌNH nó thế.
Tất yếu, nếu nàng nói “Con tôi nó thế, trước khi đi ngủ cứ phải hát ru đủ năm điều Bác Hồ dạy”, thì cái implication là, con nhà khác nó không thế. Chứ chẳng ai nói “Con tôi nó thế, trước khi đi ngủ phải đi tè”. Nhưng chẳng mẫu câu “~ nó thế” nào có thể khẳng định sáng ngời như câu châm ngôn thời đại của chúng ta, không cho phép ai nghi ngờ, hay cố tình dùng logic bóp méo khái niệm được nữa: “Mình nó thế”! Biến ảo không? Kỳ diệu không? Mấy ngoại ngữ vĩ đại mà nàng ưa chuộng, thử hỏi xem có ngôn ngữ nào dịch được ra cái hồn, cái thần, cái tinh vi, cái thâm thúy của bảy chữ vẻn vẹn này không? Mà chính đây mới là điểm thể hiện trí tuệ Việt, tinh thần Việt lỗi lạc trong bối cảnh đầu thế kỷ mới, ra biển lớn, khi cạnh tranh cả về mặt kinh tế, dân số, xã hội lẫn mặt bản sắc, PR đều diễn ra náo nhiệt.
Này nhé: có phải suốt bao nhiêu thập kỷ bế quan tỏa cảng, chúng ta vẫn dạy chúng ta cánh chim đầu đàn của nhân loại tiến bộ, là điểm sáng của nhân loại vân vân. Bài ca ấy chơi trong nhà tự sướng với nhau còn nghe được, chứ mang ra trường quốc tế, tính độc đáo bị phai mòn đi hết cả. Chả phải Trung Hoa vẫn vỗ ngực là cõi xán lạn ở trung tâm thiên hạ? Chả phải Israel là con cưng của Chúa? Chả phải Hoa Kỳ là thành phố tỏa sáng đỉnh đồi? Chả phải Ba Lan là Ki tô giữa các dân tộc châu Âu? Nói tóm lại trái đất có bao nhiêu dân tộc thì có chừng ấy trở lên mặc cảm messiah, mà có phải cuộc thi nào cũng dùng tin nhắn đâu để mà chúng ta mong lọt vào top 7.
Cái thông minh của châm ngôn thời đại, đấy là đất nước chúng ta chơi quả độc: không cạnh tranh giành vị trí độc nhất vô nhị từ trên xuống nữa, mà từ dưới lên. Tất nhiên nàng với tớ đều biết thừa chả bao giờ người ta nói “Cái nước Việt Nam mình nó thế” khi thấy xe ôm lao vào bắt cướp (mà chỉ khi cảnh sát không ló mặt để cướp lộng hành), khi Hà Nội vừa khai trương thêm mấy cái cầu vượt mới (mà chỉ khi đóng đường xây cầu vượt tiếp theo), khi có mấy bé học sinh đoạt huy chương này nọ quốc tế (mà chỉ khi đặt câu hỏi sao nhân tài không được 100% tuyển dụng lương ngàn đô, sao môn Sử lắm điểm 0 đến thế, sao học nhồi nhét lý thuyết mà chẳng biết thực hành, sao các bé đứng lên bục nhận huy chương mà chẳng nói nổi ra hồn một câu tiếng Anh trôi chảy). Mà vị trí này, theo tớ hiểu, chẳng có lắm ứng cử viên cạnh tranh. Dĩ nhiên, nàng có thể lục forum tìm các bạn Kenya kêu gào tình hình tham nhũng, tìm các bạn Ấn Độ kêu gào con gái không dám ra đường, tìm các bạn Syria kêu gào con trai tôi chết bom máy bay không người lái, tìm các bạn Palestine kêu gào chúng tôi còn không có nổi một nhà nước cho mình. Nhưng chả bạn nào đẻ ra được câu nào vừa vắn gọn, vừa universal như thế, mà trong PR, ăn nhau là ở cái khẩu hiệu, nàng chịu không?
~ ~
Mà vì thế, trái với bác Hưng Quốc Nguyễn, tớ chả cần Ctrl H cũng chả thấy câu ấy đầu hàng chủ nghĩa tí nào. Trái lại, đấy là một khẳng định đầy kiêu hãnh, một tư thế đầy vinh dự đấy chứ. Này nhé, nàng cứ thử nhớ lại mỗi lần giỗ chạp, đến cái thời điểm các cụ bắt đầu lôi thuốc trong túi ra ngồi so với nhau. Mà chắc cái này quá xa lạ với nàng, thôi thì nhớ lại lần gần nhất nàng đọc một thớt chê chồng trên Oép trẻ thơ vậy. Chả phải người nào than thở ầm ĩ nhất, kể ra được nhiều khổ sở nhất, sẽ thành quán quân tuyệt đối để xung quanh phải tái người ganh tị ư? Thế nên được sống – và sống được – trong một nước, mà không nước nào khác nó thế, là một chiến tích lớn lao, và lời khẳng định chung “nước MÌNH” làm cho tất cả những người phát ngôn ra câu đó đều được ràng buộc lại trong một tình đoàn kết ngậm ngùi thắm thiết. “Chúng nó” có thể sống sót qua bom đạn chiến tranh khủng bố nghèo đói, nhưng chúng ta đã sống sót qua Nước Việt Nam!, và vì thế chúng ta sẽ sống sót cuối cùng, vì như câu ngạn ngữ chả nhớ của nước nào đã nói, loài sâu sẽ thừa hưởng trái đất.
(Còn đứa nào dèm pha bảo câu này chẳng qua hàm ý cả cái làng Vũ Đại này nó thế, chỉ chừa mình ra, thì đấy là kẻ âm mưu chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, nàng cứ quăng link nó lên facebook để blog tru comment diệt nó đi.)
Và cuối cùng, cũng vì bác Hưng Quốc Nguyễn không đọc ra cái implication kia, nên không thấy câu ấy nó ngời ngời lạc quan đến thế nào. Nàng có nhớ hôm gì kể cho tớ nghe về bạn Nazi của bác Bóc Hết, người đã thốt lên “Hãy để thiên đường tồn tại, dù chính chúng ta đang ở giữa địa ngục” không? Đấy, nàng thấy “Cái nước Việt Nam mình nó thế” có kém gì về độ lạc quan và xả thân không? Chỉ đơn thuần bằng sức mạnh ý chí và niềm tin là chúng ta đã nhận về mình tất cả nước mắt, đau thương và thịt gà dỏm trên trái đất, chừa lại tất cả khoảng mênh mông bên kia biên giới là một cõi thiên đường không có Annette Schavan, không có Scott Thompson, không có Enron, không có PRISM, không có Guantanamo Bay hay Abu Ghraib. Cũng không có mấy bà Ấn Độ trải nilon ngủ trong MRT, hay mấy ông da đen ôm lô túi Louis Vuitton dỏm chạy cảnh sát trên Fifth Avenue (ừ tớ biết nàng sẽ phẫn nộ kêu lên rằng đấy là những thứ nàng chính mắt nhìn thấy chứ hỏng có phải ngồi đọc gúc gờ như tớ, nhưng đấy chỉ là hiện tượng riêng lẻ thôi, không thể nói lên bản chất!). Chính vì thế mà chúng ta có thể chịu đựng mà sống trong Nước Việt Nam, chỉ cần ở ngoài kia thiên đường tồn tại, và biết đâu lúc nào đó, sau khi đi qua thung lũng nước mắt này, thì con chúng ta, cháu chúng ta, hay chính chúng ta nếu may trúng xổ số hoặc nếu hỏi trúng số 1080 xịn, cũng có thể bước ra mà tận mắt hít ngửi xem cái thiên đường ấy thực sự nó như thế nào. Ấy, bao nhiêu là lạc quan an ủi cho những người vẫn phải sống trong đáy giếng!
~ ~
Nhân tiện, nàng có làm 1080 câu này cho tớ được không?
Fan của nàng.