“Be a buddy, not a bully” hay là chủ nghĩa ngây thơ tự nguyện

Manto, ngồi bên cửa sổ ngắm cuộc xé đôi Pakistan-Ấn, chép lại vài chuyện hay ho. Ví như ông Hồi giáo đi hôi của về mới phát hiện mình vừa lặc lè cõng bị thịt lợn. Hay là ông không rõ đạo gì lộn cổ xuống giếng khi định giấu tải đường, tổ dân phố nếm thấy ngọt liền suy tôn là thánh. Không rõ có lập thành hoàng như các ông bà trộm Việt Nam không.

Mình ngồi đọc, dịch, cười chuyện nhảm láng giềng đã lâu, cũng chưa tưởng tượng ra cái lúc ngồi bên cửa sổ, nhảy hết tab này đến tab khác ngắm cuộc lộn xộn nhà mình mà cười méo miệng như bây giờ.

Bây giờ là lúc những chuyện láng giềng, nhảm hoặc không nhảm, đều dựng lên làm cái gương. Bây giờ là lúc những lần xem thời sự bĩu môi, đọc blog rồi cười khẩy, lướt facebook ngứa miệng vài câu rồi lượn, cần chắt lọc xem cái gì giữ, cái gì quăng. Bây giờ là lúc cần quyết định làm gì với thực tế, từ những tri nhận tưởng đã sáo mòn về thực tế.

Mình, tuy nhiên, chỉ nghĩ được mỗi một điều rất ích kỷ, đấy là cái cơn bão nhân tạo rồ ga kia đừng có quét qua nhà người thân mình. Với bạn bè mình. Đừng quét qua đâu cả, là tốt nhất, nhưng nếu có quét, thì đừng quét qua nhà người thân mình.

Thực tế đấy.

*

Hồi nhỏ, ý là nhỏ hơn bây giờ, mình cũng có một lòng nồng nàn yêu nước lắm. Đọc sách sử tiếc sao mình sinh trúng phải thời đất nước hòa bình mà không được cầm súng ra trận như thế hệ bố mẹ mình hehe. Rồi mơ tưởng trong đầu, tất nhiên mơ thầm thôi, vì hồi ấy chưa có facebook mà yêu nước ra miệng cũng chưa trở thành thời thượng, rằng lại có tí chiến tranh nữa lúc mình còn chưa già quá, để được đi đánh nhau, được bị quân thù bắt, được mắng chửi “chúng nó” hoành tráng như Trần Bình Trọng. Tất nhiên không mơ tưởng tiếp đoạn được bị chém rơi đầu, nhưng cũng đã vài lần mơ (thật) thấy được bị phát xít mời lên đài bắn bòm. Tại sao lại phát xít, chắc vì hồi đó đọc truyện Nga nhiều hơn truyện Việt. Công nhận sách vở tẩy não trẻ con kinh thật hehe.

Bây giờ mình (chưa lớn, nhưng cũng) già rồi, mục tiêu sống không phải là một phút huy hoàng rồi chợt tối nữa mà là được yên ổn cần lao những nhiệm vụ cả được giao và tự vơ vào ngày này qua tháng khác cho đến lúc chết thì thôi, rất là buồn tẻ hehe. Mình cũng không mơ ước gia đình được vinh dự tấm bằng Tổ quốc ghi công hay Mẹ Việt Nam anh hùng, vì điểm mặt người trong nhà mình, khả năng được quân thù bắt rồi để lại một bài hùng biện bất hủ thì thấp, mà chưa ra đến mặt trận đã cảm tử (tử vì cảm) kiểu đệ nhất phu quân của Scarlett cô nương thì cao hơn lắm lắm.

Thế có gọi là ngoảnh lưng lại với truyền thống cha ông không nhỉ? Mình tin là không. Mình tin là nếu có cách nào đánh thức cụ Hồn Truyền Thống dậy hỏi, cụ sẽ chửi cho tắt bếp “chúng tao bỏ cả tuổi trẻ, bỏ cả mạng sống cho chúng mày được yên bình mà lao động xây dựng, chứ cho chúng mày lại đánh nhau phá phách tiếp à?” (Một phiên bản gần gũi hơn chắc nhiều bạn từng nghe, “Bố mẹ làm việc đầu tắt mặt tối để con có thời gian học bài chứ để con chơi game/ôm truyện tranh/đập đá à?”) Mà cũng chẳng phải hỏi đến cõi siêu hình cho tốn kém tiền thầy cúng. Chỉ cần hỏi ông/bà/bố/mẹ/chú/bác/cô/dì/anh/chị/bạn/bè cựu chiến binh là đủ. Mình tin là giữa chiến và hòa có tính tự nó, hầu hết sẽ bỏ phiếu hòa. (Tất nhiên không phải tất cả. Ở đâu cũng có diều hâu. Nhưng mình cũng tin là tỷ lệ diều hâu trong số những người đã ra trận, đã thực sự ra trận chứ không phải ngồi bấm nút máy bay không người lái, sẽ thấp hơn trong số những người chưa, rất nhiều.)

“Vậy nó đánh mình thì chìa nốt má kia hả?” mình-cấp-2 sừng sộ hỏi mình-bây-giờ. “Hay là mở miệng cười tan cuộc oán thù như cụ Phan?” Ô kìa, bây giờ là mấy giờ rồi mà còn ngây thơ tin rằng có những người ngây thơ như vậy. Ai chẳng biết là đến cả Obama quan ngại sâu sắc cũng chẳng làm Nga Syria Ai Cập Uganda nhảy mũi lấy một cái kia mà. Mình tin là ai lạc quan đến đâu hoặc mù tin tức đến đâu, thì đến giờ này cũng đã suy nghĩ kỹ phương án của bản thân, nếu tình huống đến lúc cần. (Phương án ấy là gì thì có thể khác nhau. Tòng quân lập tức không bàn cãi, hay chặt gà nhầm ngón tay trỏ, hay mua vé nghỉ mát dài hạn ở Krym rung đùi theo dõi diễn biến qua BBC.) Nhưng có kết luận rồi thì cất chắc trong lòng là được. Không nhất thiết phải đi khắp nơi khoe “em đã sẵn sàng lên đường” (ra trận, hoặc đi Krym).

Vì quan trọng là chữ “nếu”. Tình huống, đến lúc này, vẫn chưa cần.

*

“Nên hòa hay nên đánh?” “Đánhhhhhhhhhhhhh!!!!!!!!” Tiếng gầm vang ở điện Diên Hồng trong cuộc biểu tình quốc doanh ấy vẫn được suy tôn là biểu tượng cho sự đồng thuận triệu con tim một ý chí của người yêu nước chân chính, ở cả báo mậu dịch lẫn chòi tin tư nhân. Tuy nhiên, cũng như đoạn clip lính Berkut quỳ gối xin lỗi nhân dân Maidan, hình ảnh súc tích xuyên tim nào cũng có một câu chuyện lê thê bại não đằng sau lưng.

Mình không phải chuyên gia sử, thậm chí không thi sử cả tốt nghiệp lẫn đại học (không nên giấu dốt, đằng nào có giấu cũng sẽ lòi ra hehe), cho nên không dám bàn nhiều về chính sách ngoại giao với Trung Quốc đời Trần nói riêng, hay với nước lớn từ thuở đánh nhau sứt mõm giành được cái độc lập đến giờ nói chung, đã có rất nhiều nhà thông thái bình luận và dạy dỗ cho lãnh đạo quốc gia trên các kênh đáng tin cậy như blog hay facebook rồi. Mình chỉ có mấy cái gạch đầu dòng trích từ quyển sách nho nhỏ đã lỗi thời lắm, của một nhóm viết văn không đủ chủ ngữ vị ngữ là nhóm Ngô Sĩ Liên & Co., lại còn là sách dịch nữa, mà ai cũng biết sách dịch ở Việt Nam thì lởm khởm như thế nào rồi, nhưng thôi có gì ăn nấy:

– 1258: đánh thắng Ngột Lương Hợp Thai trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần 1, liền cử sứ sang xưng thần, hai bên cò kè ít lâu thì hạn định 3 năm một kỳ cống. (Trước khi quân Nguyên đánh, vua từng cho trói đuổi về hai sứ Nguyên sang phủ dụ.)
– Từ 1258-1285, Nguyên liên tục nã thư yêu cầu Việt làm tròn sáu khoản: kêu vua sang chầu; gửi hoàng tử làm tin; cung cấp dân số; nộp quân dịch; nộp thuế khóa; đặt quan cai trị của Nguyên ở Việt. Việt liên tục hồi đáp cho em miễn, cho em xin. Nguyên hỏi cột đồng Mã Viện ở đâu để còn biết vẽ bản đồ update? Việt kêu thời tiết nhiều gió máy mờ hết rồi không biết ở đâu.
– 1275, Nguyên đi tuần biên giới. Việt nghe biết, cử sứ thần sang triều cống cho vui.
– 1279, cận thần khuyên Hốt Tất Liệt đánh Việt. Nguyên đóng thêm tàu thuyền.
– 1281, Nguyên (lại tiếp tục) kêu vua Việt sang chầu. Trần Nhân Tông cáo ốm bệnh đường xa, cử chú họ Trần Di Ái sang đại diện. Nguyên ghét mặt, phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương “cho chú được trả ghế mà ở nhà điều dưỡng”, lập đủ ban bệ cử nghìn quân đưa về Thăng Long định Maidan, bị quân Trần đón đánh giữa đường khiến Di Ái chạy mất. Sài Thung đi nốt sang Thăng Long, hạch hỏi vua Trần sao tự ý lên ngôi không báo, sao không sang chầu…, hình ảnh nay còn bất hủ trong lòng thí sinh đại học “sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Viết câu này, hẳn Trần Quốc Tuấn nhớ vụ chính mình bị người hầu chú Sài chọc tên vào đầu máu chảy ròng ròng (nhưng mặt cụ Trần vẫn lạnh như thép).
– 1282, tháng 8, Toa Đô lảng vảng gần biên giới, nói chuyện mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Tháng 10, Việt họp bến Bình Than, Trần Quốc Toản phát hiện không nên dùng cam làm dụng cụ tập cơ tay.
– 1283, Nguyên lại nã trát yêu cầu cho mượn đường đánh Chiêm và nộp quân. Việt cho sứ triều cống, xin hoãn binh.
– 1284, Nguyên như trên, Việt như thế.
– 1285, tháng 1, Diên Hồng, ý đảng lòng dân như một. Cuối tháng 1, Nguyên cất quân, Việt thua chạy về Vạn Kiếp. Đến tận lúc đó vua còn cử Trần Khắc Chung qua trại cầu hòa. Nguyên quở sao để quân sĩ láo thích chữ Sát Thát vào tay? Khắc Chung đáp chó trong nhà cắn người lạ, vì không phải là chủ nó, cuộc biểu diễn nghệ thuật ngoài trời biến thành tuần hành tự phát không phải lỗi chúng tôi. (Câu cuối này còn tồn nghi.)
– Sự thể sau đó thế nào thì không chỉ các bạn Việt Nam học sử cấp 1 biết mà cả các bạn Tây cũng biết.

(Ngoài Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn trên còn sử dụng nguồn của một chuyên gia giấu tên. Đừng bao giờ quên dẫn lời một chuyên gia giấu tên.)

Nếu đã Diên Hồng từ 1275 hay 1279 thì Dã Tượng, Yết Kiêu chẳng có, Hoài Văn Hầu chẳng kịp lớn để mà phá cường địch báo hoàng ân. Hòa hoãn thêm một ngày, vua tôi có thể hạ thủy thêm một cỗ DN-9002 nữa. (Nói ngoài lề, Trần Quốc Toản “nghe đồn” hy sinh ngay năm 1285 ấy, nhưng chi tiết này không thấy chép trong sử Việt mà chỉ trong sử Nguyên, vì vậy rất có thể là do quân nó bịa ra để bảy trăm năm sau phá hoại tinh thần tuổi trẻ hăng hái nước ta.)

(Nói ngoài lề nữa là trong kháng chiến chống Nguyên-Mông, Đại Việt liên minh với Tống-Hán nhé. Hẻm phải chống “Tàu thuần túy” đâu.)

Nhưng có lý do Trần Hưng Đạo công bố Hịch tướng sĩ năm 1285 chứ không phải năm 1281 (dù ai biết, có thể đã viết bản nháp từ 1281). Từ 1258 đến cuối 1284, dù cả hai bên chạy đua vũ trang sôi sục (và biết tỏng bên kia đang chạy đua vũ trang sôi sục), nhưng về mặt chính thức, vẫn là giai đoạn hòa bình, dù hòa bình mong manh đến mức nào. (Tháng 1 vừa rồi các báo đồng loạt tiên đoán chiến tranh Trung Nhật, còn Hàn Bắc Hàn Nam mỗi năm đến hẹn lại một lần rú lên.) Và đấy không phải chỉ là kéo dài thời gian để xây thêm quân hay thêm Trần Quốc Toản.

Khi đứng từ hiện tại nhìn ngược về, ta luôn có cảm giác những việc xảy ra trong quá khứ là tất yếu. Căng thẳng bao giờ cũng dẫn đến chiến tranh, câu hỏi chỉ là sớm hay muộn. Chiến tranh rồi sẽ dẫn đến chiến thắng (hoặc chiến bại, tùy bên), câu hỏi chỉ là một năm hay ba mươi năm hehe. Vô vàn cuốn sách, bộ phim, bài thơ, bài hát, lễ hội, bài thi học kỳ đã củng cố phản xạ có điều kiện nhiều nghìn năm của người Việt, coi chiến tranh cứ như đi chợ, đói thì phải khăn gói đi mua. Như một lộ trình đã vạch sẵn, kịch bản đã thuộc lòng. Như tất yếu lịch sử, giai cấp sau ắt lên thay thế giai cấp trước hehe.

Chúng ta quên rằng, cứ mỗi cuộc chiến “tất yếu” từng xảy ra, lại có cả chục cuộc chiến “khả thể” từng tránh được. Không phải cơn bạo bệnh nào cũng dẫn thẳng đến mộ, không phải ai ra đường cầm lái cũng đâm thẳng vào tai nạn giao thông. Nhưng các nhà ngoại giao, các bác sĩ, các cảnh sát giao thông, tất nhiên, chỉ lên báo khi thất bại.

Bài ca về những anh hùng vệ quốc có rất nhiều (dù thắng dù thua). Nhưng những anh hùng đã ngăn chặn chiến tranh không để xảy ra, không có bài ca nào về họ. Không có bài ca nào về Mardil Voronwë. Chúng ta bàn cãi nên “kỷ niệm” ngày 17 tháng 2 hay ngày 16 tháng 3. Không có ai đề xuất kỷ niệm 750 năm ngày Đại Việt cầu hòa thành công với Trung Quốc. Chúng ta nói đến cuộc chiến 56 ngày đêm hay 10.000 ngày. Không ai đặt bảng điện tử đếm xem đã được bao nhiêu ngày (tương đối) im tiếng súng.

Đấy cũng không phải lỗi của các bài ca. Chất liệu của các bài ca (và tiểu thuyết, và lễ hội, và phim Hollywood) là tình cảm dạt dào, kịch tính, hô hào quần chúng giữa quảng trường, và dễ hiểu. Tính toán hơn thiệt, lý tính, sau hậu trường, giữa một mớ bòng bong khái niệm, là chất liệu của giáo trình, binh thư và sách dạy đánh cờ. Làm sao súc tích xuyên suốt đăng status nổi hehe.

(Lại còn lâu & dài nữa chứ. Mình nghĩ một phần lớn những bạn hô hào “sao chưa đánh đi” là do sốt ruột. Kiểu như, ngày nào cũng nghe tin kêu gọi, yêu cầu, phản đối, sao không đánh đi cho rồi. Đánh đi cho xong, để tao đỡ phải nghe đi nghe lại những chuyện này nữa. Tất nhiên, hầu như tất cả đều là “đánh đi” chứ không phải “để tao đánh cho”. Nhưng không phải bao giờ rước vào phòng mổ hai tiếng cũng là nhanh hơn uống thuốc nam năm năm đâu nhé. Giai đoạn hậu phẫu phục hồi chức năng có khi còn dài & lâu & khổ sở hơn nhiều.)

Thêm nữa, ca tụng những cử chỉ quên mình vì tổ quốc, dễ và an toàn hơn nhiều xét về khả năng thu hút like của công chúng. Ca tụng những tiếng nói có vẻ bàn lùi giữa một khán phòng đang rầm rầm đòi đánh là liều mạng khiêu vũ giữa bãi mìn những đúng và sai. Đến cả Bác Hồ còn có lần, sau Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt trước khi lên đường đi Fontainebleau, phải khẩn khoản “Tôi xin hứa với đồng bào rằng, Hồ Chí Minh không phải người bán nước.” (Mình nghĩ không sợ bạn nào đọc đến đây gào lên “Nhưng Hồ Chí Minh đúng là quân bán nước!” vì những bạn đó đã dừng đọc từ khuya rồi hehe.)

Vậy là, do lịch sử nhiều nghìn năm nay của dân tộc Việt Nam trên mảnh đất chữ S oằn xương sống đau thương (viết những chuyện này không thể thiếu những câu này hehe), chúng ta đã hình thành phản xạ nghĩ về mỗi cuộc chiến như một mốc son chói lọi, như một kết quả tất yếu của vận động lịch sử tại thời điểm đó, hay hiền nhất thì cũng như một giải pháp bất đắc dĩ chẳng đặng đừng.

Chúng ta không được dạy nghĩ về mỗi cuộc chiến, khi nó nổ ra, như một lần thất bại trong việc giữ lấy hòa bình của tập thể.

Tất nhiên, chiến tranh không sinh ra từ chân không mà từ một loạt hoàn cảnh dồn lại, và trong con mắt mỗi bên phần lỗi sẽ ở phía thằng hàng xóm. (Trong trường hợp Việt Nam, phần lỗi nói chung đều khách quan ở về phía thằng hàng xóm, vì đơn giản là Việt Nam thuộc loại thấp cổ bé họng trong khu vực. Tuy không phải ai cũng đồng ý như thế.) Nhưng nếu cái nồi hơi sôi sùng sục bật nắp phì ra, thì thằng thợ gầy nhom vật lộn không giữ nổi nắp nồi mới là thằng chết bỏng, chứ cái nồi không bỏng. Vì thế chẳng ích gì mà gào lên tại sao Trung Quốc thì tha hồ khiêu khích, mà Việt Nam thì cứ bị ấn cho trách nhiệm giữ hòa bình.

Quan trọng là, ở thời điểm này, cái nắp chưa bật. Trung Quốc và Việt Nam, dù đã cất hàng đầy cốp xe, trên danh nghĩa vẫn còn tranh cãi về nguyên tắc. Lúc này vị thế của Trung Quốc vẫn còn (được chúng ta lập luận) là vị thế một thằng phạm pháp. Trước mắt quốc tế, trước mắt nhân dân ta, trước mắt nhân dân “nó”, vẫn còn có thể đấu lý xem ai đúng ai sai.

Một khi chiến tranh đã nổ ra, không còn lý lẽ nữa, trừ thứ lý lẽ của bom và thuốc súng. Không còn tranh luận đúng sai nữa, vì kẻ chiến thắng sẽ quyết định đúng sai. Palestine 1948, Việt Nam 1975, Afghanistan 2001, Syria 2013, Ukren 2014: có bên nào trong số từng bên không nghĩ là mình đúng? Một khi đúng sai được xác định bằng số xác chết, thì tranh luận chỉ để dành cho hậu thế vài chục năm sau vẫn còn tức tối hay hả hê. Tranh luận đó không lấy lại được những người đã chết, không lấy lại được những cuốn lịch bị đốt cháy, những tài nguyên người và của có thể để dành vào những việc có ích hơn, ví dụ mở tour du lịch lên mặt trăng hay quyên góp cho mỗi trẻ em vùng núi một chiếc Google Glass.

Một khi chiến tranh đã nổ ra, mỗi đất nước tham chiến sẽ tự khắc biến thành toàn trị. Các bạn cứ yên trí, những gì các bạn vẫn kêu gào bây giờ sẽ không thấm vào đâu so với lúc ấy đâu.

Một khi chiến tranh đã nổ ra, khả năng rất cao là các bạn, hoặc người thân bạn bè các bạn, sẽ phải giết người. (Hoặc bị giết; cái này thì dễ hơn hehe.) Các bạn có làm nổi không? Chết vì tổ quốc dễ, sống vì tổ quốc hơi hơi khó hơn, giết vì tổ quốc là một cấp độ khác hẳn. Đừng nói là “dễ ợt, nếu Tổ quốc yêu cầu”, vì nói thế chỉ chứng tỏ người nói không suy nghĩ. (Thế kỷ 21, sau khi văn học (và phim) phản chiến đã trở thành hẳn một thể loại ăn khách rồi, thật ngạc nhiên là vẫn còn nhiều người sẵn sàng xung phong ra trận không suy nghĩ đến như thế. Tất nhiên, không tính các bạn đã có sẵn vé open để khi cần là vượt biển về Tây, chẳng màng tới những đảo điên nơi Trung Địa hehe.)

[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=415CReI3zps&rel=0&start=3874&end=4268]

Một khi chiến tranh đã nổ ra, tất cả những điều chúng ta dự đoán, bàn cãi, tranh luận trước đó (cũng như bài essay mười nghìn chữ này – cảnh báo rồi đấy nhé hehe) sẽ trở thành ít nhiều vô nghĩa. Vì lúc đó đã chuyển sang một tình thế khác, tuân theo những logic khác (hoặc không còn theo logic). Cách chúng ta suy nghĩ lúc đó (nếu còn suy nghĩ), chúng ta không thể hình dung nổi bây giờ. (Mình đang nói, tất nhiên, về những đối tượng mới biết chiến tranh qua tivi và sách báo, như mình.) Cũng như bây giờ không thể hình dung nổi chúng ta sẽ là ai lúc đó. Peeta Mellark là Peeta Mellark, vì không phải ai cũng là Peeta Mellark.

Nhưng bây giờ thì chưa.

Chúng ta đang không đứng từ hiện tại nhìn về quá khứ. Chúng ta đang đứng từ hiện tại nhìn tới tương lai. Tới những việc chưa xảy ra. Nghĩa là những việc còn có thể thay đổi được. Chúng ta không phải diễn viên trong một vở kịch vũ trụ đã trở thành di sản văn hóa nên cấm thay đổi kịch bản, mà là cầu thủ trong hiệp phụ thằng nào đá trúng bóng trước thì thua (ok, so sánh tồi, mình biết ~.~). Chừng nào còn đá được thì chẳng tội gì ném áo xách va li. Soạn sẵn va li cũng tốt, nhưng hãy dành động tác xách đến lúc nào thua hẳn. Nếu không, giờ nào có việc nấy.

Việc của giờ này, là hãy tránh cho bộ đề đại học dày thêm câu Chiến tranh Nồi hơi 2014 (hoặc tệ hơn, Nồi da nấu thịt 2014) vì tương lai con em chúng ta.

Bằng cách nào? Đừng quạt lửa dưới đáy nồi, chẳng hạn.

*

Dân Việt ta trên facebook, bất kể đàn ông đàn bà etc, có truyền thống đáng yêu số 1 là yêu nước. “Có yêu nước không”, “yêu nước thế nào”, “yêu nước nào” được bàn tán rôm rả hơn cả bí ẩn mười hai cung. Truyền thống đáng yêu số 1 phẩy là ra sức chứng minh yêu nước đúng theo kiểu mình mới là yêu nước chân chính. Theo suy luận của logic hình thức: những ai không suy nghĩ và hành động giống hệt như tao, đều không yêu nước. Không đi biểu tình là hèn, đi biểu tình là gây rối. Loan tin “xấu” là gieo rắc hoang mang, không thông báo là che mắt dư luận, khoe sức mạnh quân sự là làm lộ bí mật quốc gia. Ca tụng Trung dĩ nhiên là cần hỏi tội tận nhà, bài Hoa là chia rẽ nội bộ, tẩy chay hàng Trung Quốc là phá hoại kinh tế, chửi định mệnh thằng Tàu là làm mất mặt quốc thể trước bè bạn. Nói đùa là không nghiêm túc, viết tắt chữ Hồ Chí Minh là bất kính với lãnh tụ hehe. (Bác Orwell nói chẳng cần chính quyền toàn trị, trí thức với nhau đã đủ toàn trị liệt cả mồm. Đấy là thời bác mới chỉ “trí thức” được dành đất mà có tiếng nói.) Nói chung phát biểu câu gì cũng có thể bị quy thành phản động, còn im không phát biểu là vô cảm trước vận mệnh tổ quốc hehe. Yêu nước thì phải hành động, nước gần không cứu được lửa xa, biển Đông không ra được thì lên chém phản động trên facebook cũng là lập công cứu quốc, tuổi nhỏ làm việc nhỏ.

Với kinh nghiệm vài trăm năm hùng biện về yêu nước, các chiến sĩ facebook dù quốc tịch Việt hay không Việt, dù cờ đỏ hay cờ vàng cũng đều giắt sẵn vài bồ chữ trong bụng nên lúc cần có thể bật ra không cần nghĩ. Trung Quốc đang “xâm lược” Việt Nam, toàn dân hãy sẵn sàng “giết giặc”. Trong khi “sơn hà nguy biến”, hiểm họa “mất nước” đã gần kề, tất cả những ai đi ngược lại với cơn đại thịnh nộ toàn dân (nghĩa là, đi ngược lại với quan điểm của tôi) chắc chắn đều là “nội phản”. (Trung Quốc đang vi phạm luật biển, hiểm họa chiến tranh đã gần kề, toàn dân hãy sẵn sàng bình tĩnh và làm tốt việc của mình, tất cả những ai đi ngược lại với quan điểm của tôi chắc chắn đều tình cờ có quan điểm khác – thì nghe nhạt quá và không có giá trị câu like.)

Các chiến sĩ facebook, nhờ kinh nghiệm chinh chiến lâu năm trên bàn phím, đều rất thông minh. Một câu giả bộ ngây thơ đến mấy đều đọc ra ẩn ý như chơi, hóa trang đồng đội giống đến đâu cũng nhìn thấy rõ nanh vuốt quân địch. Với các chiến sĩ cờ đỏ, phàm ai đặt nghi vấn về nhà nước đều là Việt Tân. Với các chiến sĩ cờ vàng, phàm ai giương cờ đỏ giật cờ vàng đều ăn lương ba triệu một tháng. Một việc như Bình Dương hôm nay, chưa hết ngày đã có một phe kêu Việt Tân giật dây, một phe khác kêu tình báo Hoa Nam giật dây, một phe thứ ba kêu chính phủ giật dây (rất có khả năng một phe kêu cả ba phối hợp giật dây theo phong cách 1984, nhưng hiện tại mình chưa đọc thấy). Môn học Thuyết âm mưu 101 đào tạo qua phim ảnh Mỹ đã được vận dụng nhuần nhuyễn triệt để, hứa hẹn sẽ đưa Việt Nam sánh vai cùng các điểm nóng trên mặt báo chí quốc tế.

Một dạng thông minh khác đặc thù hơn thể hiện bằng công thức “mọi điều chính phủ nói đều dối, mọi việc chính phủ làm đều là con rối của Bắc Kinh/ Moskva/ Washington/ [kẻ thù số một có tính thời điểm]”. Công thức này, người lần đầu tiên tiếp xúc với internet cũng chỉ cần 2 ngày là được nếm trải đầy đủ các dị bản. Đây là sản phẩm kết hợp uyển chuyển giữa tiếp thu tinh hoa văn hóa Âu Mỹ (xem: thuyết âm mưu) cùng với truyền thống dân tộc ghét kỷ luật, ghét quyền uy (khi nào tình hình bớt căng thẳng sẽ rảnh rang viết kỹ, mà quên thì thôi hehe).

Dạng thông minh thứ ba là dạng ngồi ghế sau chỉ đạo cách lái đất nước cho chính phủ. Hình thức phổ biến nhất là tranh cãi xem fan chân chính của Nước thì phải ship Nước với ai, cô Nga hay bé Mỹ hay anh Trung. Dạng này thì chỉ tiếp xúc 2 giờ là đủ.

Nhìn chung thì cuộc chiến trên mặt trận truyền thông rất giống các cuộc chiến dịch thuật mình từng chứng kiến hehe.

Mình cũng thích làm người thông minh lắm, nhưng không làm nổi. Mình không biết đất nước nên làm gì. (Cụ thể trước mắt, tức là thế. Lâu dài sâu xa thì rõ rồi: chiếm trọn Trung Hoa đại lục, tiến tới chiếm nốt Nga cựu Xô và mở rộng lãnh thổ xuống châu Phi, nhưng chừa lại EU để khỏi phải nuôi báo cô một lũ dân nghèo mọi rợ.) Mình không biết sự thật là thế nào. Mình không có người quen kể cho những điều thâm cung bí sử, tất cả những gì mình biết đều từ các kênh, báo và page mà hầu hết các bạn đều đọc và follow (ở đây không nói đến những bạn ở vị trí được người khác follow, dĩ nhiên, và những bạn ấy thì cũng chẳng đọc tới bài này hehe), page nào cũng lấy nguồn tin mật, tại chỗ, cấp cao, page nào cũng mâu thuẫn túi bụi với các nguồn tin mật, tại chỗ, cấp cao khác (nói vậy không nhất thiết là một trong hai bên nói dối, vì sự thật, như những người hoạt động trong công nghiệp sự thật đều biết, đa diện hơn kim cương và thay đổi chóng mặt hơn kính vạn hoa).

Nhưng mình cũng biết sơ sơ một vài cái bẫy của người thông minh. Người thông minh hay nghĩ chỉ mình biết tư duy, những kẻ khác đều cư xử rồ dại mất lý tính (thế nên báo chí thế giới dễ dàng nhảy bổ vào câu chuyện Triều Tiên thả 120 con chó cắn người). Người thông minh hay nghĩ chỉ mình biết tư duy bằng cái đầu của mình, những kẻ khác (nếu ngược quan điểm mình) đều lặp lại như vẹt, hoặc bị tẩy não, hoặc bị hack facebook. Người thông minh hay nghĩ chỉ mình biết tư duy bằng cái đầu của mình và hành động theo lương tri của mình, những kẻ khác (nếu ngược quan điểm mình) đều là tay sai Mỹ/dư luận viên. Người thông minh hay nghĩ chỉ mình mới tiếp cận được mọi nguồn thông tin tiên tiến cập nhật tức thời nhất thế giới, còn người Trung Quốc chẳng biết facebook là gì, chẳng biết đổi DNS để đến với thế giới tự do xanh tươi đằng sau vạn lý tường lửa, cả ngày chỉ ngồi chúi mũi vào CCTV. (Những điều này đều rút từ kinh nghiệm bản thân hehe.)

Nghĩ đi nghĩ lại, mình thấy chưa chắc làm người thông minh đã tốt. Nhưng tất nhiên mình không thể chạy đi thuyết phục các bạn thông minh rằng làm người thông minh chưa chắc đã tốt. Đến chính phủ mình còn không biết phải dạy thế nào, thì làm sao dạy nổi các bạn ấy hehe. Nên là mình quyết định cho mình thôi vậy.

Mình quyết định không cố làm người thông minh nữa, mà sẽ làm người ngây thơ.

Mình sẽ mặc định mỗi người đều có thiện chí, chừng nào chưa có bằng chứng rõ ràng là ác ý (cũng tương tự như nguyên tắc mỗi người đều được coi là vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội hehe).

Mình sẽ mặc định mỗi người đều yêu nước, dù hành động theo những kiểu khác nhau. Bạn biểu tình yêu nước theo kiểu biểu tình, bạn ngồi nhà làm việc yêu nước theo kiểu ngồi nhà làm việc. Bạn tẩy chay hàng Trung Quốc yêu nước theo kiểu tẩy chay, bạn kêu gọi tình hữu nghị 4 tốt 16 vàng yêu nước theo kiểu hữu nghị. Bạn nghe theo chính phủ yêu nước theo kiểu quốc doanh, bạn làm theo đoàn đội yêu nước theo kiểu tập thể, bạn viết facebook blog yêu nước theo kiểu cá thể tiểu thương tiểu chủ, đảng đã bảo chả có cớ gì các thành phần kinh tế lại không hòa hợp được với nhau. Đến cả các thành phần có vốn đầu tư nước ngoài còn trương biển Việt Nam num bờ oăn nữa cơ mà hehe. Nhé, mình sẽ coi cả các bạn Việt Tân cũng yêu nước theo kiểu các bạn ấy, chừng nào các bạn ấy không kêu chỉ đi chùa khấn phật cho cộng Trung tràn về lật đổ cộng Việt.

Mình sẽ mặc định mỗi người đều làm điều họ nghĩ là tốt nhất, theo chừng mực sự hiểu biết của họ (kể cả các bạn cờ vàng). Và sẽ nhớ nhắc mình, những hành động cần phê phán (hiểu là: ngược với quan điểm mình) không nhất thiết định nghĩa cả con người, nhất là nếu mình không biết gì khác về người ấy. Phán xét hành động, không phán xét con người.

(Và những hành động có tính phạm pháp rõ ràng thì không nằm trong phạm vi phán xét của mình, mà của pháp luật, mà đã có bác pháp luật lo rồi thì mình chả việc gì phải lo nữa hehe. (Thêm một lý do để nhà nước hoàn thiện cái Luật biểu tình đó đi càng sớm càng tốt.)

Nhưng mình sẽ tuyệt đối không làm trò kết tội trước khi tòa xử, như (tiêu biểu nhất) báo chí Mỹ làm trong vụ Snowden hay Tsarnaev. Phản quốc tội lớn lắm, khung hình phạt lên tới mức tử hình chứ không đùa đâu hehe.)

Mình sẽ mặc định mỗi bạn dân tộc Hoa cũng không khác gì các dân tộc khác. Mình sẽ mặc định mỗi bạn Trung Quốc cũng không khác gì dân nước khác, chỉ muốn yên ổn ngày làm ăn tối lên mạng chém gió và xem ảnh mèo.

Mình sẽ mặc định mỗi người, từng người cụ thể trước mặt mình đây, đều ít muốn làm thù hơn làm bạn. (Chừng nào họ chưa tuyên chiến với mình. Ngây thơ có chọn lọc hehe.) Và sẽ đối xử với họ theo cách đó.

Lời ngọt bao giờ cũng lọt tai hơn, mà đầu lọt thì đuôi mới xuôi được chứ.

*

Cuối tuần ngoái (ồ thế mà đã tròn tuần rồi đấy), thấy xung quanh rần rần biểu ngữ “Tàu khựa cút đi” và những lời lẽ trìu mến tương tự, mình ngồi nghĩ. Mình nghĩ, nếu có lúc mình xuống đường (trong một số điều kiện cụ thể hehe), biểu ngữ mình lựa chọn sẽ kiểu như thế này:

Dịch là “bắt tay hay hơn bắt nạt, các đồng chí rồ ạ”.

Mình biết bây giờ “4 tốt 16 vàng” được các bạn thông minh nhắc tới và cười khẩy. Nhưng biểu ngữ của mình sẽ không viết cho các bạn ấy đọc, hay cho các ông mãnh đang ngày trong tháng ở Bắc Kinh, mà là cho người xem tivi bình thường – ở đây, ở đó, ở khắp nơi – cơ mà. (Đấy là nếu lọt được lên ti vi. Cạnh tranh quả có nhiều hehe.)

Tiếp đó mình nghĩ, nếu sợ biểu tình biến thành bạo động, sao không vận động toàn bộ quần chúng biểu tình tại gia bằng cách treo cờ trước cửa nhà mình (căng ngang ấy, chứ không phải dựng cột như thường lệ). Gì chứ đảm bảo được hưởng ứng đông đảo trong số các sâu lười, vì độ dễ chỉ thua có đổi avatar facebook. Lại không sợ giang nắng, không sợ xả CO2, không sợ mất thời gian làm việc, để một lần được dài ngày, mà lại đi đâu đâu khắp Việt Nam cũng có thể thấy, không phải cố tình mò đến (hoặc vô tình dính phải) địa điểm hẹn hò truyền thống của các đội biểu tình. Và tuyệt hơn nữa là nếu bên cạnh cái cờ đỏ cứng rắn ấy, căng cả cái cờ xanh mềm mại chim câu.

Chụp ảnh lên xem, đảm bảo ngọt ngào hơn ảnh mấy đoàn đi bão.

Cờ Hòa bình của báo Tuổi trẻ trao cho ngư dân Đà Nẵng. Sao nơi khác thì không kiếm ra?
Cờ Hòa bình của báo Tuổi trẻ trao cho ngư dân Đà Nẵng. Sao những thứ này thì không phát không cho dân?

Mình có dăm ba đứa bạn người Trung Quốc (Việt gốc Hoa hoặc Đài Loan không tính, tất nhiên). Nói không phải khoe. Thế giới bây giờ nhỏ bằng cái màn hình xì mát phôn, ai nghĩ kỹ mà chả ra một hai người quen. Thân thì bạn bè họ hàng, cựu đồng học Hà Vợt Nhân Văn hay đương kim đồng nghiệp tập đoàn Trung tại Việt, người yêu cũ hiện đang làm tại Mỹ hay chồng/vợ mới đang bàn xem đặt tên con tiếng Hán Việt hay tiếng Tàu. Sơ thì cũng hàng xóm sát vách phòng trọ, từng ngồi ăn cùng hàng cơm bình dân hay kéo ghế cạnh nhau trong quán net. (Các bạn gái, thử tưởng tượng người yêu cũ với chồng mới của bạn chĩa súng vào đầu nhau xem. Riêng các bạn trai thì chắc hẳn rất hài lòng tưởng tượng chĩa súng vào người yêu cũ của vợ hehe.) Năm 2011 một ả tính lịch qua chơi, mình bảo Hà Nội được chứ đi tỉnh khác không có tao bảo vệ mày khỏi bị nhân dân làm thịt. Tại thời điểm đó, tất nhiên, mới là câu đùa.

Thường ngày nghĩ về ả, tất nhiên mình không nghĩ “người Trung Quốc”. Mình nghĩ “xinh, tóc dài, học political science, tính như trẻ con, yêu đương lung tung, người gầy teo mà gọi món gì cũng phải đếm số calo”. Cũng như nghĩ về cậu bạn gay của mình, ít ai nghĩ đến điều đầu tiên là “gay”. Họ sẽ nghĩ “vẽ đẹp, dạy Toán ở trường Y, hay ăn bún đậu mắm tôm ở quán X, toàn đọc sách trẻ con, đang tính đá cậu người yêu một năm rưỡi” (chẳng hạn). Thường chỉ có những người không quen biết cậu mới nghĩ “gay” là điều đầu tiên. Và cũng rất thường, là điều duy nhất.

Và khi thiếu những đặc tính cá nhân hóa (“thích vẽ tranh bằng mắm tôm”), người ta sẽ điền vào chỗ trống bằng những đặc tính “chung” cho “giới” mà người ta (tưởng là mình) biết (“bệnh hoạn, thích hôn hít nhau giữa đường chợ, gặp thằng dị tính nào cũng sán vào dụ cho gay hóa”/”lèo lá, chuyên bán hàng dỏm, lúc nào cũng chỉ chực a lô mách chuyện Việt Nam cho Bắc Kinh”). Và khi tiếp xúc với một cá nhân mới tinh, thay vì tìm hiểu những đặc tính riêng của con người thực tế rồi hình thành phán xét, người ta phán xét luôn bằng những đặc tính chung (tưởng là) mình biết.

Lối tư duy ấy, tên của nó là kỳ thị.

Nguyên nhân của kỳ thị, ngoài hành vi đập vào mắt của một thiểu số bị khái quát lên thành đại diện (rất thường là phóng đại, và rất thường có bàn tay cố ý của giới truyền thông), nằm ở chính người kỳ thị: sự dốt nát do ít tiếp xúc với các cá thể hết sức khác nhau của “giới”, và sự lười nhác không muốn tiếp xúc để khỏi phải thay đổi phán xét đã có sẵn.

Nghĩ như thế, người Trung Quốc nào cũng là kẻ thù, người gốc Hoa nào cũng là gián điệp, dân Bình Dương hoặc Thanh Nghệ Tĩnh ai cũng phá hoại, thành viên Việt Tân toàn một nòi phần tử kích động, công an bao giờ cũng chỉ chực bắt người biểu tình, còn quan chức ai cũng giỏi lấp liếm sự thực. (Và tất nhiên facebooker hoặc blogger nào cũng chỉ giỏi kền kền trên vận mệnh nước nhà hehe.)

Và người nào để tư duy kỳ thị trở thành hành động kỳ thị (nói riêng những cử chỉ tự phát chứ không nói Bình Dương vân vân, với lại đã bảo cái đó đã có bác pháp luật lo), thì người đó đã từ kẻ tự vệ trở thành kẻ bắt nạt, chả kém gì chính phủ Trung tha tàu chiến mở bạt sát nách Việt.

Vì Trung mạnh Việt yếu chỉ là ở quy mô quốc gia. Ở quy mô cánh cổng xếp giữa dăm bảy ông bảo vệ bên trong với mấy trăm biểu tình viên hăm hở xô đẩy bên ngoài; ở quy mô cánh cửa nhà giữa “đội đặc nhiệm của công dân mạng” tự phong với một thằng bé vắt mũi chưa sạch thích tỏ ra nguy hiểm; ở quy mô đoàn biểu tình cờ đỏ quây vào dập một chú cờ vàng; ở quy mô page giữa một mem mới comment lơ ngơ với cả chục “hỏi ngu vãi”, “phản động”, “vừa ở bên Nhật ký yêu nước chạy sang à?”; thì kẻ ỷ mạnh hiếp yếu không còn là bên “phi nghĩa” nữa. (Hơn nữa, nếu bạn lỡ tay hành hung một đối tượng kích động bạo loạn chính hiệu phải vào nhà thương, thì công an vẫn cứ phải mời bạn về đồn, dù bạn có không gào bớ bbc chính quyền cản trở tôi yêu nước.)

Tẩy chay hàng hóa, tẩy chay người mua hàng, cũng là một biện pháp “hay”. Trừng phạt kinh tế bao giờ cũng thấm thía. Nếu thực hiện đồng bộ, hầu như luôn có tác dụng, theo kiểu đón đánh một đứa trẻ con để dằn mặt bố mẹ nó bao giờ cũng có tác dụng.

(Nhìn bạn bè quốc tế nô nức ủng hộ chủ quyền biển đảo của ta trên cổng công ty nhà họ, bạn có thấy vui không?)

Nhưng kỳ thị và bắt nạt, ngoài chuyện ảnh hưởng trước hết đến những người vô tội không liên quan ở cả “phe nó” lẫn “phe ta” (báo đài đưa tin công nhân mất việc làm, vẫn chưa đưa tin chợ hoa quả gần nhà mình nghỉ một nửa), ngoài chuyện làm mồi cho các hành động trả đũa từ phía “nó”, chỉ thấy kết quả nhãn tiền là nồng độ bạo lực, căm ghét và phát xít trong không khí tăng vọt lên.

Nhìn tấm ảnh cờ đỏ rợp trời không thấy tự hào, chỉ thấy sởn gai ốc. Ngày chủ nhật để vui chơi thì được dặn không ra đường. Thấy đoàn biểu tình hô “Hoàng Sa Trường Sa” không sán lại mà tránh cho xa vì lỡ câu kế là “đả đảo cộng sản”. Dân Trung Quốc, Đài Loan đi trên phố cắm cờ Việt Nam mà có cảm giác như dân Do Thái nhìn cờ Đức thập kỷ 1930. Bản tin VTV 7h từ chỗ đưa tin biển đảo 30′ và đưa các tin khác 15′ đến chỗ đưa tin phá hoại 30′ và đưa tin biển đảo 15′. Tiền của công sức lẽ ra đổ vào sản xuất với quốc phòng thì đổ vào nhắn mỗi ngày năm sáu tin đừng quá khích cho hàng triệu thuê bao. Đấy là những chuyện quá chừng phi lý, đến nỗi sự thực là chúng đang xảy ra có vẻ như phi thực.

Và khi mình nhận ra mình sợ, mình cũng nhận ra mình đã được sống trong hòa bình lâu đến mức coi đó là chuyện đương nhiên. Tất nhiên để biết quý cái mình vẫn coi là chuyện đương nhiên, không phải để AQ “ồ Việt Nam vẫn chưa bằng Thái Lan/Ukren/Ai Cập”.

Và mình biết, sợ cũng là một trong những nguyên nhân chính sinh ra bạo lực, khi người ta không tin tưởng chiến thắng sẽ ở phía mình, khi người ta không tin tưởng vào chính nghĩa và sức mạnh của mình, khi người ta cảm giác mình bất lực nên buộc phải hành động, bất kỳ điều gì để cảm thấy mình đang hành động. (Những đứa trẻ bắt nạt bạn ở trường học, hầu hết đều là nạn nhân của bạo hành gia đình, hoặc của khủng bố nội bộ lãnh thổ hehe.)

Nên, khi mình nhận ra mình sợ, mình lên đọc báo và facebook để nạp thêm năng lượng tin. Tin là biển đảo vẫn đang kiểm soát tình hình dù có khó khăn, và nếu cần đến mình, thì cần mình cày cuốc mấy cái deadline (đã bị hoãn vì viết bài này hị hị) để có tiền mang đến báo Tuổi Trẻ hơn là cần mình xông ra đó làm vướng chân vướng cẳng các đồng chí ấy. Tin là an ninh vẫn đang giữ vững ổn định, không cần mình lao ra đường biểu tình phản đối những kẻ lợi dụng biểu tình để phản đối cái không cần phản đối, bày thêm việc cho mấy bạn đã thiếu ngủ năm đêm (hoặc để dẹp mình hoặc để bảo vệ mình). Tin là trong lúc Trung Quốc tăng thêm hai tàu quân sự thì Việt Nam cũng tăng thêm ba bốn cuộc họp báo, điện đàm, công hàm lên Liên Hợp Quốc, dù các bạn chỉ quen giải quyết nhanh gọn vấn đề bằng bạo lực đều cười khẩy vào những gì các bạn không hiểu. Tin là mớ đồ hàng lai rai sắm gần đây đủ để giải quyết nếu vấn đề đến nước cần bạo lực, và nếu máy bay hay quân bộ có không-bất-ngờ mà tràn qua biên giới thì loa phường cùng các nhà mạng sẽ báo tin cho dân kịp đi sơ tán hehe. Tin là không rống lên “mày cút ngay không thì tao thả chó ra bây giờ” mà điềm đạm “này ku, nhà anh đây thì mày rút đi chớ” mới là thái độ của người (biết mình) mạnh thực sự.

(Bạn nào muốn tin giống mình thì tự đi mà google; như đã nói, toàn thông tin công khai, chỉ có người chọn đọc hay không.)

Và mình cũng tin là người Việt Nam đa phần đoàn kết và tỉnh táo hơn nhiều cảm nhận của những người thiếu lòng/thông tin. Mình tin là số người đốt nhà xưởng ít hơn nhiều số người sáng hôm sau giơ biển “hãy bảo vệ miếng cơm manh áo của chúng ta”; số người hành hung công nhân Trung Quốc ít hơn nhiều số người mang đồ ăn, nước uống đến cho họ, chăm sóc cho họ trong bệnh viện; số comment hung hăng chửi bới ít hơn nhiều số comment kêu gọi bình tĩnh và tỉnh táo, và qua mấy ngày vừa rồi ngày càng lép vế hơn (tất nhiên, cũng có thể do mình chủ yếu vào đọc những trang bình tĩnh và tỉnh táo); số người bài Hoa, bài Trung ít hơn nhiều số người sẵn sàng xuống đường căng biển “Bảo vệ người Trung/Hoa cũng là yêu nước” hay “Tôi yêu người dân Trung Quốc cũng như yêu Hoàng Sa, Trường Sa” (không phải câu đùa nhé hehe). Và ngay trong nhóm thiểu số kia, số người có thể thuyết phục cho họ hiểu chỗ sai (tức là ngược với quan điểm của cá nhân mình) của từng hành động (chứ không phải của con người, nhắc lại) cũng nhiều hơn, rất nhiều.

Thế nên ông nhà mạng làm ơn đừng bao giờ chặn facebook/blogspot/wordpress giữa lúc nước sôi lửa bỏng anh em dễ ngồi đoán gà đoán vịt hehe.

(Nói ngoài lề tiếp là mình chả thấy việc quái gì cá nhân mình phải đứng ra xin lỗi quốc tế vì những người phạm pháp ở nước mình cả. Khá nhất mình có thể giải thích cho họ ở đâu cũng thế hành động phạm pháp đã có pháp luật xử lý (và người nào thụ án xong cũng còn có quyền làm lại cuộc đời cơ mà), còn nếu cá nhân đứa nào mè nheo the Vietnamese are so nasty I wish China crushes Vietnam thì đứa đó cũng đầu óc kỳ thị kiểu hẹp hòi ngu dốt chẳng kém gì mấy nhà hàng Nhật Hàn trưng biển Tao không tiếp khách Việt, vậy thôi.)

Nhưng mình cũng nhận ra câu chuyện sẽ không kết thúc ở chỗ dẹp yên đợt biểu tình phá phách này, hoặc ở chỗ Haiyang Shiyou 981 rút về nước (dù không phải đánh hay phải đánh). Nhận ra câu chuyện còn dài và trừ khi động đất lớn ném Việt Nam ra giữa Thái Bình Dương, khả năng va chạm thường nhật với ông bạn béo sau lần này là 99%. Nhận ra mình không muốn sống trong một đất nước cảnh sát theo kiểu 1984 (chả ai muốn hehe), người ra đường nhìn người nghi kỵ, không muốn năm 1979 lặp lại không chỉ vì một điều. Nhận ra cách chắc chắn nhất để đi đến đất nước ấy là tiếp tục nuôi dưỡng bầu không khí bạo lực, bất ổn và nhất là thù hận. Kích động quần chúng căm ghét Việt Tân hay những kẻ phá hoại, về lâu dài cũng có hại không kém kích động quần chúng phá hoại. (Một hai hôm gần đây hình như một số bạn ấy cũng đã đổi bài theo hướng này.) Tin đồn về tình báo Hoa Nam cũng có thể gây chia rẽ không kém hoạt động thực tế của tình báo Hoa Nam. Và Trung Quốc, hay bất kỳ một nước lớn nào khác, chỉ cần dăm bữa nửa tháng thả chiếc thuyền buồm hay gấp cái máy bay phi chơi cho “chúng nó” loạn lên, loạn giữa phe nào với phe nào thì cũng chẳng khác gì, rồi ngồi rung đùi chờ đến khi “em tự đổ“. Đến Thái Lan hiền như Phật tử, đầu năm còn vui vẻ chung tay cọ rửa thủ đô giữa năm cũng nổ súng chết người, nữa là Việt Nam, vốn có quốc rau là rau húng.

Nhưng, lại lần thứ n, hiện tại cái đất nước cảnh sát ấy còn chưa tới, và chiến tranh đang phì phò đứng cửa biên giới nhưng còn chưa có cớ vào. Vẫn còn có thể ngăn, và bắt đầu càng sớm càng tốt. Phòng bệnh hơn chữa bệnh; và nếu chữa bệnh, thì cố mà chữa từ lúc mầm mới nhú chứ đừng đợi đến lúc di căn lung tung mà cả thầy mổ lẫn thuốc nam đều bó tay.

Mở miệng cười có tan được cuộc oán thù không? Mình tin vào hiệu ứng cánh bướm, nên có chứ. Miễn là đủ thời gian cho cánh bướm.

Ngược lại, không ai biết liệu có phải câu “đù ỏa thằng khựa” của mình có phải là giọt nước tràn ly cho một viên đạn, một thanh sắt đẩy cục diện đi quá giới hạn, khởi động một bộ máy hủy diệt không ai còn đủ sức ghìm lại được nữa hay không. Lúc đó, liệu câu “mình có muốn đánh đâu, tại nó ép mình đấy thôi” có còn dùng được?

Không ai đơn thuần bị động trong tiếp nhận thông tin, không ai dù muốn có thể bàng quan quan sát. Nếu nỗi sợ đi đến người ấy rồi đi tiếp, nó sẽ có cơ hội đi thêm một, hai, hoặc rất nhiều người. Nếu nỗi sợ đi đến người ấy rồi dừng lại, nó sẽ không lớn thêm. Nếu thông tin và thái độ đúng đến người ấy rồi đi tiếp, nó sẽ có cơ hội đi thêm, và có cơ hội thay thế nỗi sợ. Cứ thế nhân thêm cho vài nghìn thuê bao. Hiệu ứng cánh bướm chỉ thế thôi, dễ như toán lớp 1 ấy mà hehe.

Vì vậy, để tránh cho thời tiết duy trì quanh năm 40 độ C rất có nguy cơ xảy ra cháy rừng, hoặc không thì cũng hao mòn máy móc đầu óc thể lực gây suy kiệt nòi giống và trở thành hiểm họa lớn cho dân tộc, mình sẽ cố gắng vác quạt mát chứ không vác quạt ba tiêu. Cố gắng tránh những ngôn từ chia cắt (“chúng mày đừng hòng cướp đi lá cờ đỏ, ngày chủ nhật và ý nghĩa tốt đẹp của việc biểu tình, như đã cướp mất chữ ‘dân chủ’ từ chúng tao”) mà dùng những ngôn từ đoàn kết (“chúng ta hãy lấy lại lá cờ đỏ, ngày chủ nhật và quyền biểu tình của chúng ta” – Xin lỗi các bạn cờ vàng yêu nước cái). Cố gắng nhìn ai cũng là bạn, hoặc tiềm tàng trở thành bạn. Cố gắng không lèm bèm cầu cho cái con Hải Dương Thẩm Du kia đắm, cho Tân Cương nổ súng, cho Bắc Kinh loạn to, vì biết khi ấy các ban bệ Trung Quốc vẫn ngồi phòng máy lạnh mà tăng cường ăn vạ bên ngoài, chỉ có ả bạn mình mất việc chạy qua đây giành việc.

(Mình-cấp-2 vẫn làu nhàu, “Ai cũng cười tươi thì lấy ai bảo vệ biển đảo?”

Ô hay, đúng là cấp 2 mới có logic kiểu “Ai cũng kết hôn đồng tính thì con tôi ế vợ à”. Với lại nếu ai cũng cười tươi khắp thế giới thì đã chả đến nước phải bảo vệ biển đảo hehe.)

Mình sẽ nói be a buddy, not a bully không phải chỉ với chính quyền Trung Quốc, mà cả với từng bạn Việt Nam đang mơ tưởng đóng vai siêu nhân vì đại nghĩa diệt gian tà. Mình sẽ nói tốt hơn nữa, hãy làm người bảo vệ, nếu thực là kẻ mạnh. Với từng bạn Trung Quốc, mình sẽ nói đừng sợ, đừng bỏ đi, thằng nào định bắt nạt mày thì tao sẽ uýnh chở mày chạy xua thằng đó, chỗ nào không tiếp mày, tao sẽ giải thích cho họ hiểu, mà không hiểu thì sang quán khác ăn thôi chứ thiếu gì. Mình sẽ treo cờ xanh mát mắt bên cạnh cờ đỏ nóng bỏng, như một lời cam kết, để các bạn Trung Quốc bồ câu đi giữa đường có thể an tâm, để các bạn diều hâu Việt hay Trung cũng phải chùn tay dù chỉ tí xíu. Để chính mình cũng có một lời nhắc nhở lúc nào chực xù lông theo kiểu diều hâu.

Mình nghĩ nếu nền văn hóa nào cũng giáo dục lòng yêu nước theo chiều hướng bồ câu chứ không phải diều hâu, thì số tội ác chiến tranh sẽ bớt đi nhiều lắm.

Đã bảo là không nói đùa mà. (Dịch: "Người Trung Quốc yêu hòa bình: Chúng tôi sẽ bảo vệ bạn. Đừng sợ :)")
Đã bảo là không phải đùa mà.
Dịch: “Người Trung Quốc yêu hòa bình: Chúng tôi sẽ bảo vệ bạn. Đừng sợ : )”

*

Mình nói nãy giờ hay lắm, nhưng không phải lúc nào cũng làm được đâu hehe. Nhiều lúc đọc và nghe các bạn cãi nhau (cả trên biển lẫn trên mạng) cũng chỉ muốn táng một quả bom chết sạch cho đỡ ầm ĩ. (Atwood đã thử trong Oryx and Crake, nhưng không ăn thua.)

Nhưng như bác Sang Trương đã nói, càng khó càng phải noi gương Bình Dương và Hà Tĩnh. (Các truyện cười copy paste cũng rất dễ gây cảm giác muốn bom hehe.) Nếu chiến tranh đến, cái đầu còn phải lạnh hơn tỉ lần. Tiếp tục làm những điều mình cho là đúng, trong lúc chính đồng chí, hoặc ít ra là đồng hướng, nghi ngờ động cơ của mình, trong lúc chính mình băn khoăn liệu thành quả có như mình muốn, không chỉ đòi hỏi bình tĩnh và kiên nhẫn, mà còn cần dũng cảm hơn nhiều ôm súng xông ra trận.

Nên giờ, mình coi là cơ hội rèn luyện cho mình.

Khi thấy máy bay “nó” lượn vè vè trên đầu trong lúc pháo vẫn nằm ngoan bờ biển ngắm mặt trời mọc, mình có bình tĩnh giở luật quốc tế ra xem nó làm như vậy là được phép hay không được phép, hay không?

Khi đọc dòng tít công an Việt Nam gọi điện cho công an Trung Quốc báo chúng tớ đã tóm hết số phạm pháp, mình có bình tĩnh đọc tiếp đến phần nên dân cậu cứ yên tâm làm ăn đi, và tiện thể cậu bảo mấy ông to hơn dắt bầy cún về nhà hộ cái?

Khi nghe tin (đồn) đang có loạn ở tỉnh A, người chết ở B, mình có bình tĩnh chờ xác minh trước khi đi lo lắng kể khắp chốn?

Khi người thân hoảng hốt kể lại thuyết âm mưu mới nhất, mình có kiên nhẫn suy nghĩ và tổng hợp thông tin để tìm ra đâu là điểm khả thể, đâu là chỗ do người tung tin bị hoang tưởng? (Vì bao giờ cũng có vài điểm sự thật làm chỗ bấu víu cho những lời nói xàm; và trong tổng thể các thuyết âm mưu chắc chắn sẽ có ít nhất một thuyết là gần chính xác hehe.)

Khi một người mình vẫn kính trọng và tin tưởng nói những điều (mình thấy) trái tai?

Khi bạn bè chia sẻ một câu chuyện nhảm để vui cười, mình có đủ can đảm ngày này qua ngày nọ làm người nói câu “tin ấy không đúng”?

Khi chính mình nghĩ ra một câu đùa nhảm (kiểu “sấm to thế này có đánh bom cũng chẳng ai biết”), mình có kìm được cái mồm?

Khi nghe tin bắt bớ, nghe tin bên “chính nghĩa” (theo quan điểm mình) vừa “trừng trị” được bên “phi nghĩa”, mình có vượt qua được phản xạ ban đầu “cho chúng mày chết, đáng đời”?

Khi có bạn đầu xanh ngơ ngác thốt ra một câu (mình cho là) lầm lạc, mình có kiên nhẫn ngồi lập luận đúng sai (theo ý mình) mà không cà khịa “hỏi ngu”?

Khi có bạn đầu xanh lá húng gầm vào mặt mình “phản động”, mình có kiên nhẫn ngồi tiếp tục lập luận đúng sai?

Khi đọc thấy một bài trí trá (theo ý mình) trên báo Trung Quốc/phương Tây hoặc một comment mất dạy (theo ý mình) trên các thể loại forum, mình có nuốt lại được câu “you don’t know shit about this shut the fuck up” mà ngồi đưa thông tin đúng sai và phân tích (hoặc lật sang tab khác)? (cuộc đời của kẻ bình tĩnh xem ra thật tẻ nhạt)

Khi đi ngoài đường mình có nén được tò mò nhàn rỗi mà lao vào nơi phức tạp, để khỏi tạo thêm công ăn việc làm cho các bạn an ninh, và tranh chấp nhà trọ quốc doanh cho các bạn đang có nhu cầu tìm nhà trọ?

(Các bạn đánh võng đua xe trộm chó giựt dọc đợt này cũng nên chú ý bớt hoạt động để các bạn công an đang căng thẳng khỏi chạm ngòi nổ hehe.)

Khi trong tầm tai có bạn, vàng hoặc đỏ hoặc nhờ nhờ, phỉ báng những điều mình tin tưởng, mình có kìm được tay?

Khi chứng kiến cảnh kỳ thị ngay trước mắt mình, mình có can đảm bênh vực?

Ngược lại, khi không thể im lặng, mình có dám lên tiếng?

Có những tình huống trên đây là giả thiết, có những tình huống đã xảy ra, có những tình huống mình đã thất bại (vẫn đang rèn luyện mà). Hầu hết đều chỉ loanh quanh nói hay không nói, và nói gì, vì nếu thuộc týp hành động mình đã ở đâu đó chứ không ngồi đây viết một bài essay chẳng ai đọc hehe.

Nhưng nói cũng là hành động. Nhắn tin cho 1409 cũng là hành động. Làm tốt việc của mình cũng là hành động, và tiếp tục sống bình thường cũng là hành động; đi chơi bình thường ngày chủ nhật là hành động, bởi không thể biếu không cho nỗi sợ thứ đúng lý thuộc về mình.

Mà mình chỉ cống hiến cho đất mẹ, dân tộc và tổ quốc được thế thôi. Mình nghe theo lời bác Socrates của Plato đã dạy, người công chính là người lo việc mình, để yên cho người khác lo việc của họ hehe. Không dẫm lên chân nhau là cách đoàn kết tốt nhất, chứ không phải tranh nhau làm một việc rồi bỏ bê sân vườn cỏ dại mọc đầy.

*

Rất có thể chỉ một thời gian nữa – một ngày? một tháng? một năm? – chiến tranh sẽ nổ ra, và gần như tất cả những điều vừa viết sẽ trở thành vô nghĩa. Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông và trên đất liền, với bạn bè và với đối phương nay đã thành kẻ thù, sẽ trở thành khác hẳn. Tuy có thể cũng không khác “hẳn”. Có những điều không thể vứt bỏ, kể cả khi đã mổ thịt bồ câu dâng lên bàn thờ chiến tranh.

Nhưng cũng rất có thể (rất hy vọng, và rất phụ thuộc vào hành động hiện tại của chính chúng ta), nguy cơ chiến tranh sẽ đi qua như bóng một cơn bão dữ, và chúng ta sẽ trầm trồ kể lại những ngày này, như nhớ về một trận ốm thập tử nhất sinh, một tai nạn ngàn cân treo sợi tóc, một cuộc giải cứu ly kỳ cướp giai nhân ngay trước mõm rồng, dù những anh hùng sẽ vô danh và sẽ không được Hollywood làm biopic. Rồi theo thời gian chúng ta sẽ quên, và dần dà các truyền thống đáng yêu sẽ trở lại, như là tranh cãi với nhau xem cờ đỏ nền vàng với cờ vàng nền đỏ cái nào in áo đẹp hơn, xem có phải Hiến pháp quá dài cần rút bớt một điều cho ngắn, xem cô Nga với bé Mỹ ai xinh tươi hơn, xem gặp mặt anh béo hàng xóm cần cười một góc bao nhiêu độ để nó biết mình vẫn chưa quên nó có tiền sử thần kinh bệnh cắn trộm, và sáng chủ nhật hàng tuần các cụ già ra tập thể dục ở Hồ Gươm, vừa đi vừa hát bài “phải thay đổi”. (Utopia của mình chỉ thế thôi hehe.)

Ừ, phải thay đổi chứ, cái gì mà chẳng phải thay đổi, dù ý chí một người muốn hay không cũng thế. Và cái gì mà chẳng đang thay đổi, chỉ có người muốn nhìn thấy hay không. Từ lúc bắt đầu viết essay dài thượt này đến bây giờ, mình cũng đã thấy rất nhiều thay đổi, và phần lớn mình thích (dù tác nhân là những sự kiện mình không thích).

Có vài điều đơn giản mà ở đâu làm gì cũng cần: phải khỏe lên, để không cần tì vào thằng khác; phải bớt lười và ẩu đi mà giỏi lên, để đi đâu cũng xin được việc chứ không cần bám lì lấy một mối quan hệ; phải hiểu và yêu nhau hơn, để nếu có thằng/con thứ ba nào tìm cách gạ gẫm cũng không chia loan rẽ thúy được hehe. Tới lúc đó thì nếu có mâu thuẫn gì lại ngồi xuống Bình Dương Hà Tĩnh xơi miếng nước chè nói chuyện, chứ chẳng phải mời nhau củ đậu bay hay quả lê nhét miệng, nhỉ. Thế kỷ 21 rồi cơ mà.

Rồi tới lúc đó bạn nào muốn nhận là công trạng của mình thì cứ việc, bạn nào chê bai Việt Nam đã nửa thế kỷ rồi chưa săn được thêm thằng cường quốc nào treo đầu lên tường, thì mặc kệ các bạn, mình lại tiếp tục cần lao chạy deadline để có tiền bay sang thăm ả Trung Quốc của mình hehe.

Còn bây giờ là 21 giờ ngày 18 tháng 5 năm 2014, vẫn chưa có chiến tranh, Hà Nội vẫn yên ả và người đi chơi vẫn đông, có lẽ nếu không có loa phường tin nhắn thì rất nhiều người cũng chẳng biết hôm nay dự định có biểu tình. Và mình phát hiện chính mình cũng chỉ tập trung vào chuyên môn đi chơi chứ chẳng hề ngó quanh xem ai (có khi) là công an còn ai (trông như) là “phản động”.

Thế nên, các bài giết giặc mình cũng thuộc khá nhiều rồi, nhưng hiện thời thì cứ nghe bài này đã:

Và ngồi đếm số chữ ký trên Hòa Bình Cho Biển Đông, nha (không, không phải mình được trả lương để quảng cáo đâu).

(13.5-18.5.2014)