Phải có một đường nói về nó chứ, hay là phương pháp, hay thủ thuật, chữ tôi cần đây rồi, nó diệt được khuẩn. Nói tiếp, hay thủ thuật nào đó, có lối nghĩ về nó mà không đổ máu và như thế sẽ không đau; đắm say nhớ lại khi thanh thản. Tôi cố dựng lại hình ảnh của mình thời đó, của cả anh nữa, nhưng cứ như dựng dậy kẻ chết rồi. Làm sao tôi biết không phải mình đang bịa đặt ra cả hai chúng ta, và nếu không phải bịa đặt đất sẽ thực sự là dựng dậy kẻ chết, là đùa với lửa. Việc gì tôi phải quấy rầy những kẻ ngủ mê, những kẻ mộng du ấy, giữa vòng tuần hành cơ học quanh những phố chúng ta từng sống, mỗi năm một nhạt nhòa thêm, giọng một rin rít thêm tới khi chỉ còn như tiếng ngón tay miết trên mặt kính ướt: ri rỉ như côn trùng, trong suốt như thủy tinh, không thành chữ. Với người chết chẳng bao giờ anh dám chắc là do họ tự muốn về hay do người sống muốn họ về. Lối giải thích quen thuộc là họ muốn chỉ bảo ta gì đó. Tôi không chắc mình có tin điều đó: lần này có vẻ tôi cần chỉ bảo họ thì hơn.
Coi chừng, tôi muốn viết thế. Có tương lai, bàn tay Chúa viết trên tường thánh điện, sáng rõ và sừng sững trong tuyết non, ngay trước mặt chắn đường họ đi – tôi hình dung vào giữa tháng Mười hai – trên vỉa hè lát gạch ở Boston, thành phố dành cho những phẩm cách đang mục rữa, cô nàng lung lay trên giày cao gót, chịu ướt chân đơn thuần vì thói kiêu kỳ. Bốt thời đó đều xấu xí, những tảng cao su không hình thù nặng trịch như bàn chân tê giác, mệnh danh “giày bay”, hoặc viền lông lờm xờm như của các bà già hay dép đi trong nhà, tết dây tơ này nọ; lại còn thứ ủng đi mưa nhọn mũi bằng chất dẻo, chỉ chốc lát đã vàng đi và cắn đầy đất bên trong, trông không khác hàng răng chôn dưới đất.
Thủ thuật của tôi đây, hồi sinh mình lại qua trang phục. Nói thành thực, tôi chịu không nhớ nổi mình đã làm gì, đã gặp chuyện gì nếu không thể nhớ ra đang mặc gì lúc ấy, và mỗi lần bỏ đi một chiếc áo dài hay áo rét tôi lại bỏ đi một mảnh đời mình. Tôi trút lại nhân thân như rắn, để lại đằng sau từng lớp vỏ trắng bệch rúm ró, thành một vệt dài, và nếu muốn có lại tí ti hồi ức tôi sẽ phải gom về, từng cái một, những vụn bằng bông hay len ấy, chắp nhặt với nhau, để cuối cùng tạo ra một bản thân vá víu, không cách nào chống đỡ được giá rét ngoài trời. Tôi tập trung tâm trí, và cái linh hồn đã mất đang cần đến bốc lên đầy tà khí từ Ngăn quần áo ủng hộ người khuyết tật trong bãi đỗ xe của Loblaws khu trung tâm Toronto, nơi rốt cuộc tôi đã dúi cái áo kia vào đó.
Một cái áo khoác dài màu đen. Nó là hàng chất lượng cao – hồi đó chất lượng còn quan trọng, và các tạp chí gia đình viết hàng trang về tuyển tập áo quần tối thiểu và cách là cho đúng cũng như làm sao tẩy sạch vết bẩn khỏi lông lạc đà – nhưng tôi mặc nó quá rộng, rộng lắm, tay áo trùm xuống tận đốt ngón tay, gấu chạm mép đôi ủng đi mưa bằng chất dẻo, tiện thể nói thêm, ủng cũng không vừa. Khi mua về tôi dự định sẽ sửa đi, nhưng rồi vẫn không làm. Phần lớn áo quần tôi đều thế, đều quá rộng, có thể tôi đã tin rằng nếu áo quần mình rộng thùng thình, nếu chúng quây thành một thứ bạt quanh tôi, tôi sẽ khó bị nhận thấy hơn. Nhưng tình hình ngược lại; tôi hẳn phải đập vào mắt hơn nữa khi bì bõm lội qua phố trong tấm vải liệm len đen, đầu đùm túm trong, có phải là một tấm khăn kẻ ô vuông dệt lông dê không nhỉ, cũng chất lượng cao; đằng nào thì đằng, đầu tôi đùm túm. Tôi đã mua mấy thứ đồ ấy, trong những dịp hiếm hoi tôi có mua đồ – vì anh phải nhớ lấy rằng, cũng như anh, tôi nghèo, nguyên nhân cho ít ra cũng một phần nỗi tuyệt vọng của chúng ta – ở Xép Filene, nơi món hàng chất lượng cao nào không lên nổi những tầng lịch sự hơn sẽ được tống đi với giá vừa cho vừa bán. Thường thì phải mặc thử ngay giữa lối đi bởi phòng thay đồ rất ít, và căn hầm ấy – bởi nó thực tế là một căn hầm, trần thấp, sáng lờ mờ, nặc mùi những hố nách lo âu và những bàn chân nhẫn nhịn chịu giày xéo – đầy ứ người trong những ngày hạ giá, toàn những đàn bà mặc độc quần áo lót chen huých nhau, cố nhét mình vào thời trang hàng hiệu rách xơ lấm láp trong tiếng thở phì phò và tiếng một trăm cái phec mơ tuya bị kẹt. Đã thành lệ, người ta cười nhạo đám đàn bà săn đồ hạ giá, cười vẻ ham hố của họ, cơn điên khùng của họ, nhưng Xép Filene, theo cách riêng của nó, mang màu sắc bi thương. Những người đến đây không ai không thèm khát một sự biến hình, hóa thân, một sự đổi đời; nhưng đồ không bao giờ vừa cả.
Bên trong áo khoác đen tôi mặc váy bằng vải tuýt khá dày, màu xám, và áo len nâu chỉ có đúng một lỗ rách không lộ liễu quá, được tôi rất nâng niu bởi chính là do điếu thuốc của anh gây ra. Trong áo len tôi mặc một cooc xê (quá dài), một xu chiêng (quá chật), một thể loại xi líp gì đó lấm chấm hoa hồng con con, tất cả xuất xứ từ Xép Filene, hai lăm xu một chiếc, năm chiếc một đô, và quần tất giấy neo lại bằng nịt tất đang, vì quá rộng, chạy vòng quanh eo tôi, khiến đường dệt sau bắp chân xoáy tròn như ốc. Tôi còn ì ạch tha theo một cái va li quá nặng – thời đó không ai khoác ba lô trừ khi đi trại hè – chất trong là một tập hợp quần áo quá nặng và quá khổ nữa, cùng sáu cuốn tiểu thuyết Gothic thế kỷ mười chín và một tập giấy còn trắng. Sườn bên kia, cho cân với va li, là cái máy chữ xách tay và ví đầm Xép Filene, khổng lồ, thăm thẳm như nấm mộ. Đang là tháng Hai, gió quất cho vạt áo khoác bay tung sau lưng tôi, ủng mưa trượt trên lề đường đóng băng, trong cửa kính một cửa hàng ngang đường tôi nhìn thấy một cô ả mặt đỏ hình hộp tay xách nách mang. Tôi đang yêu đến tuyệt vọng và đang trên đường ra ga chạy trốn.
Nếu tôi rủng rỉnh hơn đây đã là đường tới sân bay. Tôi đã tới California, hay Algiers, một chốn nhờn dầu và xa lạ và quan trọng hơn hết là ấm áp. Còn thực tế, tôi chỉ đủ tiền mua một vé khứ hồi tới trú ba ngày ở Salem, bởi nơi duy nhất cũng vừa dễ tới vừa đáng kể là hồ Walden, thì chẳng thích hợp gì trong mùa đông. Tôi đã nghĩ xong cớ cho chuyến đi trước chính mình: tới Salem sẽ có ích cho chuyện học hành hơn là Algiers, bởi tôi vẫn đang cần phải “làm bài” về Nathaniel Hawthorne. “Làm bài”, thời ấy người ta gọi thế; thời này người ta vẫn còn gọi thế. Tôi sẽ có thể hấp thu bầu không khí nơi đó; có thể chính nhờ những trải nghiệm kỳ thú ở đây, mà tôi chẳng mong chờ mấy, bài báo cáo sống còn cho việc tôi tiếp tục làm nghiên cứu hay không sẽ nảy nở, như một bông bồ công anh quặt quẹo trong kẽ nứt bên lề đường. Những dãy phố ủ ê ấy, cùng nỗi sầu muộn Thanh giáo hòa với gió biển tháng Hai ướt nhẹp, sẽ có giá trị như một cú lao đầu vào nước lạnh, làm năng lực phê phán của tôi rùng mình tỉnh thức, cả tài năng mổ xẻ chữ nghĩa và kiến tạo những ghi chú dễ hiểu vốn vẫn đảm bảo nguồn tiền học bổng nhỏ giọt đã nuôi sống tôi cho đến giờ. Hai tháng vừa qua những năng lực ấy đã tê liệt bởi tình đơn phương. Tôi đã nghĩ vài ngày rời xa anh sẽ cho tôi đủ thời gian nghĩ đến nơi đến chốn. Theo những gì tôi sắp trải qua cho thấy, nó chẳng tích sự gì.
Tình đơn phương, vào quãng ấy trong đời tôi, là thứ tình cảm duy nhất có vẻ tôi còn khả năng cảm thấy. Nó mang lại nhiều đau đớn, nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy cũng có nhiều ích lợi. Nó cung cấp đủ mọi xuống trầm lên bổng của thứ tình tiêu chuẩn mà lại không kèm theo những nguy cơ thường thấy, nó không xía vào cuộc đời tôi, cuộc đời dù đạm bạc, vẫn là của tôi, dễ đoán; và nó không đòi lựa chọn. Trong thế giới hiện thực vật chất trần trụi có thể sẽ phải tính đến chuyện tuột bỏ những thứ áo xống nhất định không chịu vừa của tôi (trong bóng tối hay phòng tắm, nếu được: chẳng cô nào muốn để người đàn ông trông thấy mấy cái kim băng), nhưng chúng được rảnh rang trong thế giới siêu hình. Ngày đó tôi còn tin vào siêu hình học. Ý niệm nguyên mẫu của tôi về chính mình có dáng vẻ xác ướp Ai Cập, một vật thể bí hiểm quấn kín mít, có thể rơi lả tả thành bụi nếu lột vải ra, cũng có thể không. Nhưng trong tình đơn phương không có màn thoát y vũ.
Còn khi, như đôi lúc cũng đã có, tình yêu của tôi trở thành song phương, khi nó đặt ra vấn đề về tương lai sắp tới, về một lựa chọn phải thực hiện mà rốt cục sẽ dẫn thẳng tới tiếng ý trung nhân đứng cạo râu bằng máy trong khi tân nương, là ta, ngồi cạo trứng đã đông lại trong đĩa ăn sáng của chàng, viễn cảnh đó khiến tôi kinh hoàng tột đỉnh. Quá trình nghiên cứu khoa học đã dạy tôi quen với giờ khắc ngay bạn thân nhất, đồng minh tin cậy nhất của mình bỗng chốc nhe nanh múa vuốt hoặc giở mặt thần trùng; giờ khắc ấy luôn nằm trong dự kiến, không khiến tôi lo sợ. Phiền toái hơn nhiều là cái giờ khắc kia, khi vẩy rơi khỏi mắt tôi và tình lang đương nhiệm hiện nguyên hình, không phải là một á thánh hay một quái vật, phi nhân và quyến rũ chết người, mà là một thằng người hai cẳng. Psyche cầm nến không soi thấy một vị thần có cánh, mà là một cậu thiếu niên mặt mụn, xương đòn nhô ra, đó mới là lý do chính khiến nàng phải mất bấy lâu mới lần đường về lại với tình yêu đích thực. Yêu một quái thần dễ hơn yêu người, dù kém anh dũng hơn.
Anh, tất nhiên, là đối tượng lý tưởng. Bóng dáng tầm phàm của máy cắt cỏ và nhà boong ga lô không lẩn quất trong đôi mắt u buồn của anh, đặc như đá hoa cương, bí ẩn như bình tro thiêu xác, anh ho như Roderick Usher, phận anh, trong mắt anh và phản chiếu lại trong mắt tôi, là phận đọa đày và suốt đời lang bạt như Dracula. Vì đâu mà cái sầu khổ ấy, cảm thức vô dụng ấy lại khiến đàn bà trẻ mê ly đến vậy? Tôi có quan sát hội chứng này giữa đám sinh viên của mình: những anh chàng hầm hập sốt ườn người trên thảm, do học viện này chu đáo cấp cho, bẩn thỉu và uể oải sau thời gian dài làm hầm ủ sán, mỗi chàng kéo theo sau một cô nàng chuyên chạy đi mua cà phê thuốc lá cho chàng và nhận lại những cơn thổ lộ can tràng đầy thù hận, kết án cả thế giới và nhạo báng nhằm vào nàng nói riêng, vào cách nàng ăn mặc, vào phòng bi a và hai chiếc ti vi nhà nàng, mà thực tế có thể giống hệt ti vi nhà chàng, vào bạn bè nàng, những sách nàng đọc, những điều nàng nghĩ. Sao các cô bé ấy lại chịu đựng được cả? Có thể nó khiến họ thấy mình, nhờ tương phản, khỏe khoắn và ban phát sức sống; hoặc có thể những anh chàng kia là tấm gương của họ, phản ánh nỗi thê thảm và hỗn loạn chính họ ấp ủ những không dám nói ra. Chúng ta chỉ khác họ ở thể hiện bên ngoài, còn nỗi tuyệt vọng bên trong, tôi biết, thì y như hệt. Tôi đã dạt vào giới học thuật bởi không muốn đi làm thư ký, hoặc, nói cách khác xem, bởi tôi không muốn cả đời phải mua quần áo chất lượng cao ở Xép Filene; còn anh, bởi không muốn bị trưng quân, và vào thời ấy mánh trốn vào đại học vẫn còn tác dụng. Cả hai chúng ta đều đến từ những thành phố nhỏ kém tên tuổi, và những quý ngài khả kính ở Hội quán Rotary, mù tịt về tình trạng thực của chúng ta, đều tin rằng khoản chu cấp manh mún của họ đang giúp đỡ chúng ta theo đòi những sự nghiệp huyền hoặc nhưng đầy thi vị mà một cách mơ hồ nào đó sẽ mang lại vinh quang cho cả cộng đồng. Nhưng cả hai chúng ta đều không có dự định hành nghề học giả, và những học giả xịn, một số cắt đầu bàn chải xách những cặp táp năng nổ dáng vẻ như quản lý cấp thấp của một hãng giày, chỉ khiến chúng ta rụt vòi. Thay vì “làm bài” chúng ta lại tiêu xài thời gian trong những quán ăn Đức địa phương rẻ tiền, uống bia từ thùng, chế nhạo thói khoa trương của từng cuộc xê mi na và bộ điệu thông thái của đám đồng học. Hoặc chúng ta dạo qua những kệ sách trong thư viện, bới tìm những tựa sách tù mù hẳn chưa từng ai nghe tới, để có thể buông ra giữa cuộc thảo luận văn học sắp tới với giọng điệu cung kính mà mọi chủ nhiệm khoa tương lai đều mau chóng luyện sành, mà ngắm vẻ nhụt chí lan qua mọi cặp mắt bạn tù. Đôi lúc chúng ta sẽ lẻn vào khoa Nhạc, đồng chiếm dụng một chiếc dương cầm trống mà hát những bản thịnh hành thời Victoria mùi mẫn hay những điệp khúc tung tẩy của cặp bài trùng Gilbert – Sullivan, hay một bài ballad não nuột của Edward Lear mà chúng ta từng bị ép buộc, hồi đầu năm, phải chiết xuất ra những tượng trưng kiểu Freud. Tôi gắn nó với một cái váy nhung kẻ nâu may lấy, vài chỗ trên gấu dập ghim bởi không đủ nghị lực đem ra khâu.
Bờ Coromandel,
Dây bí ngô mọc sớm,
Giữa cánh rừng đây sống,
Yonghy-Bonghy-Bo…
Đôi ghế, nửa khúc nến,
Ca sành không có quai,
Mọi của cải anh có,
Sống giữa cánh rừng đây…
Cây nến cụt và cái ca vỡ đã mang lại kha khá tiếng cười độc địa trong buổi xê mi na, nhưng với chúng ta chúng mang theo một nỗi bi ai thắt ruột. Tình cảnh ở Coromandel, vẻ nhếch nhác tuyệt vọng của nó, quá thích hợp để mô tả lại tình cảnh chính mình.
Vấn đề của chúng ta, tôi đã nghĩ, là cả thế giới xung quanh lẫn tương lai trải ra trước mắt đều không cung cấp được gì khả dĩ cho chúng ta hình dung mình sau này. Chúng ta mắc cạn trong hiện thực như trong toa tàu điện ngầm chết máy, không hành khách, và trong cảnh cô lập này chúng ta nửa ủ ê nửa khinh bạc bám chặt lấy bóng nhau. Dù gì đó cũng là nhận định trong đầu tôi khi đang kéo lê va li qua buổi chiều tà băng giá tới khách sạn duy nhất ở Salem còn mở, ít nhất theo lời người soát vé khẳng định. Hình dung lại cảnh này hơi khó khăn, nhưng tôi nghĩ chắc nhà ga chật hẹp và tối ám, có ngọn đèn vàng mờ mờ cũng như các ga điện ngầm ở Boston, và cũng có luôn mùi thuốc khử trùng yếu ớt, bất lực áp lên một lớp nước tiểu đã khô, cao tuổi đến gần như đáng kính. Nhà ga không khiến tôi nghĩ về tín đồ Thanh giáo hay phù thủy bị săn, hay thậm chí những thợ đóng tàu phì nộn, mà về những thợ xay bột thiếu ăn, yếu phổi, cả một thế hệ về sau.
Khách sạn cũng thế, bốc mùi tàn lụi và thuở vàng son xa xôi. Người ta đang sơn lại, bạt và thang đứng của thợ sơn khiến hành lang gần như không qua được. Khách sạn còn mở chẳng qua vì đợt phục chế này, còn không – theo lời người trực ban, hình như cùng lúc cũng là người hầu phòng, viên quản lý, và khả năng cao là cả chủ khách sạn nữa – thì anh ta đã đóng cửa mà thẳng tiến tới Florida rồi. “Khách chỉ đến vào mùa hè,” anh ta nói, “để xem Nhà bảy đầu hồi và mấy thứ quanh đấy.” Anh ta ghét tôi chỉ vì có mặt ở đây, và ghét hơn nữa vì không đưa ra lý do thỏa đáng. Tôi nói mình đến xem các bia mộ nhưng anh ta không tin. Trong khi lôi va li và máy đánh chữ của tôi về cái tủ tả tơi chuẩn bị ký gửi tôi trong đó, anh ta không ngớt nhìn xéo qua vai tôi như thể đáng ra ở đó phải có một người đàn ông. Quan hệ bất chính, theo như anh ta biết, là lý do duy nhất khả thể khiến người ta đến Salem vào tháng Hai. Anh ta nghĩ thế là đúng, tất nhiên.
Giường hẹp và cứng như bệ đá nhà xác, và tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng dù có ngọn gió biển tươi mát thổi vào qua cửa sổ đóng thật đấy, ban quản lý đã biết trước mà bù trừ; mỗi cuộc tấn công mới vào hệ thống sưởi trung tâm đều được loan báo bằng tiếng búa và tiếng cành cạch từ máy sưởi.
Giữa những cơn chập chờn ngủ tôi nghĩ về anh, duyệt lại tương lai của đôi ta, mà tôi biết sẽ rất ngắn ngủi. Dĩ nhiên chúng ta sẽ ngủ với nhau, dù đề tài này chưa bao giờ được đem ra bàn. Trong cái thời đó, chắc anh còn nhớ, nó cần được bàn bạc trước, mà tới giờ chúng ta vẫn chưa tiến xa hơn vài đụng chạm lén lút ngoài trời và một giây phút, dưới ánh trăng rằm trên một con phố lát gạch vắng tanh quen thuộc, anh đã đưa tay tóm lấy họng tôi mà xưng là gã xiết cổ thành Boston; thứ trò đùa với một kẻ mang thiên hướng văn chương như tôi, có thể coi như một vụ cám dỗ. Nhưng cho dù sex là một nghi thức bắt buộc và thậm chí đáng thèm muốn nữa, tôi vẫn mơ tưởng về nó ít hơn là về cuộc chia tay của chúng ta, mà tôi hình dung sẽ buồn, êm dịu, tất yếu và tối hậu. Tôi tua lại nó trong mọi bối cảnh khả dĩ: bên cửa, trên bến phà, ga tàu lửa, sân bay hay ga điện ngầm, ghế đá công viên. Chúng ta sẽ không nói nhiều, sẽ chỉ nhìn nhau, sẽ hiểu (dù chính xác là hiểu gì thì tôi vẫn chưa nghĩ ra); rồi anh sẽ rẽ lối khác và biến mất vĩnh viễn. Tôi sẽ mặc một chiếc bành tô, vẫn chưa mua, dù đã nhìn thấy loại mình thích ở Xép Filene mùa thu trước. Cảnh ở công viên – tôi xếp vào mùa xuân, để tương phản với tâm trạng – mủi lòng tới mức tôi phát khóc, cho dù bởi chứng e sợ bị nghe lén mãn tính, tuy đang ở một khách sạn không người, tôi căn cho tiếng nấc trùng với nhịp tiếng máy sưởi. Cảm giác vô dụng thật hấp dẫn khi ta trẻ, mà tôi vẫn chưa khai thác hết những khả năng của nó.
Tới sáng hôm sau tôi đã chán ngẫm ngợi và sụt sịt. Tôi quyết định tìm đường ra nghĩa trang thành phố đã hoang phế, biết đâu sẽ tìm được một mẩu văn bia thế kỷ mười bảy, đủ kỳ dị để đưa vào bài viết về Hawthorne. Trong sảnh đám công nhân đang quai búa và sơn phết, khi tôi đi dọc hành lang tất cả quay lại nhìn như một lũ ếch trong hồ. Người trực ban làu nhàu nhả ra một tờ rơi du lịch của Phòng thương mại, trên đó có bản đồ và một danh sách ngắn ngủn những điểm danh thắng.
Bên ngoài đường phố vắng tanh, xe cộ ít ỏi. Nhà hai bên đường, phủ lớp bồ hóng, sơn đã bong ra vì gió mặn, trông như bỏ hoang, dù qua vài cửa sổ mặt tiền sau lớp rèm đang ngả xám tôi nhìn thấy lờ mờ hình dáng mặt người. Trời xám và mây xếp lớp, như ruột đệm giường, gió đang thổi mạnh. Tôi trượt trên vệ đường nhờ đôi ủng trơn tuột, gió thốc áo khoác như cánh buồm, đẩy nhanh đáng kể tới khi tôi rẽ vào đường nhánh và gió không truy đuổi nữa. Chẳng mấy chốc tôi bỏ ý định ra nghĩa địa.
Để bù lại tôi rẽ vào một quán ăn nhỏ; tôi vẫn chưa ăn sáng – về chuyện này khách sạn khá cằn nhằn – nên muốn ăn và nghĩ xem làm gì tiếp theo. Tôi gọi bánh mì kẹp trứng với cốc sữa và nghiên cứu tờ rơi. Cô phục vụ và ông chủ, những người duy nhất còn lại trong phòng, rút về tít đầu kia và đứng đấy tay khoanh lại, ngờ vực nhìn tôi ăn như đang chờ đợi tôi nhảy lên khua con dao cắt bơ mà làm một trò quỷ thuật gì đó. Trong khi đó thì Nhà bảy đầu hồi đóng cửa suốt mùa đông. Nó cũng chẳng dính dáng gì đến Hawthorne cả, chỉ là một ngôi nhà cũ đã thoát khỏi bị phá sập, và giờ đây được người ta trả tiền để tới xem vì đã được gán tên một cuốn tiểu thuyết cho. Trên lan can không dính lại vệt mồ hôi nào của nhà nghệ sĩ. Tôi nghĩ đây chính là thời điểm khởi nguồn sự cay độc của tôi đối với văn chương.
Điểm danh thắng thứ hai và cũng là cuối cùng, theo Phòng thương mại, là thư viện. Khác với mọi điểm còn lại nó mở cửa cả tháng Hai, và rõ ràng là vang danh thế giới nhờ bộ sưu tập phả hệ. Đi thăm thư viện là điều tôi ít thấy hứng thú nhất lúc này, nhưng trở lại khách sạn đầy tiếng ồn và mùi hóa chất cũng chẳng ích gì, và tôi không thể ngồi lì cả ngày trong quán ăn được.
Thư viện trống không, trừ một ông trung tuổi đội mũ phớt đang kiên tâm lần qua các dãy phả hệ, để giết thời gian – rõ như ban ngày. Một bà phụ trách đầu búi tó mày cau có ngồi ở bàn gỗ thô giải ô chữ. Thư viện này cũng đóng vai trò một thứ bảo tàng. Có vài tượng mũi tàu bày đó, thiếu nữ với đôi mắt cứng đờ, trai tráng bằng gỗ, cá và sư tử chạm trổ, lớp vàng dát đã mờ; và trong các kệ lắp kính, một bộ trang sức tóc thời Victoria; trâm cài với nhẫn, cái nào cũng có mặt pha lê bao lấy một món tóc tết hình: hoa, con chữ đầu tên, vòng hoa hay liễu khóc. Những cái cầu kỳ hơn tết bằng nhiều màu tóc khác nhau. Dù ban đầu chắc long lanh lắm, những món tóc đã bạc đi đủ để lẫn với thứ nhặt ra dưới nệm ghế bành. Tôi thình lình hiểu Donne đã nhầm về sóng tóc xanh tươi ôm lấy khúc xương. Một tấm biển viết tay giải thích rằng phần nhiều trong số đó là những món đồ tưởng niệm, phát cho những người đến dự lễ tang.
“Mấy thứ đồ tang lễ ấy,” tôi nói với bà phụ trách. “Tôi muốn hỏi, họ làm thế nào… họ cắt tóc đi trước hay sau?”
Bà ta rời mắt khỏi ô chữ. Bà ta không hiểu tí nào tôi đang nói cái gì. “Trước hay sau khi người ta chết,” tôi nói. Nếu cắt trước, tôi thấy làm thế thật là tàn nhẫn. Nếu là sau, lấy đâu ra thời gian để tết nào liễu nào hoa cho kịp lễ tang? Mà làm thế làm gì? Tôi không thể tưởng tượng đeo trên cổ mình một chiếc trâm nặng trịch, như thứ gối bằng kim loại, nhồi lọn tóc đang xỉn màu dần của người mình yêu thương. Cứ như một bàn tay khô quắt. Cứ như một sợi thừng.
“Làm như tôi biết được,” bà ta nói vẻ kinh tởm. “Cái đó đem trưng bày lưu động.” Người đội mũ phớt đang phục sẵn chờ tôi ngoài cửa. Ông ta mời tôi đi uống. Ông ta hẳn đang trọ ở khách sạn.
“Không cảm ơn,” tôi nói, rồi thêm, “Tôi đi cùng người khác.” Tôi nói vậy để an ủi ông ta – đàn bà lúc nào cũng thấy cần an ủi đàn ông mình không chấp nhận cắn câu – nhưng vừa khi nói thế tôi hiểu rằng mình đã đến đây không phải để rời xa anh, như lúc đầu tôi tưởng, mà để ở bên anh, trọn vẹn hơn là nếu có mặt anh thực sự. Bằng xương bằng thịt, lớp vỏ mỉa mai bọc lấy anh không tài nào xuyên thấu, nhưng có một mình tôi có thể ngụp lặn tha hồ trong nỗi đọa đày lãng mạn. Tôi chưa bao giờ hiểu nổi sao con người ta lại coi tuổi trẻ là quãng thời gian tự do sung sướng. Chắc vì họ đã quên thời trẻ của chính mình. Giờ đây nhìn đám thanh niên sầu muộn xung quanh, tôi hết sức biết ơn vì đã thoát được, hy vọng là vĩnh viễn (vì tôi không còn tin chuyện đầu thai nữa), cảnh trói buộc không chịu nổi của tuổi hai mốt.
Tôi đã bảo anh sẽ đi xa ba ngày, nhưng mơ tưởng tinh ròng đối với tôi thật quá sức chịu đựng. Salem là một vũng chân không và anh đang nở phình ra choán lấy nó. Tôi biết người chủ lọn tóc trong khối đen chữ vàng đại tướng memento mori ở hàng thứ hai là ai, tôi biết mình đã nghe tiếng ai trong phòng khách sạn bỏ trống bên trái, tiếng thở gần như vô thanh giữa những lần máy sưởi lên cơn co giật. Rất may buổi chiều còn chuyến tàu; tôi nhảy lên, ù té chạy về thời hiện tại.
Tôi gọi cho anh khi đến ga Boston. Anh chấp nhận sự trở về trước thời hạn của tôi với thái độ thuận mệnh thường ngày, không bất ngờ cũng không thích thú. Anh đáng lẽ phải làm bài về tính đa nghĩa trong Biệt thự Locksley của Tennyson, mà, như anh đã bảo tôi biết, là hoàn toàn không tồn tại. Tính đa nghĩa thời đó đang thịnh. Thay vào đó chúng ta đi dạo. Trời đã dịu hơn, tuyết đang quánh lại thành hồ; chúng tôi dừng chân khi đến sông Charles, nặn bóng tuyết và quăng xuống nước. Sau đó chúng tôi đắp một bức tượng nữ hoàng Victoria ướt nhẹp, hoàn chỉnh đến cả bộ ngực nhọn hoắt, bờ mông kỳ vĩ và cái mũi diều hâu, rồi tiêu diệt nó bằng bóng tuyết và băng tảng, đôi lúc cười khùng khục một cách khi ấy tôi cho là buông thả phóng túng mà giờ đây nhận ra là rồ dại.
Rồi sao, rồi sao. Tôi lúc ấy mặc gì? Áo khoác, tất nhiên, và một chiếc váy khác, ca rô xanh nhờ nhờ rất bệnh, và vẫn chiếc áo len thủng lỗ. Chúng ta cùng nhau trượt qua lớp bùn nửa đóng băng bên sông, nắm tay nhau lạnh ngắt. Đã chiều rồi và càng lúc càng lạnh hơn. Chốc chốc chúng ta dừng lại, nhảy nhảy tại chỗ rồi hôn nhau, cho ấm. Bề mặt loang dầu của sông Charles phản chiếu lại, như ảo ảnh sáng ngời, những tầng cao và tháp chuông mà mỗi ứng viên thi trượt kỳ mùa xuân rồi sẽ từ đó lao mình xuống, năm nào cũng vậy; dưới lòng sông đặc quánh dật dờ trôi nổi những ca tự trầm văn chương, có cả của Faulkner trong đó, khảm lớp ngôn từ kết tinh lóng lánh như mắt; nhưng chúng ta bất cần, chúng ta hát vang giễu cợt họ, giọng song ca khàn khàn:
Đôi ghế, nửa khúc nến,
Ca sành không có quai…
Có một lúc anh cất tiếng cười. Tôi bãi bỏ kịch bản đã chải chuốt kỹ lưỡng, đoạn kết trù tính trước cho cả đôi. Tương lai mở ra như chân trời trên màn hình rộng, hứa hẹn và bất trắc, vạn nghìn phương hướng để đi theo. Tôi cảm giác đang đi dọc mép cầu treo. Trước mắt chúng ta – hay ít nhất mắt tôi – có vẻ chúng ta đã thực sự hạnh phúc.
Khi giá rét cuối cùng cũng khiến chúng ta không chịu nổi và anh hắt hơi liên tục, chúng ta tới một trong những quán ăn rẻ tiền mà, theo đồn đãi, người ta có thể sống không mất xu nào nhờ những gói nước sốt, gia vị và đường phát không, và húp trộm vại kem khi không ai để ý. Tại đó chúng ta bàn cãi về sự nên hay không nên của việc ngủ cùng nhau, điều kiện cho phiếu thuận và phiếu chống và, phút chốc sau đó, cách thức và phương tiện. Chuyện này không thể cứ thế mà làm, đặc biệt là với những nữ sinh viên cao học, mà trong mắt công luận không khác gì tu nữ, thân gửi vào đại nghiệp và phi xác thịt. Trong khung cảnh u mặc ấy quả tình họ cũng khó mà khác được, đám sinh viên nam nói chung chỉ túm năm tụm ba đi xem nhạc kịch hay mở hội nhậu nhẹt chỉ mời có nhau. Chúng ta đều sống trong ký túc, cùng có những đồng xà lim lúc nào cũng cắm rễ trong phòng, cắn móng tay ngồi soạn thư mục tham khảo. Cả hai đều không có ô tô, và chúng ta biết chắc các khách sạn địa phương sẽ tống cổ mình. Sẽ phải là ở một nơi khác. Cuối cùng chúng ta quyết định New York vào dịp lễ Phục sinh.
Vào hôm trước khi đi tôi tới Xép Filene và mua, sau nhiều cân nhắc kỹ càng, một áo ngủ baby doll lụa đỏ, chỉ rộng hơn có một số, với một dây quai có thể dễ dàng khâu lại. Tôi băn khoăn một lát trước một chiếc hoa cà diềm xếp nếp kiểu Carmen, nhưng tôi chỉ mặc được một cái một lần và tiền sẽ phải dành cho việc khác. Ngày thứ Sáu trước Phục sinh tôi bắt xe buýt xuống New York. Anh đã đi từ vài ngày trước, nhưng tôi phải ở lại làm cho xong một bài viết quá hạn về Chàng người Ý của Radcliffe. Bản thân anh tới lúc đó có ba bài quá hạn, nhưng anh hình như không còn để tâm nữa. Anh để cả ngày xối nước trong nhà tắm, khiến bạn cùng phòng phát điên; anh cũng đã gặp nhiều đêm ác mộng, trong đó nào là, như tôi còn nhớ, voi và cá sấu và những động vật cỡ lớn khác ngồi xe lăn lao xuống dốc, và người ngợm bị đóng đinh thánh giá rồi đem hỏa thiêu. Tôi coi tất cả đó là bằng chứng về một tâm hồn nhạy cảm.
Kế hoạch của chúng ta là anh sẽ nghỉ lại căn hộ một người bạn cũ đồng hương, trong khi tôi kiếm lấy một phòng đơn ở khách sạn. Như thế sẽ tránh được nghi ngờ, chúng ta hy vọng thế; vả lại sẽ ít tốn kém hơn.
Cho tới lúc đó tôi chưa bao giờ đến New York và không chuẩn bị tinh thần. Thoạt đầu nó làm tôi chóng mặt. Tôi đứng ở trạm đầu mối Port Authority trong chiếc áo khoác dài đen, với chiếc va li nặng trịch và cái ví sâu thăm thẳm, nhìn quanh tìm điện thoại công cộng. Đám đông chen chúc trông như biểu tình, dù tới lúc đó chưa bao giờ tôi chứng kiến một cuộc biểu tình thực sự. Đàn bà xô đẩy nhau và chửi thề như hô khẩu hiệu, kéo theo những đứa trẻ cau có; một hàng dài những ông già xơ xác trên ghế băng, trên sàn điểm xuyết bã kẹo, giấy vỏ và đầu mẩu thuốc lá. Tôi không nhớ chắc nhưng hình như có cả máy chơi pinball nữa; có thể không? Lúc ấy tôi ước giá mình đã bảo anh tới đón ở bến, nhưng nhũng nhẽo kiểu đó không nằm trong thỏa thuận giữa chúng ta.
Trong lúc tôi thẳng tiến đến nơi có lẽ là lối ra, một người da đen chộp lấy va li của tôi mắm môi kéo. Ông ta có một vết thương còn mới trên trán vẫn đang rỉ máu, và đôi mắt ngập đầy tuyệt vọng đến mức tôi suýt buông ra. Ông ta không định cướp cái va li, tôi nhận ra sau một phút; ông ta chỉ muốn mang nó ra taxi cho tôi. “Không cảm ơn,” tôi nói. “Tôi không có tiền.”
Ông ta ném cái nhìn căm hờn vào áo khoác của tôi – nó vẫn là hàng chất lượng cao, mặc lòng – và không chịu buông. Tôi kéo mạnh hơn và ông bỏ cuộc. Ông ta hét với theo cái gì đó tôi không hiểu; ngôn ngữ kiểu đó lúc ấy vẫn chưa lưu hành phổ biến. Tôi biết địa chỉ của khách sạn, nhưng không biết tới đó cách nào. Tôi cứ thế cuốc bộ. Mặt trời đã ló và tôi vã mồ hôi, vì sợ thêm vào vì nóng. Tôi kiếm được buồng điện thoại: máy đã bị moi ruột, dây xổ ra lòng thòng. Cái tiếp theo còn nguyên, nhưng tôi gọi anh không nhấc máy. Thật lạ, vì tôi đã nói giờ đến cho anh rồi cơ mà.
Tôi dựa vào buồng điện thoại, cố gắng không phát hoảng. New York được quy hoạch như những chấn song cửa sổ, nhìn vào biển chỉ đường và tính số, tôi chắc phải luận được ra khách sạn ở đâu. Tôi không muốn hỏi ai hết: những khuôn mặt trống rỗng tuyệt vọng hay ác tâm lồ lộ khiến tôi lo ngại, và tôi đã đi qua vài người đang lớn tiếng nói chuyện một mình. New York, cũng như Salem, hình như đang rã ra từng mảnh.
Một người giàu có thể nhìn ra điều kiện tân tạo đô thị sau này, nhưng những tòa nhà vỡ từng mảng lớn, những hố sâu trên vỉa hè, không khiến tôi yên tâm.
Tôi bắt đầu lê va li tới khách sạn, đến mỗi buồng điện thoại lại dừng lại gọi anh. Ở một buồng tôi đã để quên cuốn Quá trình giáo dục của Henry Adams của anh, vì sơ ý. Cũng tốt thôi, vì đó là thứ duy nhất của anh tôi có; giữ nó ắt chẳng lành.
Nhân viên lễ tân khách sạn nhìn tôi ngờ vực gần bằng gã ở Salem. Ở đó tôi đã coi chẳng qua là tính bài ngoại thông thường ở tỉnh lẻ, nhưng tới đây lần đầu tiên tôi nhận ra có thể là vì lối ăn mặc của mình. Cổ tay áo trùm đến đốt ngón tay, trông tôi không có vẻ biết cái gì gọi là thẻ tín dụng.
Tôi ngồi trong phòng mình, không khác mấy phòng ở Salem, mường tượng xem anh đã gặp chuyện gì, giờ đang ở đâu. Cứ nửa tiếng tôi lại nhấc máy gọi. Trong lúc chờ tôi chẳng làm được gì. Tôi lấy chiếc áo ngủ tuột quai ra, rồi mới thấy mình đã bỏ quên kim chỉ; tôi còn không có lấy kim băng nữa. Tôi muốn đi tắm, nhưng tay nắm cửa không ngớt lạch xạch, và dù đã lấy ghế chặn tôi vẫn không muốn liều. Thậm chí tôi còn không bỏ áo khoác. Tôi bắt đầu nghĩ rằng anh đã ghi nhầm số cho tôi, hoặc, tệ hơn, anh chỉ tồn tại do tôi tưởng tượng.
Cuối cùng tới bảy giờ tối cũng có người trả lời điện thoại. Một giọng đàn bà.
Khi tôi hỏi gặp anh cô ta cười, không vui vẻ lắm.
“Này, sứ giả tai ương,” tôi nghe cô ta nói. “Có con bé nào gọi anh này.” Khi anh cầm máy giọng còn xa lạ hơn ngày thường nữa.
“Anh ở đâu đấy?” tôi hỏi, cố gắng không ra vẻ mụ vợ lắm điều. “Em đã cố gọi từ hai rưỡi đến giờ.”
“Là do bạn anh,” anh nói. “Sáng nay cô ấy nốc cả một lọ thuốc ngủ. Anh phải dắt đi khắp nơi cho tỉnh.”
“Ồ,” tôi nói. Tôi cứ nghĩ người bạn anh ở cùng là con trai. “Anh không thể đưa cô ấy đến bệnh viện hay sao đó được à?”
“Ở đây người ta không đưa nhau đến bệnh viện trừ khi hết cách.”
“Cô ấy làm thế làm gì?” tôi hỏi.
“Biết được,” anh nói, bằng giọng bực bội của một người bị lôi vào cuộc, dù hời hợt tới mức nào. “Để giải trí cho vui, chắc vậy.” Đằng xa cô gái kia nói gì đó nghe như là “Mả cha nhà anh.”
Hai bàn chân tôi lạnh ngắt, cẳng tê bại đi. Tôi thình lình nhận ra rằng cô ta không chỉ là bạn cũ, như anh đã bảo tôi. Cô ta là người yêu cũ, cô ta vẫn còn là người yêu, cô ta cần anh thực sự, cô ta uống thuốc ngủ bởi phát hiện ra hôm đó tôi sẽ đến và tìm cách ngăn anh lại; thế nhưng trong lúc ấy anh vẫn bình thản viết lại số phòng, số điện thoại, mà tôi cũng bình thản như thế đọc cho anh. Chúng ta thỏa thuận hôm sau sẽ gặp. Cả đêm tôi nằm trên giường, áo khoác mặc nguyên.
Tất nhiên anh không tới, và tới lúc đó tôi đã đổi ý về chuyện gọi điện. Anh còn không về lại Boston. Tới tháng Năm tôi nhận được mấy dòng kỳ bí của anh trên tấm thiếp chụp đường cầu ván ở Atlantic City:
Anh đào tẩu tới Hải quân nhưng họ không nhận, tiếng Hy Lạp cổ không được họ coi là bằng cấp dùng được. Anh kiếm được chân trong một hàng cơm nhờ nói láo về trình độ biết chữ của mình. Vẫn hơn lao mình xuống từ tháp chuông. Gửi lời chào Coromandel.
Yêu em vĩnh viễn, Bo.
Như mọi khi, tôi không xác định nổi có phải anh đang châm chọc.
Tất nhiên tôi đã khóc, không phải vì anh đã ra đi, bởi chuyện đó, như lúc này tôi thấy, là một kết cục thấy trước từ lâu, mà vì anh ra đi đột ngột quá. Tôi đã bị tước đi khung cảnh cuối cùng cần thiết ấy, ghế đá công viên, gió xuân thoảng nhẹ, cái áo bành tô (mà định mệnh khiến tôi không bao giờ mua được), dáng hình anh đi khuất. Ngay cả sau khi đã nhận ra tương lai của chúng ta sẽ không bao giờ có cả ngôi nhà boong ga lô và máy cạo râu đáng sợ lẫn những niềm vui mơ hồ – biết đâu – tôi từng tưởng tượng, mà chỉ có, tất yếu như đôi vần thơ couplet, một lọ thuốc ngủ rỗng chưa chắc anh sẽ dắt tôi đi cho tỉnh, tôi vẫn tiếp tục khóc than.
Bởi không ra đi theo cách đàng hoàng anh hình như chưa bao giờ đi cả. Anh quanh quất lại, như chướng khí hay mùi chuột chết, rình chờ đập tan mỗi mưu toan yêu đời của tôi – bởi tôi bắt đầu nuôi dưỡng chúng, hoàn toàn do hoảng sợ – bằng nhìn nhận chua cay của anh về hành xử của tôi. Như thể anh là nửa tối của tôi, hay bậc thầy thần giao cách cảm đầy ác ý, tôi có thể cảm thấy mọi nơi mọi lúc phán xét của anh sẽ là gì. Khi tôi đính hôn (bảy tháng sau, với một kiến trúc sư chuyên thiết kế, và bây giờ vẫn đang thiết kế, căn hộ chung cư), anh biểu thị rõ anh đã chờ thấy ở tôi những điều khác hẳn. Còn hôn lễ, và phải, tôi có đủ mọi hoa hòe gồm cả váy đầm trắng, thì anh cực kỳ khinh bỉ. Tôi nhìn thấy anh trong căn phòng cáu bẩn, vương vãi xung quanh những hộp xạc đin đã ăn hết và tất xổ tung, sống bằng không khí cùng thói phỉ báng và ương ngạnh không chịu bán mình, như tôi rõ ràng đang làm đây. (Cho ai? Cho kẻ nào? Khác những thế hệ sau, chúng ta chưa bao giờ vạch mặt chỉ tên được kẻ thù.)
Hai đứa con tôi sinh ra bị anh nhìn bằng nửa con mắt, cũng như địa vị trong giới học thuật sau đó tôi đạt tới. Tôi đã gây dựng được, dù nhỏ nhặt, chút uy tín trong đề tài các nữ văn sĩ viết tiểu thuyết gia đình của thế kỷ mười chín. Sau hôn nhân tôi phát hiện ra mình có nhiều điểm chung với họ hơn là với truyền kỳ Gothic; tôi nghĩ phát kiến này về bản chất thực của mình đánh dấu tôi đã trưởng thành, một từ anh rất tởm. Trong những mối quan tâm của tôi chiếm vị trí chủ chốt là Gaskell, nhưng có thể anh đã nghe biết cả Bà J.H.Riddell nữa: bà này còn viết bằng bút danh F.G.Trafford. Tôi đã viết một bài tương đối có tiếng về George Geith ở Fen Court của bà, mà sau được đăng trong một tạp chí danh giá. Khỏi phải nói thêm tôi đã vào biên chế, bởi khoa tôi, sau nhiều năm thù địch với phụ nữ, gần đây đã gặp nhiều sức ép bắt chỉnh đốn chính sách tuyển người của mình. Tôi là một cái huy hiệu, như anh đay lại không biết chán. Tôi ăn mặc đẹp nữa, cho xứng với tư cách huy hiệu. Tủ áo ngang bướng toàn len dạ xỉn màu chắc anh còn nhớ biến đi dần dần vào thùng của Đội quân cứu tế trong lúc tôi giàu lên, thay thế bằng một cô lếch xông chảnh vừa phải những xi mốc kinh và váy lụa. Đồng nghiệp nam đánh giá tôi là năng nổ và tương đối lạnh lùng. Tôi không còn lao vào những cuộc tình thoáng qua nữa, bởi ghét những kỷ vật không thể quăng đi. Áo khoác của tôi không bay phần phật sau lưng nữa, và ở các hội thảo khoa học không còn ai chằm chằm nhìn tôi.
Chính trong một buổi như vậy, một buổi cỡ bự, trung tâm buôn chất xám và chợ lao động toàn quốc, mà tôi gặp anh lần cuối. Năm ấy tổ chức ở New York, nghĩ cũng buồn cười. Tôi có bài về Amelia Edwards và những nữ nhà báo đồng thời. Khi thấy tên anh trên lịch tôi đã nghĩ chắc là ai khác. Nhưng đúng là anh, và anh dành cả buổi thảo luận xem liệu John Keats có mắc chứng giang mai thật hay không. Anh đã bỏ khá nhiều công sức nghiên cứu ứng dụng y khoa của thủy ngân trong nửa đầu thế kỷ, và kết luận của anh là kiểu mẫu về tính nước đôi. Anh đã béo lên, thực tế trông rất khỏe mạnh, anh trông như một tay golf. Cho dù tôi đã hoài công tìm kiếm một nụ cười cay nghiệt: cả bài diễn thuyết hoàn toàn ngay ngắn.
Sau bài nói tôi tìm tới chúc mừng anh. Anh rất ngạc nhiên khi thấy tôi; anh chưa bao giờ nghĩ tôi, như anh bảo, lại ra thế này, và ánh mắt có vẻ hơi nản lòng của anh dò trên kiểu đầu uốn tỉa của tôi, bộ áo liền quần đỏ vừa in, đôi giày rất mốt. Bản thân anh cũng đã kết hôn, có ba đứa con, và anh vội vã chìa tôi xem mấy tấm ảnh trong ví, giơ xa trước mặt như bùa hộ thân. Tôi lôi ảnh con mình ra so. Hai chúng ta không ai đề xuất đi uống nước. Chúng ta chúc nhau tốt lành; cả hai đều thất vọng. Anh đã ước, giờ tôi hiểu, thấy tôi chết trẻ vì lao phổi hay một bệnh gì khác cũng bi kịch như thế. Sau tất cả mọi sự anh cũng là một tay lãng mạn.
Lẽ ra đã phải thế, và tôi không hiểu tại sao lại không. Đúng là tôi rất yêu chồng và các con mình. Ngoài những buổi họp trên khoa, nơi tôi đan những tấm khăn kẻ ô vuông giữa lúc bàn thảo về tăng lương và chương trình học, tôi nấu cho chồng con những bữa ăn giàu dinh dưỡng, tổ chức tiệc sinh nhật, tự ủ lấy bánh mì và dưa chua, trong hầu hết thời gian rỗi. Chồng tôi ngưỡng mộ những thành tích của tôi và rất biết động viên, như người ta thường nói, mỗi khi tôi rơi vào suy sụp, dạo này đã hiếm hơn. Đời sống tình dục của tôi dồi dào và mãn nguyện, và chưa chi tôi đã nghe anh bình phẩm về hai tính từ này, nhưng nó vẫn dồi dào và mãn nguyện mặc kệ anh. Và anh cũng chẳng khá gì hơn tôi cả.
Nhưng khi từ hội thảo trở về nhà nơi tôi sống, không phải boong ga lô mà một ngôi nhà hai tầng kiểu thực dân, từ khi tôi chuyển đến, anh đã chiếm cứ căn hầm, anh vẫn chưa đi. Tôi cứ nghĩ anh đã bị xua đuổi, trục xuất: anh đã hiện thành xương thịt, anh có vợ và ba tấm ảnh, mà hiện thực tầm phàm rốt cuộc là thần dược trị tình đơn phương. Nhưng như thế chưa đủ. Anh vẫn đó, ở nơi quen thuộc, phía trên kệ bên phải cầu thang nơi tôi cất hoa quả dầm, đứng đó bụi bặm nhồi bông như Jeremy Bentham sau nắp thủy tinh, nhìn tôi không phải với vẻ nhạo báng trước kia, quả vậy, mà là trách móc, cứ như chính tôi đã khiến nó xảy ra, lỗi ở tôi cả. Tất nhiên anh không muốn thấy lại chứ, nỗi thê thảm cũ, những tòa nhà đang tàn lụi, cơn tuyệt vọng và trống rỗng đầy cám dỗ, nỗi sợ ngày xưa? Tất nhiên anh không muốn kẹt lại trên phố phường bùn tuyết của Boston vĩnh viễn. Đáng ra anh phải thận trọng hơn. Tôi cố làm cho anh hiểu kết cục nếu vậy sẽ chẳng đi đến đâu, nó không giống như anh nhớ, anh chỉ đang tự dối mình, nhưng anh khăng khăng không chịu nguôi đi. Vĩnh biệt, tôi nói, chờ anh nhìn lại, trầm ngâm, tiếc nuối. Lẽ ra anh phải quay mình bước đi, qua cái rương gỗ, rẽ vào phòng giặt, và biến mất sau cỗ máy giặt kiêm vắt kia; nhưng anh không di chuyển.
_____
From Dancing Girls and other stories.