Kazuo Ishiguro, Tàn ngày để lại (trích)

Ngày thứ hai – Sáng
Salisbury

Giường lạ hiếm khi làm tôi thoải mái, và sau khi thiếp đi ít lâu trong một giấc ngủ ít nhiều trằn trọc, tôi đã tỉnh cách đây chừng một giờ. Trời khi ấy hẵng còn tối, và biết cả một ngày dài chạy xe đương chờ trước mặt, tôi đã gắng tìm cách ngủ lại. Nhưng cũng chẳng ích gì, và khi rốt cuộc tôi quyết định trở dậy, trời vẫn còn tối đến mức tôi buộc phải bật ngọn đèn điện mới có thể cạo râu ở bồn rửa nơi góc phòng. Nhưng xong việc tắt đèn đi, tôi đã thấy ánh ngày buổi sớm lờ mờ nơi rìa rèm cửa sổ.

Khi tôi vén rèm vừa một khắc trước, ánh sáng bên ngoài còn rất nhạt, lại có một lớp sương mù mỏng ngăn tầm nhìn sang lò bánh và hiệu thuốc đối diện. Thực vậy, đưa mắt nhìn theo phố đến nơi có con cầu nhỏ lưng vồng, tôi thấy mù dưới sông đang dâng lên, gần như lấp hẳn một trụ cầu. Không có lấy một bóng người, và ngoại trừ một thứ tiếng động inh tai vọng về từ nơi xa xa đâu đó, cùng tiếng ho thi thoảng cất lên từ phòng nào đó sau nhà, thì không còn một âm thanh nào khác. Dễ thấy bà chủ chưa trở dậy lo việc, nghĩa là rất ít có khả năng bữa sáng được dọn lên trước bảy giờ ba mươi như bà đã thông báo.

Vào giờ khắc tĩnh lặng này khi tôi chờ thế giới chung quanh tỉnh giấc, tôi nhận thấy mình đương nhẩm lại trong đầu nhiều đoạn từ lá thư của cô Kenton. Tiện đây xin nói, lẽ ra tôi cần phải sớm giải thích cớ làm sao tôi vẫn dùng danh xưng “cô Kenton”. “Cô Kenton” theo đúng phép tắc cần gọi là “bà Benn”, và đã là bà Benn từ hai mươi năm nay. Tuy nhiên, bởi tôi chỉ biết cô gần cận thời chưa thành hôn và chưa một lần gặp lại từ ngày cô đi xuống miền Tây để trở thành “bà Benn”, hẳn quý vị sẽ thể tất cho sự thất lễ của tôi vì vẫn gọi cô theo mối quen biết xưa, như đã tiếp tục gọi cô trong trí qua bằng ấy năm tháng. Đương nhiên, lá thư ấy còn đưa lại thêm một cớ khác để tiếp tục nghĩ về cô dưới tên “cô Kenton”, vì chuyện đáng buồn là dường như cuộc hôn nhân của cô rốt cuộc cũng sắp đến hồi kết. Lá thư không nói cụ thể chi tiết về sự việc ấy, mà người ta cũng không thể mong đợi điều đó, nhưng cô Kenton có nói không hề mập mờ rằng sự thực là giờ cô đã đi đến bước dọn ra khỏi nhà ông Benn ở Helston và hiện đương ngụ tại nhà người quen ở làng Compton Nhỏ gần đó.

Dĩ nhiên, cuộc hôn nhân của cô giờ sắp chấm dứt trong thất bại là một điều thực bi đát. Hẳn nhiên vào chính giây phút này, cô đương ân hận mà ngẫm lại những quyết định hình thành trong quá khứ xa xôi đã dẫn đến tình cảnh cô bây giờ, giữa tuổi trung niên, đơn độc và vô vọng. Và có thể dễ dàng hiểu được trong tâm thế ấy, ý nghĩ được quay về Dinh Darlington sẽ là một niềm an ủi lớn đối với cô. Đúng là trong suốt lá thư, cô không một lần trực tiếp bày tỏ nguyện vọng quay lại; nhưng đấy là thông điệp hiển nhiên có thể đọc thấy qua tình điệu chung trong rất nhiều đoạn viết, đẫm nỗi hoài nhớ những ngày còn ở Dinh Darlington. Dĩ nhiên cô Kenton không thể nào hy vọng trở lại ở thời điểm này là có thể lấy lại những tháng năm đã mất, phận sự đầu tiên của tôi khi gặp là phải làm rõ với cô điều này. Tôi sẽ phải nói rành rẽ rằng tình hình hiện thời đã rất khác xưa – rằng những ngày làm việc có cả một đội ngũ đông đảo sẵn sàng cho người ta điều động hẳn từ nay đến hết cuộc đời chúng tôi cũng không còn quay lại. Nhưng mặt khác, cô Kenton là một người phụ nữ thông minh, hẳn tự cô cũng đã nhận ra tất cả những điều ấy. Thực vậy, nhìn mọi mặt, tôi không thấy có lý do gì mà triển vọng trở về Dinh Darlington, dành nốt những năm lao động cuối cùng ở đó, lại không phải là một niềm an ủi thực sự cho một cuộc đời đã đi tới bước thấm đẫm cảm giác phí hoài.

Và dĩ nhiên, xét từ góc độ nghề nghiệp của mình, tôi có thể thấy rõ dầu sau một khoảng gián cách ngần ấy năm, cô Kenton vẫn sẽ là giải pháp tuyệt vời cho vấn đề hiện tại đương làm phiền chúng tôi ở Dinh Darlington. Thực tế là, khi dùng chữ “vấn đề”, có lẽ tôi đã phóng đại tình hình lên một chút. Suy cho cùng, tôi chỉ đang nói đến một chuỗi những lầm lỗi hết sức lặt vặt về phần tôi, và đường hướng tôi đang theo đuổi chỉ thuần túy là biện pháp đi trước đón đầu mọi “vấn đề” còn chưa kịp nảy sinh. Đúng thực là những lầm lỗi lặt vặt ấy ban đầu khiến tôi lo âu chút đỉnh, nhưng khi đã đủ thời gian chẩn đoán ra rằng đấy chẳng qua là triệu chứng của một căn bệnh đơn giản – thiếu hụt nhân sự – tôi đã ngưng không suy nghĩ quá nhiều về chúng. Có cô Kenton trở lại, như tôi nói, chúng sẽ chấm dứt vĩnh viễn.

Nhưng hãy quay lại với lá thư của cô. Có những đoạn trong lá thư thực sự bộc lộ nỗi tuyệt vọng về tình thế hiện tại của cô – một việc phải nói là đáng lo lắng. Có một câu bắt đầu bằng: “Dù tôi không biết sẽ sử dụng làm sao cho có ích quãng đời còn lại của mình…” Một chỗ khác, cô lại viết: “Phần đời kể từ đây về sau trải ra trước mắt tôi như một khoảng không hiu quạnh.” Tuy thế, như tôi đã nói, âm điệu chủ yếu là hoài nhớ. Tỷ dụ, ở một chỗ, cô viết:

“Chuyện này khiến tôi nhớ lại Alice White. Ông còn nhớ cô bé ấy không? Mà nói thực là tôi không nghĩ ông lại quên nổi cô bé. Về phần tôi, tôi vẫn còn ám ảnh những nguyên âm đó và những câu độc đáo bất chấp ngữ pháp mà chỉ mình cô bé nghĩ ra nổi! Ông có biết chút gì cô ấy sau này thế nào không?”

Tôi không biết, thực sự là vậy, mặc dầu phải nói rằng tôi có phần vui vui khi nhớ lại cô tớ gái thường khiến người ta đến sốt ruột ấy, mà rốt cuộc lại hóa ra là một trong những gia nhân tận tụy nhất. Một chỗ khác trong thư, cô Kenton lại viết:

“Tôi đã yêu biết mấy cái khung cảnh từ các buồng ngủ lầu hai trông xuống thảm cỏ, xa xa là những nếp đồi. Nay có còn như vậy không? Mùa hè, các buổi chiều, khung cảnh ấy có cảm giác hầu như huyền diệu, và giờ tôi thú thực với ông rằng tôi thường bỏ phí nhiều phút quý báu đứng ngây ở cửa sổ trước cảnh tượng mê hồn này.”

Rồi cô viết tiếp rằng:

“Nếu ký ức này gợi lại đau buồn, xin ông tha lỗi. Nhưng tôi chẳng bao giờ quên được cái lần hai ta cùng đứng nhìn cha ông đi tới đi lui trước chòi nghỉ mùa hè, nhìn xuống mặt đất như mong tìm lại viên ngọc quý đã đánh rơi ở đó.”

Thực là một khám phá trọng đại, rằng ký ức này từ hơn ba mươi năm trước vẫn còn lại trong cô Kenton như đã còn lại trong tôi. Thực vậy, việc ấy xảy ra hẳn chính vào một buổi chiều hè như cô đương mô tả, bởi tôi còn nhớ như in đã lên đến chiếu nghỉ lầu hai thì hiện ra trước mắt một dãy những cột sáng màu cam lúc hoàng hôn đổ qua từng cánh cửa buồng để ngỏ, làm hành lang âm u như bị ngắt ra từng đoạn. Và trong lúc đi ngang các cửa buồng ngủ ấy, tôi đã thấy qua một khung cửa dáng người cô Kenton, một bóng đen trên nền cửa sổ, quay lại khẽ gọi: “Ông Stevens, phiền ông một chút.” Khi tôi đi vào, cô Kenton đã lại hướng mắt ra cửa sổ. Bên dưới, bóng những cây dương trên thảm cỏ ngả dài. Mé bên phải quang cảnh trước mắt, thảm cỏ dốc lên thành bờ cỏ thoải dẫn về chân chòi nghỉ mùa hè, và cha tôi hiện ra ở đó, một bóng người nhỏ bước từng bước chậm chạp, dồn hết tâm trí vào việc này – thực vậy, như cô Kenton đã tả rất đích đáng, “như mong tìm lại viên ngọc quý đã đánh rơi ở đó”.

Có một vài nguyên do rất xác đáng khiến ký ức này ở lại với tôi, như tôi mong được giảng rõ dưới đây. Thêm nữa, nghĩ cho kỹ thì có lẽ không có gì lạ rằng cô Kenton cũng lưu lại ấn tượng sâu xa đến thế, xét theo vài khía cạnh trong mối giao thiệp giữa cô với cha tôi trong những ngày đầu cô đến Dinh Darlington.

*

Cô Kenton và cha tôi đã tới nhà này gần như cùng một thời điểm – ấy là mùa xuân năm 1922 – do sự tôi cùng một lúc đánh mất cả người nội quản lẫn phó quản gia trước đó. Nguyên do của việc này là hai đương sự quyết định kết hôn với nhau và rời khỏi nghề phục vụ. Tôi vẫn luôn thấy những chuyện kết ngãi kiểu vậy là mối đe dọa lớn đối với trật tự trong nhà. Kể từ hồi ấy, tôi đã mất thêm không biết bao nhiêu nhân viên mà kể trong những hoàn cảnh tương tự. Đương nhiên, người ta phải chấp nhận rằng những chuyện kiểu đó luôn có khả năng xảy ra giữa các cô tớ gái và anh hầu trai, và một quản gia tốt khi lên cơ cấu nhân sự luôn phải tính trước điều đó; nhưng hôn sự kiểu đó giữa những người quản lý có thể khiến công việc bị đảo lộn hoàn toàn. Đương nhiên, nếu hai người nhân viên trong nhà tình cờ bén duyên nhau và quyết định kết hôn mà ta lại đi trách cứ thì thực hồ đồ; nhưng điều làm tôi thấy chướng là những kẻ – nhất là mấy cô nội quản thường xuyên mắc phải tật này – chẳng có chút tâm huyết với nghề mà, về cơ bản, chỉ chuyển từ nhà này qua nhà khác để theo đòi giăng gió gió giăng. Loại người này thực là một vết nhơ cho tính chuyên nghiệp.

Nhưng xin khẳng định ngay rằng tôi không hề có ý kể cô Kenton vào khi phát biểu như trên. Đương nhiên, sau rốt, cô cũng rời khỏi đội ngũ nhân viên của tôi để kết hôn, nhưng tôi cam đoan rằng trong thời kỳ làm nội quản dưới sự giám sát của tôi, cô làm việc tận tụy hết mực và không bao giờ để bất cứ điều gì làm sao nhãng bổn phận nghề nghiệp.

Nhưng tôi sa đà sang chuyện khác rồi. Tôi đang thuật lại rằng chúng tôi lâm vào hoàn cảnh cần một lúc tìm cả nội quản lẫn phó quản gia, và cô Kenton đã tới – mang theo những thư giới thiệu nồng nhiệt khác thường, như tôi nhớ – để lãnh chân nội quản. Sự thể là cũng vào khoảng thời gian này, cha tôi đã kết thúc quãng sự nghiệp xuất sắc ở Nhà Loughborough khi ông John Silvers, ông chủ ông tạ thế, và có gặp đôi chút trở ngại khi tìm việc làm cũng như nơi ăn ở. Mặc dầu, đương nhiên, ông vẫn có trình độ chuyên môn hiếm thấy, nhưng giờ ông đã ở tuổi cổ lai hy và đương bị bệnh thấp khớp và nhiều chứng bệnh khác hành hạ. Vì thế, thực khó hình dung ông sẽ xoay trở thế nào khi cạnh tranh tìm việc cùng lứa quản gia trẻ hơn, được đào luyện kỹ càng hơn. Xét theo hoàn cảnh đó, có vẻ giải pháp hợp lý là mời cha tôi đem kinh nghiệm và tài năng dày dặn của ông về Dinh Darlington.

Theo tôi nhớ thì một sáng, không mấy lâu sau khi cha tôi và cô Kenton cùng tới nhận chân phục vụ ở đây, tôi đang ngồi trong phòng quản gia xem xét giấy tờ tại bàn thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi nhớ đã hơi giật mình khi cô Kenton mở cửa, đi vào mà chưa chờ tôi lên tiếng mời. Cô mang trong tay một bình hoa lớn và mỉm cười nói:

“Ông Stevens ạ, tôi cho là mấy bông hoa này sẽ làm phòng ông tươi sáng hơn chút đỉnh.”

“Xin vô phép, nhưng ý cô là sao, cô Kenton?”

“Phòng ông tối tăm lạnh lẽo thế này thì buồn quá, ông Stevens ạ, trong khi ngoài trời thì nắng tưng bừng thế kia. Tôi nghĩ có hoa sẽ mang lại chút sức sống.”

“Cô thực là chu đáo quá, cô Kenton.”

“Thật buồn là trong này không nhận được nhiều nắng hơn. Tường phòng còn hơi ẩm nữa chứ, phải không ông Stevens?”

Tôi quay lại với sổ sách kế toán, miệng nói: “Tôi cho đấy chỉ là hơi nước đọng mà thôi, cô Kenton.”

Cô đặt bình hoa xuống bàn trước mặt tôi, rồi lại đưa mắt nhìn quanh phòng, nhận xét: “Nếu ông muốn, ông Stevens ạ, tôi có thể mang thêm hoa trong vườn vào cho ông.”

“Cô Kenton, tôi rất cám ơn cô đã chu đáo. Nhưng phòng này không dành để tiêu khiển. Tôi hài lòng giữ cho những thứ gây sao nhãng ở mức tối thiểu.”

“Nhưng ông Stevens ạ, hẳn không việc gì phải ở trong cái phòng trơ trụi không màu sắc đến như thế này chứ.”

“Căn phòng này như hiện tại đã phục vụ tôi rất tốt từ trước đến giờ, cô Kenton, dù tôi cũng cảm ơn cô đã có lòng lo cho. Thực tế là, bởi cô đã ở đây rồi, có một việc tôi cần nêu ra với cô.”

“Vậy à, ông Stevens.”

“Vâng, cô Kenton, một việc nhỏ thôi. Tình cờ ngày hôm qua tôi đi qua bếp thì nghe cô gọi người nào đó tên William.”

“Vậy ư, ông Stevens?”

“Thực vậy, cô Kenton. Tôi có nghe cô gọi ‘William’ vài lần. Xin được phép hỏi cô gọi ai bằng cái tên ấy?”

“Ồ, ông Stevens ạ, hẳn là tôi đang gọi cụ nhà rồi. Trong nhà này không có ai khác tên William cả, theo tôi hiểu.”

“Đây là một lỗi rất dễ mắc phải,” tôi nói và hơi mỉm cười. “Cho phép tôi đề nghị, cô Kenton, từ nay về sau hãy gọi cha tôi là ‘ông Stevens’. Nếu đang nói về ông với một bên thứ ba, để tránh lầm với tôi, cô có thể gọi là ‘ông Stevens cha’. Hết sức cám ơn cô, cô Kenton.”

Nói đến đó, tôi trở lại xem giấy tờ. Nhưng tôi rất ngạc nhiên thấy cô Kenton vẫn chưa lui đi. “Xin thứ lỗi, ông Stevens,” một lát sau cô nói.

“Vâng, cô Kenton.”

“E rằng tôi chưa thật hiểu ý ông muốn nói. Từ trước đến nay tôi đã quen gọi người làm cấp dưới bằng tên riêng, và thấy không việc gì phải làm khác trong nhà này.”

“Một sai lầm rất dễ thông cảm, cô Kenton. Tuy nhiên, nếu cô bỏ công suy nghĩ về tình huống này, có thể cô sẽ nhận ra một người như cô mà lên giọng bề trên với một người như cha tôi là không phải phép.”

“Tôi vẫn chưa hiểu ý ông là gì, ông Stevens. Ông nói ‘một người như cô’, nhưng cứ theo tôi thấy tôi là nội quản trong nhà này, còn cha ông chỉ là phó quản gia.”

“Đương nhiên, về chức vụ thì ông chỉ là phó quản gia, như cô nói. Nhưng tôi ngạc nhiên là khiếu quan sát của cô lại chưa tỏ cho cô thấy rằng trên thực tế ông còn hơn thế. Hơn thế rất nhiều.”

“Hẳn nhiên khiếu quan sát của tôi còn thiếu sót vô kể, ông Stevens. Tôi mới chỉ quan sát thấy rằng cha ông là một phó quản gia có năng lực, và xưng hô với ông ấy theo cách đó. Quả thật hẳn ông ấy phải thấy phiền muộn lắm khi nghe gọi như thế từ một người như tôi.”

“Cô Kenton, từ ngữ khí của cô có thể thấy rằng đơn giản là cô chưa hề quan sát cha tôi. Nếu có thì hẳn cô đã nhận thấy rành rành rằng một người ở tuổi tác và địa vị như cô gọi ông là ‘William’ thì quả là không phải phép.”

“Ông Stevens, có lẽ tôi làm nội quản chưa được lâu, nhưng tôi dám nói rằng suốt trong thời gian tôi đã làm, thì năng lực của tôi đã nhận được vài lời đánh giá khá ưu ái.”

“Tôi không một khắc nào ngờ vực năng lực của cô, cô Kenton. Nhưng có tới cả trăm điều đáng ra đã phải cho cô thấy rằng cha tôi là một nhân vật tài năng khác thường và cô có thể học được vô số điều từ ông, giả như cô chịu khó quan sát tích cực hơn.”

“Tôi xin cảm tạ lời khuyên chí lý của ông, ông Stevens. Vậy xin ông hãy làm ơn chỉ vẽ cho tôi biết, tôi sẽ học được những điều tuyệt diệu nào nhờ quan sát cha ông?”

“Tôi ngờ rằng điều đó đã quá hiển nhiên trước mắt ai biết nhìn, cô Kenton.”

“Nhưng chúng ta đã xác nhận rằng tôi mắc khiếm khuyết đặc biệt về phương diện ấy, chẳng phải vậy sao.”

“Cô Kenton, nếu cô mang ấn tượng rằng ở tuổi mình cô đã hoàn thiện được mình, thì cô sẽ không bao giờ vươn được tới tầm cao mà hiển nhiên cô có khả năng đạt tới. Tỷ dụ như, tôi có thể nhận thấy cô thường vẫn còn không chắc vật gì nằm ở chỗ nào và món nào dùng ra sao.”

Điều này khiến cô Kenton tuồng như hơi chưng hửng. Thực vậy, trong một giây, trông cô còn hơi ưu phiền. Rồi cô đáp:

“Lúc mới đến tôi có gặp chút khó khăn, nhưng hẳn đó là chuyện thường.”

“À, cô thấy đó, cô Kenton. Nếu cô có quan sát cha tôi, đến nhà này sau cô một tuần, cô sẽ nhận ra rằng ông am hiểu ngôi nhà tuyệt đối hầu như ngay từ thời điểm bước chân vào Dinh Darlington.”

Cô Kenton tỏ vẻ nghĩ ngợi trước khi đáp lời vẻ hơi ấm ức:

“Tôi tin rằng ông Stevens cha rất thành thạo công việc của ông, nhưng tôi cũng đoan chắc với ông, ông Stevens, rằng tôi rất thành thạo công việc của mình. Tôi sẽ nhớ gọi đầy đủ danh xưng của cha ông từ đây về sau. Còn giờ tôi xin cáo lỗi.”

Sau lần gặp gỡ này, cô Kenton không tìm cách đưa hoa vào phòng quản gia của tôi nữa, và nói chung, tôi rất mừng nhận thấy cô đã nhập vào công việc hết sức ấn tượng. Thêm nữa, có thể thấy rõ cô rất nghiêm túc với vai trò nội quản, và dẫu tuổi còn trẻ, có vẻ cô không hề khó khăn giành được sự kính trọng của người dưới quyền.

Tôi cũng nhận thấy quả thực cô bắt đầu gọi cha tôi là “ông Stevens”. Tuy nhiên một chiều, có lẽ chừng hai tuần sau cuộc đối thoại trong phòng tôi, tôi đang dở tay trong thư viện thì cô Kenton đi vào nói:

“Xin thứ lỗi, ông Stevens. Nhưng nếu ông cần tìm xẻng thì nó ở ngoài sảnh đấy.”

“Xin phép cô, cô Kenton?”

“Xẻng của ông, ông Stevens. Ông để nó ở ngoài đó. Ông có cần tôi mang vào cho ông không?”

“Cô Kenton, tôi đâu có dùng đến xẻng.”

“À, vậy thì xin thứ lỗi, ông Stevens. Tôi đương nhiên đã đoán rằng ông dùng xẻng rồi để quên nó ngoài sảnh. Tôi xin lỗi đã quấy quả ông.”

Cô dợm bước ra ngoài, nhưng đến cửa thì quay lại nói:

“À, ông Stevens. Tôi định tự mình đem cất nhưng hiện giờ tôi có việc phải lên tầng trên. Không biết có thể phiền ông nhớ giúp được không?”

“Đương nhiên rồi, cô Kenton. Cám ơn cô đã nhắc nhở.”

“Việc nhỏ thôi mà, ông Stevens.”

Tôi lắng nghe tiếng chân cô đi qua sảnh rồi lên cầu thang lớn, rồi tự mình cũng đi ra cửa. Đứng từ cửa thư viện người ta có thể nhìn trọn sảnh vào, đến tận cửa chính bên kia sảnh. Lồ lộ trước mắt, gần như chính giữa sàn nhà đánh bóng lộn không có một món đồ nào trừ nó, là cây xẻng mà cô Kenton nhắc tới.

Tôi thấy đây là một lỗi vặt nhưng thực đáng bực mình: cây xẻng sẽ đập vào mắt bất cứ ai đứng nhìn không chỉ từ một trong năm cửa mở vào sảnh ở tầng trệt, mà cả từ cầu thang và cả trên ban công lầu một nữa. Tôi đi qua sảnh, đã nhặt hẳn món đồ chướng mắt lên thì mới hiểu hết hàm ý của việc này: như tôi nhớ, cha tôi vừa quét dọn sảnh vào, quãng nửa tiếng trước. Ban đầu tôi thấy khó mà kết luận một lỗi lầm như thế lại là của cha tôi được. Nhưng ngay sau đó tôi tự nhủ rằng những lỡ làng vặt vãnh như vậy có thể rơi xuống đầu bất cứ ai lúc này hay lúc khác, và rồi mau chóng chuyển sang bực bội cô Kenton vì đã toan làm rộn lên về một chuyện không đáng như vậy.

Rồi chưa đầy một tuần sau, tôi vừa rời bếp đi trên hành lang hậu thì cô Kenton từ buồng nội quản đi ra, thốt ra một nhận xét hẳn là đã nhẩm lại nhiều lần: đại ý là mặc dầu cô hết sức áy náy phải đề cập với tôi những sai lỗi của người dưới quyền tôi, thì hai chúng tôi cũng phải phối hợp với nhau, và cô mong rằng tôi sẽ không ngần ngại làm điều tương tự nếu có phát hiện thấy thiếu sót nào trong công việc của giới phụ nữ trong nhà. Tiếp đó cô nhận xét rằng trong số đồ bạc đã bày lên phòng ăn, có vài món còn vương rõ vết xi đánh bóng. Có một cây nĩa đuôi hầu như đen kịt. Tôi cảm ơn cô, và cô lại lui về buồng mình. Hiển nhiên, cô không cần phải nói thêm rằng bộ đồ ăn bạc là một trong những nhiệm vụ chính của cha tôi và ông hết sức hãnh diện về việc đó.

Rất có thể vẫn còn vài sự việc đại loại mà giờ tôi đã quên. Dẫu sao thì, theo tôi nhớ, tình hình lên tới đỉnh điểm vào một buổi chiều mưa phùn xám xịt, tôi đang trong phòng bi a chăm sóc cho dãy cúp thể thao của Huân tước Darlington. Cô Kenton vừa bước vào, đứng bên cửa nói:

“Ông Stevens, tôi vừa nhận thấy ngoài này có một điều làm tôi băn khoăn quá.”

“Là gì vậy, cô Kenton?”

“Có phải đức ngài có ý rằng bức tượng sứ kiểu Trung Quốc trên chiếu nghỉ tầng trên cần đổi chỗ với bức ở ngoài cửa này không?”

“Tượng sứ ư, cô Kenton?”

“Vâng, ông Stevens. Ông sẽ thấy bức tượng sứ mọi khi ở trên chiếu nghỉ giờ lại đang đứng ngoài cửa này.”

“Cô Kenton, tôi e rằng cô đang có chút lầm lẫn.”

“Tôi không cho rằng tôi có chút lầm lẫn nào, ông Stevens. Tôi đã dụng công để ý xem vật nào ở đâu là đúng chỗ trong nhà. Tôi đoán rằng đã có ai đó đem mấy bức tượng sứ ra đánh bóng rồi trả về nhầm chỗ. Nếu ông còn nghi ngờ, ông Stevens, có lẽ ông sẽ dành chút thời gian bước ra ngoài này tự mình quan sát xem.”

“Cô Kenton, hiện thời tôi đang bận.”

“Nhưng ông Stevens, ông có vẻ không tin điều tôi đang nói với ông. Vì thế tôi phải yêu cầu ông bước ra ngoài cửa này và tận mắt nhìn xem.”

“Cô Kenton, hiện thời tôi đang bận và sẽ xem đến ngay sau đây. Việc đó hoàn toàn không có gì khẩn cấp.”

“Ông Stevens, vậy ông đồng ý rằng tôi không nhầm lẫn về điểm này.”

“Tôi không đồng ý điều gì như vậy cả, cô Kenton, cho tới khi tôi đã có dịp xem đến. Tuy nhiên hiện thời thì tôi đang bận.”

Tôi quay lại lo việc của mình, nhưng cô Kenton vẫn đứng ở khung cửa nhìn tôi. Cuối cùng cô nói:

“Tôi thấy rằng ông sắp xong việc ngay thôi, ông Stevens. Tôi đợi ông bên ngoài, để vấn đề có thể có kết luận khi ông ra khỏi phòng.”

“Cô Kenton, tôi thấy rằng cô đang khiến việc này có một vẻ cấp thiết hoàn toàn không xứng đáng với nó.”

Nhưng cô Kenton đã ra ngoài, và quả vậy, trong lúc tôi tiếp tục công việc, thi thoảng lại có một tiếng chân đưa hay âm thanh nào khác nhắc tôi rằng cô vẫn còn đó ngoài cửa kia. Vì thế tôi quyết định sẽ bắt tay làm thêm một vài công việc khác trong phòng bi a, đồ rằng sau ít lâu cô sẽ nhận ra việc làm của mình nực cười đến mức nào và đi khỏi đó. Nhưng kha khá thời gian đã trôi qua, những công việc có thể hoàn thành bằng những đồ lau rửa hiện có trong tay tôi đã cạn, mà rành rành là cô Kenton vẫn ngoài kia. Quyết không phí hoài thêm thời gian vì sự tình ngớ ngẩn này, tôi xem xét khả năng rời khỏi phòng qua lối cửa sổ lớn. Điểm trừ của kế hoạch này là tình hình thời tiết hiện tại – nói cách khác là sự hiện hữu của vài vũng nước và mảng bùn lớn ngoài cửa sổ – và người ta sẽ cần quay lại phòng bi a lúc nào đó để cài chốt cửa sổ từ bên trong. Sau rốt tôi cũng kết luận phương án tốt nhất là chỉ đơn giản đi ra khỏi phòng thực đột ngột, bằng một nhịp độ thực quả quyết. Thế là tôi rất khẽ khàng vào một vị trí thích hợp làm xuất phát điểm cho cuộc hành quân ấy, và ôm chặt các đồ lau rửa vào người, đã đưa được mình ra khỏi cửa và vượt ra hành lang vài bước trước khi cô Kenton, có phần sửng sốt, kịp lấy lại bình tĩnh. Tuy thế cô cũng lấy lại bình tĩnh khá nhanh, và một khắc sau tôi thấy cô đã vượt lên đứng trước mặt tôi, mà thực tế là chắn đường tôi.

“Ông Stevens, bức tượng kia ở đây là không đúng, ông có đồng ý không?”

“Cô Kenton, tôi rất bận. Tôi ngạc nhiên là cô không còn việc gì khác cần làm mà chỉ đứng ngoài hành lang cả ngày.”

“Ông Stevens, bức tượng ở đây đúng hay không đúng?”

“Cô Kenton, tôi cần phải yêu cầu cô hạ giọng xuống.”

“Còn tôi cần phải yêu cầu ông, ông Stevens, quay lại nhìn bức tượng kia.”

“Cô Kenton, xin hãy hạ giọng xuống. Nhân viên dưới kia sẽ nghĩ gì khi nghe chúng ta gào thét vỡ cả họng về việc bức tượng nào là đúng hay không đúng?”

“Thực tế là, ông Stevens, mọi bức tượng sứ trong nhà này đã bẩn từ khá lâu rồi! Và giờ chúng lại còn không ở đúng vị trí nữa!”

“Cô Kenton, cô đang hành xử rất nực cười đấy. Giờ thì xin cô vui lòng tránh ra cho tôi đi giúp.”

“Ông Stevens, ông làm phước nhìn bức tượng đằng sau ông có được không?”

“Nếu cô thấy chuyện này quan trọng đến như vậy, cô Kenton, tôi sẽ chấp nhận rằng bức tượng sứ sau lưng tôi rất có thể đã được đặt vào vị trí không dành cho nó. Nhưng tôi phải nói rằng tôi có phần không hiểu vì sao cô phải lo lắng đến vậy về những lỗi lầm thuộc loại rất nhỏ nhặt này.”

“Bản thân những lỗi lầm ấy có thể nhỏ nhặt, ông Stevens, nhưng chính ông cũng phải nhận thấy ý nghĩa lớn hơn của chúng chứ.”

“Cô Kenton, tôi không hiểu ý cô. Giờ thì xin phép cô làm ơn cho tôi đi qua.”

“Thực tế là, ông Stevens, cha ông được giao cho những nhiệm vụ vượt quá sức một người ở độ tuổi ông ấy có thể gánh vác được.”

“Cô Kenton, thực tình cô không hiểu mình đang nói gì.”

“Cho dù xưa kia cha ông có là người thế nào, ông Stevens, thì sức lực của ông ấy giờ cũng đã hao mòn rất nhiều rồi. Ý nghĩa thực sự của những ‘lỗi lầm nhỏ nhặt’ như ông nói là thế đấy, và nếu ông không thèm để tâm, thì chẳng mấy nỗi sẽ đến lúc cha ông phạm phải một lỗi lầm ở mức độ nghiêm trọng mà xem.”

“Cô Kenton, cô đang biến mình thành trò đùa đấy.”

“Tôi xin lỗi, ông Stevens, nhưng tôi không thể không nói tiếp. Tôi tin rằng có rất nhiều nhiệm vụ giờ cần được cất bớt cho cha ông. Chẳng hạn, không nên bắt ông tiếp tục bưng các khay đồ chất nặng nữa. Nhìn tay ông run run mỗi bữa ăn tối khi bưng khay vào thật không thể không lấy làm e ngại. Không sớm thì muộn sẽ tới lúc khay đồ trên tay ông đổ vào lòng vị khách nào đó. Và hơn nữa, ông Stevens, thực tình tôi vô cùng áy náy phải nói điều này, nhưng tôi đã để ý thấy mũi của cha ông.”

“Thực vậy ư, cô Kenton?”

“Tôi rất tiếc phải nói đúng là vậy, ông Stevens. Tối hôm trước nữa tôi nhìn cha ông bưng khay bước rất chậm về phía phòng ăn, và tôi e rằng đã quan sát thấy rất rõ một giọt nước lớn ở chót mũi ông lủng lẳng trên mấy bát xúp. Tôi cho rằng phong cách phục vụ bàn như vậy khó có thể coi là giúp ngon miệng được.”

Nhưng giờ nghĩ lại cho kỹ, tôi không dám chắc rằng cô Kenton đã nói năng bạo dạn đến như vậy ngày hôm đó. Đương nhiên, trải qua nhiều năm làm việc bên nhau, chúng tôi dần dà đã có những cuộc trao đổi rất thẳng thắn, nhưng buổi chiều tôi đang nhớ lại đây vẫn còn là hồi kỳ đầu mối quen biết và tôi nghĩ đến cả cô Kenton cũng khó có thể bạo đến như vậy. Tôi không rõ liệu cô có thể thực sự đi tới chỗ nói một điều như “bản thân những lỗi lầm ấy có thể nhỏ nhặt, nhưng chính ông cũng phải nhận thấy ý nghĩa lớn hơn của chúng”. Thực tế là, giờ nghĩ lại, tôi có cảm giác rằng có thể chính Huân tước Darlington đã nói câu ấy với tôi cái lần ngài cho gọi tôi vào thư phòng, khoảng hai tháng sau cuộc đối đáp với cô Kenton ngoài phòng bi a. Tới lúc đó thì tình hình cha tôi đã thay đổi rõ rệt sau ngày ông bị ngã.

*

Cửa thư phòng ở vị trí xuất hiện ngay trước mắt khi người ta đi xuống cầu thang lớn. Ngày nay, ngoài cửa phòng đặt một tủ kính bày đủ thứ đồ trang trí của ông Farraday, nhưng thời Huân tước Darlington, từ đầu chí cuối, tại vị trí đó là một tủ sách chứa rất nhiều những bộ bách khoa thư, có cả trọn bộ Britannica. Huân tước ưa đứng trước tủ sách này ngắm nghía các gáy sách đúng vào thời điểm tôi đi xuống cầu thang, và đôi khi để tô đậm thêm ấn tượng đây là cuộc gặp tình cờ, ngài còn rút hẳn một tập ra, giả như đương mải mê với nó chờ tôi đi xuống hẳn. Rồi tới lúc tôi đi ngang, ngài sẽ bảo, “À, Stevens này, có một điều tôi vẫn định bụng nói với anh.” Đến đó, ngài sẽ tiện chân trở lại vào thư phòng, vẫn tỏ vẻ đắm đuối vào cuốn sách đương mở trong tay. Chọn cách tiếp cận này, Huân tước trăm lần như một đều vì ngượng ngùng trước điều cần truyền đạt, và ngay cả khi cánh cửa thư phòng đã khép chặt sau lưng, ngài vẫn thường ra đứng bên cửa sổ, làm bộ giở xem cuốn từ điển suốt trong khi trao đổi với tôi.

Tiện đây xin nói thêm, việc mà giờ đây tôi thuật lại cũng là một trong rất nhiều sự kiện tôi có thể kể hầu quý vị nhằm chứng nhận cho bản chất rút rát khiêm cung của Huân tước Darlington. Những năm gần đây đã có vô khối điều tầm bậy nói ra hay viết ra về huân tước cùng vai trò quan trọng dần dà ngài đã mang lấy trong những việc quốc gia đại sự, và có vài kẻ, ếch ngồi đáy giếng, còn khẳng định rằng động cơ của huân tước là lòng vị kỷ hay ngạo mạn. Tôi xin nói rõ ở đây rằng chẳng điều gì sai lầm hơn thế. Việc sau này ngài ra mặt công khai đến như vậy là hoàn toàn trái ngược với bản tính thông thường của Huân tước Darlington, và tôi có thể đoan chắc rằng huân tước chịu lời thuyết phục mà vượt ra ngoài thói quen ẩn dật của ngài chỉ là vì ý thức sâu sắc về bổn phận đạo đức. Ngày nay người khác có nói gì về huân tước đi nữa – mà tôi đã nói, phần đa là hoàn toàn tầm bậy – thì tôi cũng cam đoan rằng ngài từ sâu thẳm là một con người đầy tính thiện, một người cao quý theo đúng nghĩa của từ này, và ngày nay tôi vẫn tự hào đã dành những năm tháng đẹp nhất trong đời phục vụ cho một con người như thế.

Trong cái buổi chiều cụ thể tôi đang kể đến đây, huân tước hẳn vẫn còn ở độ ngũ tuần, nhưng theo tôi nhớ mái đầu ngài đã bạc cả, vóc người cao mảnh khảnh đã thấp thoáng nét khòng mà những năm cuối đời sẽ thực rõ nét ở ngài. Hầu như không rời mắt khỏi cuốn sách trên tay, ngài hỏi:

“Cha anh đã khá hơn chưa, Stevens?”

“Tôi lấy làm mừng được nói rằng ông đã bình phục hoàn toàn, thưa ngài.”

“Thực là tin rất tốt, Stevens ạ. Tin rất tốt.”

“Đa tạ ngài.”

“Stevens này, liệu đã từng có… ờ… có bất kể dấu hiệu gì không? Tôi muốn nói là, dấu hiệu cho thấy cụ nhà biết đâu có thể đã mong gánh nặng của mình được giảm bớt đi chút ít? Ý tôi là ngoài việc cụ bị ngã kia.”

“Thưa ngài, như tôi đã nói, có vẻ cha tôi đã bình phục hoàn toàn và tôi tin rằng ông vẫn là người tương đối đáng tin cậy. Đúng thực là gần đây có một hai lỗi nhỏ xuất hiện trong sự thi hành bổn phận của ông, nhưng lần nào cũng chỉ là những sự việc có tính chất rất vặt vãnh.”

“Nhưng chúng ta không ai muốn thấy một việc thuộc loại ấy xảy ra lần nữa, phải không? Ý tôi là việc cha anh bị quỵ hay những chuyện tương tự.”

“Thực vậy, thưa ngài.”

“Và đương nhiên, nếu việc đó có thể xảy ra ngoài thảm cỏ, thì cũng có thể xảy ra bất cứ đâu. Bất cứ khi nào.”

“Đúng vậy, thưa ngài.”

“Có thể xảy ra trong bữa tối, khi cha anh đang đứng phục vụ bàn, chẳng hạn.”

“Điều đó là có thể, thưa ngài.”

“Stevens này, đoàn đại biểu đầu tiên sẽ đến đây sau chưa đầy hai tuần nữa.”

“Chúng ta đã sẵn sàng mọi mặt, thưa ngài.”

“Những điều xảy ra trong ngôi nhà này từ thời điểm đó trở đi có thể sẽ để lại những hệ quả đáng kể.”

“Đúng vậy, thưa ngài.”

“Những hệ quả rất đáng kể, tôi phải nói vậy. Đối với toàn bộ tiến trình Âu châu đang đi theo. Xét theo thân phận những người sẽ hiện diện ở đây, tôi không nghĩ nói thế là cường điệu.”

“Không hề, thưa ngài.”

“Đây hoàn toàn không phải lúc chấp nhận những nguy cơ có thể phòng tránh được.”

“Thực vậy, thưa ngài.”

“Stevens này, vấn đề cha anh rời khỏi đây hoàn toàn không đặt ra. Chỉ đơn giản là anh được yêu cầu tính toán lại những nhiệm vụ của ông mà thôi.” Và đó là lúc, tôi nghĩ vậy, huân tước nói khi lại hạ mắt xuống tập sách và lúng túng di tay trên một mục từ: “Bản thân những lỗi lầm ấy có thể nhỏ nhặt, Stevens ạ, nhưng chính anh cũng phải nhận thấy ý nghĩa lớn hơn của chúng. Thời kỳ đáng tin cậy của cha anh đã qua rồi. Không được giao cho ông nhiệm vụ trong bất kỳ phạm vi nào mà một sai lỗi có thể đe dọa tới thành công của cả cuộc hội đàm sắp tới.”

“Thực vậy, thưa ngài. Tôi rất hiểu điều đó.”

“Vậy thì tốt. Vậy tôi sẽ để anh suy nghĩ về việc đó, Stevens.”

Phải nói thêm rằng Huân tước Darlington đã tận mắt chứng kiến cú ngã của cha tôi, khoảng một tuần trước đó. Huân tước đương thù tiếp hai vị khách, một thiếu phụ và một khách nam, trong chòi nghỉ mùa hè, và đã chứng kiến cha tôi tiến lại qua thảm cỏ, bưng theo một khay đồ giải khát rất được trông đợi. Thảm cỏ dốc thoải lên vài thước dẫn đến chòi nghỉ, và thời đó, cũng như bây giờ, có bốn phiến đá lớn chôn vào nền cỏ làm bậc thang để qua đoạn dốc này. Chính khu vực những bậc thang đó là nơi cha tôi đã ngã, khiến vật dụng trên khay rơi vãi khắp nơi – ấm chén, đĩa lót, bánh kẹp, bánh ngọt – quanh mặt cỏ nơi bậc thang trên cùng. Tới lúc tôi nhận được tin cấp báo và tới nơi, huân tước cùng hai vị khách đã đặt cha tôi nằm nghiêng, dùng gối ngồi và thảm trải trong chòi nghỉ mùa hè làm gối đầu và chăn đắp cho ông. Cha tôi đã bất tỉnh, mặt ông mang sắc xám bất thường. Đã có người đi gọi bác sĩ Meredith, nhưng huân tước nhận định rằng cần đưa cha tôi ra khỏi nơi nắng chiếu trước khi bác sĩ đến nơi; do đó một chiếc ghế có bánh xe đã được đưa đến, và sau rất nhiều khó nhọc, cha tôi được chuyển vào trong nhà. Tới khi bác sĩ đến nơi, ông đã hồi lại đáng kể, và vị bác sĩ chẳng mấy đã lại ra về, chỉ phát biểu mơ hồ rằng cha tôi có vẻ đã hơi “lao lực”.

Sự vụ đó hẳn nhiên là một nỗi hổ thẹn lớn đối với cha tôi, và tới khoảng thời gian có cuộc đối thoại trong thư phòng huân tước, thì ông đã từ lâu quay lại bận rộn làm việc như từ trước đến giờ. Do vậy, làm thế nào đề cập đến chủ đề cắt giảm công việc cho ông không phải là một câu hỏi người ta dễ giải quyết. Khó khăn của tôi còn phức tạp thêm bởi vài năm nay cha con tôi – vì nguyên do nào đó tôi chưa bao giờ thực sự dò ra được – càng lúc càng bớt trò chuyện với nhau. Tới nỗi sau khi ông tới ở Dinh Darlington, cả những trao đổi ngắn ngủi cần có khi truyền đạt thông tin công việc cũng đều diễn ra trong cảm giác ngại ngùng của đôi bên.

Sau cùng, tôi quyết định phương án khả thi nhất là trao đổi riêng tư trong phòng ông, như vậy ông sẽ có cơ hội được một mình suy ngẫm tình hình mới khi tôi đã lui về. Muốn gặp cha tôi trong phòng riêng thì chỉ có hai thời điểm, hoặc sáng sớm trước mọi việc khác, hoặc đêm muộn khi mọi việc đã xong. Tôi chọn cách đầu, và một buổi sáng sớm, tôi trèo lên căn phòng gác mái nhỏ trên cùng khu nhà ở của gia nhân và gõ nhẹ.

*

Trước dịp này tôi hiếm khi có lý do vào phòng cha, và tôi lại một lần nữa sửng sốt nhận ra nó nhỏ hẹp trơ trọi nhường nào. Thực tế, tôi còn nhớ đã có cảm tưởng mình vừa bước vào một căn xà lim, nhưng hẳn cảm giác này đem lại là do ánh sáng nhợt nhạt đầu ngày không kém gì do không gian chật chội hay bốn bức tường trơ trọi. Bởi cha tôi đã mở rèm và đương ngồi nơi mép giường, râu ria đã cạo, đồng phục đầy đủ, thấy rõ ông đã ngồi đó hồi lâu nhìn bầu trời sáng dần. Ít nhất người ta cũng phải giả định rằng ông nhìn bầu trời, bởi qua ô cửa sổ nhỏ chẳng thấy gì mấy ngoại trừ ngói và máng xối mái nhà. Đèn dầu bên bàn đã tắt lửa, và khi thấy ông đưa cặp mắt chê trách nhìn cây đèn tôi cầm theo để dẫn đường lên cầu thang khấp khểnh, tôi vội vặn thấp bấc. Khi làm thế, tôi càng nhận rõ hiệu ứng của ánh sáng yếu ớt lọt vào phòng, tô viền các đường nét khắc khổ, hằn vết và hẵng còn đáng kính sợ trên mặt cha tôi.

“À,” tôi nói và cười khục một tiếng, “lẽ ra tôi phải biết cha đã trở dậy sẵn sàng cho công việc trong ngày.”

“Ta đã dậy ba tiếng đồng hồ nay rồi,” ông nói, nhìn tôi từ đầu đến chân khá lạnh lùng.

“Tôi hy vọng chứng viêm khớp không làm cha mất giấc.”

“Ta đã ngủ đủ.”

Cha tôi vươn tay tới chiếc ghế duy nhất trong phòng, một chiếc ghế gỗ nhỏ, vịn cả hai tay vào lưng ghế bẩy người đứng lên. Nhìn ông đứng thẳng trước mặt mình, tôi không còn biết chắc dáng người còng gập xuống mọi khi có bao nhiêu phần là do yếu nhược, còn bao nhiêu phần là thói quen nương theo cái trần phòng dốc gắt.

“Thưa cha, tôi tới đây để truyền đạt lại một điều với cha.”

“Vậy truyền đạt lại ngắn gọn, súc tích thôi. Ta không bỏ cả sáng nghe cậu nói chuyện phiếm được đâu.”

“Nếu vậy, thưa cha, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề.”

“Vậy đi thẳng vào vấn đề cho xong đi. Có người còn phải bắt tay vào việc ở đây.”

“Được thôi. Bởi cha muốn tôi ngắn gọn, tôi sẽ cố hết sức làm theo ý cha. Thực tế là, cha đã ngày càng trở nên suy yếu. Đến mức ngay cả các bổn phận phó quản gia giờ cũng đã quá sức cha. Huân tước có nhận định, và thực sự là bản thân tôi cũng vậy, rằng chừng nào cha còn được phép tiếp tục thực hiện những bổn phận hiện giờ, chừng đó cha còn là một mối đe dọa thường trực đối với việc điều hành trơn tru căn nhà này, và đặc biệt là với cuộc gặp mặt quốc tế quan trọng vào tuần tới.”

Gương mặt cha tôi trong ánh sáng lờ mờ không thể hiện bất cứ cảm xúc nào.

“Cảm nghĩ chung chủ yếu là,” tôi nói tiếp, “cha không nên đảm trách việc phục vụ bên bàn nữa, dù trong trường hợp có mặt tân khách hay không.”

“Ta đã phục vụ bên bàn từng ngày một trong suốt năm mươi tư năm vừa qua,” cha tôi nhận xét, giọng ông vẫn tuyệt đối thong thả.

“Thêm nữa, quyết định đưa ra là cha sẽ không bưng khay chất nặng dù là loại đồ gì, dù chỉ đi một quãng ngắn. Xét theo những hạn chế đó, và biết rằng cha rất trân trọng sự súc tích, tôi đã liệt kê ở đây danh sách đã điều chỉnh các bổn phận giao cho cha từ nay trở đi.”

Tôi thực không có ý muốn đưa vào tay ông tờ giấy đang cầm, nên đặt xuống cuối giường ông. Cha tôi chỉ liếc nhìn, rồi đưa mắt trở lại nhìn tôi. Mặt ông vẫn không gợn chút cảm xúc nào, đôi bàn tay đặt trên lưng ghế trông vẫn hoàn toàn ung dung. Dù ông đứng thẳng hay còng xuống, vẫn không thể không cảm thấy sức áp đảo từ vóc người đồ sộ của ông – sức áp đảo đã từng khiến hai vị khách say mềm phải tỉnh hẳn sau băng ghế. Cuối cùng, ông nói:

“Lần đó ta chỉ ngã vì mấy bậc thang. Bậc thang bị vênh. Phải nói Seamus sửa lại trước khi xó người khác ngã.”

“Thực vậy. Dẫu thế nào, tôi có thể có lời đảm bảo rằng cha sẽ nghiên cứu danh sách kia được không?”

“Phải nói Seamus sửa lại mấy bậc thang. Chắc chắn phải làm xong trước khi khách mời từ châu Âu đến.”

“Thực vậy. Giờ thì chúc buổi sáng tốt lành, thưa cha.”

Buổi chiều hè mà cô Kenton nhắc đến trong thư diễn ra chỉ ít lâu sau cuộc gặp gỡ ấy – thực vậy, có thể còn chính là chiều tối ngày hôm ấy. Tôi không nhớ nổi mục đích gì đã đưa tôi lên tầng cao nhất trong nhà, nơi có các buồng ngủ dành cho khách sắp hàng bên hành lang. Nhưng có lẽ tôi đã nói, hãy còn sống động trong trí tôi luồng nắng cuối ngày đổ vào qua từng khung cửa mở, vắt ngang hành lang thành những cột sáng màu cam. Và giữa lúc tôi tiếp tục đi qua những buồng ngủ không người ấy, dáng người cô Kenton, chỉ là một bóng đen trên nền ô cửa sổ một buồng trong số đó, đã lên tiếng gọi tôi.

Khi người ta nghĩ về việc này, về thái độ thường trực của cô Kenton mỗi khi nói với tôi về cha tôi trong thời kỳ đầu cô ở Dinh Darlington, thì chẳng có gì lạ là ký ức về chiều hôm đó lại còn trong cô suốt bao nhiêu năm như vậy. Hẳn nhiên cô đã cảm thấy chút ăn năn khi đứng bên tôi qua cửa sổ theo dõi dáng hình cha tôi bên dưới. Bóng những cây dương đã đổ qua phần lớn thảm cỏ, nhưng mặt trời còn soi sáng đầu bên kia nơi thảm cỏ dốc lên về phía chòi nghỉ mùa hè. Có thể thấy rõ cha tôi đương đứng bên bốn bậc thang đá ấy, chìm trong nghĩ ngợi. Cơn gió nhẹ khẽ lùa mái tóc ông. Rồi trước mắt chúng tôi, ông bước thực chậm lên từng bậc. Tới bậc trên cùng, ông quay người đi trở xuống, nhanh chân hơn một chút. Lại quay người, ông đứng yên thêm vài giây, suy tính những bậc thang trước mặt. Cuối cùng, ông lại đi lên lần hai, thận trọng dò từng bước. Lần này ông đi tiếp qua thảm cỏ cho tới khi đến gần sát chòi nghỉ, rồi quay lưng chậm chạp bước vòng lại, mắt không rời mặt đất. Thực tế là, tôi cũng không có cách nào diễn tả dáng bộ ông vào thời điểm đó hay hơn câu cô Kenton viết; quả đúng là “như muốn tìm một viên ngọc quý đã đánh rơi ở đó”.

(Xuất bản tháng 2-2021. Trích đoạn giữa vì đoạn đầu vừa đọc vừa ngáp mấy tối liền thì mới vượt qua được. Ảnh của Quỳnh tiếp.)

Tags :