Margaret Atwood, Tay sát thủ mù (trích)

I

Cây cầu

Mười ngày sau khi chiến tranh kết thúc, Laura em tôi lái xe lao khỏi cầu. Cầu đang sửa, nó phi thẳng qua biển báo Nguy hiểm. Chiếc xe rơi ba chục mét xuống vực, bổ qua những ngọn cây lơ thơ trổ lá, rồi cháy đùng đùng lăn xuống lòng con suối nông choèn dưới đáy. Từng tảng ván cầu lả tả rơi lên trên. Em tôi không còn lại gì ngoài tro tàn than vụn.

Tôi được tin từ một viên cảnh sát: xe là xe tôi, họ tra ra biển số. Anh ta tỏ ra lễ độ: hẳn nhiên anh ta nhận ra họ Richard. Anh ta nói có lẽ bánh bị kẹt vào rãnh xe điện hoặc phanh bị hỏng, nhưng anh cũng có bổn phận báo tôi biết có hai người – một luật sư về hưu và một thu ngân ở nhà băng, toàn những người đáng tin tưởng cả – tự nhận đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Họ cho biết Laura đã chủ động quành xe rất gắt, và đâm qua tường cầu thản nhiên cứ như đang bước trên hè xuống. Họ có nhận ra tay em tôi vẫn đặt trên vô lăng nhờ đôi găng trắng.

Không phải tại phanh, tôi nghĩ. Nó có những lý do riêng. Không bao giờ giống lý do của ai khác. Về mặt đó nó tàn nhẫn vô cùng.

“Tôi nghĩ các anh cần người nhận dạng,” tôi nói. “Tôi sẽ cố gắng xuống đó ngay khi được.” Tôi nghe giọng mình vang lên bình tĩnh, như từ xa vọng lại. Thực tế tôi hầu như không thốt được thành lời; miệng tôi tê dại, mặt sắt lại vì đau. Cảm giác như vừa đi nhổ răng. Tôi tức muốn điên vì việc Laura đã làm, và còn vì viên cảnh sát cả gan ám chỉ nó đã làm thế. Một luồng gió nóng đang cuộn quanh đầu tôi, những cọng tóc bị bốc lên ngoằn ngoèo trong gió, như mực loang trong nước.

“Tôi e rằng sẽ có điều tra, thưa bà Griffen,” anh ta nói.

“Tôi hiểu mà,” tôi đáp. “Nhưng đây là tai nạn thôi. Em gái tôi chưa bao giờ lái xe thành thạo cả.”

Tôi hình dung khuôn mặt trái xoan của Laura, búi tóc cài trâm gọn, chiếc áo chắc hẳn nó mặc lúc ấy: áo chẽn eo cổ tròn khoét hẹp, một màu nghiêm nghị: xanh nước biển hoặc xám ánh thép, hoặc lá cây thứ màu hành lang bệnh viện. Những màu thống hối – nhìn không giống đồ tự chọn, mà như đồ ép mặc trước khi nhốt lại thì đúng hơn. Nụ cười nửa miệng nghiêm trang; đôi mày nhướng lên kinh ngạc, như là nó đang chiêm ngưỡng khung cảnh trước mắt.

Găng tay trắng – cử chỉ học của Pontius Pilatus. Nó đang rửa tay cho sạch khỏi tôi. Khỏi tất cả chúng tôi.

Nó nghĩ gì khi chiếc xe bay bổng khỏi cầu, lơ lửng giữa hoàng hôn đầy nắng, lấp loáng như cánh chuồn trong khoảnh khắc nín hơi trước lúc bổ nhào? Nghĩ tới Alex, tới Richard, tới lòng man trá, tới cha chúng tôi và cuộc lụn bại của ông; có lẽ là tới Chúa, và cuộc thỏa thuận tay ba chết người của nó. Hay tới tập vở học trò rẻ tiền hẳn nó đã giấu vừa sáng hôm ấy, trong ngăn để tất của tôi, vì biết tôi sẽ là người tìm thấy.

Khi viên cảnh sát đi rồi tôi lên lầu thay áo. Muốn tới nhà xác tôi cần găng tay, và mũ có mạng. Để che đôi mắt. Có thể sẽ có nhà báo. Tôi sẽ phải gọi tắc xi. Cũng cần báo trước cho Richard, lúc này đang ở văn phòng; chắc sẽ muốn chuẩn bị trước vài lời ai điếu. Tôi vào phòng thay đồ: cần có đồ đen, và khăn tay nữa.

Tôi mở ngăn kéo, nhìn thấy tập vở. Tôi tháo nắm chun chằng chịt buộc ngoài. Tôi nhận ra răng mình đang va lập cập, người mình đang lạnh từ đầu đến chân. Chắc đang bị sốc, tôi kết luận.

Trong đầu tôi lúc đó nhớ lại Reenie, từ hồi chúng tôi còn nhỏ. Luôn là Reenie lo lấy bông băng, băng những vết trầy xước hay đứt tay và các thương tích lặt vặt khác: mẹ đang nghỉ, hoặc đi làm việc thiện ở đâu đó, nhưng Reenie thì luôn có mặt. Chị sẽ túm lấy chúng tôi đặt ngồi lên bàn men trắng trong bếp, cạnh chỗ bột làm bánh đang nhào hay con gà đang chặt hoặc con cá đang làm ruột, và dúi cho cục đường đen để chúng tôi ngậm miệng. Nói xem đau ở đâu nào, chị bảo. Đừng có rú lên nữa. Bình tĩnh lại rồi bảo cho tôi đau ở đâu.

Nhưng có những người không thể nói được đau ở đâu. Không thể bình tĩnh lại. Thậm chí không thể ngừng rú lên.

Ngôi sao Toronto, 26 tháng Năm 1945
NGHI VẤN ĐẶT RA TỪ CÁI CHẾT TRONG THÀNH PHỐ

Bản tin độc quyền

Nhân viên điều tra đã kết luận chính thức cái chết xảy ra ở đại lộ St. Clair tuần trước là do tai nạn. Cô Laura Chase, 25 tuổi, đang đi theo hướng Đông – Tây chiều ngày 18 thì chiếc xe chệch đường lao qua lớp ba-ri-e ngăn khu vực đang sửa chữa trên cầu, đâm xuống vực núi bên dưới và bốc cháy. Cô Chase đã chết tức khắc. Chị của cô, bà Richard E. Griffen, vợ nhà công nghiệp nổi tiếng, đã chứng nhận cô Chase mắc chứng đau đầu nặng ảnh hưởng đến thị lực. Khi trả lời chất vấn, bà Griffen đã bác bỏ khả năng say rượu bởi cô Chase không uống rượu bao giờ.

Theo cảnh sát, một trong những nguyên nhân chính là bánh xe bị kẹt vào rãnh xe điện lộ thiên. Có nghi vấn về chất lượng những biện pháp an toàn của chính quyền thành phố, nhưng đã bị phản bác sau khi tham khảo ý kiến chuyên môn của công trình sư thành phố Gordon Perkins.

Tai nạn này đã dấy lại làn sóng kiến nghị về tình trạng rãnh xe điện ở đoạn đường này. Ông Herb T. Jolliffe, đại diện cho dân đóng thuế sở tại, nói với phóng viên tờ Ngôi sao đây không phải là tai nạn đầu tiên gây ra bởi những đoạn rãnh bị bỏ bê. Hội đồng thành phố cần chú ý tới vấn đề này.

TAY SÁT THỦ MÙ. Tác giả Laura Chase.
NXB Reingold, Jaynes & Moreau, New York, 1947
Mở: Cây lưu niên trồng vườn đá

Cô có một tấm ảnh duy nhất chụp anh. Cô nhét trong một phong bì nâu trên có đề Cắt từ báo, và giấu phong bì trong cuốn Cây lưu niên trồng vườn đá, nơi ngoài cô sẽ chẳng ai ngó ngàng.

Cô đã giữ gìn tấm ảnh cẩn thận, vì đấy gần như là tất cả những gì còn lại về anh. Ảnh đen trắng, chụp bằng thứ máy ảnh hộp có flash lồng cồng từ dạo trước chiến tranh, có cái vòi voi xếp nếp như đàn phong cầm bỏ trong hộp da cầu kỳ trông như rọ mõm, dây da khóa thép lằng nhằng. Ảnh chụp hai người với nhau, cô với người ấy, hôm picnic. Chữ Picnic viết ở mặt sau, bằng bút chì – không có tên anh hay tên cô, chỉ là picnic. Tên hai người cô biết, không phải viết vào.

Họ đang ngồi dưới gốc cây; có lẽ là cây táo, lúc ấy cô không chú ý đến cái cây. Cô mặc sơ mi trắng tay xắn đến khuỷu, váy xòe dém lại quanh gối. Chắc là có gió nhẹ, vì vạt áo cô bị gió thổi dán vào người; hoặc có thể không phải gió thổi, có thể chỉ là dính vào; có thể là do nóng. Đúng là do nóng. Đưa tay khua trên tấm ảnh, cô vẫn còn cảm thấy hơi nóng dâng lên, như hòn đá lúc nửa đêm phả hơi nắng.

Người kia đội mũ màu sáng, kéo sụp trên đầu, che khuất một phần khuôn mặt. Mặt anh trông bắt nắng sạm hơn cô. Cô xoay nửa người lại phía anh, mỉm cười, một nụ cười cô không nhớ có dành thêm cho ai từ dạo ấy. Trong ảnh trông cô rất trẻ, rất non, dù lúc ấy cô không nghĩ mình non trẻ. Anh cũng đang cười – hàm răng trắng loáng lên như que diêm vừa xòe lửa – nhưng tay lại giơ ra, như muốn đùa cợt chặn cô lại, hoặc ngược lại che chắn mình khỏi ống kính, khỏi cái người ắt hẳn đang ở đó chụp ảnh; hoặc có khi che chắn mình khỏi những con mắt tương lai có thể đang nhìn anh, nhìn anh qua ô cửa sổ vuông sáng ngời bằng giấy tráng này. Như che chắn mình khỏi cô. Như che chắn cho cô. Trong bàn tay giơ ra che chắn, có một đầu mẩu thuốc lá.

c

Ở phía bên kia – thoạt nhìn thì chưa nhận ra – có một bàn tay, đứt ngang mép ảnh, vết kéo cắt ngay cổ tay, đặt trên mặt cỏ như bị bỏ rơi. Mặc cho tự xoay xở lấy.

Vệt mây nâu trên bầu trời sáng rỡ, như kem vấy trên nền crom. Những ngón tay anh ám khói. Nước lấp lánh đằng xa xa. Giờ đã chìm cả.

Đã chìm, nhưng còn lung linh.

II

Tay sát thủ mù: Quả trứng luộc

Bây giờ thế nào đây? anh hỏi. Áo đuôi tôm trong bữa tối dưới ánh nến, hay đắm tàu trên bờ biển không người? Cô cứ chọn đi: hoang đảo nhiệt đới hay núi cao rừng thẳm. Hay một chiều không gian khác – đấy là món tủ của tôi.

Một chiều không gian khác hả? Thiệt tình!

Đừng có cười, một địa điểm sinh lời đấy. Ở đó cái gì cũng có thể xảy ra. Tàu vũ trụ với đồng phục bó sát nhé, súng bức xạ nhé, người sao Hỏa trông như mực ống khổng lồ nhé, đại loại thế.

Anh cứ chọn, cô nói. Anh là chuyên gia mà. Sa mạc được không nhỉ? Tôi lúc nào cũng muốn đi xem sa mạc. Có ốc đảo nữa, hẳn rồi. Vài cây chà là nữa cũng hay. Cô đang xé phần vỏ khỏi lát bánh kẹp. Cô không thích ăn vỏ bánh.

Sa mạc thì chẳng có mấy triển vọng. Chẳng có mấy bài trí, trừ phi đặt vào mấy ngôi mộ. Như thế cô có thể thêm một đội đàn bà trần truồng đã chết từ ba ngàn năm nay, thân hình khêu gợi uốn éo, môi đỏ như hồng ngọc, tóc xoăn bồng bềnh rối bời màu thiên thanh, mắt như những hố rắn độc. Nhưng tôi không nghĩ mình ấn được cho cô mấy thứ đó. Man rợ không hợp khẩu vị cô.

Anh biết đâu được. Nhỡ tôi thích thì sao.

Tôi ngờ lắm. Loại đó chỉ dành cho đám đông láo nháo. Mặc dù bìa tạp chí thì chuộng lắm: các nàng ấy oằn oại bu lấy một anh chàng, chắc phải dùng báng súng đập mới tản đi.

Cho tôi cả chiều không gian ngoài vũ trụ, lẫn cả mộ và đàn bà chết, nhé?

Đòi hỏi tham lam thế, nhưng để xem xem tôi làm được gì. Tôi có thể cho thêm vài cô trinh nữ hiến sinh, mặc yếm thép, đeo xích bạc ở cổ chân, áo tế trong suốt. Và một bầy sói đói gào, khuyến mại nhé.

Tôi thấy anh sẽ không từ thứ gì.

Vậy cô muốn áo đuôi tôm chăng? Du thuyền với cổ cồn trắng, hôn nhẹ lên cổ tay và những lời đường mật giả nhân nghĩa nhé?

Không. Thôi được rồi. Anh cứ làm gì anh ưa nhất.

Hút thuốc không?

Cô lắc đầu từ chối. Anh châm một điếu cho mình, quẹt diêm vào móng tay.

Anh sẽ tự đốt cháy mình mất thôi, cô nói.

Cho đến giờ thì chưa.

Cô nhìn cổ tay áo sơ mi anh xắn lên, màu trắng hay là xanh rất nhạt, rồi cổ tay anh, bàn tay màu nâu sẫm hơn. Anh như phát sáng, chắc là do ánh nắng phản lại. Tại sao mọi người không nhìn cả về đây? Dù sao anh vẫn quá dễ lọt mắt, chẳng nên ra đây – giữa ngàn mắt chĩa vào. Xung quanh có người, ngồi hay nằm trên cỏ, chống khuỷu tay tựa mình – những người khác cũng đang picnic, trang phục hè màu sáng. Rất đường đường chính chính. Nhưng cô vẫn không khỏi cảm thấy chỉ có hai bọn họ với nhau; như cây táo trên đầu không phải cây mà là một cái lều, như quanh họ vẽ một vòng tròn phấn. Bên trong vòng tròn, họ vô hình trước tất cả.

Vũ trụ thì vũ trụ, anh nói. Cả mộ và trinh nữ với sói nữa – nhưng mà trả góp. Đồng ý không?

Trả góp là sao?

Tức là, như mua đồ ấy.

Cô bật cười.

Không, tôi nói thật đấy. Không thể ăn xổi được, có thể phải nhiều ngày. Chúng ta sẽ phải gặp nhau lần nữa.

Cô do dự. Được rồi, cô nói. Nếu được. Nếu tôi tìm được cách.

Tốt lắm, anh nói. Giờ để tôi nghĩ đã. Anh cố giữ giọng bình thường. Khẩn khoản quá có thể khiến cô chùn lại.

Trên hành tinh – xem nào. Sao Thổ thì bỏ qua, gần quá. Trên hành tinh Zycron, ở một chiều không gian khác, có một bình nguyên ngổn ngang gạch vụn. Phía Bắc bình nguyên là biển, nước màu xanh tím than. Phía Tây là một dãy núi, nghe đồn khi hoàng hôn xuống đấy là chốn tung hoành của những ma nữ khát máu làm chủ khu cổ mộ đổ nát trong lòng núi. Cô thấy không, tôi đã cho mồ mả vào ngay từ đầu.

Anh chu đáo quá, cô nói.

Tôi biết tuân thủ giao kèo. Đằng phía Nam là một miền cát cháy, còn phía Đông có vài thung lũng dốc đứng ngày xưa có thể từng là sông.

Tôi đoán chừng có cả kênh rạch nữa, như trên sao Hỏa?

Ờ, kênh rạch, và đủ thứ trên đời. Khắp nơi là dấu vết một nền văn minh cổ đại từng đạt tới đỉnh cao, dù vùng này giờ đây chỉ còn thi thoảng điểm xuyết vài toán lữ hành thuộc những nhóm du mục nguyên sơ. Ở chính giữa bình nguyên có một đồi đá rất to. Đất đai xung quanh cằn cỗi, có vài bụi cây còi cọc. Không hẳn là sa mạc, nhưng cũng chẳng khác nhiều. Còn bánh kẹp pho mát không?

Cô lục tìm trong túi giấy. Hết rồi, cô nói, nhưng còn một quả trứng luộc. Chưa bao giờ cô thấy vui đến thế. Mọi thứ trở lại tinh khôi, vẫn còn chờ thực hiện.

Chính xác là những gì bác sĩ khuyên dùng, anh nói. Chai nước chanh, quả trứng luộc, và Em. Anh lăn quả trứng giữa hai lòng bàn tay, đập vỏ, rồi bóc sạch. Cô nhìn ngắm miệng anh, quai hàm, đôi hàng răng.

Bên tôi hát giữa công viên thành phố, cô tiếp. Muối đây.

Cám ơn. Cái gì cô cũng nhớ.

Bình nguyên cằn cỗi này không thuộc quyền ai, anh nói tiếp. Hay đúng hơn nó là đối tượng tranh giành của năm bộ lạc, không thằng nào đủ mạnh để diệt bốn thằng kia. Mỗi bên đôi lúc lại đi qua đồi đá, trên đường chăn dắt đàn thulk – một loài vật màu xanh tựa như cừu tính tình cắm cảu – hay vận chuyển hàng hóa rẻ tiền trên lưng một thứ lạc đà ba mắt.

Đồi đá mang tên khác nhau trong từng ngôn ngữ của các bộ lạc, Điểm Rắn Bay, Đống Đá Nát, Nhà Các Bà Mụ Rú Gào, Cửa Về Quên Lãng, Hố Xương Gặm Vụn. Mỗi bộ lạc kể về nó một sự tích tương tự nhau. Dưới đồi đá kia, họ kể, có chôn một vị vua – một vị vua không có tên. Không chỉ vua, mà còn cả tàn dư của thành bang tráng lệ xưa kia ông ta cai trị. Thành bang bị hủy diệt trong một trận chiến, nhà vua rơi vào tay địch và bị treo cổ lên cây chà là để ăn mừng thắng lợi. Tới khi trăng mọc ông ta được hạ xuống đem chôn, đá chất lên là đánh dấu vị trí ấy. Những cư dân còn lại trong thành, họ đều chết cả. Bị làm thịt cả – đàn ông, đàn bà, con nít, sơ sinh, cả súc vật cũng không thoát. Kiếm xả xuống, băm thành mảnh vụn. Không sinh vật sống nào được buông tha.

Thật ghê rợn.

Chỉ cần cắm xẻng xuống đất hầu như bất cứ đâu là sẽ phơi ra một vật ghê rợn. Nhờ thế nghề này mới ăn nên làm ra, chúng tôi làm giàu được là nhờ xương, thiếu xương lấy đâu ra chuyện mà kể. Còn nước chanh không?

Không, cô nói. Chúng ta uống hết sạch rồi. Tiếp đi.

Tên thật của thành bang đã bị những kẻ chinh phục xóa sạch khỏi trí nhớ, và vì thế – theo lời những người kể chuyện – thành bang giờ chỉ còn được biết đến bằng tên đặt cho vụ hủy diệt. Đồi đá như vậy vừa là một cử chỉ ghi nhớ cố ý, mà lại cũng là một cử chỉ lãng quên cố ý. Ở vùng này các nghịch lý rất được yêu chuộng. Cả năm bộ tộc đều nhận mình là kẻ chinh phục. Cả năm đều hả hê ôn lại cuộc tàn sát. Cả năm đều tin đó là thánh ý của thần tổ bộ lạc mình, là sự điếu phạt công chính, trừ bỏ những hành vi tà đạo diễn ra trong thành này. Ác tà phải lấy máu mà rửa, họ bảo thế. Ngày hôm ấy máu đã chảy thành sông, hẳn là sau đó phải sạch sẽ vô cùng.

Mỗi mục đồng hoặc thương nhân đi qua lại đắp thêm một viên vào đồi đá. Đấy là phong tục cổ – làm thế để tưởng nhớ người chết, người thân thích của mình – nhưng vì không ai biết người nằm dưới đá kia thực sự là ai, người nào cũng chất đá lên cầu may. Để bào chữa họ lý giải rằng sự kiện xảy ra ở đây hẳn phải do ý nguyện thần tổ của mình, và như thế đặt đá vào là xưng tán ý nguyện đó.

Còn có chuyện kể rằng thực ra thành bang không bị tiêu diệt. Thay vào đó, nhờ một đạo bùa chỉ mình nhà vua biết, thành bang cùng mọi cư dân đã bị đưa đi mất, để lại những bóng ma thay thế, và quân giặc chỉ đem thiêu và giết chóc những bóng ma này. Thành bang thật thì bị thu lại rất nhỏ đặt vào hốc dưới chân đồi đá. Tất cả mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn, kể cả cung điện và các khu vườn thượng uyển đầy hoa, kể cả dân thành – nhỏ leo teo như kiến, nhưng vẫn sinh hoạt chẳng khác trước đây – mặc những áo quần nhỏ xíu, tổ chức những bữa tiệc nhỏ xíu, kể những câu chuyện nhỏ xíu và hát những bài ca nhỏ xíu.

Chỉ mình nhà vua biết chuyện đã xảy ra và hàng đêm vẫn lên cơn ác mộng, mọi người còn lại không ai biết. Họ không biết mình đã nhỏ tí teo đi như thế. Họ không biết người đời đã nghĩ mình chết rồi. Họ còn không biết mình đã được cứu thoát. Trước mắt họ tảng đá trên đầu nhìn giống như bầu trời: ánh sáng lọt vào qua khe giữa các hòn đá, và họ nghĩ đó là nắng trời.

Lá trên cây táo xào xạc. Cô nhìn lên trời, rồi nhìn xuống đồng hồ. Lạnh quá, cô nói. Mà tôi bị muộn rồi. Anh thủ tiêu mấy tang vật này đi được không? Cô nhặt nhạnh những mảnh vỏ trứng, vò nhàu giấy gói.

Cô không vội chứ hẳn? Ở đây không lạnh.

Đang có gió thổi đến từ phía sông, cô nói. Chắc gió đổi chiều. Cô nhổm lên, xoay người định đứng dậy.

Đừng đi vội, anh nói, hơi quá vội vã.

Tôi phải về thôi. Họ sẽ tìm tôi mất. Nếu tôi về muộn, họ sẽ truy xem tôi ở đâu.

Cô vuốt lại váy cho phẳng, rùng mình ôm lấy người, quay đi, những quả táo nhỏ màu xanh đưa mắt nhìn theo.

Địa cầu và Tin thư, 4 tháng Sáu, 1947
ĐÃ TÌM THẤY GRIFFEN TRONG THUYỀN

Bản tin độc quyền

Sau khi vắng mặt không rõ nguyên do mất vài ngày, thi thể nhà công nghiệp Richard E. Griffen, bốn mươi bảy tuổi, người có nhiều khả năng trở thành ứng cử viên đại diện chi đảng Bảo thủ tiến bộ quận St. David ở Toronto, đã được phát hiện gần nhà nghỉ mùa hè “Avilion” thị trấn Cảng Ticonderoga, nơi ông đang về nghỉ. Ông Griffen được tìm thấy trong thuyền, chiếc Thủy Nữ Tinh, đang neo vào cầu tàu tư trên dòng Jogues. Khám nghiệm sơ bộ cho thấy ông bị tràn mạch máu não. Cảnh sát báo cáo rằng không có nghi vấn về âm mưu ám hại nào.

Ông Griffen đã xây dựng một sự nghiệp kỳ vĩ, là ông chủ một đế quốc công nghiệp trải rộng nhiều lĩnh vực gồm cả dệt may và công nghiệp nhẹ, từng được ca tụng vì thành tích cung cấp phụ kiện đồng phục và linh kiện vũ khí cho quân đội Đồng minh trong chiến tranh. Ông thường xuyên dự các buổi gặp gỡ tại ngôi nhà ở Pugwash của nhà công nghiệp Cyrus Eaton, và là nhân vật hàng đầu ở cả câu lạc bộ Đế quốc lẫn câu lạc bộ Granite. Ông là một gôn thủ cừ khôi và là tên tuổi quen thuộc ở câu lạc bộ Thuyền buồm hoàng gia Canada. Thủ tướng chính phủ, qua điện thoại tại tư gia “Kingsmere”, đã nhận định, “Ông Griffen là một trong những con người tài năng nhất của đất nước ta. Sự ra đi của ông là một tổn thất nặng nề.”

Ông Griffen là anh rể cô Laura Chase đã quá cố, có cuốn tiểu thuyết đầu tay vừa ra mắt mùa xuân vừa qua sau khi qua đời. Tang quyến gồm có em gái, bà Winifred (Griffen) Prior, nhà hoạt động xã hội nổi danh, và vợ ông là bà Iris (Chase) Griffen, cùng với con gái mười tuổi Aimee. Tang lễ sẽ được tổ chức tại Toronto, nhà thờ Thánh tông đồ Simon vào thứ Tư tới.

Tay sát thủ mù: Ghế đá công viên

Tại sao lại có người, ở Zycron ấy? Ý tôi là người thường giống như chúng ta. Nếu là một chiều không gian khác, lẽ ra phải là thằn lằn biết nói hay gì đó chứ?

Chỉ báo lá cải mới nói vậy thôi, anh đáp. Toàn chuyện bịa cả. Thực tế là thế này: Zycron gửi người đến Trái đất định cư, do đã nắm được bí quyết du hành qua các chiều không gian khoảng vài thiên niên kỷ sau thời kỳ chúng ta đang kể. Họ đáp xuống đây vào tám ngàn năm trước. Họ mang theo rất nhiều giống cây, vì thế chúng ta mới có cam hay táo, lại chuối nữa chứ – chỉ nhìn là biết chuối là thứ từ hành tinh khác tới. Họ mang đến cả động vật, ngựa chó dê và nhiều thứ nữa. Chính họ đã kiến tạo lục địa Atlantis. Rồi họ tự làm mình nổ tung vì quá thông minh. Chúng ta là hậu duệ của đám tụt hậu.

À, cô nói. Thế là rõ cả. Tiện cho anh quá rồi.

Đáp án cấp cứu đấy. Còn về các chi tiết khác, Zycron có bảy đại dương, năm mặt trăng, ba mặt trời, kích cỡ và màu sắc khác nhau.

Màu gì? Sô cô la, va ni và dâu?

Cô nghe tôi không nghiêm túc.

Xin lỗi. Cô nghiêng đầu về phía anh. Giờ tôi đang chăm chú nghe này. Thấy chưa?

Anh tiếp: Trước cuộc hủy diệt, người ta nói thành bang ấy – ta hãy gọi bằng cái tên lúc trước, Sakiel-Norn, tạm dịch là Viên Ngọc Số Phận – là một kỳ quan thế giới. Ngay cả những kẻ tự nhận tổ tiên mình đã tiêu diệt nó, cũng vô cùng hào hứng miêu tả vẻ đẹp của đô thành. Suối tự nhiên được nắn lại cho chảy qua những đài phun chạm trổ cầu kỳ trong sân vườn lát gạch của vô số cung điện. Hoa sum sê khắp nơi, và khắp nơi chim chóc hót vang lừng. Gần quanh đô thành những đồng cỏ xanh rờn thả hàng đàn gnarr béo tròn gặm cỏ, lại thêm những vườn cây ăn trái, khóm rừng và rừng già cao vút còn chưa bị đám thương nhân đốn đi hay kẻ thù ác ý thiêu trụi. Những khe sâu khô cạn lúc ấy còn là sông; kênh tưới dẫn nước sông vào những cánh đồng quanh đô thành, và đất màu đến nỗi nghe đồn bề ngang hạt thóc đo được tới bảy phân.

Tầng lớp quý tộc ở Sakiel-Norn gọi là Snilfard. Họ là những thợ kim khí lành nghề, chế ra nhiều máy móc cơ khí tinh xảo, dựa theo những bí quyết được giữ gìn rất mật. Tới thời kỳ này họ đã phát minh ra đồng hồ, ná, máy bơm tay, dù chưa tới được động cơ đốt trong và vẫn còn vận chuyển bằng súc vật.

Đàn ông Snilfard đeo mặt nạ dệt bằng sợi bạch kim, ôm lấy cử động theo da mặt, nhưng giúp che đi cảm xúc thật của người đeo. Phụ nữ đeo mạng bằng thứ vải mềm như lụa, kéo từ kén con tằm chaz. Hình phạt cho ai không phải Snilfard mà lại dám che mặt là tội tử hình, vì chỉ có giới thượng lưu mới có đặc quyền bất khả xâm phạm hay giấu giếm. Tầng lớp Snilfard ăn mặc xa hoa, tinh thông âm nhạc và chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau để phô bày tài năng và thị hiếu của mình. Họ thêu dệt những chuyện thâm cung bí sử, mở những yến tiệc hoành tráng, và phải lòng vợ của nhau một cách cầu kỳ. Đã xảy ra nhiều cuộc thách đấu vì tình ái, dù các đức ông chồng sẽ được tán đồng hơn nếu vờ như không biết gì.

Đám tiểu nông, nông nô và nô lệ gọi chung là Ygnirod. Họ mặc áo thụng xám tồi tàn, trần một vai – đàn bà để hở cả một bên vú và, khỏi cần phải nói, là mồi ngon cho các ông chủ Snilfard. Người Ygnirod thù hận số mệnh mình, nhưng che giấu bằng cách tỏ ra đần độn. Lúc lúc họ lại dấy loạn lật đổ, để rồi bị đàn áp tàn khốc. Cùng đinh xã hội là đám nô lệ, có thể bị mua đi bán lại hay giết chết tùy hứng. Luật cấm họ đọc chữ, nhưng họ dùng đá vạch lên mặt đất trao đổi nhờ ám hiệu riêng. Lớp Snilfard thắng họ vào cày.

Nếu có ai trong tầng lớp Snilfard phá sản, người đó có thể phải xuống làm Ygnirod. Cũng có thể tránh nỗi bất hạnh đó bằng cách bán vợ con trang trải nợ nần. Ygnirod lên làm Snilfard thì hiếm hơn, bởi đường lên dốc bao giờ cũng cực hơn xuống dốc: dù có gây dựng đủ của cải và cưới được một cô vợ Snilfard cho mình hoặc con mình, vẫn cần một khoản đấm mõm kha khá, và cũng còn lâu hắn ta mới được chấp nhận vào xã hội thượng lưu.

Tôi thấy là cái Bôn sê vích của anh cuối cùng cũng xuất đầu lộ diện, cô nói. Tôi biết thế nào anh cũng tới bước đó, sớm hay muộn thôi.

Ngược lại thì có. Xã hội tôi đang mô tả dựa trên hình mẫu Lưỡng Hà cổ đại. Nó được ghi lại trong bộ luật Hammurabi, luật của người Hittite và nhiều nữa. Ít ra là một phần. Về mạng che mặt, ít nhất là thế, và bán vợ đợ con nữa. Tôi có thể dẫn số chương và điều cho cô nghe.

Thôi đừng chương với điều hôm nay, làm ơn, cô nói. Tôi không đủ sức đâu, tôi yếu lả rồi. Tôi đang héo rũ.

Đang là tháng Tám, nóng như thiêu. Hơi ẩm lảng vảng quanh họ như một lớp sương vô hình. Bốn giờ chiều, ánh sáng vàng như bơ chảy. Họ ngồi trên ghế đá công viên, không sát quá; bên trên là cây thích lá quắt queo, dưới chân đất nứt nẻ, xung quanh cỏ vàng úa. Mẩu vỏ bánh mì chim rỉa qua, giấy vò nát. Không gian còn xa mới gọi là lý tưởng. Một máy nước uống chảy ri rỉ; cạnh đó ba đứa trẻ lôi thôi lếch thếch, một con bé mặc đồ bó sát toàn thân và hai thằng bé đánh quần cộc, đang chụm đầu bàn mưu tính kế.

Áo cô mặc màu vàng anh thảo; tay cô để trần đến khuỷu, lớp lông tơ mịn màu sáng. Cô đã cởi đôi găng vải bông, vo thành một cục, hai tay run run. Anh không ngại khi thấy cô căng thẳng: anh thích nghĩ ngay từ giờ cô đã phải đánh đổi gì đó vì mình. Cô đang đội mũ nan, vành tròn như mũ bé gái; tóc kẹp sau gáy, một lọn âm ẩm tuột ra. Người ta thường cắt các lọn tóc, để dành lại, đeo trong mặt dây chuyền; hoặc nếu là đàn ông, bỏ cạnh trái tim. Anh chưa từng hiểu vì sao, cho đến giờ.

Cô nói mình đi đâu? anh hỏi.

Đi mua sắm. Nhìn túi hàng này. Tôi đã mua ít tất dài, loại tốt lắm – lụa hàng đầu đấy. Mặc vào cứ như không mặc. Cô hơi mỉm cười. Tôi chỉ có mười lăm phút thôi.

Cô đánh rơi một chiếc găng, nó nằm dưới chân cô. Anh đang để mắt canh. Nếu cô đi mà bỏ quên, anh sẽ chiếm lấy nó. Hít lấy hơi cô, khi cô vắng mặt.

Khi nào tôi gặp được cô? anh nói. Ngọn gió nóng lay động lá, ánh nắng rơi qua, phấn hoa bay khắp quanh cô, một mảng mây vàng. Thực tình thì chỉ là bụi.

Anh đang gặp tôi thôi, cô nói.

Đừng thế chứ, anh nói. Nói đi. Da trên khoảng cổ áo cô để hở sáng lên, màng mồ hôi mỏng.

Tôi chưa biết được, cô nói. Cô ngoái lại qua vai, liếc khắp công viên.

Không có ai quanh đây đâu, anh nói. Không ai quen cô cả.

Chẳng ai biết được khi nào thì có, cô nói. Chẳng ai biết được mình quen ai.

Cô nên kiếm một con chó, anh nói.

Cô bật cười. Chó à? Tại sao?

Như thế sẽ có lý do. Cô có thể dắt đi dạo. Tôi và con chó.

Con chó sẽ ghen tị với anh, cô nói. Và anh sẽ nghĩ tôi thích con chó hơn.

Nhưng cô sẽ không thích con chó hơn đâu, anh nói. Phải không?

Cô mở to mắt. Tại sao không?

Anh nói, Chó không biết nói.

Ngôi sao Toronto, 25 tháng Tám, 1975
CHÁU GÁI NỮ VĂN SĨ GẶP NẠN

Bản tin độc quyền

Aimee Griffen, ba mươi tám tuổi, con gái nhà công nghiệp tài ba Richard E. Griffen quá cố, cháu gái nữ tiểu thuyết gia tên tuổi Laura Chase, được phát hiện đã chết trong căn hộ tầng hầm phố Church thứ Tư vừa qua, bị gãy cổ sau một cú ngã. Khi tìm thấy, cô Griffen đã chết ít nhất một ngày. Hai người hàng xóm là Jos và Beatrice Kelley được báo động nhờ cháu Sabrina bốn tuổi, con của cô Griffen, vẫn thường sang nhà họ ăn khi mẹ cháu vắng mặt.

Theo lời đồn, cô Griffen đã trải qua một thời gian dài vật lộn với chứng nghiện rượu và ma túy, phải nhập viện vài lần. Cháu Sabrina đã được đưa tới chỗ bà trẻ cháu là bà Winifred Prior chăm sóc, trong thời gian chờ điều tra. Cả bà Prior lẫn mẹ của Aimee Griffen, bà Iris Griffen hiện sống ở Cảng Ticonderoga, đều không đưa ra bình luận gì.

Sự việc không may này là một minh chứng nữa cho tình trạng vô trách nhiệm của phúc lợi xã hội ở nước ta, và nhu cầu siết chặt luật pháp để tăng cường bảo vệ cho trẻ nhỏ gặp hoàn cảnh bất hạnh.

Tay sát thủ mù: Thảm dệt

Đường dây lèo rèo rồi lạo xạo. Đang có sấm, hay kẻ nào nghe lén? Nhưng đây là điện thoại công cộng, chúng không thể dò ra anh.

Anh ở đâu đấy? cô hỏi. Anh không nên gọi đến đây.

Anh không nghe được tiếng thở của cô, tiếng cô đang thở. Anh muốn cô áp ống nghe lên họng, nhưng anh sẽ không đòi làm thế, chưa đâu. Tôi ngay gần nhà cô thôi, anh nói. Cách hai khối nhà. Tôi có thể đến công viên, cái vườn hoa nhỏ ấy, có đồng hồ mặt trời ấy.

Ôi, tôi nghĩ là…

Cứ lẻn ra thôi. Bảo cô cần hít thở không khí trong lành. Anh đợi.

Tôi sẽ thử xem.

Lối vào công viên có hai trụ đá làm cổng, tứ diện mái xiên, nhìn có hơi hướng Ai Cập. Tuy nhiên không có chữ khắc ca ngợi chiến thắng, hay hình chạm nổi kẻ thù quỳ đeo xiềng. Chỉ có Cấm Lảng VảngKhông Thả Rông Chó.

Vào đây, anh nói. Tránh đèn đường.

Tôi không ở lâu được đâu.

Tôi biết. Tránh vào dưới đây. Anh nắm lấy tay cô, dẫn đường; cô run rẩy như sợi dây trong gió mạnh.

Đó, anh nói. Giờ thì không ai thấy ta. Khỏi sợ các bà già dắt chó xù.

Khỏi sợ cảnh sát vẫy dùi cui, cô nói. Cô khe khẽ cười. Ánh đèn lọt qua kẽ lá, làm tròng trắng mắt cô lóa lên. Lẽ ra tôi không nên tới đây, cô nói. Liều lĩnh quá.

Có một băng ghế gần như khuất sau lùm cây. Anh cởi áo khoác trùm lên vai cô. Vải tuýt cũ, thuốc lá đã lâu, mùi khét nhẹ. Hơi có vị muối. Da anh vừa ở đó, sát vào lớp vải, giờ đến da cô.

Thế, cô sẽ được ấm hơn. Giờ ta sẽ bất tuân luật. Ta sẽ lảng vảng[2].

Còn Thả Rông Chó thì sao?

Chúng ta sẽ bất tuân luôn cái đó. Anh không vòng tay ôm cô. Anh biết cô muốn thế. Cô đã đoán thế; cô cảm thấy trước bàn tay anh, như chim chóc cảm thấy bóng râm. Anh bận rộn quấn điếu thuốc. Anh mời cô một điếu, lần này cô nhận. Diêm đánh lên chớp nhoáng giữa bốn bàn tay chụm lại. Những đầu ngón tay màu đỏ.

Cô nghĩ, Lửa sáng chút nữa sẽ thấy tận xương. Cũng như tia X. Con người chỉ là một thứ sương mù, là nước nhuộm phẩm. Mà nước thì luôn làm gì nó thích. Bao giờ cũng lao xuống dốc. Họng cô nuốt đầy khói.

Anh nói, Giờ tôi sẽ kể về lũ trẻ.

Lũ trẻ? Lũ trẻ nào?

Khoản trả góp tiếp theo. Về Zycron, về Sakiel-Norn.

À. Phải.

Ở đó có trẻ con.

Chúng ta đâu có thỏa thuận có trẻ con.

Đấy là trẻ con nô lệ. Chúng nhất thiết phải có. Không có chúng, tôi không kể tiếp được.

Tôi không nghĩ mình muốn có trẻ con ở đó.

Cô bảo tôi dừng lại lúc nào cũng được mà. Đâu có ai bắt cô nghe. Cô có quyền đi, như cảnh sát vẫn nói khi cô gặp vận đỏ. Anh giữ giọng bình thản. Cô không lùi ra.

Anh nói: Sakiel-Norn giờ chỉ là một chồng đá, nhưng một thời nó từng là một trung tâm giao thương phồn vinh. Nó nằm ở đầu mối hội tụ ba tuyến đường xuyên lục địa: từ phía Đông, phía Tây, và phía Nam. Phía Bắc có kênh đào lớn đâm thẳng ra biển Bắc, ở đó có một hải cảng được phòng thủ vững vàng. Giờ không còn vết tích gì của những công trình đào đắp nữa: sau cuộc tru diệt, những khối đá tảng xây thành đã bị kẻ thù hoặc dân vãng lai bê đi đắp chuồng gia súc, máng nước hay những pháo đài xây vội, hoặc bị sóng gió vùi lấp dưới cát bay.

Kênh đào và cảng biển xây lên bằng công sức nô lệ, một điều chẳng mấy lạ lùng: xác nô lệ lát con đường đưa Sakiel-Norn tới thịnh vượng và hùng mạnh. Nhưng thành bang còn nổi danh vì đồ thủ công nghệ, đặc biệt là hàng dệt. Bí quyết pha thuốc nhuộm của các nghệ nhân được bảo vệ kỹ, vải dệt của đô thành ngời sáng như mật ong chảy lỏng, như nước nho nghiền tím, như chén máu bò mộng đổ loang trong nắng. Những tấm mạng tinh xảo nhẹ như tơ nhện, thảm làm ra thì nhẹ và mềm đến nỗi người ta những tưởng mình đang dẫm trên mây, thứ mây kết dạng hình hoa lá và nước chảy.

Nên thơ lắm, cô nói. Tôi ngạc nhiên đấy.

Cứ coi như một cửa hàng bách hóa đi. Đấy là những xa xỉ phẩm, xét cho cùng thì là thế. Như thế sẽ bớt nên thơ.

Thảm dệt ra đời này qua đời khác đều nhờ trẻ con nô lệ, bởi chỉ có ngón tay trẻ con mới đủ nhỏ cho những động tác tinh vi đến thế. Nhưng những giờ dài dằng dặc sít sao khiến đám trẻ lên tám hay chín là thảy mù lòa, và người bán thảm dựa vào đó mà tính toán cũng như quảng bá giá trị hàng hóa. Tấm thảm này đã khiến mười đứa trẻ mù đấy, họ rao thế. Tấm kia mười lăm đứa, tấm nữa hai mươi. Bởi giá tiền theo đó mà tăng, họ luôn luôn nói thách. Người mua thì đã quen khinh khỉnh trước những khẳng định hùng hồn đó. Chắc chỉ đến bảy đứa, chỉ mười hai, chỉ mười sáu là cùng, họ nói, tay mân mê tấm thảm. Tấm này thô như giẻ lau bát. Tấm này đúng là chăn ăn mày. Tấm này chắc gnarr làm ra.

Khi mắt đã mù, bọn trẻ sẽ bị bán cho chủ chứa, cả gái lẫn trai. Muốn được đám trẻ này phục vụ sẽ phải trả rất nhiều tiền; bàn tay chúng cực âu yếm và khéo léo, nghe đồn thế, tới nỗi dưới những ngón tay chúng có thể cảm thấy hoa đang nở, sông đang tuôn trên chính da mình.

Chúng lại cũng lành nghề bẻ khóa. Những đứa thoát thân chuyển sang nghiệp cắt cổ trong bóng tối, chúng là nguồn cung đắt giá trong thị trường giết thuê. Thính giác chúng nhạy ngoài sức tưởng tượng, chúng bước chân không ra tiếng, khe hở hẹp cỡ nào cũng lọt qua; chúng đánh hơi được đâu là người ngủ say còn đâu là kẻ chỉ đang chập chờn mơ. Chúng xuống tay nhẹ như cánh mối lướt qua cổ. Chúng thường được coi là không biết thương xót. Nhắc đến chúng là nghe khiếp hãi.

Những câu chuyện đám trẻ rỉ tai nhau – trong lúc ngồi dệt những tấm thảm bất tận, khi còn nhìn được – là về lối thoát này trong tương lai chúng. Câu châm ngôn lan truyền giữa chúng: chỉ khi mù mới được tự do.

Chuyện buồn quá, cô thì thầm. Anh kể cho tôi chuyện buồn thế làm gì.

Giờ họ đã chìm sâu hơn vào bóng tối. Tay anh rốt cuộc cũng quàng lấy cô. Tự nhiên thôi, anh nghĩ. Đừng thình lình làm tới. Anh tập trung điều hòa nhịp thở.

Tôi kể những chuyện tôi thạo kể, anh nói. Hơn nữa là chuyện cô sẽ tin. Cô sẽ không tin những lời ngọt ngào rỗng tuếch, phải không?

Ừ, tôi không tin.

Hơn nữa, chuyện này cũng không buồn tuyệt đối – một số đã thoát ra.

Nhưng chúng lại đi cắt cổ người ta.

Chúng đâu có lựa chọn khác, phải không? Chúng không thể lọt vào giữa đám buôn thảm, hay chủ nhà chứa. Chúng không có đủ vốn tư bản. Vậy là phải lãnh lấy phần bẩn thỉu thôi. Chia buồn với chúng.

Đừng nên thế, cô nói. Lỗi đâu phải tại tôi.

Cũng không phải tại tôi. Cứ coi là chúng ta chẳng trốn được tội tổ tông phạm phải.

Anh đang tàn nhẫn không cần thiết, cô lạnh nhạt nói.

Có khi nào tàn nhẫn là cần thiết? anh nói. Và đến mức nào? Cô cứ đọc báo xem, tôi đâu có bịa ra thế giới. Dù sao tôi vẫn bênh vực những kẻ cắt cổ hơn. Nếu không cắt cổ là chết đói, thì cô sẽ chọn cái nào? Hay bán trôn nuôi miệng, vẫn còn đường đó.

Giờ thì anh đi quá xa rồi. Anh đã để lộ mình tức giận. Cô gỡ mình khỏi anh. Bắt đầu rồi, cô nói. Tôi phải về thôi. Lá quanh họ xao động lo âu. Cô chìa tay ra, lòng bàn tay ngửa: có mấy giọt mưa. Tiếng sấm đã gần hơn. Cô tuột áo anh khỏi vai mình. Anh vẫn chưa hôn cô; anh sẽ không hôn cô, tối nay. Cô cảm thấy vậy, như một bản án đang đình lại.

Cô ra đứng ở cửa nhé, anh nói. Cửa sổ phòng ngủ ấy. Cứ để đèn. Chỉ cần đứng đó thôi.

Anh làm cô lo ngại. Để làm gì? Để làm gì cơ chứ?

Tôi muốn thế. Tôi muốn biết chắc cô được an toàn, anh thêm, dù chuyện này chẳng liên quan gì đến an toàn.

Tôi sẽ cố, cô nói. Chỉ một phút thôi. Còn anh ở đâu?

Dưới tán cây. Cây dẻ ấy. Cô không thấy tôi đâu, nhưng tôi sẽ ở đó.

Cô nghĩ, Anh biết cửa sổ ở đâu. Anh biết có cây gì. Chắc hẳn anh đã rình mò. Quan sát cô. Cô hơi rùng mình.

Mưa rồi, cô nói. Sắp ào ào thôi. Anh sẽ ướt mất.

Không lạnh đâu, anh nói. Tôi sẽ đợi.

Địa cầu và Tin thư, 19 tháng Hai 1998

Prior, Winifred Griffen. 82 tuổi, tại nhà ở Rosedale, sau cơn bệnh kéo dài. Khi bà Prior, nhà từ thiện đáng kính mất đi, thành phố Toronto đã mất một trong những nhà hảo tâm trung thành và kỳ cựu nhất. Là em gái nhà công nghiệp quá cố Richard Griffen và chị em thông gia với nữ tiểu thuyết gia nổi danh Laura Chase, bà Prior đã đứng trong ban quản trị Dàn nhạc giao hưởng Toronto những ngày đầu thành lập, và gần đây là cả Ủy ban tình nguyện điều hành Phòng trưng bày nghệ thuật Ontario và Hiệp hội ung thư Canada. Bà cũng hoạt động trong cả câu lạc bộ Granite, câu lạc bộ Nữ thi thần, Liên hội phụ nữ, và Liên hoan kịch nói Canada. Tang quyến còn lại cháu họ bà là Sabrina Griffen, hiện đang du hành ở Ấn Độ.

Tang lễ sẽ diễn ra vào sáng thứ Ba ở nhà thờ Thánh tông đồ Simon, tiếp đó hạ huyệt ở nghĩa trang Mount Pleasant. Thay cho hoa viếng xin quyên góp cho bệnh viện Công nương Margaret.

Tay sát thủ mù: Trái tim vẽ son

Chúng ta có bao lâu? anh hỏi.

Khá nhiều, cô nói. Hai hay ba giờ gì đó. Họ đều đi cả rồi.

Đi làm gì?

Không rõ nữa. Đi làm tiền. Mua mua bán bán. Thiện nguyện. Trăm thứ bà rằn. Cô vén một lọn tóc ra sau tai, ngồi lại cho thẳng. Cô cảm thấy mình chỉ chực sẵn, nghe huýt sáo là chạy tới. Cảm giác thật hèn mạt. Xe của ai đây? cô hỏi.

Của bạn. Tôi là một nhân vật quan trọng, tôi có bạn sở hữu xe riêng.

Anh đang nhạo tôi, cô nói. Anh không trả lời. Cô kéo kéo những ngón găng trên bàn tay. Nếu có ai thấy thì sao?

Họ chỉ thấy có cái xe. Cái xe này tã lắm rồi, nó là xe con nhà nghèo. Có nhìn thẳng vào cô họ cũng chẳng nhận thấy cô, bởi người như cô không ai nghĩ lại để bị thấy ngồi trong cái xe thế này.

Có những lúc anh chẳng ưa tôi lắm, cô nói.

Dạo này tôi ít khi nghĩ được về thứ gì ngoài cô, anh nói. Nhưng ưa lại là chuyện khác. Muốn ưa được cần thời gian. Tôi không đủ thời gian để ưa cô. Tôi không tập trung làm thế được.

Ở đây không được, cô nói. Có biển kia.

Biển không dành cho những người như ta, anh nói. Đây này – xuống đây.

Con đường hẹp như rãnh cày. Giấy ăn vứt đi, vỏ kẹo cao su, bao dùng rồi như bong bóng cá. Chai lọ giữa sỏi, bùn khô đã nứt rồi mủn ra. Cô đã tính nhầm khi đi giày ấy, đôi gót ấy. Anh nắm tay cô, giữ cho vững. Cô tránh đi.

Đây chẳng khác gì đồng trống ấy. Sẽ có người thấy.

Người nào thấy? Ta đang ở dưới chân cầu.

Cảnh sát. Đừng. Chưa được.

Cảnh sát không rình rập giữa ban ngày ban mặt đâu, anh nói. Chỉ vào ban đêm thôi, còn chĩa đèn pha tìm quân đồi bại không kính Chúa.

Hay là đám vô gia cư, cô nói. Bọn điên dở.

Đây này, anh nói. Tít dưới đây. Trong bóng râm ấy.

Liệu có dây sơn độc không?

Không có tí nào đâu. Thề đấy. Không có cả vô gia cư lẫn điên dở luôn, trừ tôi.

Làm sao anh biết? Cây sơn độc ấy. Anh từng đến đây rồi à?

Đừng lo lắm thứ thế, anh nói. Nằm xuống nào.

Đừng. Anh làm rách mất. Đợi đã.

Cô nghe thấy giọng chính mình. Đó không phải giọng cô nữa, nghe như hụt hơi.

Có một trái tim vẽ son trên nền xi măng, khoanh vòng bốn chữ cái. Nối bằng một chữ Y: Y nghĩa là Yêu. Chỉ những người liên quan mới biết là tên ai, biết họ đã ở đây, biết họ đã làm chuyện ấy. Tuyên xưng ái tình, giấu nhẹm các tiểu tiết.

Bên ngoài trái tim, lại bốn chữ nữa, như bốn điểm chỉ hướng trên la bàn:

F          U

C         K

Chữ bị xé toang, banh rộng: địa thế của nhục dục, bất nhẫn không thương xót.

Miệng anh mùi khói, miệng cô vị muối, còn tứ bề, mùi cỏ bị xéo nát và mèo, mùi những góc khuất bị khinh rẻ. Hơi ẩm và cây cỏ, đất lấm trên đầu gối, cáu ghét bên xanh tươi; những bông bồ công anh mảnh khảnh vươn về ánh sáng.

Bên dưới chỗ họ nằm, những gợn sóng lăn tăn. Bên trên, những cành xanh lá, dây leo nở hoa tim tím; những trụ cầu cao nghều đâm lên, những dầm cầu sắt, bánh xe lăn ngang trên đầu; trời xanh cắt thành từng vệt. Đất cứng dưới lưng cô.

Anh vuốt ve trán cô, lần ngón tay dọc gò má. Em đừng nên thờ phụng tôi, anh nói. Tôi không sở hữu con cu duy nhất trên toàn thế giới. Sớm muộn gì em cũng hiểu.

Vấn đề không phải thứ đó, cô nói. Mà đằng nào em cũng không thờ phụng anh. Chưa chi anh đã đẩy cô ra xa, vào tương lai cách biệt.

Thứ gì cũng thế, em sẽ còn được nhiều hơn, một khi tôi không còn quấy rầy em.

Nghĩa là sao? Anh đâu có quấy rầy em.

Là sau đời này còn có đời khác, anh nói. Khi đời ta đã qua.

Mình nói chuyện khác đi.

Được rồi, anh nói. Em nằm lại xuống đi. Gối đầu lên đó. Đẩy cái áo ẩm ướt sang bên. Một tay vòng qua người cô, tay kia lần túi tìm thuốc lá, rồi quẹt diêm bằng móng tay. Tai cô áp vào chỗ hõm trên cổ anh.

Anh nói, Ta đến đâu rồi nhỉ?

Người dệt thảm. Đám trẻ mù.

À phải. Nhớ ra rồi.

Anh nói: Cảnh phồn vinh của thành Sakiel-Norn xây dựng trên lưng nô lệ, đặc biệt là đám trẻ nô lệ đã dệt ra thứ thảm trứ danh. Nhưng nhắc tới nó là điều kiêng kỵ. Tầng lớp Snilfard khẳng định sự trù phú của họ có được không phải nhờ nô lệ, mà nhờ đức hạnh và trí tuệ của vương triều – nói cách khác, nhờ những lễ vật rất hậu dâng lên thần thánh.

Có rất lắm loại thần. Thần thánh luôn đem lại nhiều tiện lợi, có thể dùng bào chữa hầu hết mọi điều, và thần linh ở Sakiel-Norn cũng không phải ngoại lệ. Các thần là loài ăn thịt; họ thích hiến tế súc vật, nhưng máu người mới là thứ quý giá hơn cả. Khi thành bang dựng lên, từ cái ngày xửa ngày xưa đã đi vào truyền thuyết, tương truyền chín người cha sùng mộ đã dâng chính con đẻ mình, đem chôn dưới chín cổng thành làm thần gác cổng.

Có hai cổng thành mỗi hướng Đông Tây Nam Bắc, một cửa ra và một cửa vào: ra cùng một lối đã vào là cầm chắc sẽ chết yểu. Cổng thứ chín là một phiến cẩm thạch đặt nằm trên đỉnh ngọn đồi chính giữa thành; nó mở mà không dời chỗ, nó xoay giữa cõi sống và cõi chết, giữa xác phàm và linh hồn. Đó là cánh cổng cho các vị thần đến và đi; họ không cần đến hai cửa, bởi khác với người trần, họ có thể ở hai bên cửa cùng một lúc. Những nhà tiên tri thành Sakiel-Norn có câu: Đâu là hơi thở đích thực của con người – khi hít vào hay khi thở ra? Bản chất của thần linh là vậy đấy.

Cánh cổng thứ chín cũng là bàn thờ, nơi máu hiến tế đổ ra. Đồng nam được dâng cho nam thần Ba Mặt Trời, cai quản ban ngày, ánh sáng, cung điện, yến tiệc, lò thiêu, chiến trận, rượu, lối vào, lời nói; đồng nữ cho nữ thần Năm Mặt Trăng, bảo hộ màn đêm, sương mù và bóng tối, nạn đói, hang động, sinh nở, lối ra, im lặng. Đồng nam bị đập dập đầu bằng chùy trên bàn thờ rồi quăng vào miệng thần, rơi thẳng xuống lò thiêu bùng cháy. Đồng nữ bị cắt cổ cho máu chảy hết, để nuôi cho đầy lại năm mặt trăng đang kỳ khuyết, để chúng không mòn mất và vĩnh viễn biến đi.

Chín thiếu nữ được hiến sinh hàng năm, tưởng nhớ chín cô bé chôn dưới cổng thành. Họ được mệnh danh “nữ tỳ của thần thái âm”, và người ta dâng lên họ lời nguyện cầu, hoa và hương trầm để họ cầu xin với thần thay mặt người sống. Ba tháng cuối năm được gọi là “những tháng không mặt”; đó là những tháng mùa màng không mọc, vì nữ thần tịch cốc. Trong thời kỳ này thần Mặt trời – chiến trận và lò thiêu tung hoành khắp nơi, các bà mẹ cho con trai mình ăn mặc giả gái để bảo vệ chúng.

Theo luật định những gia tộc Snilfard đứng đầu phải đưa ra ít nhất một người con gái họ mình để hiến sinh. Nhưng tế vật bị vấy bẩn hay khuyết tật sẽ là phạm thượng với nữ thần, và dần dà tầng lớp Snilfard bắt đầu cắt xẻo các cô bé để được tha: một ngón tay hay một dái tai, những bộ phận nho nhỏ kiểu ấy. Rất nhanh việc cắt xẻo chỉ còn mang tính biểu tượng: một hình xăm vuông màu xanh trên xương quai xanh. Đàn bà không phải Snilfard mà mang dấu hiệu đẳng cấp riêng như vậy là đáng tội tử hình, nhưng các chủ chứa, luôn luôn thèm muốn thêm lợi lộc, nghĩ ra cách dùng mực tô lên những cô điếm trẻ nhất biết tỏ ra bắc bậc kiêu kỳ. Đó là món hàng quyến rũ với những kẻ muốn được cảm thấy đang cưỡng gian một tiểu thư huyết thống Snilfard cao quý.

Cũng vào thời kỳ đó, tầng lớp Snilfard bắt đầu thói quen nhận con nuôi – phần lớn là con của các nữ nô với chủ nhân – đem hiến thay con gái hợp pháp của mình. Làm thế là lách luật, nhưng những gia tộc lớn vốn rất quyền uy, nên giới chức sắc lờ đi cho họ.

Rồi những gia tộc đó còn chây lười hơn nữa. Họ không muốn bỏ công nuôi những đứa con gái ấy lớn lên trong nhà mình, nên họ chỉ đơn giản trao cô bé cho đền thờ nữ thần, kèm số tiền hậu hĩnh trả công chăm sóc. Bởi cô bé vẫn mang tên gia tộc, gia tộc được ghi nhận là đã hiến sinh. Cũng như nay ta bỏ tiền bao ngựa đua. Nghi lễ đã suy đọa đi nhiều so với nguồn gốc cao quý ban đầu, nhưng đến thời ấy, ở Sakiel-Norn, mọi thứ đều đem ra buôn bán.

Các cô bé cống vật bị nhốt trong khu đền, được nhồi đồ ăn ngon lành để vỗ cho khỏe mạnh béo tốt, và huấn luyện nghiêm cẩn để chuẩn bị cho ngày trọng đại – các cô phải đủ sức hoàn thành bổn phận một cách đoan trang, không mè nheo rên rỉ. Lễ hiến tế lý tưởng phải như một vũ điệu, theo lý thuyết: đường bệ và êm ái, hòa hợp và uyển chuyển. Họ không phải là súc vật, không thể bị mổ thịt một cách dã man; phải là họ tự nguyện dâng mạng sống của mình. Rất nhiều cô trong số đó tin vào những điều được dạy: rằng cuộc sống thanh bình của cả vương quốc phụ thuộc vào sự hiến thân của họ. Họ bỏ hàng giờ cầu nguyện, dọn mình; họ được dạy bước đi mắt nhìn xuống đất, mỉm cười sầu muộn dịu dàng, ca những bài ca của nữ thần về vắng mặt và im lặng, về tình yêu không đền đáp và tiếc nuối không nói ra, về sự không lời – bài ca về việc không thể hát.

Năm lại năm qua. Giờ chỉ còn rất ít người thực sự coi trọng thánh thần, và kẻ nào quá sức mộ đạo trong tâm tưởng cũng như nghi thức đều bị coi là thần kinh. Những nghi lễ cổ vẫn được dân thành tiếp tục bởi đã quen làm vậy trước nay, nhưng không còn là mối quan tâm chính nữa.

Dù sống trong cảnh biệt lập, cũng có những cô bé nhận ra mình đang bị giết để bôi trơn một tín ngưỡng đã phai tàn. Một số toan bỏ chạy khi đối mặt với lưỡi dao. Số khác rú rít khi bị nắm lấy tóc mà đè ngửa trên phiến đá bàn thờ, nhưng cũng có một số lên tiếng nguyền rủa nhà vua, người luôn đảm trách vai trò chủ tế nghi lễ. Thậm chí một cô còn cắn ông ta. Những cơn kinh sợ hay điên giận bột phát kiểu đó khiến dân thành căm ghét, bởi làm thế sẽ mang vận rủi khủng khiếp đến kinh thành. Hoặc biết đâu sẽ đến, ấy là nếu nữ thần có tồn tại. Dù gì những vụ cuồng loạn ấy cũng làm hỏng cả không khí lễ hội: người người đều chuộng các dịp hiến sinh, kể cả Ygnirod, kể cả nô lệ, bởi ngày đó họ sẽ được nghỉ và uống say mèm.

Vậy là có thêm phong tục mới, cắt lưỡi các cô bé ba tháng trước khi tới ngày hiến sinh. Đây không phải là khuyết tật, các thầy tế nói, mà là cải thiện – còn gì thích hợp hơn với những nô tỳ phục vụ nữ thần cai quản sự lặng yên?

Cứ thế, không còn lưỡi, người căng phồng những lời lẽ không còn có thể thốt ra, mỗi cô bé sẽ được rước đi trong tiếng nhạc trang nghiêm, trùm mạng kín mình, tràng hoa quấn cổ, theo cầu thang xoắn lên tới cổng thành thứ chín. Tới thời này em có thể nói trông họ giống như một cô vợ thượng lưu được cưng chiều.

Cô ngồi dậy. Cái đó thật không cần thiết, cô nói. Anh muốn đả kích tôi. Anh chỉ khoái thủ tiêu mấy cô bé tội nghiệp đó trong tấm mạng cô dâu. Tôi cá tất cả họ đều tóc vàng.

Không phải đả kích em, anh nói. Không hẳn thế. Mà dù sao tôi cũng đâu có bịa ra từ đâu đến cuối, nó có cội rễ vững chắc trong lịch sử. Người Hittite…

Tôi biết rồi, nhưng dù sao nó cũng làm anh sướng rỏ dãi. Anh chứa đầy hận thù – không phải, đầy ganh tị, Chúa mới hiểu vì sao. Tôi thèm vào biết người Hittite hay lịch sử hay cả mớ đó – chỉ giỏi ngụy biện.

Khoan một chút nào. Em đã phê chuẩn các cô trinh nữ hiến sinh, tự em chọn lấy trong thực đơn cơ mà. Tôi chỉ bưng lên những món em gọi. Em không thích cái gì – phục sức ư? Khăn voan nhiều quá à?

Chúng ta đừng cãi nhau, cô nói. Cô cảm thấy mình sắp khóc, cô nắm chặt tay để khỏi bùng ra.

Tôi không cố tình chọc tức em. Lại đây nào.

Cô gạt tay anh ra. Đúng là anh cố tình chọc tức tôi. Anh khoái chí vì biết mình làm được.

Tôi cứ nghĩ em sẽ thấy thú vị. Khi nghe tôi biểu diễn. Tung hứng các tính từ. Đóng vai hề cho em vui.

Cô vuốt phẳng váy xuống, nhét áo vào trong. Các cô bé bị giết trong tấm mạng cô dâu, thế mà tôi lại thấy thú vị à? Lưỡi bị cắt nữa chứ. Anh hẳn nghĩ tôi là quỷ dạ xoa.

Tôi rút lại vậy. Tôi sẽ thay đổi. Tôi viết lại lịch sử vì em. Thế nào?

Anh không thể làm được, cô nói. Lời đã thốt ra rồi. Nửa câu anh cũng không rút lại được. Tôi đi đây. Giờ cô đã chống chân quỳ lên, chuẩn bị đứng dậy.

Còn nhiều thời gian lắm. Nằm xuống đã. Anh nắm khuỷu tay cô.

Không. Bỏ ra. Nhìn xem mặt trời xuống rồi. Họ sắp về. Tôi có thể bị rắc rối, dù chắc với anh thì cái đó chẳng phải là rắc rối nữa, tẹp nhẹp quá mà. Anh đâu cần biết – anh chỉ thèm có… thèm có…

Nào, nói toẹt ra đi.

Anh hiểu tôi định nói gì, cô nói giọng mệt mỏi.

Không phải thế. Tôi xin lỗi. Tôi mới là quỷ dạ xoa, tôi đã đi quá đà. Dù sao cũng chỉ là chuyện kể thôi mà.

Cô tì trán vào đầu gối. Một phút sau cô nói, Rồi em sẽ làm gì đây? Sau này – khi anh không còn đây nữa?

Em sẽ vượt qua, anh nói. Em sẽ sống. Nào, anh sẽ phủi cho em sạch.

Không sạch nổi đâu, nếu chỉ phủi đi.

Cài cúc áo lên nào, anh nói. Đừng buồn nhé.

Bảng tin hội gia đình – trường học – cựu học sinh trường trung học Đại tá Henry Parkman, Cảng Ticonderoga, tháng Năm 1998.
SẮP TRAO GIẢI TƯỞNG NIỆM LAURA CHASE

Myra Sturgess,
Phó chủ tịch Hội cựu học sinh

Trường trung học Đại tá Henry Parkman mới được tặng một quỹ giải thưởng vô cùng giá trị, theo di chúc hào phóng của bà Winifred Griffen Prior ở Toronto vừa tạ thế, em gái ngài Richard E. Griffen đáng kính sẽ được tưởng nhớ vì vẫn thường về nghỉ hè ở Cảng Ticonderoga và rất yêu thích dong thuyền trên dòng sông thị trấn ta. Mang tên Giải tưởng niệm Laura Chase về sáng tác văn học, giải thưởng trị giá hai trăm đô la này sẽ được trao cho học sinh năm cuối có truyện ngắn xuất sắc nhất, theo quyết định của hội đồng gồm ba thành viên Hội cựu học sinh, dựa trên giá trị văn học cũng như cả đạo đức. Thầy hiệu trưởng Eph Evans phát biểu: “Chúng ta vô cùng biết ơn bà Prior đã nhớ đến trường ta trong số vô vàn người khác chịu ơn bà.”

Đặt tên theo nữ tác giả danh tiếng Laura Chase người gốc thị trấn ta, giải thưởng lần thứ nhất sẽ được trao trong lễ tốt nghiệp tháng Sáu này. Chị gái tác giả, bà Iris Griffen thuộc gia đình Chase vốn đã đóng góp rất nhiều cho thị trấn những ngày đầu thành lập, đã vui lòng chấp thuận lên bục trao giải cho quán quân may mắn, và chỉ còn vài tuần nữa thôi, vậy quý vị hãy bảo con cái mình xắn tay áo lên mà viết những thứ để đời!

Hội cựu học sinh sẽ tài trợ một buổi tiệc trà trong nhà thể chất ngay sau lễ tốt nghiệp. Vé liên hệ Myra Sturgess ở Nhà Bánh Ngọt, toàn bộ tiền thu được dành may đồng phục mới đang rất cần thiết cho đội bóng đá! Khuyến khích mọi người mang góp bánh nhà làm, xin đề rõ nếu có dùng hạt dẻ.

III

Buổi phát thưởng

Sáng nay tôi thức dậy trong cơn sợ ngạt thở. Ban đầu tôi không xác định được vì sao, nhưng rồi nhớ ra. Hôm nay sẽ cử hành lễ.

Mặt trời đã lên, phòng chưa gì đã quá nóng. Ánh sáng thấu vào qua rèm lưới, treo lửng lơ giữa không trung, như chất lắng trong hồ. Đầu tôi nặng như một bịch bùn nhão. Trong áo ngủ còn ẩm ướt vì nỗi kinh hoảng nào đó đã bị gạt qua một bên như cành lá, tôi dựng mình dậy và lê khỏi cái giường bừa bộn, rồi ép mình hoàn thành bộ nghi thức bình minh – thứ nghi lễ ta thực hiện để khiến mình trông có vẻ tỉnh trí và khả dĩ trước mắt mọi người. Tóc phải vuốt cho mượt sau khi đã dựng đứng lên vì hồn ma bóng quế nào đó trong đêm, ánh nhìn ngơ ngác không tin phải rửa cho sạch khỏi mắt. Răng đánh kỹ, dù trông ra sao. Chúa biết được tôi đã gặm thứ xương gì trong giấc ngủ.

Rồi tôi bước vào dưới vòi sen, bám chặt thanh vịn Myra ép tôi mua, cẩn trọng không đánh rơi miếng xà phòng – tôi rất cảnh giác sợ trượt chân. Tuy thế, cơ thể cũng cần xối nước, để gột cho mùi tăm tối ban đêm sạch khỏi da. Tôi ngờ mình bốc một thứ mùi bản thân không còn nhận ra – hỗn hợp khăm khẳm từ thịt ôi và thứ nước giải người già đùng đục.

Lau khô, thoa dầu rồi đánh phấn, xịt nước thơm ngang xịt thuốc diệt mốc sương, thế là tôi có thể tạm coi là hồi phục. Chỉ có điều vẫn còn cảm giác không trọng lượng, hay đúng hơn là cảm giác sắp bước hụt ra ngoài vách đá. Mỗi lần nhấc một chân lên tôi ướm thử rồi mới đặt, cứ như sàn sắp tụt dưới chân. Chẳng có gì ngoài sức căng mặt ngoài giữ tôi đứng vững.

Mặc quần áo vào cũng đỡ hơn đôi chút. Tôi không dám tự tin nếu không có bộ khung. (Nhưng mà quần áo thực của tôi đâu rồi? Hẳn nhiên những thứ đồ màu nhạt bèo nhèo này, đôi giày chỉnh hình này phải là của ai khác. Nhưng chúng là của tôi; tệ hơn nữa, giờ chúng vừa với tôi.)

Giờ đến cầu thang. Tôi luôn kinh sợ sẽ ngã lộn nhào xuống đó – gãy cổ, nằm thẳng cẳng phơi đồ lót, rồi tan thành một vũng ung thối trước khi có kẻ nào có sáng kiến đến tìm tôi. Chết như thế quá ư không đẹp mắt. Tôi dò từng bậc một, bám chắc lấy tay vịn; rồi dọc hành lang tới bếp, những ngón tay trái khẽ lướt trên tường như ria mèo. (Tôi vẫn nhìn được, nói chung. Tôi vẫn đi được. Hãy cảm tạ từ những ân huệ nhỏ, Reenie hẳn sẽ nói. Việc gì phải thế? Laura hỏi. Sao các ân huệ lại nhỏ như vậy?)

Tôi không muốn ăn sáng. Tôi uống một cốc nước, và tiêu sầu bằng cách rung đùi. Đến chín giờ rưỡi Walter qua đón tôi. “Nực thế này đủ chưa bà?” cậu ta hỏi, câu mở đầu trăm lần như một. Mùa đông sẽ là cóng thế này. Ướtkhô khi xuân và thu tới.

“Cậu hôm nay thế nào, Walter?” tôi hỏi, cũng như mọi lần.

“Cố gắng tránh không nghịch dại,” cậu ta trả lời, cũng như mọi lần.

“Lũ chúng ta còn mong được gì hơn thế,” tôi nói. Cậu ta cười theo lối riêng của mình – mặt nứt ra thành kẽ mảnh, như bùn khô – mở cửa xe, rồi ấn tôi vào băng sau. “Ngày trọng đại hửm?” cậu nói. “Cài dây an toàn đi, không là cháu bị bắt cũng nên.” Cậu ta nói cài dây an toàn đi bằng giọng bông đùa; cậu ta đủ tuổi nhớ những ngày xưa, những ngày còn thoải mái. Thời trẻ cậu ta từng là một trong những cậu trai lái xe với khuỷu tay tựa ra ngoài cửa sổ, tay kia đặt trên đùi bạn gái. Cũng hơi bàng hoàng khi nhớ rằng bạn gái ấy là Myra chứ chẳng ai vào đây.

Cậu ta điệu nghệ đánh xe khỏi lề đường và chúng tôi phóng đi trong lặng yên. Vóc người to lớn, cậu Walter ấy – vuông vắn, như hòn đá tảng chân cột, cái cổ giống như cái vai thứ ba thì đúng hơn; cậu tỏa ra mùi không phải là không dễ chịu, mùi giày da đi mòn lẫn với xăng xe. Nhìn áo sơ mi kẻ ca rô và mũ bóng chày tôi đoán cậu không định dự buổi lễ tốt nghiệp. Cậu không đọc sách, như thế tiện cho cả hai chúng tôi: bằng vào những gì cậu hiểu thì Laura là em gái tôi và thật đáng buồn là nó đã chết, chấm hết.

Lẽ ra tôi nên lấy một người như Walter. Tay chân khéo léo.

Không phải: lẽ ra tôi chẳng nên lấy ai. Như thế sẽ đỡ đi lắm phiền hà.

Walter đậu xe trước cửa trường học. Trường xây kiểu hiện đại hậu chiến, năm mươi năm tuổi nhưng với tôi vẫn còn mới mẻ: tôi vẫn không quen được với vẻ bằng phẳng nhạt nhẽo này. Trông ngôi trường như một thùng đóng hàng. Đám thiếu niên cùng cha mẹ đang tràn ra trên vệ đường, trên bãi cỏ, qua cổng trước, ăn mặc đủ màu sắc mùa hè. Myra đã đứng chờ chúng tôi, hú gọi từ trên bậc tam cấp, váy dài trắng phủ những đóa hồng đỏ to đùng. Đàn bà mông nở không nên mặc đồ in hoa to. Không thể không nhớ tiếc đai nịt bụng, tuy không phải tôi muốn chúng hồi sinh. Cô ả vừa mới làm đầu, những lọn bạc sấy quăn tít trông như tóc giả của một trạng sư Anh quốc.

“Anh đến muộn rồi,” cô bảo Walter.

“Anh đâu có muộn,” Walter đáp. “Nếu anh muộn, thì là vì mọi người đến sớm, có thế thôi. Chẳng có lý do gì bắt bà ngồi chờ đến cóng cả chân.” Hai người này có thói quen nói về tôi như người vắng mặt, cứ như tôi là trẻ con hay chó mèo.

Walter trao cánh tay tôi vào vòng giám hộ của Myra và chúng tôi lên bậc cửa trước như đang thi chạy hai người ba chân. Tôi cảm thấy mình như bàn tay Myra chắc đang cảm thấy: một cái xương quay tay dễ gãy, bọc lỏng lẻo trong cháo yến mạch đầy gân. Đáng ra nên mang cây gậy chống theo, nhưng tôi không thấy có triển vọng lôi nó lên sân khấu với mình. Rồi chắc chắn sẽ có kẻ ngã chổng vó.

Myra đưa tôi vào hậu trường và hỏi có cần đi nhẹ không – cô nàng rất giỏi nhớ chuyện đó – rồi đặt tôi ngồi trong phòng thay đồ. “Bà cứ ngồi yên chỗ thôi,” cô dặn. Rồi hối hả đi, mông nảy tưng tưng, để coi sóc cho mọi thứ đâu vào đấy.

Tấm gương phòng thay đồ lắp đầy những bóng đèn tròn nhỏ viền quanh, như trong nhà hát; ánh sáng nhuận sắc cho hình người trong gương đến khéo, nhưng tôi không bị lừa: trông tôi ốm yếu, da trắng nhợt cắt không ra máu, như thịt ngâm nước lâu ngày. Đây là do sợ, hay bệnh thật rồi? Chắc chắn là tôi không thấy mình tuyệt đối khỏe khoắn.

Tôi tìm lược, quệt mấy nhát chiếu lệ trên đỉnh đầu. Myra không ngớt dọa sẽ vác tôi đến chỗ “con em cháu”, ở chỗ cô vẫn còn gọi là Trung Tâm Thẩm Mỹ – tên chính thức của nó là Cảng Tóc, đèo thêm cái đuôi Unisex cho khuyến khích – nhưng tôi vẫn không ngớt cưỡng lại. Ít ra tóc tôi vẫn còn đúng là của tôi, dù nó bờm xờm dựng lên như vừa bị điện giật. Bên dưới có thể thoáng nhìn thấy da đầu, hồng nhờn nhợt như chân chuột nhắt. Nếu có bao giờ tôi lọt vào gió mạnh, tóc tôi sẽ bay sạch như hạt bồ công anh, chừa lại cái đầu trọc lồi lõm sẹo.

Myra để lại cho tôi một cái bánh xốp sô cô la đặc biệt tự tay làm, có phết kem nhân buổi tiệc trà cựu học sinh – một thanh vữa phủ bùn lỏng màu ca cao – và bình nhựa nắp vặn đựng thứ cà phê khét tiếng chua như pin chảy. Tôi không ăn cũng không uống được, nhưng trời sinh ra toa lét để làm gì? Tôi cũng chừa lại ít vụn bánh nâu nâu cho thuyết phục.

Rồi Myra sầm sập chạy vào xốc tôi lên và dẫn tôi ra, và tay tôi được ông hiệu trưởng cầm lắc lắc, và tôi được cho biết tôi đến được đây thật quý hóa quá; rồi tôi được giao qua ông hiệu phó, chủ tịch Hội cựu học sinh, tổ trưởng tổ Anh văn – một bà mặc áo vét quần âu – đại diện Phòng thương mại trẻ, rồi chót cùng là nghị sĩ của thị trấn, loại người này sẽ phát rồ phát dại nếu lỡ mất dịp hay ho nào. Tôi chưa từng thấy nhiều hàm răng trắng bóng trưng ra như thế kể từ thời Richard còn thênh thang quan lộ.

Myra hộ tống tôi tới tận ghế đại biểu, trước khi thì thầm vào tai, “Con đứng ngay trong cánh gà.” Dàn hợp xướng trường bắt nhịp giữa những tiếng rít và nốt phô, và tất cả cùng hát “Canada hỡi!”, một bài tôi không bao giờ thuộc vì người ta liên tục thay lời. Giờ đây một phần bài quốc ca dùng tiếng Pháp, một chuyện ngày xưa không ai hình dung nổi. Chúng tôi ngồi xuống, sau khi khẳng định xong lòng tự hào tập thể vì một thứ không đọc nổi tên.

Rồi viên mục sư trường mở đầu lời cầu nguyện, giảng giải cho Chúa nghe những khó khăn chưa từng thấy đang đón chờ giới trẻ hôm nay. Chắc Chúa không phải lần đầu nghe phải thứ này, và chắc hẳn cũng chán ngấy y như khán giả. Rồi số còn lại thay nhau lên tiếng: năm cuối thế kỷ hai mươi, tống cựu nghênh tân, công dân thế hệ tương lai, tay xuôi truyền lại cho các em vân vân. Tôi mặc đầu óc mình phiêu bạt; tôi đủ khôn mà hiểu đòi hỏi duy nhất với mình là không làm trò lố trên sân khấu. Không khác gì những ngày tôi ở bên lễ đài, hoặc trong bữa tối lê thê nào đó, cạnh Richard, im miệng hến. Nếu có ai hỏi đến, mà cũng hiếm xảy ra, tôi đáp sở thích của mình là vườn tược. Khá lắm thì cũng là nửa sự thực, nhưng cũng đủ nhàm để được gật đầu thừa nhận.

Tiếp theo đó là các em vừa tốt nghiệp nhận bằng. Chúng lần lượt tiến lên, nghiêm trang và rạng rỡ, đứa lớn đứa nhỏ, nhưng ai cũng đẹp một vẻ chỉ có người trẻ mới đẹp được như thế. Ngay cả những đứa xấu nhất cũng đẹp, ngay cả những đứa cau có, những đứa béo phì, ngay những đứa mặt mụn. Chúng không đứa nào hiểu được điều ấy – hiểu chúng đẹp đến thế nào. Nhưng bất kể vậy chúng vẫn khiến tôi bực mình, đám trẻ ấy. Dáng điệu chúng nhìn đến khó chịu, và cứ xét từ những bài hát mà chúng quen nức nở rền rĩ thì đối với chúng câu cắn răng mà chịu đã xuống mồ cùng với điệu foxtrot. Chúng không hiểu được mình may mắn đến thế nào.

Chúng hầu như không nhìn sang tôi. Trước mắt chúng hẳn tôi khá cổ lỗ, nhưng tôi đồ rằng tất cả mọi người đều không tránh khỏi phận biến thành cổ lỗ trong mắt đám trẻ hơn. Cho đến khi máu đổ ra sàn, tất nhiên. Chiến tranh, dịch hạch, giết người, mọi dạng thử lửa hay bạo lực, đấy là những thứ chúng kính nể. Có máu, nghĩa là ta nói chuyện nghiêm túc.

Sau đó đến các giải thưởng: Vi tính, Vật lý, gì đó, Kinh doanh, Văn học Anh, một thứ tôi không nghe kịp. Rồi người ở Hội cựu học sinh hắng giọng xổ ra một tràng sùng mộ về Winifred Griffen Prior, nữ thánh giáng trần. Người ta trơn mồm mép biết mấy khi có hơi tiền hơi bạc! Tôi đoán con mẹ già đã hình dung tất cả từ đầu khi lập chúc thư tài trợ, dù khoản ấy bủn xỉn có từng này. Mụ đã biết tôi sẽ được yêu cầu có mặt; mụ muốn tôi co giật trước mắt cả thị trấn soi mói trong khi lòng rộng rãi của mụ được tung hô. Hãy tiêu khoản này mà tưởng nhớ đến ta[3]. Tôi ghét nhất làm cho mụ khoái chí, nhưng không thể phủi tay mà không tỏ ra khiếp sợ hoặc tội lỗi, hoặc bàng quan. Hoặc tệ hơn nữa: bội bạc.

Và bây giờ đến lượt Laura. Ông nghị viên tự đảm nhận lấy vinh dự đó: sẽ cần tài ăn nói ở đây. Gốc gác địa phương của Laura được nhắc qua, rồi lòng can đảm, rồi quyết tâm “hiến mình cho mục tiêu đã định”, bất kể ý ông ta là gì. Không một lời về hoàn cảnh cái chết của nó, dù dân thị trấn trăm người như một đều tin – bất chấp phán quyết sau điều tra – rằng chuyện đó cũng giống với tự tử như mẹ kiếp giống với chửi thề. Và tịnh không một lời về cuốn sách, mà đảm bảo là hầu hết họ đều nghĩ tốt hơn nên quên đi cho nhanh. Cho dù người ta không quên, ở đây thì không: sau năm chục năm nó vẫn phảng phất mùi lưu huỳnh, vẫn xếp vào hàng cấm vật. Chuyện khá khó hiểu, theo ý tôi: về phương diện dâm ô nó đã quá cũ kỹ, ngôn từ tục tĩu thì không còn chữ nào không đầy đường đầy phố ngày nay, tình dục thì phải đạo như vũ nữ múa quạt – gần như đồng bóng nữa, như mấy cái nịt giữ tất.

Thời ấy tất nhiên lại là chuyện khác. Bản thân cuốn sách không phải thứ người ta nhớ, hoặc cũng thua xa nhớ về cơn thịnh nộ đương thời: trong các nhà thờ mục sư kết án nó là tà dâm, không phải chỉ ở thị trấn tôi; thư viện công cộng buộc phải hạ nó khỏi giá, hiệu sách duy nhất trong thị trấn không chịu nhập về. Còn nghe xì xào tin kiểm duyệt. Dân tình giấu giếm tới Stratford hay London hay tận Toronto, kiếm lấy một cuốn cho mình lén lút, như hồi đó người ta vẫn làm với bao cao su. Về tới nhà họ kéo rèm ngồi đọc, người bất bình, kẻ nhấm nháp, người ngốn ngấu và hí hửng – ngay cả những kẻ chưa bao giờ định lật một cuốn tiểu thuyết quá trang bìa. Chuyện bẩn thỉu là cách khuyến khích xóa mù tốt nhất.

(Tất nhiên cũng có vài lời bày tỏ cảm thông. Tôi không đọc hết được – với tôi chưa đủ là một chuyện. Nhưng cô bé tội nghiệp còn trẻ quá. Có lẽ cô sẽ tiến bộ hơn ở cuốn sau, nếu chưa bị mang đi. Họ chỉ khen được đến cỡ đó là hết.)

Họ mong nhận gì từ cuốn sách? Dâm dật, tục tĩu, khẳng định những ngờ vực đen tối của họ. Nhưng cũng có thể một số, dù không tự biết, muốn được quyến rũ vào câu chuyện. Có thể họ đi tìm đam mê, có thể họ chúi vào cuốn sách như vào một gói đồ bí ẩn – một hộp quà mà tận dưới đáy, giấu trong hàng lớp giấy bóng sột soạt, có một thứ họ mong mỏi từ lâu nhưng chưa bao giờ nắm được.

Nhưng ngoài ra họ còn muốn chỉ tay day mặt những người trong đó – trừ Laura, đã hẳn: việc nó có mặt được coi là đương nhiên. Họ muốn những thân người thật, để ghép vào những thân người được chữ gọi lên. Họ muốn dục vọng có thật. Trên hết họ muốn biết: người đó là ai? Trong giường của cô gái trẻ, cô gái trẻ đáng yêu đã chết; trong giường của Laura. Một số nghĩ mình biết, tất nhiên. Hồi đó bàn ra tán vào cũng lắm. Với những ai biết đem hai với hai cộng lại, kết quả đã rành rành. Cứ làm như mình sạch trong như tuyết . Củ mỉ cù mì. Đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong.

Nhưng tới lúc đó Laura đã ra ngoài vòng phán xét. Tôi mới là kẻ nằm trong tầm tay. Thư nặc danh bắt đầu đổ tới. Sao tôi lại bố trí cho của bẩn thỉu này được in cơ chứ? Mà lại ở New York nữa – điếm thành Sodom. Uế tạp thay! Tôi không có liêm sỉ à? Tôi cho phép gia đình mình – một gia đình đáng trọng biết mấy – bị nhấn xuống vũng bùn, nghĩa là cả thị trấn bị nhấn xuống bùn. Laura đầu óc không được bình thường, ai cũng đã ngờ vậy rồi, cuốn sách chỉ càng thêm bằng chứng. Lẽ ra tôi phải bảo vệ ký ức về nó. Tôi phải cho bản thảo một mồi lửa. Nhìn vào biển đầu khán giả dưới kia – mảng đầu già – tôi còn thấy một lớp tà khí đố kỵ cũ, ganh ghét cũ, buộc tội cũ, bốc lên như từ một đầm lầy đang nguội.

Còn cuốn sách thì, nó vẫn không được nhắc đến – bị đẩy ra rìa, như một bà con quê lọ lem, đáng xấu hổ. Cuốn sách mỏng như thế, bất lực làm sao. Làm khách không mời trong buổi tiệc lạ lùng này, nó dập dờn bên rìa sân khấu như con bướm ma đuối sức.

Trong lúc đang mơ màng như vậy tay tôi bỗng có người chộp lấy, tôi được xốc lên, tấm séc trong phong bì thắt nơ vàng được ấn vào tay. Người đoạt giải vừa được xướng. Tôi không nghe kịp tên.

Cô bé đi về phía tôi, gót giày cộp cộp ngang sân khấu. Cô rất cao; bọn chúng bây giờ đứa nào cũng cao, các cô bé ấy, chắc hẳn là do ăn uống. Cô bé mặc áo đen, nghiêm nghị giữa những bộ áo hè rực rỡ; vải thêu lẫn chỉ bạc, hay hạt cườm – thấy có chút lấp lánh. Tóc cô dài và đen. Khuôn mặt trái xoan, miệng tô son màu anh đào; mắt hơi nhíu, tập trung, chăm chú. Da hơi pha màu vàng nhạt hay nâu nhạt – liệu cô có thể là người Ấn, Ả rập, hay Trung Hoa? Ngay cả ở Cảng Ticonderoga cũng có thể có chuyện ấy – ngày nay người ta ở khắp nơi.

Tim tôi nhảy lên, ước muốn chạy qua người như kinh giật. Có thể cháu tôi – có thể Sabrina trông đúng thế này, tôi nghĩ. Có thể, mà cũng có thể không, tôi biết sao được? Có gặp khéo tôi cũng chẳng nhận ra. Nó đã bị tách khỏi tôi lâu đến thế, nó vẫn bị tách đi. Đâu có cách nào?

“Bà Griffen,” viên nghị sĩ rin rít.

Tôi lập cập, thăng bằng lại. Tôi đã định nói gì nhỉ?

“Laura em gái tôi sẽ rất hài lòng,” tôi hổn hển nói vào loa. Giọng tôi phều phào, tôi nghĩ mình sắp ngất. “Cô ấy rất thích giúp đỡ người khác.” Điều này là sự thật, tôi đã thề không nói một lời không thật. “Cô ấy thích đọc và rất yêu sách.” Cũng là thật, một phần nào đó. “Cô ấy hẳn luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho tương lai các em.” Cũng thật luôn.

Tôi cũng trao được phong bì; cô bé phải cúi mình xuống nhận. Tôi thì thầm vào tai cô, hoặc có ý định thì thầm – Cầu cho con gặp may. Hãy giữ mình. Bất kỳ ai có ý định rớ vào chữ nghĩa đều cần lời chúc phúc ấy, câu cảnh báo ấy. Tôi có nói ra lời không, hay là chỉ mở miệng ra đóng miệng vào như một con cá?

Cô bé cười, và những hạt cườm li ti lấp lánh sáng lóa lên khắp mặt và tóc cô. Ấy là tại mắt tôi, và tại đèn sân khấu, đèn quá sáng. Lẽ ra tôi phải đeo theo kính râm. Tôi cứ đứng yên mắt hấp háy. Rồi cô bé làm một điều bất ngờ: cô cúi mình tới hôn lên má tôi. Qua môi cô tôi cảm thấy làn da chính mình: mềm như găng tay da dê, nhăn nheo, dày phấn, cổ lỗ.

Đến lượt cô thì thầm đáp lại, nhưng tôi không nghe rõ. Chỉ là cám ơn thông thường, hay một lời nhắn gửi – biết đâu? – trong một ngôn ngữ khác?

Cô bé quay đi. Luồng sáng từ cô tràn ra váng óc đến nỗi tôi phải nhắm mắt. Tôi không nghe được, tôi không nhìn thấy. Bóng tối nhích gần hơn. Tiếng pháo tay quật vào tai tôi như cánh chim vỗ. Tôi loạng choạng, suýt ngã lăn ra.

Một viên chức cảnh giác nào đó tóm lấy tay tôi dẫn về chỗ cũ. Trở lại không tên. Trở lại dưới cái bóng dài của Laura. Ra ngoài tầm nguy hiểm.

Nhưng vết thương cũ đã toác miệng ra, máu vô hình đổ ộc. Tôi sẽ cạn rất nhanh.

(Xuất bản tháng 1-2015.)


Tags :