Tôi trở lại học vào tuần thứ hai tháng Tám. Nhìn từ xa, cái tổ hợp những tòa nhà dài và thấp màu nâu cát nối với nhau bằng những hành lang có mái, nằm giữa hàng rào quây lại, khiến tôi nghĩ đến một nhà giam loại hiền lành. Nhưng vừa bước qua cửa, những tấm áp phích màu sắc tươi tắn và hành lang vang tiếng chân đã kịp khiến tôi tưởng như rơi trở lại giấc mơ xưa về trường: những cầu thang chen chúc, ánh sáng lập lòe, lớp sinh học có con Iguana trong bể kính to bằng cỗ đàn dương cầm, những hành lang kê tủ đồ học sinh kề vai san sát, quen thuộc như bối cảnh một bộ phim truyền hình từng xem mê mải – và dù nơi này với trường cũ của tôi chỉ giống nhau trên bề mặt, thì một bước sóng lạ lùng nào đó vẫn mang lại cho tôi cảm giác có thực và an toàn.
Lớp Ngữ văn nâng cao thứ hai đang học Great expectations. Lớp của tôi thì đọc Walden; tôi trốn vào cái lặng lẽ mát rượi bên trong sách, náu khỏi ánh chói gắt như tấm tôn trên sa mạc ngoài kia. Vào giờ ra chơi buổi sáng (cả lũ bị tập hợp lại lùa ra cái sân quây xích gần dãy máy bán hàng tự động), tôi đứng vào góc râm mát nhất còn tìm được cùng cuốn sách bìa mềm rẻ tiền và cầm bút chì đỏ vừa đọc vừa gạch chân những câu khiến trái tim tôi thấm thía nhất: “Phần lớn nhân quần sống những đời đầu hàng lặng lẽ.” “Có một nỗi tuyệt vọng đã thành khuôn mẫu nhưng không được ý thức, ẩn mình ngay trong những gì ta quen coi là trò chơi và giải trí của loài người.” Thoreau sẽ nghĩ ra sao về Las Vegas, những ánh sáng và ồn ào của nó, những rác rưởi và mơ xa, những hình chiếu và mặt tiền rỗng ruột?
Ngôi trường này mang cảm giác vô thường đến mức khiến ta chao đảo. Rất nhiều đứa trẻ là con nhà quân nhân hoặc người ngoại quốc, phần lớn là các tay quyền chức được mời đến Las Vegas đảm nhiệm những công việc quản lý hay xây dựng cỡ bự. Một số đứa trong chín mười năm tuổi đời đã kịp sống qua chín mười bang, số khác thì đã từng ở nước ngoài: Sydney, Caracas, Bắc Kinh, Dubai, Đài Bắc. Ngoài ra cũng có một loạt đứa trẻ trai hoặc gái thẹn thò, lúc nào cũng tránh lẩn đằng sau, con cái những người đến đây đổi cảnh quần quật ở nông thôn lấy tấm áo hầu bàn hay hầu phòng khách sạn. Trong cái hệ sinh thái mới này, tiền hay thậm chí cả mặt mũi cũng không phải là yếu tố quyết định ai mới là kẻ nổi nhất trường; điều quan trọng, như tôi dần dà nhận thấy, là ai đã sống ở Vegas lâu nhất – chính vì thế mà mấy cô nhỏ Mexico đẹp chói lóa và đám con cái dân xây dựng nay đây mai đó thì ngồi ăn trưa một mình, còn đám trẻ bậc trung ngoan ngoãn, con cái dân địa ốc hay ô tô lại lên làm trưởng lớp hay đội cổ động, tầng lớp tinh hoa không ai dám không thừa nhận của trường.
Mỗi ngày đều trong trẻo đẹp đẽ, và khi tháng Chín tới, cái ánh chói gắt đáng ghét đã chuyển qua sáng trong, một sắc màu vàng óng dìu dịu. Thỉnh thoảng tôi ăn trưa với Bàn Tây Ban Nha để luyện tiếng Tây, lúc khác lại ăn ở Bàn Đức dù không biết tiếng Đức, chỉ bởi có vài đứa trong lớp Đức II – con cái những nhà quyền uy ở Deutsche Bank và Lufthansa – đã từng lớn lên ở New York. Trong số các môn học chỉ Ngữ văn là khiến tôi chờ đón, nhưng điều khiến tôi kinh ngạc là rất nhiều trong số lũ bạn học trong lớp không ưa Thoreau, thậm chí chê bai ra miệng ông này, cứ như ông (người từng phát biểu chưa bao giờ học được gì có ích từ một người già) là kẻ thù chứ không phải bạn. Thái độ khinh miệt doanh thương của ông khiến tôi phấn chí, thì lại chọc cho xù lông khối đứa trẻ không ngại to giọng trong lớp Ngữ văn nâng cao. “Phải đấy,” một thằng bé khó chịu, có mái tóc vuốt keo cứng đờ như mấy nhân vật Bảy viên ngọc rồng hét lên, “thế giới này sẽ tuyệt vời lắm nếu ai cũng bỏ cuộc rồi đi ủ ê trong rừng…”
“Tôi-tôi-tôi-tôi,” một đứa cuối lớp đai giọng nhõng nhẽo.
“Thế gọi là phản xã hội,” một con bé to mồm háo hức chen ngang, trong tiếng cười rộ vì đứa nhõng nhẽo kia – xoay người trong ghế quay lại đối mặt với cô giáo (một người đàn bà mềm oặt, dài xương, tên là cô Spear, lúc nào cũng đi dép quai hậu nâu và mặc quần áo màu đất, mặt ủ mày chau như mắc chứng trầm cảm kinh niên). “Thoreau lúc nào cũng chỉ giỏi ngồi nhà xí dạy đời rằng sống như ông ta thích thú biết bao…”
“… Bởi vì,” – thằng Ngọc Rồng vẫn chưa nói hết, giờ nó rướn giọng lên khoái chí, “nếu ai cũng bỏ cuộc như ông ta xui khiến thì sao? Cộng đồng loài người sẽ thành cái gì nếu toàn những người như vậy? Chúng ta sẽ chẳng có bệnh viện hay gì cả. Chẳng có đường sá nữa.”
“Ngớ ngẩn,” một giọng lẩm bẩm đúng lúc vang lên, vừa đủ lớn để mọi người xung quanh đều nghe thấy.
Tôi quay lại xem ai vừa nói: một cậu trông bơ phờ ngồi bên kia lớp, đang nằm xoài ra gõ ngón tay lên mặt bàn. Thấy tôi nhìn, nó nhướng một bên mày linh hoạt bất ngờ như muốn hỏi: mày tưởng tượng nổi có lũ đần như thế không?
“Cô nghe thấy đằng kia có ý kiến gì phải không?” Cô Spear hỏi.
“Thoreau quan tâm quái gì đến đường sá,” cậu bơ phờ đáp. Khẩu âm của nó khiến tôi giật mình: lơ lớ ngoại quốc, nhưng tôi không xác định được là đâu.
“Thoreau là nhà môi trường chủ nghĩa đầu tiên,” cô Spear nói.
“Cũng là người ăn chay đầu tiên,” một con bé cuối lớp.
“Hèn nào,” một đứa khác. “Quý ngài Nhai Rôm Rốp.”
“Tất cả các cậu hiểu nhầm ý tôi rồi,” thằng Ngọc Rồng tiếp tục phấn khích nói. “Phải có ai đó xây đường sá chứ không chỉ ngồi trong rừng ngắm kiến với muỗi cả ngày. Đấy gọi là văn minh.”
Người hàng xóm của tôi phát ra một tiếng cười gắt, khinh miệt, như tiếng sủa. Nó gầy và trắng bệch, không sạch sẽ lắm, tóc đen rũ bết xuống trước mắt, sắc da trắng phếch bệnh tật của đứa trẻ hay trốn nhà, bàn tay nổi chai, móng tay viền đen đã gặm cụt – không giống những đứa đạp ván trượt, tóc sáng bóng, da rám ở trường tôi trên Upper West Side, những đứa học đòi xõa xượi có bố là giám đốc công ty hay phẫu thuật gia nhà ở Đại lộ Công viên, thằng này có thể thả ra vỉa hè ngồi, cầm dây buộc chó hoang cũng không có gì lạc lõng.
“À, về một số câu hỏi đó, các em hãy giở lại trang mười lăm,” cô Spear nói. “Thoreau nói về thí nghiệm sống của ông.”
“Thí nghiệm gì chứ?” Ngọc Rồng nói. “Sống ở trong rừng như ông ta thì khác gì người nguyên thủy sống trong hang động ngày xưa?”
Thằng bé tóc đen cau mặt rồi ngồi sâu vào ghế. Trông nó giống như lũ trẻ có vẻ dạt vòm, đứng chuyền tay nhau thuốc lá ở Phố St. Mark’s Place, đọ sẹo trên người nhau và xin xỏ tiền lẻ: cũng quần áo rách và cánh tay trắng khẳng khiu, cũng mớ vòng da lồng nhau nơi cổ tay. Vẻ phức tạp đa tầng của chúng là một dấu hiệu tôi không đọc ra, dù ấn tượng chung thì rất rõ: không phải đồng loại, quên đi, tao quá chất so với mày, đừng phí công bắt chuyện. Đấy là ấn tượng sai lạc đầu tiên của tôi về người đã trở thành bạn duy nhất ở Vegas, và như sau này thấy, một trong những người bạn quan trọng nhất đời tôi.
Tên nó là Boris. Tình cờ chúng tôi lại đứng cạnh nhau trong đám học sinh đợi xe buýt về nhà sau giờ học.
“Ha. Harry Potter,” nó nói sau khi quan sát tôi một vòng.
“Câm mồm đi,” tôi uể oải đáp. Không phải lần đầu tiên tôi được nghe câu so sánh này ở đây. Quần áo lối New York trên người – đồ kaki, sơ mi trắng thẳng tắp, cặp kính mai rùa mà không may thay tôi không bỏ được – khiến tôi trông như một thằng quái nhân giữa một nơi ai cũng mặc ba lỗ đi dép xỏ ngón.
“Chổi của mày đâu?”
“Quẳng lại Hogwarts rồi,” tôi đáp. “Mày sao? Ván mày đâu?”
“Ề?” nó hỏi và ghé lại gần, vành bàn tay ra sau tai giả dạng ông già điếc. Nó cao hơn tôi nửa đầu; bên cạnh ủng đi rừng và quần rằn ri cũ rất quái dị, đầu gối xơ cả ra, nó còn mặc áo phông đen rách rưới có logo ván trượt tuyết và dòng chữ Nerver Summer kiểu Gô-tích màu trắng.
“Áo mày,” tôi khẽ hất đầu. “Trong sa mạc tha hồ mà trượt nhỉ.”
“Nồ,” Boris đáp, phẩy mớ tóc đen lòa xòa khỏi mắt. “Tau đếch biết trượt. Tau chỉ ghét nắng thôi.”
Rốt cuộc chúng tôi ngồi xe cùng nhau về nhà, trên dãy ghế sát cửa ra – rõ ràng là chỗ không ai ưa vì bọn trẻ đều xô huých nhau lao xuống hàng cuối, nhưng cả đời tôi chưa đi xe buýt đến trường bao giờ và xem ra nó cũng thế, bởi có vẻ nó cũng nghĩ rằng quăng mình xuống cái ghế trống đầu tiên trước mặt là tự nhiên nhất đời. Trong một lát chúng tôi không nói năng gì, nhưng đường đi rất xa và cuối cùng thì cũng phải bắt chuyện. Hóa ra nó cũng sống ở Canyon Shadows, nhưng xa hơn, ở đầu kia, đầu đang bị hoang mạc giành giật lại, có rất nhiều nhà chưa xây xong và cát lồng lộn đầy phố.
“Mày ở đây bao lâu rồi?” tôi hỏi. Ở trường này đứa nào cũng hỏi nhau câu đó, như thể hỏi án tù.
“Chả biết. Hai tháng gì đấy?” Dù nó nói tiếng Anh rất lưu loát, nặng âm Úc, vẫn có một âm điệu ngầm bên dưới, tăm tối và lè nhè, khiến tôi nghĩ đến Bá tước Dracula, hay có khi là đặc vụ KGB. “Mi ở đâu ra đấy?”
“New York,” tôi nói – và được đền đáp bằng ánh mắt đánh giá lại lặng lẽ, cặp lông mày trầm xuống như muốn nói: được đó. “Còn mày thì sao?”
Nó trề môi. “Để coi coi,” nó nói, thả phịch người xuống ghế và giơ ngón tay tính từng nước. “Tau đã ở Nga, Scotland có lẽ cũng tạm nhưng tau chả nhớ gì, Úc, Ba Lan, New Zealand, hai tháng ở Texas, Alaska, New Guinea, Canada, Ả rập Xê út, Thụy Điển, Ukraina tức U…”
“Chúa ơi.”
Nó nhún vai. “Nhưng chủ yếu vẫn là Úc, Nga, U. Ba chỗ đó.”
“Mày biết tiếng Nga không?”
Nó làm cử chỉ mà tôi nghĩ là tàm tạm. “Tiếng U nữa, với Ba Lan. Dù tau cũng sắp quên ráo rồi. Có hôm nghĩ ‘con chuồn chuồn’ là cái gì mà chịu chết.”
“Nói thử gì đó xem nào.”
Nó làm theo, một chuỗi âm thanh lủng khủng trong họng, dâm dấp bọt.
“Nghĩa là sao?”
Nó cười khùng khục. “Nghĩa là ‘Thông đít nhà mi.’”
“Thật á? Tiếng Nga à?”
Nó cười lớn, phô ra bộ răng ám khói rất không-Mỹ. “Tiếng U đấy.”
“Tao cứ tưởng ở U người ta nói tiếng Nga.”
“Ờ, cũng tùy xó. Hai thứ đó cũng không khác quá. Ầy…” – tặc lưỡi, đảo mắt – “không khác nhiều. Số, thứ trong tuần với một số chữ thì khác. Tên tao viết tiếng U kiểu khác, nhưng ở Bắc Mỹ viết kiểu Nga dễ hơn, Boris, không phải ‘Borys’. Ở phương Tây ai cũng biết Boris Eltsin…” – nó nghiêng đầu – “Boris Becker…”
“Boris Badenov…”
“Hửm?” nó bật lên và quay ngoắt lại như thể vừa nghe chửi.
“Bullwinkle ấy? Boris và Natasha?”
“À phải. Công tước Boris! Chiến tranh và hòa bình. Tau được đặt tên theo ổng đó. Nhưng họ ổng là Drubetskoy chứ không phải cái mi nói.”
“Thế tiếng mẹ đẻ của mày là gì? Ukraina à?”
Nó nhún vai. “Chắc Ba Lan,” nó nói và lại ngả người sau ghế, lắc đầu hất mớ tóc đen sang một phía. Mắt nó dữ tợn nhưng lại tinh nghịch, và rất đen. “Mẹ tau người Ba Lan, ở Rzeszów, gần biên giới Ukraina. Tiếng Nga, tiếng U – mi biết U từng là vệ tinh của Nga Xô đó, nên tau biết cả hai. Nga thì không nhiều lắm – tiếng đó đem chửi bới là chuẩn nhất. Mấy cái tiếng Xlavơ á, Nga, U, Ba Lan, với Séc nữa, mi biết một là đủ hiểu sơ sơ cả rồi. Nhưng giờ tau thấy Anh dễ nhất. Ngày xưa thì ngược lại.”
“Mày thấy nước Mỹ thế nào?”
“Thấy ai cũng cười rách mồm luôn! Ờ, thì không hẳn ai cũng thế. Mi ít hơn. Tau nghĩ làm thế trông ngớ ngẩn lắm.”
Nó cũng là con một, như tôi. Bố nó (sinh ở Siberia, nguyên quán Novoagansk ở Ukraina) làm về khai thác và tìm kiếm mỏ. “Làm to, oách xà lách lắm – ổng đi khắp thế giới.” Mẹ của Boris, là vợ hai của bố nó, đã mất.
“Mẹ tao cũng thế,” tôi nói.
Nó nhún vai. “Mẹ tau chết từ đời tám hoánh nào rồi,” nó nói. “Bả nghiện cồn. Một đêm bả say, ngã ra ngoài cửa sổ chết ngoém.”
“Ôi,” tôi đáp, hơi sững người khi thấy nó kể thản nhiên đến vậy.
“Ờ, chối tỉ lắm,” nó nói hờ hững, nhìn ra cửa sổ.
“Thế tóm lại mày người nước nào?” tôi hỏi sau một thoáng im lặng.
“Hửm?”
“À, nếu mẹ mày Ba Lan, còn bố mày Ukraina, còn mày sinh ở Úc, thế thì mày là…”
“Indonesia,” nó nói và cười hiểm độc. Nó có cặp mày rất đen, rất biểu cảm, rất quỷ quái, không ngừng nhúc nhích trong lúc nói.
“Sao thế được?”
“Ờ, tau có hộ chiếu U. Tau cũng có cả quốc tịch Ba Lan nữa. Nhưng chỗ tau muốn về, là Indonesia kìa,” Boris nói và hất tóc khỏi mắt. “Ờ… PNG.”
“Hả?”
“Papua New Guinea. Trong mọi chỗ tau đã sống thì ở đó khoái nhất.”
“New Guinea à? Tao tưởng có bọn săn đầu người.”
“Không còn đâu. Ít nhất thì cũng không nhiều. Vòng tay ở đó này,” nó nói và chỉ vào một trong vô số dây da màu đen trên cổ tay. “Bạn tau Bami làm cho tau đấy. Ổng nấu bếp cho nhà tau.”
“Ở đấy thế nào?”
“Không tệ,” nó nói và liếc xéo tôi bằng ánh mắt ầm ù, thích chí quen thuộc. “Tau nuôi vẹt. Ngỗng nữa. Bắt đầu học lướt sóng. Nhưng rồi sáu tháng trước, ông già xách cổ tau đến cái chỗ bẩn bẩn ở Alaska. Bán đảo Seward, ngay dưới Vòng Bắc Cực? Rồi giữa tháng Năm lại bay về Fairbanks bằng máy bay cánh quạt, xong rồi đến đây.”
“Uầy,” tôi nói.
“Trên đấy chán hộc máu luôn,” nó tiếp. “Cá thì chết, mạng thì chậm như ốc sên bò. Đáng ra tau phải bỏ nhà ra đi. Giá mà tau đã bỏ nhà ra đi,” nó chua chát nói.
“Bỏ đi rồi làm gì?”
“Ở lại New Guinea chứ sao. Sống trên bãi biển. Ơn trời không phải ở lại đó cả mùa đông. Có hồi mấy năm trước nhà tau lên bắc, tức là Canada ấy, tít trên Alberta, thị trấn có nhõn một phố cạnh sông Pouce? Trời lúc nào cũng đen kịt, từ tháng Mười đến tháng Ba, chả có cái méo gì mà làm, suốt ngày đọc sách với nghe CBC. Muốn giặt giũ phải chạy xế hộp đến năm chục cây số. Mà…” – nó cười lớn – “so với Ukraina thì còn tốt chán. Như bãi Miami luôn.”
“Mày bảo bố mày làm gì nhỉ?”
“Việc chính là nhậu,” nó hậm hực đáp.
“Vậy có lẽ hợp bố tao.”
Lại tiếng cười đột ngột như bùng nổ – cứ như nó đang phun vào mặt người đối diện. “Ờ. Được. Gái nữa?”
“Cũng không lạ,” tôi đáp sau một thoáng im lặng giật mình. Dù những điều bố làm không còn gì khiến tôi ngạc nhiên mấy, nhưng cũng chưa bao giờ tôi hình dung rõ ông la cà ở mấy chỗ Cô Gái Trong Mơ hay Câu Lạc Bộ Các Quý Ông vẫn thỉnh thoảng đi qua trên đường lớn.
Xe dần vãn người, chỉ mấy phố nữa là về đến nhà tôi. “Tao phải xuống đây rồi,” tôi nói.
“Về nhà tau xem tivi không?” Boris hỏi.
“À…”
“Đi nào. Chả có ma nào đâu. Tau có đĩa S.O.S. Iceberg đấy.”
(Bản dịch tiếng Việt năm 2017. Chọn đoạn trích này bởi Boris thật là một hơi thở tươi mát (hoặc tục tĩu và nồng mùi vodka) giữa một dàn nhân vật ai cũng khệnh đến phát mệt 🙂 )