Trồi lên hớp khí (1939)

Phần III

1

Về đến nhà tối hôm đó, tôi vẫn chưa nghĩ ra dùng mười bảy bảng làm gì.

Hilda nói định đến câu lạc bộ Sách Tả. Thấy bảo có một tay từ London về diễn thuyết, dù khỏi phải nói ả cũng chẳng biết đề tài gì. Tôi bảo để tôi đi cùng. Nói chung tôi không thuộc giống mê diễn thuyết, nhưng những hình ảnh chiến tranh buổi sáng, kể từ thằng tàu bay bụng bom bay qua đầu xe lửa, đã khiến tôi sinh ra tư lự. Sau khi cãi nhau xong như thường lệ, chúng tôi lùa hai đứa nhóc đi ngủ sớm và xuất hành vừa kịp đến giờ diễn thuyết đã định, tức là tám giờ.

Tối hôm ấy sương mù, trong hội trường lạnh còn đèn thì chẳng sáng lắm. Cái phòng nhỏ bằng gỗ lợp mái tôn thuộc về nhóm Nonconformist nào đấy, người ngoài thuê mất mười đồng. Như vẫn thấy những dịp này, đã có chừng mười lăm mười sáu người có mặt. Trước bục phát biểu gắn biển màu vàng thông báo hôm nay nói về “Hiểm họa của chủ nghĩa phát xít”. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Ông Witchett, chuyên môn chủ tọa mấy buổi họp kiểu này còn ngoài đời thực làm trong hãng kiến trúc sư nào đó, đang đưa diễn giả đi một vòng giới thiệu với mọi người, Ông Gì Đó (tôi không nhớ tên), “nhà chống phát xít danh tiếng”, cũng y như người ta vẫn thường giới thiệu “nhà nghệ sĩ dương cầm danh tiếng”. Diễn giả là một tay nhỏ thó trạc bốn mươi, mặc vét tối màu, đầu hói, cố chải mấy cọng tóc lơ thơ che đi nhưng không ăn thua.

Hội họp kiểu này không bao giờ bắt đầu đúng giờ. Lúc nào cũng có một quãng dền dứ, vờ như biết đâu còn thêm vài người nữa xuất hiện. Lúc Witchett gõ gõ lên bàn thi hành nhiệm vụ thì đã tám giờ hai lăm phút. Gã có bộ dạng hiền dịu, cái mặt hồng hồng như mông trẻ lúc nào cũng tươi rói vì cười. Hình như gã là thư ký chi nhánh đảng Tự Do địa phương, ngoài ra còn ngồi hội đồng xã và điều khiển các buổi diễn thuyết có chiếu bóng ở Hội Phụ Nữ. Có thể nói trời cho gã tài làm chủ tọa. Nghe gã nói với cử tọa chúng ta rất vui mừng được tiếp đón ông Gì Đó tới đây hôm nay, có thể thấy rõ gã tin từng lời phát ra. Mỗi lần nhìn gã tôi đều không thể không nghĩ hẳn gã vẫn chưa biết đàn bà. Tay diễn giả nhỏ thó lôi ra một xấp tài liệu, chủ yếu là bài cắt từ báo, đặt cốc nước chặn lên. Rồi hắn liếm nhanh môi và bắt đầu nã pháo.

Anh có bao giờ đi mấy trò diễn thuyết hội họp ấy không?

Mỗi lần tôi đi, thế nào giữa buổi cũng đến một lúc tôi nhận ra ý nghĩ cũ lại chạy qua đầu mình. Chúng ta đang làm cái khỉ gì đây chứ? Cớ nào dân tình lại chui ra đường giữa đêm đông vì món này? Tôi nhìn quanh hội trường. Tôi ngồi hàng ghế cuối. Hình như chưa bao giờ đi hội họp gì mà tôi lại không kiếm cách ngồi hàng cuối nếu được. Hilda cùng đám kia đã chễm chệ trên hàng đầu như mọi khi. Căn phòng nhỏ trông khá u ám. Cái kiểu anh biết đấy. Tường ốp gỗ thông mềm, mái tôn sóng, gió lùa đến mức người ta ước gì không bỏ áo khoác. Một nhúm chúng tôi ngồi dưới ánh đèn quanh bục, sau lưng bày ra thêm khoảng ba chục hàng ghế trống trơn. Mặt ghế nào cũng bẩn bụi. Trên bục sau lưng diễn giả có vật gì đó vuông vuông, chành bành, phủ vải bạt, nhìn như thể một cỗ hòm đại tướng đặt dưới gầm ngựa. Thực ra đấy là cỗ đàn dương cầm.

Đoạn mở đầu tôi không tập trung lắm. Tay diễn giả nhỏ thó có cái mặt khá gian, nhưng nói thì rất tốt. Da trắng, miệng múa máy rất dẻo, cái giọng khoan vào tai thường thấy ở dân chuyên nghiệp. Tất nhiên hắn đang trát shit vào Hitler và đám Quốc xã. Tôi không hẳn hào hứng nghe xem hắn nói gì – từng ấy thì sáng nào chả đầy trên News Chronicle – nhưng giọng hắn vẫn vọng tới tôi từng đợt rì rầm, thỉnh thoảng lại có vài chữ nổi lên lọt vào đầu.

“Tàn bạo khác nào thú vật… Táng tận lương tâm… Dùi cui cao su… Trại tập trung… Sát hại dã man người Do Thái… Trở lại thời kỳ đồ đá… Nền văn minh châu Âu… Hãy hành động trước khi quá muộn… Nhân dân tiến bộ đều căm phẫn… Liên minh các nước dân chủ… Lập trường kiên định… Bảo vệ nền dân chủ… Dân chủ… Phát xít… Dân chủ… Phát xít… Dân chủ…”

Đại khái cũng như anh vẫn nghe. Những tay loại này có thể phun như thế cả tiếng. Cũng như máy quay đĩa. Vặn cần gạt, nhấn nút là phát. Dân-chủ-phát-xít-dân-chủ. Nhưng không hiểu sao tôi lại thích ngắm hắn. Một tay nhỏ thó mặt khá gian, da trắng, đầu hói, đứng trên bục nã hàng tràng khẩu hiệu. Hắn đang làm gì? Cố tình và công khai, hắn đang thổi bùng thù ghét. Gồng hết sức mà thổi sao cho người ta thù ghét một cơ số người ngoại quốc gọi là “phát xít”. Kể cũng quái, tôi nghĩ, khi được giới thiệu là “ngài Gì Đó, nhà chống phát xít danh tiếng”. Nghề đến lạ – Chống Phát Xít. Tôi đoán tay này kiếm ăn nhờ viết sách chửi Hitler. Nhưng vậy trước khi có Hitler thì hắn làm gì? Và hắn sẽ làm gì nếu chẳng may đến ngày Hitler biến mất? Tất nhiên câu hỏi ấy cũng đặt cho đốc tờ, điều tra viên, người diệt chuột vân vân. Nhưng cái giọng kia vẫn không ngớt khoan vào tai, làm tôi lại chợt nảy ra ý khác. Hắn tin thật. Không hề giả vờ – hắn cảm thấy đúng như những gì hắn nói. Hắn đang cố thổi bùng thù ghét trong lòng khán giả, nhưng đấy chẳng là gì so với nỗi thù ghét đang thiêu đốt hắn. Mỗi khẩu hiệu đối với hắn là một lời thánh phán. Nếu bổ đôi người hắn, trong bụng sẽ đổ ra toàn Dân-chủ-phát-xít-dân-chủ. Quen tay này ngoài đời thực có khi cũng vui. Nhưng hắn có đời thực nào không? Hay chỉ nhảy từ bục này qua bục khác, đi đến đâu thổi thù ghét đến đấy? Có thể hắn nằm mơ cũng thấy toàn khẩu hiệu.

Từ hàng cuối tôi cố nhìn một vòng quanh khán giả. Có lẽ nếu nghĩ cho kỹ, những người ra đường đêm đông để ngồi phòng gió lùa nghe diễn thuyết ở câu lạc bộ Sách Tả như chúng tôi (tôi nghĩ có quyền dùng chữ “chúng tôi”, vì chẳng gì tôi cũng đang ở chỗ này) cũng có tầm quan trọng nhất định. Chúng tôi là tầng lớp cách mạng của West Bletchley. Mới nhìn không thấy hứa hẹn mấy. Điều nảy ra khi tôi nhìn quanh khán giả là chắc chỉ khoảng nửa tá thực sự hiểu diễn giả đang nói cái gì, dù tới lúc này hắn đã trát shit vào Hitler và Quốc xã cả nửa tiếng rồi. Hội họp kiểu này lúc nào cũng vậy. Bao giờ cũng có nửa số người nghe đi về chẳng hiểu mình vừa nghe gì. Ngồi trên ghế cạnh bàn, Witchett đang ngắm diễn giả với nụ cười tươi rói, mặt hao hao giống bông mẫu đơn hồng. Từ giờ đã đoán được gã sẽ phát biểu gì ngay khi diễn giả vừa ngồi xuống – cũng hệt như gã vẫn phát biểu sau mỗi buổi diễn thuyết chiếu phim gây quỹ mua quần dài cho người Melanesia: “Xin được cảm ơn – đã nói hộ tấm lòng tất cả chúng ta – cực kỳ hấp dẫn – khiến mỗi người trong chúng ta đều phải suy nghĩ – một buổi tối hết sức đáng nhớ!” Trên hàng đầu Miss Minns đang ngồi thẳng đơ, đầu hơi ngoẹo sang bên như chim. Diễn giả vừa rút một tờ giấy dưới đít cốc và đang đọc lớn số liệu về tỷ lệ tự tử trong số người Đức. Nhìn cái cổ gầy dài của Miss Minns cũng hiểu bà đang rất không vui. Buổi hôm nay đang mở mang trí óc cho bà, hay là không? Giá mà bà hiểu người ta đang nói cái gì! Hai đồng bọn của bà ngồi cạnh như hai cục bánh bột. Tiếp nữa là một phụ nữ nhỏ nhắn tóc đỏ đang đan áo len. Một thường, hai xuống, nhảy qua một, móc liền lại. Diễn giả đang mô tả Quốc xã chặt đầu những người bị kết tội phản bội, đôi khi đao phủ chặt nát. Trong số người nghe còn một phụ nữ nữa, một cô gái trẻ tóc đen, dạy ở trường xã. Trái với cô kia, cô này rất chăm chú lắng nghe, người hơi chồm tới, đôi mắt to tròn dán chặt vào diễn giả, miệng hé ra như muốn uống từng lời.

Ngay sau lưng cô ta là hai ông già thuộc chi bộ đảng Lao Động. Một người tóc bạc cúp rất sát, người kia đầu hói, râu mép quặt xuống. Cả hai đều mặc bành tô. Anh tưởng tượng ra rồi đấy. Đảng viên từ thuở ăn lông ở lỗ. Hiến cả đời cho phong trào. Hai mươi năm có tên sổ đen chẳng được ai nhận làm, thêm mười năm thúc giục Hội đồng xã có biện pháp giải quyết khu ổ chuột. Bỗng dưng thế giới đảo lộn, bài cũ của đảng Lao Động giờ vứt đi. Bỗng dưng bị thảy vào giữa mớ chính trị ngoại quốc – Hitler, Stalin, bom, súng máy, dùi cui cao su, trục Rome-Berlin, Mặt trận nhân dân, điều ước chống Quốc tế cộng sản. Nghe ù ù cạc cạc. Còn thẳng trước mặt tôi là chi bộ đảng Cộng Sản địa phương. Ba người, đều trẻ măng. Một giàu, có chân trong công ty địa ốc Hesperides, thậm chí hình như cháu lão Crum là khác. Một làm nhà băng. Thỉnh thoảng có đổi séc cho tôi. Thằng bé khá dễ thương, mặt tròn xoe, rất trẻ và hăm hở, mắt xanh lơ như trẻ thơ, tóc sáng đến nỗi nhìn như tẩy. Trông mặt chỉ độ mười bảy, dù tôi đoán chắc cũng hai mươi. Vét xanh lam rẻ tiền, cà vạt xanh lam sáng đi với màu tóc. Bên cạnh bộ ba đó còn một cậu Cộng nữa. Nhưng hình như cu cậu thuộc loại Cộng khác, mà cũng không ra Cộng, là cái loại người ta gọi là Tờ-rốt-kít. Đám kia rất kỵ cậu này. Cậu ta còn trẻ nữa, rất gầy, rất đen, vẻ bứt rứt. Khuôn mặt thông minh. Do Thái, tất nhiên. Bốn cậu này đang đón nhận bài nói rất khác số còn lại. Biết chắc họ sẽ nhảy dựng lên ngay khi sang phần câu hỏi. Chưa gì họ đã ngọ nguậy rồi. Cậu nhỏ Tờ-rốt-kít còn đang lắc lư đổi bên mông vì nhấp nhổm muốn giành nói trước đám còn lại.

Tôi đã thôi nghe chữ nghĩa trong bài nói. Nhưng không chỉ có một cách nghe. Tôi nhắm mắt lại một lát. Kết quả rất buồn cười. Như thể tôi thấy tay kia rõ hơn hẳn nếu chỉ nghe thấy giọng hắn.

Ấy là thứ giọng nói nghe như có khả năng chạy suốt nửa tháng nữa không dừng. Tin tôi đi, thật gớm khi có một cái loa phóng thanh sống nã tuyên truyền vào mặt cả tiếng đồng hồ. Nói đi nói lại một việc. Căm, ghét, thù, hận. Chúng ta hãy đoàn kết lại cùng ghét thật cật lực. Nói đi nói lại. Cảm giác như có con gì chui vào sọ đang dộng búa vào não mình. Nhưng trong một phút, nhờ nhắm mắt, tôi lật ngược lại hắn. Tôi chui vào sọ hắn. Cảm giác rất quái lạ. Trong một giây tôi ở trong hắn, gần như có thể bảo tôi chính là hắn. Ít ra tôi cũng cảm thấy hắn đang cảm thấy gì.

Tôi nhìn thấy cái hắn đang nhìn thấy. Và đấy là thứ hình ảnh hoàn toàn không thể đem ra nói được. Miệng hắn nói chỉ là Hitler đang rượt sát nút chúng ta nên chúng ta phải đoàn kết lại và ghét thật cật lực. Không đi vào chi tiết. Tất cả vẫn sạch sẽ. Nhưng mắt hắn thấy là một thứ khác hẳn. Hắn thấy bức tranh chính hắn đang táng cờ lê nát mặt người. Mặt phát xít, tất nhiên. Tôi biết là hắn đang thấy thế. Chính tôi đã nhìn thấy trong vòng một hai giây chui vào đầu hắn. Bụp! Táng giữa mặt! Xương vỡ vụn như vỏ trứng và cái mới phút trước là mặt người thì giờ chỉ là một tảng mứt dâu lầy nhầy. Bụp! Chết thằng nữa! Đấy là thứ hiện diện trong đầu hắn, lúc thức lẫn lúc ngủ, càng nghĩ tới nó hắn lại càng khoái nó. Và cực kỳ được phép vì mặt bị đập nát là mặt phát xít. Tất cả những điều đó đều rõ trong giọng hắn.

Nhưng vì sao? Lối giải thích dễ trúng nhất là: vì hắn sợ. Mỗi kẻ biết nghĩ thời này đều sợ cứng chân tay. Đây chỉ là một thằng cha biết nhìn xa đủ để sợ nhiều hơn người khác một chút. Hitler đang rượt sát nút! Mau! Mỗi người vớ lấy cờ lê đoàn kết lại, biết đâu nếu đập nát mặt chúng đủ số chúng sẽ không đập mặt ta. Nhập phe mau, chọn Lãnh tụ. Hitler đen còn Stalin trắng. Nhưng có ngược lại thì cũng rứa, vì trong đầu tay nhỏ thó kia, Hitler và Stalin đều như nhau. Đều là cờ lê đập nát mặt.

Chiến tranh! Tôi lại nghĩ về nó rồi. Nó đang tới gần, cái đó là chắc. Nhưng ai mà sợ chiến tranh? Ý là, ai mà sợ bom với súng máy? “Mày chứ ai,” anh bảo. Phải, tôi sợ chứ, ai từng thấy mà chả sợ. Nhưng đáng nói không phải là chiến tranh, đáng nói là hậu chiến. Là thế giới chúng ta đang dẫn thân vào, thế giới của thù ghét, của khẩu hiệu. Của sơ mi các màu, của dây thép gai, của dùi cui cao su. Của xà lim mật có bóng đèn điện đốt tối ngày, có cảnh sát đứng dòm anh ngủ. Có diễu hành và áp phích trưng những bộ mặt đại tướng, có những đám đông ngàn người hô hoán hoan hô Lãnh tụ tới điếc tai chính mình, tới tưởng mình thực sự sùng bái hắn, cho dù bên trong, từ đầu đến cuối, họ ghét hắn muốn lộn mửa. Tất cả những cái đó rồi sẽ đến. Có không? Có những ngày tôi biết đấy là bất khả, lại những ngày khác tôi biết đấy là bất khả tránh. Như đêm nay, tôi biết nó sẽ xảy ra. Tất cả đều nằm trong giọng nói tay diễn giả nhỏ thó.

Vậy suy cho cùng có lẽ cũng tầm quan trọng nhất định ở cái đám đông lèo tèo chịu ra đường đêm đông đi nghe diễn thuyết loại này. Hoặc ít nhất là trong số năm sáu người hiểu được. Họ chỉ là đội tiền phong của một đạo quân khổng lồ. Họ là những người viễn kiến, những con chuột jđầu tiên hiểu tàu sắp chìm. Mau, mau lên! Bọn phát xít đang tới! Các cậu, cờ lê ra tay! Đập nát thằng khác để tránh bị đập nát. Chúng ta kinh hãi tương lai tới mức nhảy thẳng vào đó như con thỏ nhào vào cổ họng con trăn.

Và những thằng như tôi sẽ gặp chuyện gì khi chủ nghĩa phát xít cuối cùng cũng đến Anh? Sự thực là hẳn sẽ chẳng có gì khác. Còn với tay diễn giả kia, với bốn cậu Cộng đang ngồi dưới, thì có, có khác lắm. Họ sẽ ra đi đập nát mặt người khác, hoặc bị người khác đập nát mặt, tùy xem phe nào thắng thế. Nhưng những thằng bình bình khúc giữa như tôi thì vẫn sẽ sống tiếp như trước. Thế mà tôi vẫn hãi – thề với anh tôi hãi lắm. Tôi chỉ vừa bắt đầu suy nghĩ xem tại sao thì diễn giả ngừng lời ngồi xuống.

Tiếng vỗ tay hời hợt nổi lên như những khi cử tọa chỉ có chừng mười lăm người, rồi Witchett nói mấy câu quen thuộc, rồi chưa kịp hắt hơi thì cả bốn cậu Cộng đã nhảy dựng cùng lúc. Bắt đầu màn gấu ó kéo dài mười phút liền, toàn những thứ chả ma nào hiểu nổi, gì mà duy vật biện chứng với sứ mệnh giai cấp vô sản và Lenin nói gì năm 1918. Rồi diễn giả làm hớp nước xong liền đứng dậy nói tổng kết, khiến cậu Tờ rốt kít vặn vẹo liên hồi trên ghế nhưng ba cậu kia hơn hớn lên, và cuộc gấu ó lại tiếp diễn không chính thức một hồi nữa. Ngoài ra chẳng ai nói gì. Hilda cùng đồng bọn đã bỏ vị trí ngay khi hết bài nói. Hẳn là sợ sẽ bị quyên tiền thuê hội trường. Gái tóc đỏ nhỏ nhắn vẫn ngồi lại đan nốt hàng cuối. Tiếng cô ta lẩm nhẩm đếm mắt đan lẫn trong tiếng cãi cọ của đám kia. Còn Witchett ngồi cười rạng rỡ nhìn bất kỳ kẻ nào đang nói, thấy rõ gã đang nghĩ thật là thú vị biết bao và nhẩm lại trong đầu, còn cô gái tóc đen đưa mắt từ người này sang người kia miệng vẫn há ra, còn ông già đảng Lao Động, có hàng râu mép quặt với áo bành tô dựng tận tai trông na ná con hải cẩu, cũng ngồi ngước nhìn họ chẳng hiểu cái khỉ gì đang diễn ra. Và cuối cùng tôi cũng đứng dậy mặc áo khoác.

Cuộc gấu ó đã biến thành đấu tay đôi giữa cậu Tờ rốt kít nhỏ con cùng cậu tóc sáng. Cả hai đang tranh luận có nên nhập ngũ nếu chiến tranh nổ ra không. Trong lúc tôi len lỏi giữa hai hàng ghế ra ngoài, cậu tóc sáng vẫy lại.

“Bác Bowling! Có cái này. Nếu chiến tranh nổ ra và chúng ta có cơ hội đập nát chủ nghĩa phát xít một lần vĩnh viễn, bác có từ chối ra trận không? Ý cháu là nếu bác vẫn trẻ.”

Nghe như thể cậu ta tưởng tôi đã sáu chục.

“Đương nhiên,” tôi đáp. “Tôi đã ăn đủ lần trước rồi.”

“Nhưng để đập nát phát xít!”

“Ôi mả mẹ phát xít! Người ta đã đập nát quá nhiều thứ rồi, đấy nếu cậu muốn nghe tôi.”

Cậu Tờ rốt kít nhỏ con chen vào những ái quốc xã hội và phản bội giai cấp công nhân, nhưng mấy cậu kia ngắt lời:

“Nhưng mà bác đang nghĩ đến 1914. Hồi ấy chỉ là chiến tranh đế quốc thông thường. Lần này khác chứ. Thế này nhé. Lúc bác nghe kể những chuyện ở Đức, trại tập trung rồi Quốc xã đánh người bằng dùi cui cao su và bắt người Do Thái nhổ vào mặt nhau các thứ – bác không thấy sôi máu à?”

Lúc nào cũng phải nhắc đến sôi máu. Hồi chiến tranh cũng đúng chữ đó, như tôi nhớ.

“Hồi 1916 tôi đã sôi bốc hơi rồi,” tôi bảo cậu ta. “Đến lúc ngửi mùi chiến hào thì cậu cũng vậy thôi.”

Và rồi bỗng chợt tôi như nhìn thấy cậu ta. Cứ như tôi chưa hề nhìn rõ cậu ta đến lúc này.

Cái khuôn mặt rất trẻ và hăm hở, gần như một cậu học trò đẹp trai, mắt xanh lơ và tóc màu lanh đang nhìn chăm vào mặt tôi, và trong một phút đôi mắt còn rớm nước! Xúc động đến thế vì số phận người Do Thái ở Đức! Nhưng thực tình tôi biết rõ cậu ta xúc động đến đâu. Một cậu chàng vạm vỡ, hẳn có chân trong đội rugby nhà băng. Óc cũng có. Sống kiếp nhân viên nhà băng ở xó ngoại ô vô đạo, ngồi sau vách kính mờ nhập số liệu vào sổ, đếm từng cọc tiền giấy, liếm giầy thượng cấp. Nhìn đời mình mục nát dần. Trong khi đó, đằng châu Âu, những chuyện to tát xảy ra. Đạn nổ tung trên chiến hào, từng đợt bộ binh xung phong giữa làn khói. Hẳn còn vài cậu bạn qua Tây Ban Nha đánh nhau nữa. Tất nhiên, cậu ta thèm rỏ dãi chiến tranh. Làm sao trách được? Trong một phút tôi chợt cảm thấy rất kỳ cục rằng cậu ta là con trai tôi, mà tuổi cậu cũng đáng làm con tôi. Rồi tôi nhớ đến cái ngày tháng Tám nóng chảy mỡ khi đám bán báo dán lên tờ áp phích ANH QUỐC TUYÊN CHIẾN VỚI ĐỨC, và tất cả chúng tôi mặc nguyên tạp dề trắng chạy ra vỉa hè reo hò.

“Con trai, nghe này,” tôi nói, “các cậu nhầm to rồi. Hồi 1914 chúng tôi đã tưởng mình đang bước vào vinh quang lớn. Nhưng không. Chỉ có máu me bẩn thỉu thôi. Nếu nó đến lần nữa, thì tránh xa ra. Các cậu đem thân làm bịch nhồi chì mà làm gì? Để dành cho cô bé nào có hơn không. Các cậu cứ nghĩ chiến tranh thì toàn là chủ nghĩa anh hùng với giáp lá cà gặt huân chương, nhưng cho các cậu biết là không có đâu. Giờ thì không có cầm lưỡi lê xông lên nữa, và khi làm thật thì cũng không phải như các cậu tưởng tượng đâu. Các cậu không cảm thấy mình anh hùng. Các cậu chỉ biết mình chưa ngủ ba đêm nay, người hôi như cú, sợ đến té đái, tay lạnh đờ không nắm nổi súng. Nhưng cả cái đó cũng chẳng vấn đề chó gì. Vấn đề là những gì sau đó.”

Tất nhiên chả xi nhê gì. Chúng nó nghĩ tôi lỗi thời rồi thế thôi. Chả khác gì đứng phát truyền đơn ở cửa nhà chứa.

Người bắt đầu tản đi. Witchett đang hộ tống tay diễn giả về nhà. Ba cậu Cộng với cậu Do Thái nhỏ cùng về một đường, lại bắt đầu cãi vã về tình đoàn kết vô sản và biện chứng của biện chứng và Trotsky nói gì năm 1917. Cũng như nhau hết, thật thế. Một đêm thật ẩm ướt, thật lặng, thật đen. Đèn đường trông lơ lửng giữa bóng tối như sao, chẳng đủ sáng đường. Đằng xa nghe tiếng tàu điện ì ùng chạy dọc phố chính. […]


after attending a certain talk about a certain favourite topics of today’s facebook generals.