Tôi là một kẻ mắc bệnh tưởng hơi bị nặng.
Nói vậy không có nghĩa là tôi nghĩ mình là dịch giả số một Việt Nam số hai thế giới chỉ đứng sau Thiên Lương, cũng không có nghĩa là tôi phủi tai trước mọi lời phê bình coi như haters gonna hate hate hate; nếu được vậy, than ôi, đời đã dễ sống hơn rất nhiều. Nói vậy chỉ có nghĩa là tôi có thể đồng cảm quá sức với Woody Allen khi ông tường thuật lại “cái lần tôi [Allen] thức giấc lúc 3 giờ sáng, phát hiện trên cổ một cái nốt mà tôi tin chắc là có đầy đủ dấu hiệu của ung thư da… Ngồi ở phòng cấp cứu vào cái giờ ma hờn quỷ khóc ấy trong lúc vợ bên cạnh cố trấn an, tôi đang lần lần đi qua năm giai đoạn khóc thương và chắc đã đến hoặc ‘chối bỏ’ hoặc ‘mặc cả’ thì một bác sĩ trẻ tới liếc tôi bằng con mắt có phần khinh khỉnh và hạ một câu xanh rờn: ‘Vết hôn của ông lành tính.’ ”
(Quý vị cứ cười; sống vậy khổ lắm đó.)
Như vậy cũng có nghĩa là trong mấy chục nghìn nhân dân cả nước ùa về Đà Nẵng nắng vàng biển xanh mùa hè ấy để rồi cuống cuồng chạy về trong những chuyến bay nửa đêm, tôi thuộc nhóm (chắc là) thiểu số nhìn chiếc nhiệt kế chỉ 38oC rồi ở tịt trong phòng cấm cửa cả bạn bè và tự nhủ “có khi mình đã gặp Cô”. Và trở về từ Đà Nẵng, trong khi bạn bè cùng nhóm check-in vào phòng tum, sân thượng, hoặc khăn gói đến nhà đồng đội cùng cảnh ngộ cho qua hai tuần, thì tôi theo chỉ dẫn của y tế phường phóng thẳng đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Có xếp ít quần áo và nhét mấy cuốn sách cần thiết vào máy đọc sách – tôi có đọc báo mà. Hẳn là sẽ “được” giữ lại hai ba ngày chứ ít.
Đã quá giờ làm việc, nhưng phòng tiếp nhận COVID-19 vẫn mở, chưa kịp khôi phục lại vẻ khẩn trương của những ngày tháng 4-5, nhưng vẫn có hộ lý và rồi bác sĩ tiếp tôi, phỏng vấn một lượt, lấy đủ chỉ số. Cầu được ước thấy, tôi được nhập viện: thêm một lượt phỏng vấn từ một bác sĩ mặc đồ bảo hộ trắng kín mít, ngay tối hôm đó tôi đã được trích máu, vét mũi, chụp phổi, không thiếu thứ gì. Sau một ngày rưỡi sống trong sợ hãi, trả lời tin nhắn úy lạo từ một nửa bạn bè và giả vờ như không có gì xảy ra với một nửa bạn bè còn lại, tôi được bác sĩ gọi ra khỏi phòng thông báo kết quả âm tính.
Cầu voi được Hai Bà Trưng: tôi sẽ chuyển tới bệnh viện dã chiến Củ Chi ở cho hết mười bốn ngày, xuất phát sau một tiếng nữa.
Rõ là tôi đọc báo vẫn còn chưa đủ.
(Bài full ở bên phía Zzz Review. Bài viết trong khuôn khổ số tạp chí mini Những câu chuyện cách ly, là những ghi chép của chúng tôi và bạn bè về trải nghiệm cá nhân của mình trong một năm kinh hoàng chung của đất nước và thế giới.)