Tin dữ
Sáng rồi. Hiện thời đêm đã qua. Đã đến thời khắc dành cho tin dữ. Tôi hình dung tin dữ là một con chim khổng lồ, dang đôi cánh của loài quạ với khuôn mặt của giáo viên chủ nhiệm tôi hồi lớp Bốn, búi tóc một nắm, răng hôi xì, mày nhăn môi bĩu đủ cả, lượn vòng quanh trái đất trong màn đêm che giấu, hài lòng được mang đi những tin tức không lành, rổ trứng thối quắp dưới chân, và biết đích xác – khi mặt trời lên – nên thả chúng xuống chỗ nào. Xuống đầu tôi, chẳng hạn.
Ở nhà tôi, tin dữ đến dưới dạng một tờ báo đăng tin dữ. Tig mang nó lên tầng. Tig tên thật là Gilbert. Rất khó giải thích khái niệm tên ở nhà cho những người nói tiếng nước ngoài, dù tôi cũng không mấy khi phải làm thế.
“Chúng vừa giết người đứng đầu hội đồng chấp chính lâm thời,” Tig loan báo. Không phải là anh miễn dịch với tin dữ; hoàn toàn ngược lại. Người anh khẳng khiu, anh ít tích mỡ hơn tôi và vì thế ít sức chứa để hấp thụ nó, đỡ lấy nó, biến phần năng lượng trong đó – và quả là tin dữ chứa rất nhiều ca lo, nó làm tăng huyết áp cơ mà – thành chất liệu bồi bổ cơ thể mình. Tôi làm được, anh thì không. Anh muốn giao đi tin dữ càng nhanh càng tốt – rũ nó khỏi tay, như một củ khoai nóng. Tin dữ làm anh bỏng.
Tôi vẫn còn nằm trong giường. Tôi còn chưa dậy hẳn. Tôi vẫn đang duỗi vai duỗi cẳng. Tôi đang có một buổi sáng sung sướng cho đến lúc này. “Không nói chuyện đó trước bữa sáng,” tôi nói. Tôi không thêm vào, “Anh biết em không đủ sức chịu đựng vào cái giờ tinh mơ thế này mà.” Tôi đã từng thêm vào như thế; hiệu quả của câu đó lúc có lúc không. Sau từng ấy thời gian bên nhau, đầu hai chúng tôi đã nạp đầy những cảnh báo nho nhỏ kiểu ấy, những gợi ý bổ ích về đối tượng kia – thích hay không thích, ưa chuộng hay cấm kỵ. Đừng có nhào đến sau lưng khi anh đang đọc sách. Đừng đụng vào dao bếp của em. Đừng vứt đồ vung vãi. Ai cũng tin rằng người kia phải tôn trọng bộ hướng dẫn sử dụng được kê đi kê lại này, nhưng chúng lại xung khắc nhau: nếu Tig bắt buộc phải tôn trọng nhu cầu tôi được nằm ườn trên giường vô tư lự, vô tin dữ, trước tách cà phê sáng đầu tiên, thì tại sao tôi lại không phải tôn trọng nhu cầu anh thổ cái đại họa ra để chính anh có thể rũ bỏ nó?
“Ồ. Xin lỗi,” anh nói. Anh ném cho tôi một cái nhìn trách cứ. Sao tôi lại phải làm anh thất vọng? Tôi còn không biết rằng nếu anh không nói được tin dữ, cho tôi, lập tức, thì sẽ có thứ tuyến hay bọng tin dữ ứ mật nào đó vỡ tung bên trong anh và anh sẽ mắc chứng viêm màng bụng tâm hồn? Rồi tôi sẽ phải hối hận.
Anh nghĩ phải, tôi sẽ phải hối hận. Sẽ không còn ai cho tôi đọc được tâm trí người ta.
“Em dậy ngay,” tôi nói, hy vọng nghe có vẻ vỗ về. “Em sẽ xuống bây giờ.”
“Ngay” và “bây giờ” không còn hiểu cùng một nghĩa như ngày xưa. Mọi thứ đều mất thời gian hơn trước. Nhưng tôi vẫn còn có thể hoàn thành mọi thủ tục, bỏ váy ban đêm ra, xỏ áo ban ngày vào, thắt mấy cái dây giày, đắp mấy lớp kem mặt, lựa mấy viên vitamin. Người đứng đầu, tôi nghĩ. Hội đồng chấp chính lâm thời. Bị ai giết, chúng. Một năm nữa tôi sẽ không còn nhớ người đứng đầu nào, hội đồng chấp chính nào, chúng nào. Nhưng những nội dung đó tăng cấp số nhân. Lần nào cũng lâm thời, chẳng ai còn đủ sức chấp chính nữa, và chúng thì rất đông, có rất nhiều chúng. Chúng lúc nào cũng muốn giết người đứng đầu. Vì những mục tiêu cao cả, hoặc ít ra chúng nói thế. Những người đứng đầu cũng có mục tiêu cao cả. Những người đứng đầu tắm giữa ánh đèn sân khấu, những kẻ giết đứng trong bóng tối; ghi điểm quá dễ dàng.
Còn những người đứng đầu khác, những người đứng đầu các nước dẫn đầu, như người ta gọi, những người đó không đứng đầu mấy nữa, họ đi vung vẩy khắp nơi; có thể đọc được mắt họ, vành trắng như mắt gia súc đang khiếp sợ. Không thể đứng đầu nếu không ai chịu đứng đằng sau. Dân chúng vung tay lên trời, rồi dẫm lên đuôi họ. Người ta chỉ muốn yên ổn mà sống tiếp. Những người đứng đầu liên tục hô, “Chúng ta cần đội ngũ đứng đầu tài giỏi,” rồi lẻn ra ngoài ngó trộm vào tỷ lệ ủng hộ. Vấn đề là ở tin dữ, tin dữ đến quá nhiều: người ta không chịu nổi.
Nhưng trước kia tin dữ từng đến rồi, mà ta vẫn vượt qua. Đấy là người ta nói thế, về những việc đã xảy ra trước khi họ có trên đời, hay khi họ vẫn còn đang ngậm tí mẹ. Tôi rất ưa phát ngôn này: Ta vẫn vượt qua. Một câu bá láp, khi nói đến một sự kiện mà bản thân người nói không có mặt ở đó, cứ như người ấy đã gia nhập một hội đoàn Ta, gài lên người một cái huy hiệu nhựa Ta lòe loẹt, để được chấp nhận. Dù thế, Ta vẫn vượt qua – thật là sảng khoái. Nó dựng lên hình ảnh một đám mít tinh hoặc hành quân, ngựa chồm lên, quần áo tả tơi lấm láp sau cuộc vây thành hay cuộc đụng độ hay cuộc chiếm đóng của quân thù hay tùng xẻo rồng hay bốn mươi năm dò dẫm qua hoang vu hiểm trở. Sẽ có một người đứng đầu râu dài giương cao ngọn chiến kỳ chỉ thẳng về phía trước. Người đứng đầu sẽ nhận được tin dữ trước. Ông ta sẽ nhận được, sẽ hiểu được, sẽ biết phải làm gì. Tấn công từ mạn sườn! Nhắm thẳng vào họng! Cắp đuôi chạy khỏi Ai Cập! Đại loại như thế.
“Em đâu rồi?” Tig gọi với từ dưới lên. “Cà phê xong rồi.”
“Em đây,” tôi đáp vọng xuống. Chúng tôi rất hay dùng thứ này, máy bộ đàm bằng không khí. Thông tin liên lạc vẫn không rời bỏ chúng tôi – vẫn chưa. Chưa là một âm câm, như chữ h trong từ nghĩa. Đấy là chữ chưa không nghe tiếng. Chúng tôi không phát thành lời.
Đấy là những thì bây giờ đóng khung lấy chúng tôi: thì quá khứ với ngày xưa, thì tương lai với chưa. Chúng tôi sống trong khung cửa nhỏ ở giữa, cái khoảng không gần đây mới được nghĩ đến bằng từ vẫn còn, và thực ra cũng chẳng nhỏ hơn khung cửa sổ của người khác. Đúng là có những thứ nho nhỏ bắt đầu hỏng hóc – cái đầu gối này, cái con mắt kia – nhưng cho tới giờ vẫn chỉ là những thứ nho nhỏ. Chúng tôi vẫn còn sống tốt, miễn là tập trung mỗi lúc một việc. Tôi còn nhớ cái hồi tôi hay trêu đùa con gái, ngày xưa, khi nó còn thiếu niên. Tôi thường giả vờ làm bà già. Tôi đâm nhào vào tường, đánh rơi bát đũa, giả bộ mất trí nhớ. Thế rồi mẹ con cùng cười. Bây giờ thì không phải trò đùa nữa.
Con mèo quá cố của nhà, Đồi Băng, bắt đầu quá trình lão suy mèo năm mười bảy tuổi. Đồi Băng – sao chúng tôi lại đặt tên như thế nhỉ? Còn một con nữa, con này chết trước, tên là Băng Tích. Có hồi chúng tôi nghĩ đấy là ý tưởng hay lắm, đặt tên mèo theo các đặc trưng địa chất băng hà, dù hay ở chỗ nào thì tôi quên mất rồi. Tig nói Đồi Băng đáng ra phải tên là Bãi Thải, nhưng anh mới là người phụ trách đi đổ hộp xỉ.
Ít có khả năng chúng tôi sẽ nuôi mèo nữa. Tôi từng nghĩ – một cách khá yên hòa – khi nào Tig chết đi (vì đàn ông thường chết trước, không phải à?) tôi có thể sẽ kiếm một con mèo khác, cho có bạn. Bây giờ tôi không nghĩ tới khả năng đó nữa. Cho tới lúc đó chắc tôi đã lòa dở, mèo có thể sẽ chạy quẩn giữa hai chân tôi, tôi sẽ giẫm phải nó và ngã gãy cổ.
Mèo Đồi Băng tội nghiệp thường lởn vởn quanh nhà ban đêm, ngoàu lên từng chập bằng một giọng ma quái. Không gì có thể xoa dịu nó: nó đi tìm một thứ nó đánh mất, dù không biết đó là thứ gì. (Mất trí, vấn đề là thế, nếu có thể bảo mèo cũng có lý trí.) Tới sáng chúng tôi sẽ tìm thấy những mẩu vụn cắn ra từ cà chua, hay lê: nó đã quên mình là động vật ăn thịt, nó đã quên nó đáng lý ra cần phải ăn gì. Đấy đã trở thành bức tranh tôi tự hình dung về cái tôi của tương lai: đi lang thang trong nhà giữa đêm, trong áo ngủ màu trắng, hú lên thương tiếc một thứ mình không thật nhớ là đã mất. Thật không chịu nổi. Tôi thường tỉnh dậy lúc nửa đêm và đưa tay ra để biết chắc Tig vẫn còn đó, vẫn còn thở. Cho đến giờ thì chưa sao.
Căn bếp, khi tôi đi vào, sực mùi bánh mì nướng và cà phê: không có gì lạ, Tig vừa mới làm hai món đó. Cái mùi quấn lấy tôi như một tấm chăn, bám lại đó trong lúc tôi ăn bánh mì thật và uống cà phê thật. Còn kia, trên mặt bàn, là tin dữ.
“Tủ lạnh kêu ồn quá,” tôi nói. Chúng tôi không dành đủ chăm sóc cho các vật dụng trong nhà. Cả hai đều không. Gắn trên mặt tủ là tấm ảnh chụp con gái, vài năm trước; nó rọi xuống chúng tôi như một vì sao đang xa dần. Nó đang bận rộn với cuộc đời riêng, ở một nơi khác.
“Xem báo đi,” Tig nói.
Có cả ảnh chụp. Tin dữ có ảnh chụp thì sẽ dữ hơn chăng? Tôi nghĩ thế. Ảnh bắt người ta nhìn, dù muốn hay không muốn. Đây là cái xe cháy rụi, bổ sung vào hàng ngũ đã có, còn bộ khung xương bằng kim loại vặn vẹo. Một cái bóng đã hóa than gập mình bên trong. Trong những tấm ảnh loại đó luôn luôn có đôi giày không chân. Chính đôi giày là thứ làm cho tôi sốc. Buồn lắm, cái công việc hàng ngày vô tư ấy – xỏ giày vào chân, tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ đi đâu đó.
Chúng ta không ai thích tin dữ, nhưng vẫn cần. Chúng ta cần biết vì nhỡ may nó đi ngang đường chúng ta. Bầy hươu tản mát trên đồng, đầu cúi xuống bình yên gặm cỏ. Bỗng guấu guấu – chó hoang từ rừng xổ ra. Đầu dựng lên, tai quặp ra trước. Chuẩn bị chạy! Hoặc đội hình phòng thủ của bò xạ: sói đang đến là tin đưa. Thật nhanh – quây vòng tròn! Phụ nữ và trẻ em vào giữa! Phì hơi và nện móng xuống đất! Chuẩn bị húc thủng ruột kẻ thù!
“Chúng không định ngừng,” Tig nói.
“Lộn xộn quá mức,” tôi nói. “Không biết lực lượng an ninh ở chỗ nào?” Khi Chúa trời cấp phát bộ óc, họ thường nói thế ngày xưa, một số kẻ chúng ta có thể vạch mặt chỉ tên đã đứng cuối hàng.
“Nếu kẻ nào thực sự muốn giết ai, hắn sẽ giết được,” Tig nói. Về mặt đó anh là kẻ theo thuyết định mệnh. Tôi phản bác, và chúng tôi dành mười lăm phút đồng hồ dễ chịu tiếp theo để gọi về những nhân chứng dưới mồ. Anh đề xuất Thái tử Ferdinand và John Kennedy; tôi đưa ra nữ hoàng Victoria (tám âm mưu bất thành) và Joseph Stalin, tránh được ám sát bằng cách tự mình thực hiện, quy mô lớn. Có thời, đây là tranh cãi nghiêm túc. Bây giờ thì đấy là giải trí, cũng như bài gin.
“Chúng mình còn may,” Tig nói. Tôi hiểu ý anh. Ý anh là hai đứa tôi, đang ngồi trong bếp đây, vẫn còn. Cả hai chưa có ai biến mất. Vẫn chưa.
“Ừ, may,” tôi nói. “Cẩn thận bánh – cháy kìa!”
Đấy. Chúng tôi đã xong tin dữ, đã đối mặt với nó, trực diện, và chúng tôi vẫn nguyên lành. Chúng tôi không bị thương, không có máu trào ra khỏi mình, chúng tôi không bị hun khô. Chúng tôi vẫn còn giày ở chân. Mặt trời đang chiếu, chim đang hót, không có lý do gì không cảm thấy vui vẻ. Tin dữ đến từ xa thật xa, hầu như lần nào cũng thế – nổ bom, tràn dầu, diệt chủng, nạn đói, tất cả. Rồi sẽ còn những tin khác, sau này. Bao giờ cũng có. Chúng tôi sẽ lo nghĩ khi nào nó đến sau.
Một vài năm trước – năm nào? – Tig và tôi tới miền Nam nước Pháp, ở một nơi tên là Glanum. Chúng tôi coi như đi du lịch. Đối tượng đi xem thực tế là cái dưỡng trí viện nơi Van Gogh vẽ hoa diên vỹ, chúng tôi đã xem xong. Glanum là một chuyến ăn theo. Đã nhiều năm tôi không hề nghĩ về nó, nhưng giờ tôi lại thấy mình ở đó, khi ấy, ở Glanum, trước khi nó bị hủy diệt vào thế kỷ ba, trước khi nó chỉ còn là một dãy phế tích người ta trả tiền vào ngắm.
Ở Glanum có những dinh thự rộng rãi; có nhà tắm công cộng, có kịch trường, có đền, những thứ nhà người La Mã đi đến đâu dựng đến đấy để được cảm thấy không khí văn minh quê nhà. Glanum rất là dễ chịu; rất nhiều vị tướng lĩnh trong quân đội nghỉ hưu về đây. Thành phố cũng khá đa văn hóa, khá phân biệt: chúng tôi ưa thích của lạ, ưa thích hương vị phương xa, dù không đến mức như ở La Mã. Ở đây chúng tôi hơi tỉnh lẻ. Tuy thế, chúng tôi có thần linh từ khắp nơi lại, ngoài những thần chính thống, tất nhiên. Ví dụ như, chúng tôi có một đền nho nhỏ thờ Cybele, trang trí bằng hai cái tai đại diện cho phần thân thể người ta cắt ra dâng lên thần. Giới đàn ông lấy đó làm đùa cợt: may mắn chỉ mất mỗi tai là xong, họ nói. Làm thằng người mất tai còn hơn không còn là thằng.
Có những nhà Hy Lạp cũ kỹ lẫn vào giữa các nhà La Mã, và vài thói tục Hy Lạp còn vương lại. Người Ken-tơ cũng tới thị trấn; một số mặc áo chùng và áo khoác cũng như dân ở đây, nói tiếng Latinh khá tốt. Quan hệ của họ với chúng tôi khá hòa hảo, vì giờ họ đã bỏ cái tục săn đầu người. Tig đã phải thực hiện một cơ số màn thết đãi, và có lần tôi còn mời cơm tối một thủ lĩnh Ken-tơ. Đấy là một cú giao tế mạo hiểm, dù cũng vừa phải: vị khách này cư xử khá bình thường, và uống say vừa đủ mức chấp nhận được. Tóc ông ta trông buồn cười, đỏ và quăn tít, và ông lại còn đeo cái vòng đồng nghi phục nữa, nhưng ông ta cũng không dữ dằn hơn một số kẻ mà tôi biết, dù ông ta quả cũng lịch thiệp đến phát sợ.
Tôi đang dùng bữa sáng, trong căn phòng tiếp khách có bức bích họa Pomona và các chàng gió Tây. Người họa sĩ chẳng phải là thứ xịn – Pomona hơi lác và có bộ ngực quá cỡ, nhưng đâu có dễ tìm ra thứ xịn ở Glanum. Tôi ăn gì nhỉ? Bánh mì, mật ong, vả khô. Hoa quả tươi chưa đến mùa. Không có cà phê, thật chán; tôi không nghĩ lúc này người ta đã phát minh ra cà phê. Tôi đang uống một ít sữa ngựa đã lên men, tốt cho đường tiêu hóa. Một nô lệ trung thành vừa mang bữa sáng vào, đặt trên khay bạc. Ở cái dinh thự này công việc nô lệ được tiến hành rất tốt: họ đều lặng lẽ, kín đáo, nhanh nhảu. Họ không muốn bị bán, tất nhiên: làm gia nô còn hơn rất nhiều làm việc trong mỏ đá.
Tig đi vào cầm cuộn giấy da. Tig là tên tắt của Tigris, một tên âu yếm đặt cho ông bởi những binh lính ngày trước. Chỉ có vài người thân tín mới gọi ông là Tig. Ông đang cau mày.
“Tin dữ à?” tôi hỏi.
“Bọn mọi rợ đang xâm lược,” ông nói. “Chúng đã vượt sông Rhine.”
“Không nói chuyện đó trước bữa sáng,” tôi nói. Ông biết tôi không thể nói những chuyện nghiêm trọng khi vừa mới ngủ dậy kia mà. Nhưng chắc là nói thế quá đột ngột: tôi thấy mắt ông hẫng lại, tôi nhượng bộ. “Lúc nào mà chúng chả vượt sông Rhine. Vượt đến phát chán rồi cũng nên ấy chứ. Binh sĩ của ta sẽ đánh bại chúng thôi. Trước vẫn vậy mà.”
“Không chắc,” Tig nói. “Lẽ ra không nên cho quá nhiều quân man rợ vào quân đội mình. Không thể tin được chúng.” Bản thân ông đã ở trong quân ngũ rất lâu, nên ông lo lắng nghĩa là có chuyện thật. Mặt khác, quan điểm tóm tắt của ông là La Mã rồi sẽ đi thẳng xuống địa ngục trên xe kéo, và tôi cũng để ý rằng hầu hết các ông về hưu đều cùng ý nghĩ: thế giới trừ đi công sức của họ nói gọn là không thể hoạt động được. Không phải họ thấy mình vô dụng; họ thấy mình không được sử dụng.
“Làm ơn, ngồi xuống đi,” tôi nói. “Em sẽ bảo chúng mang cho anh bánh mì quết mật tuyệt ngon, có vả nữa.” Tig ngồi xuống. Tôi không nói sữa ngựa, dù sữa ngựa tốt cho ông. Ông biết tôi biết rằng ông không thích nó. Ông rất ghét phải nghe kèo nhèo về sức khỏe mình, cái sức khỏe mà gần đây đã ít nhiều trục trặc. Ôi, hãy để mọi chuyện vẫn nguyên như cũ, tôi thầm cầu khẩn ông trong đầu.
“Anh có nghe chưa?” tôi hỏi. “Người ta tìm thấy một cái đầu vừa bị chặt, treo bên cạnh một giếng nguyện Ken-tơ.” Một gã nhân công mỏ đá nào đó đào tẩu vào rừng, dù đã được đe không làm thế, có trời biết. “Anh có nghĩ họ đang quay lại thờ phụng tà giáo không? Dân Ken-tơ ấy?”
“Chúng ghét chúng ta, thực tình,” Tig nói. “Cái tưởng niệm môn kia chẳng làm cho tình hình khá hơn. Thật không biết ngoại giao chút nào: người Ken-tơ đại bại, chân La Mã dẫm trên đầu. Em chưa để ý chúng nhìn xoáy vào cổ mình à? Chúng muốn thọc dao vào lắm đấy. Nhưng giờ thì chúng nhũn rồi, chúng đã quen cảnh xa hoa. Không giống như bọn mọi rợ miền Bắc. Người Ken-tơ biết nếu chúng ta sụp đổ, chúng cũng sụp đổ theo.”
Ông chỉ cắn một miếng vào khoanh bánh mì thơm phức. Rồi ông đứng dậy, sải chân đi quanh nhà. Trông ông có vẻ phấn khích. “Anh đi đến nhà tắm đây,” ông nói. “Nghe tin tức.”
Chuyện vãn và đồn đại, tôi nghĩ. Dấu hiệu, điềm triệu; vết chim bay, bộ lòng cừu. Không ai biết tin tức có phải là thật không cho tới khi nó bổ xuống. Cho tới khi nó ngay giữa đỉnh đầu. Cho tới khi người ta đưa tay ra lúc nửa đêm thấy không còn thở. Cho tới khi người ta hú lên giữa đêm, đi lang thang trong những gian phòng rỗng, trong tấm áo màu trắng.
“Ta sẽ vượt qua,” tôi nói. Tig không nói gì.
Ngày hôm nay đẹp biết bao. Không khí sực mùi xạ hương, vườn cây ăn quả đang trổ hoa. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa gì với quân mọi rợ; ngược lại, chúng rất thích tấn công vào những ngày đẹp trời. Như thế cảnh cướp phá và tàn sát càng thêm rõ nét. Cũng chính những kẻ mọi rợ ấy – tôi nghe đồn – vẫn làm những lồng bằng liễu để nhốt nạn nhân và đem thiêu các lồng ấy dâng lên cho thần thánh chúng. Nhưng đến giờ, chúng vẫn còn xa lắm. Cho dù chúng vượt được sông Rhine, cho dù chúng không bị tiêu diệt hết lớp này đến lớp khác, cho dù không phải dòng sông đỏ lừ vì máu chúng đổ ra, thì cũng phải rất lâu nữa chúng mới tới được đây. Hết đời tôi vẫn không, có thể. Glanum không ở trong vòng nguy hiểm. Vẫn chưa.
____
Source: Margaret Atwood, Moral Disorder and other stories, Emblem, 2009.