Dăm năm trở lại đây, cùng với độ chín (hơn) của tuổi đời cùng với cái tạm gọi là tuổi nghề (mà tôi vẫn rón rén chưa dám nhận đó là nghề-của-mình, vì càng lâu càng cảm thấy mình vẫn là một kẻ tập sự trong nghề cũng như trong ngôn ngữ), tôi dần hình thành một niềm mê tín như thế này: Mỗi quyển sách dịch ra đời đều có số của nó. Nó được để mắt đến lúc nào, rơi vào tay ai, ra đời năm bao nhiêu, dưới dạng thức nào, đấy là do “cả vũ trụ hợp lại” (cọp lời tác phẩm self help quốc dân) để khiến nó trở thành ra như thế. Và vì vậy, có những tác phẩm vĩ đại của nước X mãi mãi không được dịch ở một nước Y nào đó, có những tác phẩm được dịch đi dịch lại nhiều lần, có những tác phẩm xoàng xĩnh ở nước Z nhưng sang nước Q lại thành sao sáng nhờ thời điểm, may mắn, PR, và – điều này là có thể ông giáo ạ – bản dịch lại còn hay hơn bản gốc. Lại có những quyển sách của tác giả tầm cỡ Nobel Booker, người dịch kinh nghiệm, tiếng Việt đẹp, team biên tập xịn, bìa họa sĩ hàng đầu và PR cũng không phải ít, nhưng không hiểu do quá dày lại còn ra cùng lúc với 2666 hay là do cái tên quá ư Truyện trẻ con mà, à mà thôi.
Để giải thích thêm về điều mê tín đó, cũng cần nói qua về tôi trước đó như thế nào [nb: vì bài viết này đăng ở mục Ngắm rốn, nên hẳn bạn đã hình dung được nội dung và phong cách của vạn chữ sau đây]. Khi chân ướt chân ráo bước vào làng dịch mười mấy năm trước, tôi tâm niệm rằng: với mỗi tác phẩm A khi xuất hiện ở ngôn ngữ B, cần một và chỉ một bản dịch definitive. Nếu Genji monogatari có đến bốn bản dịch đủ và gần đủ sang tiếng Anh, đấy là vì những người dịch trước bị hạn chế bởi hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa, chưa kể đến thói quen khó chịu của dịch giả Anh ngữ cứ muốn viết lại hoàn toàn những câu từ Á Đông. Nếu Borges có đến mười mấy (tôi không còn nhớ là bao nhiêu) dịch giả trong tiếng Anh, đấy cũng là vì những lý do tương tự, chưa kể đến những câu chuyện lằng nhằng về bản quyền, lòng tham, và tình yêu sở hữu. Những tác phẩm thế giới chưa được dịch, hoặc chưa được dịch chuẩn (định nghĩa chuẩn như thế nào thì lại là một lon giun khác), thì giờ đây trong thời đại số, khi cánh cửa vào mọi kho tàng tri thức đều mở bung (đấy là tôi tưởng vậy), chỉ cần các dịch giả trẻ vũ trang bằng khả năng IT siêu đẳng, một tình yêu vô bờ với văn chương, một năng lượng không bao giờ cạn, và một bộ kỹ năng dịch đã được khẳng định qua nhiều phép thử sai, là có thể ra một sản phẩm nhằm để lưu giữ vĩnh cửu. Trong đội quân dịch giả trẻ ấy ắt sẽ có tôi, tự tin nhằm kinh điển xông lên, bản thảo nào cũng hoàn thành, chơi chữ nào cũng vượt qua, cối xay gió nào cũng đánh thắng.
Nói chung ngựa non háu đá thì thường có những niềm tin như vậy.
Giai đoạn thứ hai của tôi trùng vào giai đoạn văn học dịch ở Việt Nam (đương đại) bung nở, nhà nhà dịch sách, người người dịch sách, tôi cầm dăm ba đầu sách dịch mãi không xong, nhìn xung quanh mà sốt ruột, nhìn người khác mà hiềm tỵ, nhìn lỗi sai trong sách in mà điên tiết, ngày ngày chỉ trời vạch đất nói ba mươi lần câu “thà đọc bản gốc còn hơn”. Khoảng thời gian đó tôi đọc tiếng Anh nhiều hơn đọc tiếng Việt, tiếng Việt mỗi lần đọc trúng chữ gì không dịch giống như mình muốn là nghiến muốn rụng răng, cảm thấy trên đời này không còn đạo lý gì nữa. Tôi hoàn toàn không nhớ rằng suốt thời tuổi nhỏ tôi đã lớn lên bằng bản dịch – tôi không đọc sáng tác (văn xuôi) của tác giả Việt Nam trước khi vào cấp 1, và chỉ bắt đầu đọc văn học Việt Nam hiện đại (đừng nói đến đương đại) một cách nghiêm túc khi sắp ra trường. Tiếng Việt văn viết của tôi, thật tréo ngoe, được hình thành qua bản dịch. Nhưng khoảng thời gian thứ hai này, như một kẻ vô ơn đích thực, tôi chối từ triệt để sản phẩm của đồng nghiệp tôi, tiền bối tôi.
Để đi từ câu tự an ủi đậm chất AQ Zen “thôi thì mình không thể dịch hết sách trong thiên hạ” sang đến nhận thức đỡ nặng đầu hơn, và thực tình là có lợi hơn “có nhiều kiểu hay và thường kiểu hay của thiên hạ sẽ thú vị hơn kiểu hay của mình” (vì kiểu hay của mình thì mình đã biết từng ấy năm rồi, ngắm rốn mãi cũng phải đến lúc chán) tôi đã phải trưởng thành hơn một chút, hay nói cách khác là phải bị cuộc đời giã giò cho kha khá để tém bớt lại cái tôi phì đại của mình. Giai đoạn thứ ba này, tôi may mắn sao lại được gặp rất nhiều bản dịch tốt của những dịch giả tuyệt vời mà tôi chưa biết rằng có (mà nếu không đọc thì sao biết được, phỏng?), và cũng vấp phải những vấn đề trong khi dịch không thể giải quyết được nếu chỉ loanh quanh trong vốn từ/kinh nghiệm/bộ kỹ năng mà tôi đã một thời từng rất tự đắc của mình, khiến tôi phải lao ra ngoài, đọc thêm, học thêm, tìm hiểu thêm nữa (và mua thêm vài tủ sách, mà giờ đã lại chật rồi). Tất nhiên càng đọc cái tôi càng teo lại bé tí, nhưng/nên độ linh động lại cao lên mấy tầng, và rốt cuộc đến một lúc nhận ra nếu từ chối tất cả các thứ, thì người thiệt chỉ là mình. (Còn dĩ nhiên cái gì tôi không mê thì tôi vẫn không mê.)
Điều duy nhất tôi vẫn giữ vững qua các giai đoạn đấy, và củng cố hơn, đấy là định hướng của tôi về việc dịch: cái đích để vươn tới (đã sửa từ “tiêu chí” hay “đòi hỏi” hay “không được thì đừng có làm!”) là cố gắng sao cho giống về văn phong đối với bản gốc hết mức có thể/trong phạm vi khả năng của mình. (Việc dịch sao cho chuẩn, đúng ý thì là dĩ nhiên.) Tôi nghĩ văn phong là phần duy nhất, khi đã ngồi vào bàn với một dự án dịch văn học cụ thể (tức là sau tất cả những câu hỏi có nhận hay là không, dành cho nó một tháng hay mười năm, đòi một cái giá cắt cổ hay là làm vì tình iêuuuu), khiến cho người dịch này khác với người dịch kia, khiến cho từng người dịch chứng tỏ triết lý dịch, mức độ cẩn thận, trình độ ngôn ngữ, cá tính… của mình. Tất cả những yếu tố khác – nhân vật, cốt truyện, cấu trúc, người kể chuyện bất khả tín – trừ phi kiểm duyệt yêu cầu cắt sạch một câu hay một đoạn hay một chương, nói chung đều không nằm trong tầm kiểm soát của người dịch. Thứ duy nhất người dịch kiểm soát được, thứ duy nhất khiến họ cảm thấy “mình” có ý nghĩa, đấy là văn phong; còn lại thì chỉ đơn thuần là ngồi gõ ra cho đủ số chữ mà thôi.
(Ở đây lại phải chua rõ cosplay Stevens rằng tôi nghĩ (1) nói chung, văn phong là phần duy nhất làm nên người dịch, (2) cách “làm nên” cá nhân tôi là cố gắng đưa ra một văn phong gần với bản gốc; một người dịch khác có thể có triết lý dịch khác, cần cập nhật ngôn ngữ cho thích hợp với thời đại, cần sửa ngôn ngữ Anh Anh khi bán cho thị trường Anh Mỹ, cần tém bớt những câu tục tĩu để cuốn sách dễ nuốt hơn với đại chúng, hoặc tác giả viết chán vãi để tôi viết lại từ đầu hay hơn bao nhiêu, thì đấy là lựa chọn của trường hợp cá thể đó, nhưng không mâu thuẫn với (1). (Ở đây cũng lại mở ra câu hỏi “người dịch” mà chúng ta nói tới có bao nhiêu phần là “người trực tiếp bắt tay vào dịch và đứng tên trên bìa sách”, còn bao nhiêu phần là những dòng chảy ngầm của biên tập viên, nhà xuất bản, cơ quan quản lý, thị trường…, nhưng đây là một cái lon giun khác mà tôi sẽ không đi vào lúc này. Có lẽ với hầu hết sản phẩm dịch ở dạng khi đã ra mắt độc giả, nói về “bản dịch” sẽ an toàn hơn là nói về “người dịch”, nhưng vì bài viết này tôi đi từ khía cạnh performative của một trải nghiệm cá nhân, nên thôi cứ tạm dùng chữ “người dịch” vậy.))
Trong hội thảo về dịch tổ chức ở Viện Goethe hồi tháng 11/2020, mà hy vọng các tham luận sẽ xuất hiện trong số Zzz Review về văn học dịch sắp tới, dịch giả Đăng Thư ví việc dịch với diễn tấu một bản nhạc: cùng nhìn vào một bản nhạc giống nhau, mỗi nhạc công cổ điển sẽ chơi theo cách riêng của mình, dĩ nhiên không phải thành rock hoặc rap Việt (như vậy thì là chuyển thể chứ không còn là dịch), nhưng sẽ có cách thể hiện mang đặc trưng riêng. Còn tôi, tôi luôn nghĩ người dịch giống như một diễn viên, phải diễn thế nào trong từng câu chữ để ra được “vai” tác phẩm càng giống như ý định của tác giả càng tốt. Nếu muốn được đánh giá cao về diễn xuất, người dịch phải cố gắng diễn hợp với nhiều kiểu vai khác nhau. Mỗi tác giả có một phong cách khác nhau, cần phải diễn cho ra cái hồn của vai đó. Chưa kể, mỗi tác giả trong từng tác phẩm cũng đã làm diễn viên cho các nhân vật khác nhau (nếu cầu kỳ, như Lincoln ở cõi trung ấm, với 166 con người ma, thì thật là một sự khổ cho dịch giả). Người dịch vì vậy còn phải là diễn-viên-bình-phương nữa.
Từ đó mà tôi đi đến ý nghĩ hiện tại: mỗi quyển sách dịch đều có số của nó, cũng như mỗi bộ phim chuyển thể vậy. Đôi khi bạn nghe tin cuốn sách gối đầu giường của bạn sắp được lên màn ảnh, và bạn đã vẽ ra trong đầu một dàn cast trong mơ. Sau đó hãng phim công bố dàn cast ngoài mơ, và bạn nhảy nhổm, giơ nắm đấm, lên facebook khóc lóc tẩy chay, và (nếu bạn không quá cực đoan) đến ngày ra rạp thì đi xem trong hậm hực. Sau đó có thể là một trong các trường hợp: bạn phát hiện ra diễn viên này quá tuyệt đi, cứ như sinh ra để cho vai đó, dù không phải như bạn tưởng tượng. Thời nắng lịm của Hoàng Đăng Lãnh dịch có một “mùi” khác hẳn với bản tiếng Anh mà tôi đã đọc, nhưng bác đã đem cả cuộc sống của mình trong hai phiên bản chủ nghĩa xã hội (Việt Nam và Đông Đức) để làm thành một bản dịch nghe cứ như Nguyễn Khải kể chuyện quê ta. Hoặc bạn phát hiện ra diễn viên này tạo ra một nhân vật riêng, không giống gì với tưởng tượng của bạn và của hầu hết các nhà phê bình trước đó, nhưng lại là một khám phá mới cho bạn thấy một chiều sâu mới của nhân vật chưa từng nhận thấy. Hoặc ngược lại, có khi bạn thấy một diễn viên gạo cội đã từng Oscar ở nhiều vai khác, nhưng thử sức ở vai mới này lại chưa thật thành công. (Tôi cũng định dẫn ví dụ ở đây nhưng khen dễ chê khó (đối với tôi), nên thôi.) Nhưng dù bạn thích thú hay khóc lóc, phim cũng đã ra rồi. Có thể hai mươi năm sau người ta sẽ làm lại bộ khác, nhưng diễn viên trong mơ của bạn đã hết thời xuân sắc. (Và có thể thứ bạn ghét thì vẫn có người mê! Và ngược lại. Chẳng hạn tôi nghĩ tôi có thể xem lại thêm chục lần nữa Cats (the movie) dù đã xem chắc phải trăm lần Cats (the musical).) Nhưng tất nhiên diễn viên cũng chỉ là một phần làm nên thành công (hoặc không) của bộ phim. Với hầu hết các cuốn sách, có thể nội dung và thông điệp và cấu trúc và quà tặng kèm có chữ ký tươi của tác giả ở tận bển ship về đã là đủ mạnh để giao vào tay người dịch nào cũng được tiếp nhận không khác nhau lắm. Với một số cuốn sách khác, phong cách lại là thế mạnh duy nhất của nó. Với một cuốn sách khác nữa, phong cách là một phần quan trọng làm nên danh tiếng của nó ở ngôn ngữ gốc, nhưng dù bản dịch có lệch đi khỏi đó, nó vẫn được chấp nhận trong tấm áo mới (vì đằng nào, nói thật, người đọc cũng không bao giờ tiếp nhận được một trăm phần trăm tác phẩm, kể cả mỗi năm bạn bưng cuốn Truyện Kiều của Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra đọc từ đầu đến đuôi). Tất cả đó là số của nó.
Đấy là từ phía cuốn sách. Từ phía người dịch, điều này còn đúng hơn nữa: đời người dịch thì ngắn mà sách thì dài, và trừ phi bạn có vô tận tiền nong và vô tận thời gian (ie. sách không có bản quyền và không có nhà nào khác đang thập thò ra, hoặc bạn chỉ dịch chơi đăng blog để đám bán chữ lấy tiền hiểu được rằng sản phẩm của đam mê là nó phải như thế) thì bạn chỉ có một giai đoạn hết sức ngắn ngủi (và lòng kiên nhẫn của người nắm bản quyền hết sức ít ỏi) để ra một sản phẩm sẽ được lưu lại ít nhất cho đến khi… có thể nói là cho đến vĩnh viễn, vì tỷ lệ bản dịch được trao lại cho dịch giả để đại tu như Sông Đông êm đềm hay Ruồi trâu (hay Chuyện người Tùy nữ của tôi) là rất ít. Vì vậy, có khi bạn quá trẻ và chưa đủ vốn từ để giải quyết một bản gốc dùng toàn những từ moi ra từ những trang chưa hề quăn mép của Từ Hải hoặc OED, hoặc có khi bạn đã quá già không thể diễn đạt nổi câu chuyện tình yêu năm 202x bằng giọng thế hệ Tik Tok, hoặc năm năm sau bạn bắt đầu học tiếng Nhật và phát hiện ra bản tiếng Anh bạn đã dùng để dịch lúc trước hiểu sai bét, hoặc bạn gặp công việc đột xuất và đành bỏ ngang một dự án dịch mà ban đầu bạn ôm mộng để đời sẽ đạt giải thưởng dịch của Zzz Review (giả sử thế thôi chứ giờ chúng tôi chưa có). Đấy cũng là số của nó. Và người dịch bước vào mỗi cuốn sách dịch có phần run rẩy vì đây gần như là cơ hội duy nhất để làm nên một sản phẩm mà, nếu không được đón nhận tốt, có thể đặt dấu chấm hết cho một cuốn sách, một tác giả, một sự nghiệp dịch.
(Bài full ở bên phía Zzz Blog. Dài vch a.)