Elias Khoury, Cổng Mặt Trời (trích)

Cổng Mặt Trời, hay Bab al-Shams, 1998, là cuốn tiểu thuyết dài nhất trong sự nghiệp cho tới nay của Elias Khoury, tiểu thuyết gia, nhà báo, trí thức người Lebanon. Là một bản sử thi về số phận của nước Palestine, người Palestine trong nửa thập kỷ từ cuộc Nakbah năm 1948, khi xứ Palestine ngừng tồn tại, những ngôi làng Palestine biến mất trên bản đồ cũng như trên mặt đất, những ngôi nhà bỏ hoang để người Israel mới đến dọn vào, hơn tám mươi phần trăm dân số Palestine trở thành không nhà, vất vưởng trong những trại tỵ nạn đã trở thành nơi sinh ra lớn lên cho bao nhiêu thế hệ mới của họ, Cổng Mặt Trời đã nhận được nhiều lời khen trong đó có cả của Edward Said, và được ví với tác phẩm của Mahmoud Darwish, nhà thơ dân tộc Palestine.

Trong cái khung lời tâm sự của viên bác sĩ trong trại tỵ nạn với một chiến sĩ vì tự do đã thành huyền thoại, cuốn sách tích hợp 200+ “câu chuyện” kể lại bởi 40+ trong tổng số 220+ nhân vật được nêu tên, giống như một cuốn Nghìn lẻ một đêm thời hiện đại. Những câu chuyện xảy ra từ thập niên 1920 đến tận thời hiện tại trong tác phẩm ấy vừa cộng hưởng vừa mâu thuẫn, dệt lại thành một lời chứng chung, một bản sử truyền miệng của một dân tộc chưa hề có sử và thậm chí chưa được công nhận rộng rãi là dân tộc, chỉ có thể gìn giữ ký ức của mình bằng con đường truyền miệng ở những nơi rất xa quê hương tuyệt không còn có thể quay về. Nhưng những câu chuyện ấy, khi ở trại tỵ nạn nghèo và khổ, khi ở hang núi du kích, khi đấu tranh trên trường quốc tế, khi trở về làng cũ gặp những người Israel mới và giật mình nhận ra, “kẻ thù” của mình cũng mang một khuôn mặt con người, không đơn thuần khát máu hay kể khổ; giữa những câu chuyện ấy là những suy tư phức tạp thế nào là ký ức, thế nào là di sản, thế nào là dân tộc, và làm sao để hận thù và chiến đấu trong khi ta vẫn phải sống và yêu.

Tác giả Elias Khoury đã từng tham gia chiến đấu trong PLO thời trẻ trước khi quay lại con đường học thuật và giành tiến sĩ ở Đại học Paris. Ông từng làm chủ bút nhiều tờ báo, viết rất nhiều tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng châu Âu cũng như Hebrew, và giảng dạy ở nhiều trường đại học châu Âu và Mỹ cũng như quê nhà Lebanon. Cổng Mặt Trời được đạo diễn Ai Cập Yousry Nasrallah dựng thành phim năm 2003.

Phần dưới đây dịch từ bản dịch tiếng Anh Gate of the Sun của Humphrey Davies, Archipelago Books 2006. 10 năm trước tôi có gạ NXB Trẻ quyển này, biên tập viên thích nhưng nhà xuất bản ngại không bán được, thôi thì đăng Zzz vậy. (bên phía Zzz Blog)

Ghassan Kanafani, رجال في الشمس

Ghassan Kanafani, born in 1936, exiled from the Nakba 1948, an important figure of the Popular Front for the Liberation of Palestine, was a nationalist and Marxist writer. He was one of the first authors to bring occupied Palestine into his writings and a modernizing force of Palestinian literature. He died in 1972 in Beirut from a car bomb.

Rijāl fīsh-Shams, a novella published in 1963 and set in 1958 amid the Kuwait oil boom, is his most well-known work worldwide. A movie adaptation was made by Egyptian director Tawfiq Saleh in 1973. This translation is based on Hilary Kilpatrick’s version in Men in the Sun and other Palestinian Stories, Three Continents Press 1998.


NGƯỜI ĐI TRONG NẮNG

ABU QAIS

Abu Qais ngồi nghỉ trên nền đất ẩm, và mặt đất bắt đầu đập bên dưới bác, những nhịp đập mệt mỏi, run rẩy thấm qua lớp cát rồi nhập vào từng tế bào trong người bác. Kể từ lần đầu và sau đó cứ mỗi lần vật người áp mình xuống đất, bác đều cảm thấy nhịp đập ấy như trái tim quả đất đã tìm đường từ nhiều tầng địa ngục lên gặp nắng trời. Một lần bác kể vậy với ông hàng xóm, người chung ruộng trên mảnh đất bác đã rời bỏ mười năm trước, và người kia nhạo báng đáp:

“Đấy chỉ là tiếng tim ông đập thôi. Ông nằm áp người xuống đất thì sẽ nghe thấy nó chứ gì.”

Vớ vẩn và độc ác thế đấy! Còn mùi thì sao? Còn cái mùi mỗi hơi thở lại xộc vào đầu bác rồi tràn xuống từng mạch máu. Mỗi lần nằm trên đất hít cái mùi ấy, bác lại tưởng như là mùi tóc vợ khi bác gái vừa tắm xong, khi vừa xả tóc bằng nước lạnh. Đúng cái mùi ấy, mùi người đàn bà vừa tắm nước lạnh và phủ mái tóc ướt còn ẩm lên mặt bác. Đúng nhịp đập ấy, như con chim nhỏ nâng niu ủ ấp trong hai bàn tay.

Mặt đất ẩm chắc hẳn là do mưa hôm qua, bác nghĩ. Không phải, hôm qua đâu có mưa. Bây giờ lấy đâu ra mưa nữa, trời chỉ còn đổ nóng ngột ngạt và bụi mù thôi. Mày quên là mình đang ở đâu rồi hử? Mày quên rồi sao?

Bác lật người nằm ngửa, lấy tay làm gối. Mắt nhìn sững lên trời cao. Nắng lóa mắt, tít trên cao có con chim đen lẻ loi đang lượn vòng, vô phương hướng. Không hiểu sao lòng bác bỗng ngập tràn cay đắng phải làm kẻ lạ nơi này, và thoáng chốc bác nghĩ mình sắp khóc. Không, hôm qua không mưa. Bây giờ đã là tháng tám. Mày quên rồi sao? Hàng dặm đường hối hả qua vực không, cõi vô tận đen hun hút. Mày quên rồi ư? Con chim vẫn lượn vòng một mình như điểm đen giữa nền sáng lóa trải ra bên trên. Đang là tháng tám. Vậy sao mặt đất ẩm ướt thế này? Đấy là dòng Shatt. Mày không thấy nó đang trải ra hút tầm mắt bên mình hay sao?

“Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau, chúng hòa thành sông Shatt al-Arab, chảy từ trên Basra[1] cho đến…”

Ustaz Selim, một ông già gầy gò tóc bạc, đang cất giọng oang oang nhắc lại câu đó cả chục lần cho chú nhỏ đứng cạnh bảng, khi bác đang băng ngang trường làng. Thế là bác đứng lên một tảng đá nghe trộm qua cửa sổ. Ustaz Selim đang đứng trước cậu trò nhỏ, quát tướng lên còn tay thì lắc cây gậy mảnh:

“Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau…”

Cậu bé lo lắng phát run, còn bọn trẻ trong lớp lên tiếng cười rộ. Abu Qais thò tay gõ nhẹ vào đầu một đứa. Thằng bé nhướng mắt nhìn bác đang thập thò ngoài cửa sổ.

“Cái gì đấy?”

Thằng bé cười đáp thì thào:

“Nó là thằng ngốc!”

Bác lùi lại, xuống khỏi hòn đá và đi tiếp, giọng Ustaz Selim vẫn đuổi theo đằng sau: “Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau…”

___

(Phần còn lại đã được dời qua Zzz Blog; font bên ấy đẹp hơn.)